Nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ do Trung tá, TS Phạm Văn Chính đứng đầu phối hợp với Nhà máy Z121 (Tổng cục Công nghiệp quốc phòng) đã nghiên cứu chế tạo thành công và đưa vào vận hành dây chuyền nhúng sơn liều phóng tự động ứng dụng công nghệ sấy bơm nhiệt, dùng để sơn liều phóng cho các loại đạn cối, đạn chống tăng, đạn tín hiệu.
Đây là sự cụ thể hóa định hướng nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới, tự động hóa các quá trình sản xuất kèm theo xử lý môi trường trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Tổng cục Công nghiệp quốc phòng.
 |
Công nhân vận hành dây chuyền. |
Sơn các loại liều phóng cho đạn cối, đạn chống tăng, đạn tín hiệu là một công đoạn rất quan trọng nhằm bảo quản và chống ẩm liều phóng, tăng độ bền cũng như tuổi thọ của sản phẩm trong quá trình bảo quản và sử dụng. Hiện nay, tại các nhà máy, công đoạn sơn liều phóng phải sử dụng sơn Perclovinyl. Đây là loại sơn đặc biệt có công nghệ chế tạo phức tạp và dung môi độc hại đối với con người, môi trường, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có sản phẩm thay thế. Trước đây, công đoạn sơn ở Nhà máy Z121 được thực hiện thủ công, người lao động trực tiếp thao tác trong môi trường dung môi độc hại nên ảnh hưởng đến sức khỏe. Mặt khác, sản phẩm sau đó được sấy bằng hơi nhiệt và hong khô tự nhiên mất rất nhiều thời gian, chất lượng sản phẩm không ổn định mà phụ thuộc vào thời tiết, môi trường. Những bất cập này khiến tập thể lãnh đạo Nhà máy Z121 trăn trở, tìm hướng giải quyết.
Sau một thời gian nghiên cứu, khảo sát, đánh giá thực trạng, nhóm nghiên cứu đã đề xuất phương án thiết kế lại tổng thể dây chuyền đồng bộ từ công nghệ, mặt bằng, thiết bị và tự động hóa. Trong đó, áp dụng công nghệ sấy nhiệt độ thường, đây được đánh giá là một đột phá để duy trì ổn định chất lượng sản phẩm sơn, rút ngắn thời gian sấy đối với sản phẩm có bề mặt lớn nhất từ 12 giờ xuống còn 1 giờ. Dây chuyền sử dụng 2 cơ cấu chấp hành thực hiện nhúng sơn tự động thay cho con người, nhờ đó số lao động tham gia làm việc giảm từ 20 xuống còn 3 người/ca. Các thiết bị công nghệ chính được lắp đặt trong một phòng kín, toàn bộ dung môi được hút ra ngoài và được xử lý triệt để qua các tháp hấp thụ và hấp phụ. Các tham số công nghệ được giám sát, điều khiển tự động tại phòng điều khiển...
Dây chuyền đã được nghiệm thu và đưa vào sản xuất ổn định từ đầu năm 2020, góp phần quan trọng bảo vệ sức khỏe người lao động, bảo vệ môi trường và tăng năng suất làm việc (mỗi loại đạt hơn 300.000 sản phẩm/năm).
VIỆT PHÚ