QĐND - Sức mạnh quân sự, đặc biệt là tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên lâu nay vẫn luôn là một mã số khó giải. Vụ thử hạt nhân thứ ba mà Bình Nhưỡng công bố đã thực hiện thành công vào ngày 12-2 vừa qua càng làm gia tăng những đồn đoán về sức mạnh thực sự của Triều Tiên cũng như những bước tiến mà quốc gia đầy bí ẩn này đã đạt được trên con đường sản xuất một vũ khí hạt nhân đủ sức tấn công trực tiếp vào Mỹ và các đồng minh của Oa-sinh-tơn.

Tên lửa của Triều Tiên trong cuộc duyệt binh tại Bình Nhưỡng vào tháng 4-2012. Ảnh: KCNA

 

Về vụ thử hạt nhân thứ ba

Trong khi Triều Tiên ăn mừng vụ thử hạt nhân thứ ba của mình bằng một lễ mít tinh hoành tráng tại quảng trường Kim Nhật Thành ở trung tâm thủ đô Bình Nhưỡng với sự tham dự của khoảng 100.000 người, giới chức tình báo, quân sự của Mỹ và một số nước châu Á dường như lại phải đau đầu với công tác thu thập dữ liệu nhằm xác định thực hư vụ thử từng bị nhiều nước phản đối dữ dội này.

Triều Tiên trước sau chỉ tiết lộ rằng, vụ thử thứ ba của họ được tiến hành trên cơ sở sử dụng một thiết bị mạnh hơn, tối tân hơn những thiết bị được dùng trong hai lần thử trước đây vào năm 2006 và 2009. Cùng với việc tìm hiểu xem đó là loại thiết bị gì, giới khoa học hạt nhân đang cố gắng làm rõ những lợi ích mà Triều Tiên thu được sau vụ thử hạt nhân vừa qua.

Tờ Người bảo vệ của Anh cho rằng, vụ thử hạt nhân vừa qua có thể sẽ giúp Triều Tiên tiến gần hơn tới việc phát triển đầu đạt hạt nhân đủ nhỏ cho các tên lửa tầm xa có khả năng vươn tới bờ Tây nước Mỹ. BBC cũng nhận định, vụ thử cho thấy Triều Tiên đã biết cách “thu nhỏ” các thiết bị hạt nhân dùng cho các loại vũ khí tấn công đầy tính răn đe của mình.

Cuối năm 2012, X.Hếch-cơ (S.Hecker), một nhà khoa học hạt nhân người Mỹ từng đến thăm cơ sở hạt nhân Yongbyon của Triều Tiên, cũng nói với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc rằng, một vụ thử hạt nhân thứ ba sẽ là đủ để giúp Triều Tiên có khả năng “làm chủ công nghệ thu nhỏ thiết bị hạt nhân trong vài năm tới”.

Tờ Al-monitor mới đây còn tỏ ý lo ngại rằng, vụ thử hạt nhân vừa qua của Triều Tiên cho thấy nước này có khả năng trở thành một cường quốc hạt nhân thực sự, thậm chí là một nhà cung cấp công nghệ và vũ khí hạt nhân cho các khách hàng có nhu cầu ở khu vực Trung Đông.

Hiện vẫn chưa rõ là Triều Tiên sử dụng vật liệu gì làm vật liệu phân hạch trong quá trình sản xuất vũ khí hạt nhân. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng đã sử dụng plu-tô-ni-um dự trữ, gần đây lại có thông tin cho rằng, nước này đã làm giàu u-ra-ni cấp độ vũ khí, mở ra con đường thứ hai để tiếp tục tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình.

Những thông tin mơ hồ

Theo BBC, Yongbyon hiện được coi là cơ sở hạt nhân chính của Triều Tiên. Bình Nhưỡng đã nhiều lần cam kết tạm dừng các hoạt động tại cơ sở này và thậm chí là phá hủy tháp làm mát vào năm 2008. Tuy nhiên, sau chuyến thăm Triều Tiên vào năm 2010, chuyên gia X.Hếch-cơ cho biết tại cơ sở Yongbyon có thiết bị làm giàu u-ra-ni bằng 1000 máy ly tâm. X. Hếch-cơ nói rằng, ông “thực sự sững sờ” bởi sự tinh vi của cơ sở này.

