Theo đánh giá của giới chuyên gia, xu hướng phát triển UUV đang trở thành một trong những công nghệ chiến lược hàng đầu trong quân sự thế kỷ XXI. Từ trinh sát, rà phá mìn đến tác chiến chống ngầm, UUV đang định hình lại cách thức các quốc gia tiếp cận tác chiến hải quân trong tương lai.

Cách mạng hóa chiến tranh hải quân

Chính từ thực tiễn chiến đấu hải quân và sự nguy hiểm đối với kíp thủy thủ đoàn trong môi trường nước, công nghệ UUV đã được phát triển để giải quyết 2 vấn đề quan trọng chính, là giới hạn của con người về thời gian hoạt động dưới nước và giảm thiểu nguy cơ đối với thủy thủ đoàn.

Trên thế giới hiện có nhiều hướng phát triển UUV khác nhau. Theo Tạp chí Jane's Defence Weekly, UUV được chia thành 2 phân loại chính, là điều khiển từ xa hoặc tự hành hoàn toàn. Chúng được thiết kế để thực hiện nhiều nhiệm vụ phức tạp, từ thu thập dữ liệu địa hình đáy biển, đến tham gia các chiến dịch quân sự.

UUV Ghost Shark của Australia. Ảnh: Defense News 

Còn theo Bộ Quốc phòng Mỹ, UUV được chia thành 4 cấp độ dựa trên kích thước và tầm hoạt động: Nhỏ gọn (dưới 100kg), dùng cho nhiệm vụ gần bờ; trung bình (100-1.000kg), hoạt động ở vùng biển ven bờ; lớn (1.000-10.000kg), triển khai ở đại dương, và cực lớn (trên 10.000kg), thực hiện nhiệm vụ chiến lược dài hạn.

UUV thường được trang bị camera độ phân giải cao, sonar và cảm biến quang học để lập bản đồ đáy biển, theo dõi tàu ngầm đối phương hoặc giám sát cơ sở hạ tầng dưới nước. Nguyên mẫu UUV Orca của hãng chế tạo Boeing có khả năng hoạt động liên tục 6 tháng, mang theo sonar và thiết bị thu thập tín hiệu điện tử. 

UUV giúp giảm rủi ro cho con người trong nhiệm vụ rà phá mìn. Có thể lấy ví dụ như UUV Knifefish của hãng chế tạo General Dynamics sử dụng sonar để phát hiện mìn ở độ sâu 300m, đạt độ chính xác 93%.

Một loại UUV đáng kể khác là mẫu thiết bị lặn Poseidon của Nga. Nó có khả năng mang đầu đạn hạt nhân lên tới 100 Megatone để tạo sóng thần hủy diệt vùng ven biển đối thủ và tầm hoạt động lên tới 10.000km.

Trong tác chiến, UUV cũng có thể được sử dụng như phương tiện hỗ trợ phát hiện, theo dõi tàu ngầm đối phương trong khu vực kiểm soát hoặc thực hiện vai trò gây nhiễu và đánh lừa hệ thống sonar của đối thủ. Các mẫu UUV như Cephalopod của Đức hay Manta Ray của DARPA (Mỹ) được thiết kế với vai trò tương tự.

Tạp chí quân sự Topwar dẫn lời Tiến Sĩ Peter Singer, Viện Brookings của Mỹ đăng tải: "UUV đang cách mạng hóa chiến tranh hải quân. Chúng giảm rủi ro cho binh sĩ và mở ra khả năng tác chiến trong môi trường mà con người không thể tiếp cận".

Tương lai của UUV

Hiện tại, ngoài một số loại UUV đã được chấp nhận vào trang bị quân đội các nước, phần lớn phương tiện loại này đang trong quá trình phát triển và hoàn thiện. Sự phát triển của AI, các loại cảm biến thủy âm siêu nhạy và quan trọng nhất là pin năng lượng, đã giúp mở ra cơ hội cho UUV trong tương lai.

AI cho phép UUV tự đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu thu thập. DARPA đang phát triển Ocean of Things - mạng lưới AUV kết nối vệ tinh, có khả năng phân tích môi trường và phát hiện mối đe dọa.

Pin nhiên liệu hydro và công nghệ phản ứng hóa học giúp UUV hoạt động hàng tháng. Slocum Glider của Mỹ sử dụng chênh lệch nhiệt độ nước để di chuyển, đạt phạm vi 20.000km. Vỏ composite chống ăn mòn và thiết kế giảm tiếng ồn giúp UUV hoạt động bí mật. Có thể lấy ví dụ như mẫu UUV Bluefin-21 của Mỹ được làm từ titan, có thể lặn sâu xuống 4.500m.

Thiết bị lặn Poseidon của Nga có khả năng tấn công xuyên lục địa với đầu đạn hạt nhân. Ảnh: TASS 

Theo Topwar, hiện có 3 xu hướng chính trong phát triển UUV chính, là các loại cỡ nhỏ (dưới 50kg) dễ triển khai hàng loạt và hoạt động với số lượng lớn. Tiếp đó là các “bầy đàn” UUV được điều khiển bởi AI, giúp áp đảo và tấn công đối phương. Cuối cùng chính là các UUV cỡ lớn được tích hợp vũ khí siêu vượt âm. Nó có khả năng âm thầm tiếp cận mục tiêu và tung đòn tấn công bất ngờ trong vòng vài phút.

Đánh giá về tiềm năng của UUV đối với Hải quân Mỹ, chuyên gia Bryan Clark, Viện Hudson của Mỹ cho rằng: "UUV là chìa khóa cho chiến lược của Hải quân Mỹ. Chúng cho phép triển khai lực lượng phân tán, khiến đối phương khó phát hiện và tập trung tấn công”.

Tuy có rất nhiều lợi thế chiến thuật, nhưng UUV cũng vẫn có nhiều rào cản công nghệ. Giống như các thiết bị lặn truyền thống, UUV vẫn phải nổi lên mặt nước để truyền dữ liệu về trung tâm chỉ huy. Đây là điểm yếu khiến nó dễ bị phát hiện. Ngoài ra, là thiết bị tự động hóa, UUV có nguy cơ bị chiếm quyền điều khiển. Năm 2021, Iran tuyên bố chiếm quyền điều khiển một thiết bị lặn điều khiển từ xa của Mỹ ở vùng Vịnh. Mỗi UUV có giá thành tới hàng trăm triệu USD, nên việc chế tạo chúng ở quy mô lớn cần nguồn lực tài chính và công nghệ đáng kể.

Có thể nói UUV đang định hình lại chiến lược tác chiến hải quân. Trong khi Mỹ và Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua công nghệ, các quốc gia khác như Nga, Anh và Israel cũng tăng tốc phát triển UUV.

Đô đốc John Richardson, cựu Tư lệnh Hải quân Mỹ đánh giá: "Ai làm chủ công nghệ UUV, người đó sẽ thống trị đại dương trong thế kỷ XXI”.

TUẤN SƠN (tổng hợp)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quân sự thế giới xem các tin, bài liên quan.