Tháng 6, nắng như đổ lửa, khu vực sân bay quân sự Đà Nẵng hơi nóng hầm hập bốc lên đường băng, rát mặt. Vậy mà đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật Nhà máy A32 vẫn miệt mài, hăng say làm việc. Các phân xưởng đang sửa chữa, lắp ráp chiếc máy bay Su-30MK2. Bên cạnh, chiếc máy bay Su-22M4 vừa được nghiệm thu đang chờ đợi giây phút bay lên chinh phục bầu trời...
Trò chuyện với chúng tôi, Đại tá Trương Minh Đức, Giám đốc Nhà máy A32 tâm sự: “Được Bộ tư lệnh quân chủng giao nhiệm vụ thực hiện các dự án sửa chữa lớn, chúng tôi vừa mừng, vừa lo. Sau khi xác định rõ hướng đi, cách làm, Đảng ủy, Ban giám đốc nhà máy đã cử ngay đội ngũ cán bộ kỹ thuật đến các trung đoàn, sư đoàn không quân để tìm hiểu, tiếp thu kinh nghiệm thực tế, sau đó cử hàng chục cán bộ ra nước ngoài vừa học, vừa làm để tiếp cận và làm chủ quy trình, công nghệ sửa chữa máy bay hiện đại. Đơn vị còn chủ động mời chuyên gia nước ngoài tư vấn, giúp đỡ chuyên sâu; tổ chức tập huấn, huấn luyện chuyên ngành, nâng cao trình độ, tay nghề cho cán bộ, nhân viên...
 |
Lắp ráp các chi tiết máy bay Su-27 tại Nhà máy A32.
|
Chúng tôi tới tham quan Phân xưởng 6. Là nơi lắp ráp, hiệu chỉnh máy bay hiện đại, Phân xưởng 6 như một nhà máy sửa chữa thu nhỏ, bởi trên 10.000 linh kiện của máy bay sau khi tháo rời, kiểm tra, sửa chữa từ các phân xưởng khác được tập kết về đây để lắp ráp, kết nối; sau đó thông mạch, khởi động lại thành máy bay hoàn chỉnh, tiến hành bay thử rồi bàn giao cho các đơn vị chiến đấu.
Thấy chúng tôi dừng lại khá lâu bên tập sổ sách dày cộp bằng tiếng Nga, Đại úy QNCN Nguyễn Huy Hoàng, Tổ trưởng Tổ bộ môn chia sẻ: “Chúng tôi làm việc trên dây chuyền sửa chữa mới, các thuật ngữ, hướng dẫn đều bằng tiếng Nga nên đòi hỏi đội ngũ lính thợ phải thông thạo tiếng Nga để đáp ứng”.
Thiếu tá Đinh Văn Hoan, Quản đốc Phân xưởng 6 cho biết: “Việc sửa chữa, lắp ráp, hiệu chỉnh, kiểm thử, bay thử đòi hỏi cán bộ, kỹ sư và công nhân viên phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ vì chỉ cần một sai sót nhỏ, một linh kiện không đúng niên hạn, một đinh ốc đặt sai vị trí sẽ dẫn tới nguy cơ mất an toàn. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ, mọi người phải làm việc thực sự trách nhiệm với tinh thần “tất cả vì những chuyến bay an toàn". Đến nay, đại đa số cán bộ, kỹ sư của phân xưởng được bố trí đúng ngành nghề; đội ngũ công nhân kỹ thuật bậc cao như thợ bậc 7 chiếm hơn 40%. Đơn vị đã có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật như: Máy kiểm tra lá hướng dòng động cơ máy bay Su-27; chế tạo mới máy tạo áp thủy lực; xe tháo lắp, bộ dụng cụ tháo lắp động cơ...”.
Theo Thượng tá Phạm Ngọc Bôn, Chính ủy Nhà máy A32, phát huy tinh thần lao động sáng tạo, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân kỹ thuật có nhiều sáng kiến, cải tiến, góp phần sửa chữa hiệu quả các loại máy bay, làm lợi cho Nhà nước và quân đội hàng triệu USD... Để tập trung giải quyết các “khâu căng, việc khó”, nhà máy thành lập và duy trì một tổ sáng tạo khoa học kỹ thuật trẻ gồm các kỹ sư dưới 35 tuổi tham gia. Từ năm 2014 đến nay, tổ này đã có hàng trăm đề tài, sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận và áp dụng vào thực tiễn, phục vụ công tác sửa chữa máy bay trên dây chuyền. Hiện nay, 100% kỹ sư của nhà máy đều biết tiếng Nga và đang được theo học các khóa tiếng Anh, vi tính để bổ sung kiến thức và kỹ năng công tác.
Bằng niềm say mê lao động, sáng tạo, các thế hệ cán bộ, kỹ sư, công nhân viên Nhà máy A32 đã tạo nên diện mạo một doanh nghiệp quốc phòng phát triển vững vàng, có uy tín. Nhà máy luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, từ năm 2010 đến nay được Bộ Quốc phòng, Quân chủng PK-KQ tặng cờ “Đơn vị dẫn đầu Phong trào Thi đua Quyết thắng”; được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2020, được Bộ Quốc phòng tặng: Cờ “Quản lý, khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn tiết kiệm và an toàn giao thông” giai đoạn 2015-2020; bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong Phong trào Thi đua Quyết thắng giai đoạn 2015-2020. Năm 2021, Nhà máy A32 được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công nghiệp quốc phòng.
Bài và ảnh: TÙNG LÂM