Washington đã bỏ hết các rào cản đối với khả năng chuyển giao các công nghệ vũ khí tiên tiến cho Ấn Độ, đó là tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách quan hệ chính trị-quân sự, Andrew Shapiro, với kênh truyền hình TNN...
QĐND Online - Washington đã bỏ hết các rào cản đối với khả năng chuyển giao các công nghệ vũ khí tiên tiến cho Ấn Độ, đó là tuyên bố của Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách quan hệ chính trị-quân sự, Andrew Shapiro, với kênh truyền hình TNN. Theo đó, Washington coi Delhi là đồng minh, chứ không phải là đối tác thông thường. Cụ thể, Ấn Độ đang có quyền tiếp cận các công nghệ vũ khí hàng đầu của Mỹ mà chỉ có các đồng minh chiến lược mới được chuyển giao.
Ông A. Shapiro khẳng định, năm 2011, rất nhiều công ty Ấn Độ đã đưa ra đề nghị mua bản quyền sản xuất, công nghệ hiện đại từ Mỹ và chỉ khoảng 1% trong số đó bị từ chối. “Hơn thế nữa, việc xem xét các đề nghị của đối tác Ấn Độ đã được rút ngắn từ 30-40 ngày xuống còn 17 ngày”, ông A. Shapiro cho biết.
 |
P-8I Poseidon - một biểu tượng của hợp tác quốc phòng Mỹ-Ấn.
|
Điểm nhấn chính trong việc Mỹ sẵn sàng cung cấp công nghệ vũ khí hiện đại cho Ấn Độ là gói thầu tìm mua 126 chiến đấu cơ đa nhiệm mới cho không quân Ấn Độ (MMRCA). Phía Mỹ đã giới thiệu cho Ấn Độ các phiên bản chiến đấu cơ hiện đại nhất như: F-16IN Super Viper và F/A-18 Super Hornet. Tuy nhiên, nước này đã chọn sản phẩm Rafale. Trước đó, tháng 1-2011, Mỹ cũng đề nghị Ấn Độ tham gia vào chương trình Máy bay tấn công liên quân (JSF) F-35 Lightning II, nhưng Ấn Độ sau đó đã từ chối.
Ông A. Shapiro nhấn mạnh, Mỹ hiện muốn chuyển quan hệ với Ấn Độ từ “mua-bán” sang hợp tác cùng phát triển. “Chúng tôi muốn giúp phía Ấn Độ phát triển các công nghệ để bảo vệ quyền lợi chính của họ”, ông A. Shapiro nói.
Trong vài năm gần đây, hợp tác trong lĩnh vực công nghệ quốc phòng giữa Mỹ và Ấn Độ liên tục được củng cố. Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm, nếu năm 2010, Mỹ đã chuyển giao cho Ấn Độ các đơn hàng vũ khí trị giá 51 triệu USD, thì con số này năm 2011 là 190 triệu USD, trong khi đó tổng giá trị các hợp đồng vũ khí đã ký giữa hai bên đã đạt con số 8 tỉ USD.
Tuấn Sơn (theo Lenta)