QĐND Online - Chính phủ Ấn Độ vừa công bố khả năng sử dụng các vệ tinh địa tĩnh để phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa ở khoảng cách tới 6.000km.

 Phóng thử tên lửa đánh chặn AAD.

Việc thực hiện kế hoạch này sẽ phụ thuộc vào tiến độ phát triển vệ tinh trinh sát và viễn thám của Bộ Quốc phòng Ấn Độ. Do có tính đặc thù, Ấn Độ sẽ không chia sẻ các thông tin vệ thu được với các quốc gia khác.

Giới chức quốc phòng Ấn Độ nhận định việc phát hiện sớm các vụ phóng tên lửa của đối phương trong tương lai sẽ là một yếu tố quan trọng trong hệ thống phòng thủ tên lửa của nước này. Hiện, Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã được giao nhiệm vụ phát triển các dòng máy ảnh và hỗ trợ quan sát quang học có độ phân giải cao lắp trên vệ tinh. Chúng sẽ cung cấp các hình ảnh có chất lượng cao về mục tiêu được theo dõi. Tuy nhiên, các thông tin về quá trình phát triện này không được ISRO công khai.

Trong khi đó, Cơ quan nghiên cứu và thực nghiệm quốc phòng Ấn Độ (DRDO) đang tiếp tục hoàn thiện đạn tên lửa đánh chặn AAD, loại trong tương lai sẽ thành phần chính trong lá chắn tên lửa đa tầng của Ấn Độ với khả năng đánh chắn các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn tới 2.000km. Ngoài ra, Ấn Độ hiện đã hoàn thiện tổ hợp tên lửa đánh chặn Prithvi Air Defense và các thành phần đầu tiên của tổ hơp này sẽ được triển khai trong giai đoạn 2013-2014.

Hiện, đối tác chính hỗ trợ Ấn Độ phát triển lá chắn tên lửa là Israel. Năm 2009, Ấn Độ và Israel đã ký thỏa thuận thành lập một công ty liên doanh phát triển tổ hợp tên lửa đánh chặn tầm trung cho Ấn Độ trị giá 2,2 tỷ USD. Tổ hợp tên lửa mới phải đảm bảo khả năng tiêu diệt các loại mục tiêu bay của đối phương ở khoảng cách 70km. Về phía Israel, tham gia vào công ty liên doanh này là Rafael và IAI, còn phía Ấn Độ là DRDO.

TUẤN SƠN (theo Lenta)