 |
Một sĩ quan Ca-na-đa đang giảng bài cho các binh sĩ Áp-ga-ni-xtan tại một căn cứ ở Ca-bun hồi tháng 8-2011. Ảnh: Theglobalandmail.com |
QĐND - Ca-na-đa đang chịu áp lực để tiếp tục duy trì sự hiện diện quân sự ở Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 và áp lực này có thể sẽ càng tăng mạnh khi các nhà lãnh đạo các nước NATO gặp nhau tại Hội nghị thượng đỉnh NATO, dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 21-5 tại Chi-ca-gô (Mỹ).
Ca-na-đa đang chịu sức ép mở rộng nhiệm vụ quân sự ở Áp-ga-ni-xtan bởi lẽ mới đây Mỹ đã đưa ra kế hoạch để lại hàng nghìn binh sĩ trong lực lượng đặc biệt ở Áp-ga-ni-xtan sau năm 2014 nhằm thực hiện hai nhiệm vụ: Đào tạo binh lính cho Áp-ga-ni-xtan và săn lùng các chỉ huy quân nổi dậy, đồng thời Mỹ đề nghị Ô-xtrây-li-a và Ca-na-đa đóng góp các lực lượng đặc biệt tham gia hai nhiệm vụ trên.
Theo kế hoạch của Lầu Năm Góc, binh lính thuộc trung đoàn đặc nhiệm của Ca-na-đa sẽ cùng lực lượng đặc biệt của quân đội Mỹ đào tạo cho lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan. Ngoài ra, lực lượng chống khủng bố của Ca-na-đa (JTF2) sẽ phối hợp với các lực lượng chống khủng bố của Mỹ trong việc săn lùng thủ lĩnh của quân nổi dậy ở Áp-ga-ni-xtan. Trong quá khứ, JTF2 cũng đã làm việc cùng với các lực lượng Mỹ trong nhiều nhiệm vụ tương tự. Các quan chức Mỹ cho rằng, quân đội Ca-na-đa có kỹ năng cao, thêm vào đó, lực lượng an ninh của Áp-ga-ni-xtan chưa đủ khả năng tự đối phó với các nhóm nổi dậy.
Trong khi đó, Chính phủ bảo thủ ở Ca-na-đa đã xác định rõ ràng vai trò không tham chiến của lực lượng Ca-na-đa cho đến năm 2014. Chính phủ Ca-na-đa đã cam kết để lại 900 binh sĩ, bao gồm cả lực lượng đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ ở Áp-ga-ni-xtan. Các binh sĩ này sẽ chỉ thực hiện nhiệm vụ đào tạo tại các căn cứ mà không tham chiến. Hiện nay, quân đồn trú ở 15 doanh trại tại Ma-dơ-e Sa-ríp, Hê-rát và Ca-bun đang phục vụ như là các cố vấn cho Quân đội quốc gia Không quân và Cảnh sát quốc gia Áp-ga-ni-xtan. Ca-na-đa và các nước trong NATO hy vọng đến năm 2014 sẽ hỗ trợ quốc gia Nam Á này đào tạo 350 nghìn binh sĩ và cảnh sát. Tuy nhiên, mục tiêu này đang gặp trở ngại khi tỷ lệ đào ngũ trong lực lượng Áp-ga-ni-xtan quá cao.
Với lời đề nghị lần này của Mỹ, Ca-na-đa đang lâm vào thế khó, bởi lẽ, nếu không đồng ý với đề nghị của Lầu Năm Góc, đây sẽ là diễn biến mới nhất trong cam kết được thay đổi liên tục của nước này. Ban đầu, Thủ tướng Ca-na-đa Xtê-phen Ha-pơ (Stephen Harper) cho biết, Ca-na-đa sẽ không “rút chạy một cách hèn nhát” khỏi Áp-ga-ni-xtan và sẽ ở lại cho đến khi mọi nhiệm vụ được hoàn tất. Nhưng điều đó đã thay đổi vào mùa thu năm 2009 khi ông Ha-pơ khẳng định một cách kiên quyết rằng mọi nhiệm vụ của quân đội Ca-na-đa tại Áp-ga-ni-xtan sẽ kết thúc vào năm 2011. Tháng 1-2010, ông Ha-pơ lại đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ rằng, Ca-na-đa sẽ không thực hiện thêm bất kỳ một hoạt động quân sự nào tại Áp-ga-ni-xtan, ngoại trừ việc bảo vệ Đại sứ quán của nước này. Tuy nhiên, sau đó, ông Ha-pơ lại có một quyết định ngược lại, cam kết mở rộng nhiệm vụ của quân đội Ca-na-đa trong sứ mệnh đào tạo mới ở Ca-bun và các nơi khác của Áp-ga-ni-xtan trong năm 2011. Bộ trưởng Quốc phòng Ca-na-đa, ông Pi-tơ Mác Cây (Piter MacKay) cho biết, nhiệm vụ đào tạo này sẽ kết thúc vào tháng 3-2014 và tất cả các kế hoạch khác cũng sẽ được kết thúc.
Rõ ràng, Ca-na-đa đang bị vào tình thế khó xử trước khi phải đưa ra quan điểm của mình tại Hội nghị thượng đỉnh NATO tới đây.
Phương Linh