QĐND Online - Ấn Độ đang được biết tới là nền kinh tế mới nổi và kèm theo đó là “tham vọng”  xây dựng khả năng quân sự tương đương các cường quốc trên thế giới. Quốc gia Nam Á này đang trở thành thị trường vũ khí lớn, nói theo các doanh nhân đây là “khách hàng vàng”.
Ấn Độ là nước có ngân sách quốc phòng lớn thứ 10 trên thế giới trong năm 2010 (32 tỉ USD). Theo Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony, dự kiến, nước này sẽ chi 220 tỷ USD từ nay đến năm 2017 để mua sắm trang bị quốc phòng mới, bằng cách tìm nhà thầu quốc tế cung cấp  chiến đấu cơ, trực thăng, tàu ngầm, chiến hạm, máy bay không người lái…

Trong 2 năm qua, Ấn Độ đang tìm nhà cung cấp 126 máy bay tiêm kích đa nhiệm hạng trung mới (MMRCA) cho không quân. Dư luận xôn xao, phỏng đoán xem “ứng cử viên” nào nhận được hợp đồng 12 tỷ USD béo bở đó. Hiện tại, ứng cử viên tiềm năng của gói thầu MMRCA vẫn là 6 dòng máy tiêm kích thế hệ 4+ hàng đầu thế giới, bao gồm: F/A-18E/F Super Hornet của hãng Boeing, F-16IN - Lockheed Martin (Mỹ), Mig-35 - MiG (Nga), JAS-39 Gripen NG - Saab (Thuỵ Điển), Rafale - Dassault Aviation (Pháp) và EF-2000 Typhoon - Tổ hợp Eurofighter (châu Âu).
 

Nhiều nước chào bán
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Ấn Độ là quốc gia mua máy bay chiến đấu hàng đầu thế giới, đứng trên cả Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE) và Israel. Trong giai đoạn 2005-2009, Ấn Độ đã mua 115 máy bay chiến đấu các loại.

Chiến đấu cơ Su-30MKI của không quân Ấn Độ.

Theo yêu cầu của phía Ấn Độ, công ty thắng thầu MMRCA sẽ phải cung cấp ngay 18 máy bay cho không quân Ấn Độ vào năm 2012. Còn 108 máy bay tiếp sau sẽ được sản xuất theo giấy phép chuyển nhượng bản quyền tại các cơ sở của hãng chế tạo hàng không quốc gia Ấn Độ Hindustan Aeronautics Limited (HAL).

Tháng 8-2010, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ thông báo, quân đội nước này đã đặt mua thêm 42 máy bay chiến đấu hiện đại SU-30MKI của Nga trị giá gần 4,5 tỷ USD. Sau khi tiếp nhận số máy bay Su-30MKI nói trên, Tổng số lượng SU-30MKI của Ấn Độ sẽ được nâng lên con số 230 đơn vị. Ấn Độ còn đạt được thoả thuận với Nga về việc hợp tác phát triển máy bay thế hệ 5. Theo tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nước này sẽ mua khoảng 250-300 máy bay thế hệ 5 (dự án FGFA) với tổng trị giá khoảng 30 tỉ USD. Ngày 21-12-2010, Nga và Ấn Độ đã ký hợp đồng ban đầu để phát triển phiên bản máy bay thế hệ thứ 5 FGFA dựa trên cơ sở dự án FAK FA trị giá 295 triệu USD. Chuyến bay đầu tiên của máy bay thuộc FGFA dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2015 và không quân Ấn Độ có kế hoạch chi 25 tỉ USD để mua 250 máy bay loại này.

Về hải quân, Ấn Độ sẽ chính thức sở hữu tàu sân bay nội địa đầu tiên vào năm 2015. Sau đó sẽ sản xuất thêm hai chiến hạm loại này. Nhu cầu máy bay sử dụng trên hạm đang được chọn. Tàu sân bay nội địa đầu tiên của Ấn Độ có tải trọng 40 nghìn tấn, chiều dài 260 mét. Tốc độ tối đa là 28 hải lý/giờ. Theo các điều khoản của hồ sơ dự thầu của Hải quân Ấn Độ, lực lượng này có kế hoạch mua 16 máy bay chiến đấu hoạt động trên tàu sân bay mới và sẽ tăng số lượng máy bay loại này lên 40 máy bay trong tương lai.

Mới đây, Israel đã cung cấp cho Ấn Độ hệ thống radar trị giá gần 500 triệu USD. Đây là hệ thống radar MF STAR theo dõi và cảnh báo sớm đa năng, có khả năng làm việc trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết. Trọng lượng của radar giảm xuống còn 7 tấn nên nó dễ dàng biên chế và trang bị trên chiến hạm. Ấn Độ là quốc gia đứng thứ hai sau Mỹ tiêu thụ mạnh nhất các sản phẩm của Israel. Chỉ trong nửa đầu năm 2010, Ấn Độ đã chi tới 990 triệu USD cho các sản phẩm của Israel mà chủ yếu là sản phẩm về quốc phòng.
Năm 2010, các nguyên thủ quốc gia của Mỹ, Nga, Anh…đều có mặt tại Ấn Độ. Lý do chính của các chuyến thăm này là những hợp đồng vũ khí giá trị hàng tỷ USD. Mặc dù Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony cho biết, chiến lược sản xuất quốc phòng mới đã được Ấn Độ  soạn thảo từ tháng 12-2010, nhằm giảm sự phụ thuộc của quân đội Ấn Độ vào việc nhập khẩu vũ khí, trang thiết bị kỹ thuật quân sự của nước ngoài: “Chúng tôi sẽ bảo vệ và củng cố 8 công ty sản xuất vũ khí trong nước, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào việc cung cấp trang thiết bị cho quân đội”.

Có thể khẳng định, chiến lược hiện đại hóa vũ khí của Ấn Độ hiện là đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc hoàn toàn vào một quốc gia cụ thể. Mặt khác, quốc gia Nam Á này sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển nền công nghiệp quốc phòng nội địa.

Trần Cung (Tổng hợp)