Vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước, nước Nga hậu Xô viết có xu hướng hội nhập với các nước phương Tây và đi theo con đường dân chủ hóa. Khi đó có nhận định cho rằng, châu Âu sẽ hợp nhất, Tổng thống Nga là Boris Yeltsin thậm chí còn đề cập đến khả năng một ngày nào đó Moscow có thể gia nhập NATO. Ý tưởng này được hồi sinh trong nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Nga Vladimir Putin (2000-2004), nhưng cuối cùng không thể thành hiện thực.
30 năm sau khi Liên Xô tan rã, quan hệ giữa Nga và NATO vẫn trong tình trạng đối đầu. Về phía NATO, trong những năm qua, liên minh quân sự này luôn mở rộng ảnh hưởng của mình về phía Đông, đặc biệt là gia tăng sự hiện diện ở Biển Đen. Trong khi đó, Nga tăng cường lực lượng quân đội cũng như khí tài tại các khu vực mà Moscow lo ngại sự hiện diện của NATO như Kaliningrad, Crimea và Bắc Cực. Tại những khu vực này, Nga đã triển khai các phương tiện quân sự như hệ thống phòng không, pháo dọc bờ biển, tạo thành hệ thống phòng thủ nhiều lớp và nhiều chặng nhằm đối phó với các cuộc tập trận của NATO.
 |
Binh lính NATO tham gia một cuộc tập trận ở Litva. Ảnh: AP. |
Về mặt chính trị, NATO vẫn duy trì đối thoại với Nga. Mối quan hệ giữa NATO và Moscow được điều chỉnh theo nguyên tắc 3D-Défense, dissuasion, dialogue (phòng thủ, răn đe, đối thoại). Tuy nhiên, các cuộc đối thoại này còn hạn chế về phạm vi, một phần là do mỗi bên đều đứng trên lập trường của mình khiến đối thoại không đạt được tiến triển.
Mặc dù vậy, tại một số thời điểm nhất định trong lịch sử, quan hệ giữa Nga và NATO đã có sự cải thiện và cởi mở. Ví dụ, trong bối cảnh xung đột ở Balkan, Nga đã tham gia vào Lực lượng ổn định quốc tế (SFOR) ở Bosnia-Herzegovina (1996-2004) và thậm chí còn tham gia trong Lực lượng an ninh quốc tế ở Kosovo (KFOR) năm 1999 cho dù trước đó quan hệ hai bên đang căng thẳng do NATO tổ chức chiến dịch “Lực lượng Đồng minh” chống lại Serbia. Thực tế, Nga đồng ý tham gia KFOR như bắn đi tín hiệu cho sự trở lại mối quan hệ “bình thường”.
Quan hệ Nga và NATO cũng được cải thiện đáng kể sau khi các vụ tấn công khủng bố xảy ra ngày 11-9-2001 ở Mỹ. Tháng 5-2002, Hội đồng NATO-Nga mới được thành lập, trở thành “bước nhảy vọt về chất” so với những gì tồn tại từ năm 1997. Vào thời điểm đó, Nga có tiếng nói ngang bằng với các quốc gia thành viên NATO trong một loạt lĩnh vực an ninh chung, như: Chống khủng bố, quản lý khủng hoảng, không phổ biến vũ khí hạt nhân, kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin, hệ thống phòng thủ tên lửa, tìm kiếm cứu nạn trên biển, hợp tác quân sự và cải cách quốc phòng, kế hoạch khẩn cấp dân sự, các mối đe dọa và thách thức mới. Nga đã tham gia vào chiến dịch chống khủng bố mang tên “Hành động tích cực” của NATO ở Địa Trung Hải trong các năm 2006 và 2007, hay phối hợp với NATO để đào tạo cho lực lượng quân đội và cảnh sát của Afghanistan.
Cũng cần lưu ý rằng, ngay cả khi NATO mở rộng về phía Đông, một số quốc gia thành viên NATO luôn tìm cách làm giảm căng thẳng với Nga. Ví như, sau khi thông báo mở rộng lần đầu tiên sau Chiến tranh Lạnh bằng việc kết nạp 3 thành viên mới, gồm: Ba Lan, Hungary và Cộng hòa Séc vào tháng 5-1997, Pháp và Đức đã thúc đẩy thông qua Đạo luật Sáng lập về các quan hệ, hợp tác và an ninh giữa NATO và Liên bang Nga. Theo văn bản trên, NATO cam kết không triển khai vũ khí hạt nhân và không đưa lực lượng chiến đấu đóng quân thường trực trên lãnh thổ của các quốc gia thành viên mới. Tuy nhiên, Nga cho rằng, một tài liệu chính trị như vậy chưa đủ ràng buộc về mặt pháp lý, đồng thời Moscow yêu cầu NATO làm rõ khái niệm về “lực lượng chiến đấu”. Do đó, cuộc đối thoại giữa Nga và NATO càng trở nên phức tạp hơn.
Quan hệ giữa Nga và NATO có bước thụt lùi trong những năm gần đây, nhất là sau khi Crimea sáp nhập Nga năm 2014. Bên cạnh đó, việc Mỹ thúc đẩy xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa chiến lược ở Romania và Ba Lan cũng như NATO “bật đèn xanh” kết nạp Ukraine và Gruzia làm thành viên hay Moscow bán hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ… càng khiến quan hệ Nga và NATO đi vào ngõ cụt.
VŨ PHƯƠNG LINH