QĐND - Bộ tư lệnh Tàu ngầm Hàn Quốc chỉ huy tất cả các hoạt động có liên quan đến tàu ngầm, từ triển khai đến huấn luyện, bảo dưỡng và hỗ trợ hậu cần, đã chính thức được thành lập hồi đầu tháng 2-2015. Kế hoạch này được xem như một phần trong nỗ lực không ngừng của Hàn Quốc để củng cố khả năng sẵn sàng chiến đấu dưới nước.

Như vậy, Hàn Quốc đã trở thành nước thứ 6 trên thế giới có Bộ tư lệnh Tàu ngầm, sau Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Anh và Ấn Độ. Theo Hải quân Hàn Quốc, cùng với sự ra đời của Bộ tư lệnh Tàu ngầm, hoạt động tác chiến dưới nước của Hàn Quốc xung quanh Bán đảo Triều Tiên dự kiến sẽ hiệu quả hơn.

Hải quân Hàn Quốc tổ chức lễ thành lập Bộ tư lệnh Tàu ngầm. Ảnh: Yonhap

Đã có thời kỳ, Hàn Quốc không có khả năng chống lại một cuộc tấn công bằng tàu ngầm từ đối phương. Trong một thời gian rất dài, họ phải phụ thuộc vào Mỹ trong lĩnh vực này. Tới năm 1992, Hàn Quốc mới bắt đầu phát triển tàu ngầm, nhưng lực lượng này đã phát triển rất nhanh. Từ chiếc tàu ngầm đầu tiên này, Hàn Quốc đã có những tiến bộ vượt bậc trong phát triển tàu ngầm. Không chỉ dừng lại ở đó, Hàn Quốc đã bắt đầu xuất khẩu tàu ngầm và trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Á xuất khẩu tàu ngầm.

Được biết, Bộ tư lệnh Tàu ngầm Hàn Quốc sẽ thực hiện các nhiệm vụ như bảo vệ tuyến đường hàng hải, duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, tấn công các mục tiêu cốt lõi của kẻ thù trong thời chiến. Ngoài ra, sau khi xây dựng xong cảng tổng hợp ở Che-chu trong năm 2015, Hải quân Hàn Quốc sẽ triển khai tàu ngầm ở Che-chu.

Theo Đài Tiếng nói nước Nga, quyết định xây dựng Bộ chỉ huy chuyên môn lực lượng dưới mặt nước xem ra tương đối hợp logic, vì muốn lãnh đạo tàu ngầm với số lượng nhiều như vậy, thực sự cần một bộ chỉ huy chuyên môn. Nhưng sau đó đã nảy sinh một vấn đề: Hạm đội dưới mặt nước Hàn Quốc tại sao tăng mạnh như vậy?

Lực lượng dưới mặt nước Hàn Quốc mở rộng nhanh chóng không chỉ vì tiềm lực quân sự của Triều Tiên. Trước hết, để chiến đấu với tàu ngầm của Triều Tiên, không cần thiết xây dựng một hạm đội dưới mặt nước có số lượng nhiều như vậy. Kinh nghiệm cho thấy, tàu mặt nước có thể thực hiện hiệu quả nhiệm vụ săn ngầm, trong khi đó, quân đội Hàn Quốc trang bị đủ số lượng tàu mặt  nước. Thứ hai, nhiệm vụ chủ yếu của tàu ngầm là hành động ở tuyến đường giao thông trên biển của đối phương. Trong trường hợp với Triều Tiên, điều này không có ý nghĩa do Bình Nhưỡng hầu như không có tàu thương mại.

Yonhap ngày 12-2 đưa tin, Hàn Quốc đang triển khai kế hoạch nâng cấp toàn diện trang bị và khả năng chiến đấu của các hạm đội tàu ngầm. Động thái trên của Hàn Quốc diễn ra khi mới đây Triều Tiên công khai những nỗ lực tăng cường sức mạnh hải quân bằng cách phát triển các tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo (SLBM) và lớp tàu mới siêu mỏng, tốc độ cao “Very Slender Vessel” (VSV). Xơ-un cho rằng, loại tàu VSV này được phát triển với mục đích xâm nhập biên giới biển liên Triều và nhanh chóng chiếm các đảo của Hàn Quốc gần biên giới trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Một sĩ quan hải quân Hàn Quốc giấu tên cho biết, kế hoạch nâng cấp này không chỉ để đối phó với Triều Tiên mà còn cả các nước láng giềng. Có thể hiểu đó là ám chỉ đến Nhật Bản và Trung Quốc, hai quốc gia đều đang có tranh chấp chủ quyền đảo và một số bãi đá trên biển với Hàn Quốc.

Hiện nay, Hải quân Hàn Quốc sở hữu 13 tàu ngầm, trong đó có 9 tàu ngầm lớp 209 (1.200 tấn), 4 tàu ngầm lớp 214 (1.800 tấn). Hải quân Hàn Quốc có kế hoạch đến năm 2018 tăng tàu ngầm lớp 214 lên 9 chiếc, lúc đó sẽ sở hữu tổng cộng 18 chiếc tàu ngầm. Hải quân Hàn Quốc còn có kế hoạch chế tạo 9 tàu ngầm lớp 3000 tấn, có thể lắp thiết bị bắn thẳng đứng và tên lửa đạn đạo sau năm 2020. Sau khi tàu ngầm lớp này đi vào hoạt động, tàu ngầm lớp 209 sẽ từng bước đào thải. Tuổi thọ của tàu ngầm thông thường khoảng 30 năm.

Theo các chuyên gia, quan hệ giữa Hàn Quốc-Nhật Bản là rất mâu thuẫn: Một mặt, Nhật Bản và Hàn Quốc tích cực triển khai hợp tác công nghệ cao, đầu tư và thương mại đều đang phát triển. Mặt khác, Nhật Bản và Hàn Quốc rất quan tâm đến tranh chấp chưa được giải quyết xung quanh đảo Đốc-đô (Nhật Bản gọi là Ta-kê-si-ma). Hơn nữa, Nhật Bản và Hàn Quốc thường xuyên xảy ra tranh cãi về sự kiện lịch sử trong thế kỷ 20. Trong khi đó, quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc về tổng thể xem ra không tồi. Nhưng, Hàn Quốc cũng không ít lần thể hiện sự lo ngại đối với quá trình tăng cường sức mạnh quân sự và công nghiệp của Trung Quốc. Như vậy, đã có thể lý giải tại sao quân đội Hàn Quốc tăng cường sức mạnh của lực lượng tàu ngầm.

NGỌC HÀ