Cả Mỹ và Hàn Quốc cũng bày tỏ lo ngại rằng Triều Tiên còn có thêm nhiều cơ sở làm giàu u-ra-ni. Tháng 8-2011, hình ảnh từ vệ tinh chụp cho thấy một lò phản ứng nước nhẹ được xây dựng tại cơ sở hạt nhân Yongbyon. Bình Nhưỡng khẳng định lò phản ứng nước nhẹ này chỉ phục vụ cho mục đích dân sự, trong khi các chuyên gia lại cho rằng nó có thể được sử dụng để sản xuất u-ra-ni cấp độ cao dành cho việc chế tạo vũ khí hạt nhân. Yonhap dẫn lời của một chuyên gia Hàn Quốc cho biết, với giả định lò phản ứng này bắt đầu hoạt động từ năm 2009, Bình Nhưỡng có thể đã dự trữ được lượng u-ra-ni vừa đủ để chế tạo tới… 6 quả bom nguyên tử.

Tháng 8-2012, Viện Khoa học và An ninh quốc tế (ISIS) của Mỹ cũng đưa ra báo cáo cho biết, hiện Triều Tiên có khả năng sản xuất từ 6 đến 18 vũ khí hạt nhân bằng chương trình plu-tô-ni-um. ISIS cảnh báo, nếu chương trình hạt nhân của Triều Tiên không gặp trở ngại gì thì quốc gia Đông Bắc Á này có thể xây dựng một kho chứa tới 48 vũ khí hạt nhân, tức là lớn hơn rất nhiều so với khả năng hiện tại.

Cũng theo nghiên cứu của ISIS, nếu lò phản ứng nước nhẹ tại cơ sở Yongbyon không sản xuất plu-tô-ni-um cho vũ khí hạt nhân, đến cuối năm 2016, kho hạt nhân của Triều Tiên sẽ chỉ có từ 14 đến 25 vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, nếu lò phản ứng này được dùng để sản xuất plu-tô-ni-um và u-ra-ni ở cấp độ vũ khí, Bình Nhưỡng có thể sở hữu từ 28 đến 39 vũ khí hạt nhân vào cuối năm 2016.

Tuy nhiên có thể thấy, những thông tin về tiềm lực hạt nhân của Triều Tiên tới nay vẫn chỉ dừng lại ở mức “phỏng đoán”. Chưa một quốc gia hay tổ chức nào có để đưa ra những con số chính xác về kho vũ khí hạt nhân mà Bình Nhưỡng đang sở hữu.

Sức mạnh răn đe thực sự

Điều dễ dàng nhận thấy là những con số có vẻ mơ hồ đó lại đang đem đến cho Triều Tiên khả năng răn đe đáng kể đối với Mỹ, Hàn Quốc và các quốc gia được Bình Nhưỡng gọi là “kẻ thù”. Phải thừa nhận rằng, những vụ thử hạt nhân, phóng tên lửa hay việc thường xuyên công khai các loại vũ khí tối tân của Triều Tiên đã khiến Mỹ và nhiều quốc gia khác không thể không e dè.

Càng lo lắng hơn khi gần đây có tin Triều Tiên đã thử nghiệm động cơ cho loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08, vốn được coi là một trong những niềm tự hào của quân đội nước này. Tên lửa KN-08 đã từng được phô diễn trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố lãnh tụ Kim Nhật Thành vào tháng 4-2012, nhưng bị giới phân tích quân sự nhận định chỉ là… đồ giả.

Tuy nhiên, hãng tin Yonhap của Hàn Quốc đã từng thừa nhận rằng, trong vòng hai năm qua, Triều Tiên đã tiến hành 20 cuộc thử nghiệm liên quan tới KN-08. Tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc cũng cho hay, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa KN-08 của Triều Tiên được cho là có thể đạt tới tầm bắn 5000-6000km, nghĩa là đủ sức vươn tới bang A-lát-xca và Ha-oai của Mỹ.

Chưa ai biết tiềm lực hạt nhân và những vũ khí tấn công của Triều Tiên đã đạt tới mức độ nào, nhưng có một sự thật là những phát biểu, cảnh báo, thậm chí là đe dọa hạt nhân của Bình Nhưỡng đang khiến cho Mỹ và nhiều quốc gia đứng ngồi không yên. Xem ra sức mạnh răn đe của Triều Tiên hiện đang nằm ở hai yếu tố: Sự bí ẩn của kho vũ khí hạt nhân mà nước này đang sở hữu và cả chính sách “chiến tranh khẩu hiệu” mà Bình Nhưỡng liên tục áp dụng trong thời gian gần đây!

ANH VŨ