QĐND Online - Do những thay đổi trong chiến lược phát triển quân đội, Australia sẽ chuyển hướng sang mua sắm máy bay thay cho kế hoạch trang bị 12 tàu ngầm như trước đây.
Nước này sẽ duy trì ngân sách quốc phòng trong 4 năm tới ở mức 100 tỷ USD và tiếp tục chương trình mua máy bay tiêm kích tấn công kết hợp (JSF) F-35 Lightning II. Thủ tướng Australia Julia Gillard cho biết, mức độ chi tiêu cho quốc phòng của nước này là “phù hợp và khả thi trong hoàn cảnh hiện tại”.
Australia cũng sẽ mua 12 máy bay tác chiến điện tử EA-18 Growler từ hãng Boeing (Mỹ) - nhiều hơn 10 chiếc so với kế hoạch ban đầu - để tạm thời lấp chỗ trống cho đến khi mua được JSF của hãng Lockheed Martin.
 |
Australia dự kiến triển khai 3 phi đội F-35 Lightning II vào năm 2020. Ảnh: gizmodo.com |
Trong Sách trắng Quốc phòng vừa công bố, Australia tái khẳng định tầm quan trọng mang tính trọng tâm và bền vững của mối quan hệ liên minh với Mỹ, góp phần vào sự ổn định của khu vực và an ninh của nước này. Chính phủ cam kết đẩy mạnh hợp tác với các đối tác quốc phòng trong khu vực, như Trung Quốc, New Zealand, Indonesia, Ấn Độ, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Malaysia.
Australia cũng giữ nguyên các cam kết đã đề cập trong Sách trắng 2009 như tăng cường sức mạnh hải quân, phát triển máy bay chiến đấu thế hệ 5 cũng như khả năng tấn công chiến lược. Cam kết này bao gồm việc trang bị JSF F-35 Lightning II, tàu đổ bộ, tàu ngầm và tàu khu trục phòng không.
Australia vẫn sẽ thực hiện chương trình Tàu ngầm Tương lai để thay thế 6 tàu ngầm lớp Collins bằng 12 tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng thông thường (điện-diesel), nhưng sẽ theo một phương án khác. Sau các phân tích về thiết kế chi tiết, Australia đang tạm hoãn việc lựa chọn các thiết kế có sẵn cũng như đã được điều chỉnh của dự án này. Có lẽ sau này, Australia sẽ không cần thực hiện dự án Tàu ngầm Tương lai nữa, thay vào đó, sẽ lựa chọn giải pháp nâng cấp tàu ngầm lớp Collins hoặc sử dụng một thiết kế hoàn toàn mới.
Dù gặp một số vấn đề với chương trình F-35 nhưng Australia vẫn sẽ được tiếp tục mua loại máy bay tiêm kích này. Tuy dự án mua JSF đã vượt quá chi phí và bị trì hoãn nhưng Australia vẫn coi loại máy bay này là sức mạnh chủ lực của Không quân Australia tương lai và tự tin về khả năng trang bị chúng. 3 phi đội JSF có thể triển khai vào năm 2020.
Trong khi chờ đợi, Australia sẽ chi khoảng 1,5 tỷ USD trong vòng bốn năm tới để mua 12 máy bay Growler phiên bản mới - biến thể tác chiến điện tử của mẫu máy bay tiêm kích F/A-18F Super Hornet. Điều này đồng nghĩa với việc Australia sẽ không chỉnh sửa cấu hình tác chiến hiện thời của 24 chiếc Super Hornet mà họ đang sử dụng.
Sau này, F-35 sẽ thay thế cho phi đội tiêm kích F/A-18F Super Hornet hiện thời. Mặc dù đã ký kết mua 14 chiếc JSF đầu tiên từ năm 2009 nhưng đến nay Australia mới nhận được cam kết bàn giao 2 chiếc.
Đáp lại sự tin tưởng từ phía Australia, Lockheed Martin đã cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với Chính phủ nước này để hoàn thành hợp đồng cung cấp 100 chiếc F-35. Mặt khác, hãng sẽ làm việc với ngành công nghiệp Australia để hỗ trợ sản xuất các linh kiện, cụm lắp ráp cho mẫu tiêm kích này.
HỮU ĐÔ (theo Space Daily)