Hãng chế tạo hàng không Mỹ Boeing tuyên bố sẵn sàng cho phép Brazil được tiếp cận sâu vào công nghệ chế tạo chiến đấu cơ hải quân F/A-18E/F Super Hornet, đó là thông tin được tuần báo Aviation Week đăng tải...
QĐND Online - Hãng chế tạo hàng không Mỹ Boeing tuyên bố sẵn sàng cho phép Brazil được tiếp cận sâu vào công nghệ chế tạo chiến đấu cơ hải quân F/A-18E/F Super Hornet, đó là thông tin được tuần báo Aviation Week đăng tải. Theo lời lãnh đạo dự án máy bay Super Hornet, Mike Gibbons, Brazil sẽ được phép tham gia chế tạo nhiều bộ phận của chiến đấu cơ F/A-18E/F và các dự án phát triển trong tương lai của hãng Boeing.
Động thái nói trên của hãng Boeing là để vận động hành lang cho khả năng thắng thầu của dòng máy bay chiến đấu Super Hornet tại gói thầu tìm mua 36 chiến đấu cơ mới F-X2 của không quân Brazil. Hiện tại, không quân Brazil đang "chấm" chiến đấu cơ Rafale của hãng Dassault (Pháp). Mới đây, Pháp đã đề nghị cung cấp nhiều công nghệ liên quan của máy bay Rafale cho Brazil, nếu dòng máy bay này trúng thầu.
 |
Chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet. Ảnh minh họa.
|
Sau chiến thắng của Rafale tại gói thầu MMRCA tại Ấn Độ, Brazil đã vài lần viếng thăm nước này và đề nghị chia sẻ kết quả tham gia đấu thầu MMRCA của Rafale. Sau khi cân nhắc các kết quả đánh giá nói trên, Brazil đã quyết định chọn Rafale.
Boeing và Dassault đang có một cuộc cạnh tranh ngầm ở Brazil. Cuối tháng 6-2012, Boeing và công ty Embraer (Brazil) đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển máy bay vận tải-tiếp liệu trên không KC-390. Theo thỏa thuận này, phía Brazil cũng được chia sẻ nhiều công nghệ hàng không tiên tiến.
Trước đó, tháng 4-2012, Boeing và Embraer đã ký thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hàng không, trong đó có hàng không quân sự. Theo tạp chí quân sự Janes, đây là bước tiến quan trọng cho khả năng chiến thắng của chiến đấu cơ Super Hornet tại Brazil.
Chính phủ Brazil mở gói thầu F-X2 từ năm 2009. Với tổng trị giá gói thầu đạt tới 12,4 tỷ USD, ngoài chiến đấu cơ F/A-18E/F và Rafale, tham gia gói thầu F-X2 còn có chiến đấu cơ JAS-39 Gripen của hãng Saab (Thụy Điển), F-16 Block-60 Fighting Falcon của hãng Lockheed Martin và Su-35 của Sukhoi (Nga).
Tuấn Sơn (theo Lenta)