QĐND Online - BAE Systems, tập đoàn chuyên cung cấp trang thiết bị quốc phòng của Anh, đồng thời là hãng lớn nhất châu Âu trong lĩnh vực này, hy vọng sẽ có thể tiến tới một thỏa thuận về giá bán 72 chiếc Eurofighter Typhoon với Ả-rập Xê-út sau 2 năm đàm phán quanh co và dai dẳng.

Tuy nhiên, từ ngày 9-7 đến 9-8 là tháng ăn chay Ramadan của người Ả-rập và gần như sẽ tạm dừng mọi hoạt động khác để phục vụ cho nghi thức tôn giáo này. Do đó, BAE sẽ phải chờ tới đầu tháng 8 mới có được câu trả lời chính thức.

Tiến trình đàm phán giữa hai bên đã vấp phải những trở ngại ngoài dự đoán. Tiêu biểu là trong vài tháng qua, các nhà lập pháp Anh đã chỉ trích Riyadh sau khi các phương tiện truyền thông đại chúng đăng tải các báo cáo về tình trạng nhân quyền dưới chế độ quân chủ ở quốc gia này.

Thêm vào đó, tháng 5 vừa qua, tờ Guardian của Anh đã công bố các tài liệu của Tòa án Anh quốc liên quan đến vụ việc 2 vị hoàng tử

BAE đang muốn cùng Ả-rập Xê-út thống nhất về giá cả của hợp đồng mua bán chiến đấu cơ Typhoon ký từ năm 2007. Ảnh: wordpress.com

Ả-rập Xê-út kháng cáo sau khi xuất hiện những cáo buộc rằng, họ có dính líu tới một công ty của Anh trong việc hỗ trợ Hezbollah tiến hành hoạt động rửa tiền. Hezbollah là một tổ chức chính trị-vũ trang tại Lebanon do Iran hậu thuẫn, bị Mỹ coi là một tổ chức khủng bố. Trong vụ việc trên, 2 vị hoàng tử Ả-rập đã phản đối các cáo buộc bởi theo họ, Hezbollah là kẻ thù của Ả-rập Xê-út. Họ mong muốn tòa án tối cao sẽ đưa ra phán quyết trắng án để ngăn chặn việc công bố các tài liệu “thất thiệt” trên.

Một vụ việc nữa là một thành viên có tiếng tăm của hoàng tộc nước này (được cho là một trong các con trai của vua Abdullah) bị cáo buộc cầm đầu hoạt động đầu tư bất hợp pháp từ Mỹ vào một ngân hàng lớn của Anh là Barclays và tiến hành các hoạt động thanh toán trái phép tại Vương quốc Anh.

Năm 2007, quốc gia Hồi giáo này đã đồng ý mua 72 chiếc “Cuồng phong” Eurofighter Typhoon với trị giá ước tính 8,6 tỷ USD.

BAE đã giữ bí mật các chi tiết về giá cả và đến tháng 12-2012, hãng này đã công bố việc trì hoãn tiến trình đàm phán về chương trình trang bị Typhoon của Ả-rập Xê-út mà sau này được gọi là Chương trình Salaam, khiến doanh thu cuối năm của hãng không đạt được như mong muốn.

Ngoài ra, Ả-rập Xê-út cũng cam kết mua 84 chiếc F-15S Eagles của Boeing. Ảnh: air-attack.com

24 chiếc “Cuồng phong” đầu tiên đã được bàn giao vào năm 2012 và 48 chiếc còn lại dự kiến sẽ được lắp ráp tại Ả-rập. Được biết, nước này cũng đang cố gắng đầu tư phát triển nền công nghiệp quốc phòng của mình.

Tuy nhiên sau đó, Riyadh lại quyết định tiếp tục để cho BAE lắp ráp số máy bay còn lại tại Anh và nâng cấp 24 chiếc đã bàn giao để trang bị các công nghệ mới nhất. Điều này khiến phía công ty phải thay đổi bảng báo giá so với ban đầu và giá trị hợp đồng cũng tăng lên rất nhiều.

BAE hy vọng phía Ả-rập Xê-út sẽ nhất trí với mức giá mới cũng như chi phí khổng lồ của dự án. Tất cả diễn ra ngay sau khi vụ sáp nhập ước tính có trị giá 40 tỷ USD giữa BAE và liên doanh EADS của Đức và Pháp bị đổ bể.

Thủ tướng Anh David Cameron, người chủ trương đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, đã có chuyến thăm đến Ả-rập Xê-út vào tháng 11-2012 để thúc giục chính quyền nước này hoàn tất bản hợp đồng mua máy bay chiến đấu Typhoon đã “kéo dài lê thê” từ năm 2007.

Có thông tin rằng, Ả-rập Xê-út đang quan tâm đến việc tiến hành Đợt 3 của chương trình bằng cách mua thêm 48-72 chiếc “Cuồng phong” nữa, với trị giá hợp đồng có thể giao động từ 7,3 đến 11,2 tỷ USD.

Liên doanh sản xuất của loại máy bay này bao gồm các hãng BAE (Anh), EADS (Đức, Pháp) và Finmeccanica (Italia), trong đó BAE phụ trách chào hàng tại Vùng Vịnh, nơi từng là thuộc địa của Anh đến tận năm 1972, khi nước này bắt đầu giảm sự hiện quân sự của mình tại khu vực phía đông kênh đào Suez. Tuy nhiên, Ả-rập Xê-út đã cam kết mua 84 chiếc F-15S Eagles của Boeing và hàng chục chiếc trực thăng của Boeing và Sikorsky (một nhánh của tập đoàn United Technologies) với trị giá 33,4 tỷ USD như một phần của gói vũ khí mua của Mỹ để “đối đầu” với Iran.

Tháng 12-2012, BAE đã giành được hợp đồng trị giá 4,07 tỷ USD để cung cấp 12 chiếc “Cuồng phong” và 8 chiếc máy bay phản lực huấn luyện tiên tiến Hawk cho Oman, vương quốc Hồi giáo tại Vịnh Ba Tư. Quá trình bàn giao sẽ bắt đầu vào năm 2017.

Hợp đồng này đã giúp BAE thoát khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng sau lần sáp nhập bất thành với EADS, giúp duy trì việc làm cho khoảng 6.000 nhân công tại Liên hiệp Vương quốc Anh. Kế hoạch sáp nhập trên sụp đổ là do vấp phải sự phản đối từ phía Đức, bởi nước này muốn bảo vệ vị thế cường quốc của mình trên thị trường quốc phòng chống lại các tác động của chính sách cắt giảm ngân sách đang diễn ra tại Mỹ và châu Âu.

Trong khi đó, các cuộc đàm phán giữa BAE và Ả-rập Xê-út vẫn diễn ra dai dẳng và lề mề, khiến tiến trình giao hàng của BAE gần như chững hẳn lại với chỉ 2 chiếc trong khoảng thời gian hơn một năm. Tiến trình bàn giao giờ đây đã được nối lại, làm dấy lên những hy vọng về việc hai bên có thể tiến tới thống nhất vấn đề giá cả.

Đã có những kế hoạch xây dựng một cơ sở bảo dưỡng và nâng cấp loại máy bay chiến đấu này tại Ả-rập Xê-út nhưng ban lãnh đạo BAE hiện đang dồn hết tâm trí vào bản hợp đồng tiềm năng với 72 chiếc Typhoon khác mà quốc gia Hồi giáo này đang muốn thực hiện.

HỮU ĐÔ (theo Space Daily)