"Gỡ khó" cho bữa ăn trong diễn tập, dã ngoại

Trò chuyện với chúng tôi về hoạt động nghiên cứu khoa học, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, lãnh đạo, chỉ huy HVHC cho biết, học viện vừa triển khai đề tài cấp Bộ Quốc phòng “Ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất suất ăn dã ngoại phục vụ sư đoàn bộ binh huấn luyện diễn tập, hành quân chiến đấu”.

Giới thiệu về đề tài đã dành bao tâm trí ấp ủ, nghiên cứu, Trung tướng, GS, TS Phạm Đức Dũng, Giám đốc HVHC (chủ nhiệm đề tài) cho biết: Ở nước ta, công nghệ sinh học (CNSH) được ứng dụng khá nhiều vào quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm ăn liền, nhưng trong quân đội, việc ứng dụng CNSH vào sản xuất khẩu phần ăn, suất ăn dã ngoại còn ít. Thực tế nhu cầu sử dụng khẩu phần ăn, suất ăn dã ngoại chế biến sẵn của sư đoàn bộ binh khá lớn; nếu đơn vị tự sản xuất sẽ tận dụng được sản phẩm tăng gia, chủ động được khâu dự trữ thực phẩm, đáp ứng tốt nhu cầu ăn uống của bộ đội khi huấn luyện dã ngoại, diễn tập, hành quân, chiến đấu và các nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn... Trước thực tế đó, học viện đã triển khai nghiên cứu ứng dụng CNSH để sản xuất suất ăn dã ngoại chế biến sẵn với công nghệ phù hợp điều kiện của các sư đoàn bộ binh.

Bộ đội Trung đoàn 148, Sư đoàn 316 (Quân khu 2) sử dụng khẩu phần ăn chế biến sẵn do Học viện Hậu cần nghiên cứu trong diễn tập (ảnh chụp trước ngày 27-4-2021). 

Nhóm đã nghiên cứu, sản xuất suất ăn dã ngoại theo định lượng ăn và thực đơn với 4 món ăn khác nhau cho từng bữa, gồm 3 suất ăn dùng trong diễn tập, hành quân, chiến đấu và 3 suất ăn dùng trong huấn luyện dã ngoại với giá thành phù hợp tiêu chuẩn tiền ăn của chiến sĩ bộ binh. Suất ăn có thể bảo quản 6 tháng ở điều kiện thường, riêng cơm ăn liền là 3 tháng. Thành phần dinh dưỡng và yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm của suất ăn đã được Viện Dinh dưỡng Quốc gia đánh giá đủ tiêu chuẩn.

Thượng tá Hoàng Quang Hồng, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 316 (Quân khu 2) cho biết: "Sau khi đơn vị được thực nghiệm sử dụng sản phẩm suất ăn chế biến sẵn, chúng tôi thấy, thời gian triển khai ăn nhanh, các chỉ tiêu cảm quan màu sắc, mùi vị đạt chất lượng, hợp khẩu vị. Bộ đội đều đánh giá suất ăn cung cấp đủ dinh dưỡng, định lượng, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường. Với thực tế nguồn nhân lực, nguồn cung cấp thực phẩm tại chỗ, sư đoàn có thể tự sản xuất khi được chuyển giao và đầu tư thêm một số trang thiết bị".

Sau khi thử nghiệm trong các cuộc diễn tập, hành quân dã ngoại tại Sư đoàn 316 (Quân khu 2) và Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1), nhóm nghiên cứu đã tiếp tục hoàn thiện, xây dựng quy trình kỹ thuật sản xuất suất ăn dã ngoại, kèm theo 7 quy trình cho từng món của suất ăn từ các nhóm nguyên liệu khác nhau. Đến nay, các tác giả đã xây dựng thành công hai bộ suất ăn dã ngoại sử dụng trong diễn tập, hành quân chiến đấu (S.A.D) và huấn luyện dã ngoại (S.A.Dn), đồng thời đề xuất cấp trên cho tổ chức sản xuất khẩu phần ăn chế biến sẵn tại trạm chế biến cấp trung đoàn và tương đương.

"Cẩm nang" bảo quản thực phẩm cho bộ đội tàu ngầm

Lữ đoàn Tàu ngầm 189 (Quân chủng Hải quân) là lực lượng có nhiều đặc thù trong huấn luyện, sinh hoạt. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, hằng năm, đơn vị đều thực hiện các đợt huấn luyện đi biển, diễn tập theo các phương án với thời gian dài. Để đáp ứng nhu cầu ăn uống của bộ đội, ngoài thực phẩm tươi sống được sơ chế hay thực phẩm đóng hộp mua sẵn ngoài thị trường, đơn vị còn chế biến một số món ăn theo truyền thống rồi đóng gói và bảo quản trong tủ mát, tủ đông để hạn chế tối đa việc nấu nướng, tiết kiệm điện năng. Tuy nhiên, cách làm này có hạn chế là các món ăn chỉ sử dụng được trong khoảng 5-7 ngày. Để khắc phục, Lữ đoàn Tàu ngầm 189 đã phối hợp với Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự của HVHC thực hiện sáng kiến “Ứng dụng kỹ thuật chế biến và bao gói kéo dài thời gian bảo quản một số món ăn chế biến sẵn” nhằm kéo dài thời gian bảo quản và duy trì chất lượng, bảo đảm ăn uống cho nhiệm vụ huấn luyện đi biển dài ngày của đơn vị.

Chia sẻ về sáng kiến này, Đại tá, PGS, TS Nguyễn Trần Đình Tá, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự, người trực tiếp triển khai, cho biết: "Chúng tôi đã thống nhất lựa chọn giải pháp ứng dụng kỹ thuật chế biến tiệt trùng và chọn các loại hình bao gói để kéo dài thời gian bảo quản món ăn. Bước đầu, nhóm sử dụng nồi nhiệt cao, có áp suất để tiêu diệt bào tử vi sinh vật, bảo đảm tiệt trùng sản phẩm. Sau khi đưa ra khỏi nồi nấu, sản phẩm dạng khô đóng gói hút chân không bằng túi nilon thực phẩm rồi xếp vào thùng carton hoặc gói thêm lớp giấy bên ngoài; sản phẩm dạng ướt đóng trong hộp nhựa không gioăng, sau đó đóng túi hút chân không để giúp bảo quản tốt hơn”.

Đánh giá về hiệu quả của sáng kiến, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Hà, Chủ nhiệm Hậu cần Lữ đoàn Tàu ngầm 189 phấn khởi cho biết: "Với sáng kiến này, các sản phẩm đều có trạng thái màu sắc, mùi vị tốt, giữ được hương vị đặc trưng; thực phẩm không bị biến dạng, bao gói không rách nát, phù hợp với điều kiện vận chuyển lên xuống tàu. Áp dụng sáng kiến này giúp đơn vị giảm lượng thực phẩm đóng hộp, nâng tỷ lệ sản phẩm chế biến sẵn mang theo tàu khi huấn luyện nên rất thiết thực, hiệu quả không chỉ với bộ đội tàu ngầm".

Bếp Hoàng Cầm kiểu mới rất tiện lợi

Ngoài hàng chục sáng kiến đã phát huy hiệu quả, HVHC đang triển khai một số sáng kiến, bước đầu thử nghiệm có kết quả rất tốt, tiêu biểu như sáng kiến “Nghiên cứu thiết kế cải tiến bếp Hoàng Cầm khi sử dụng kết hợp bếp dầu hóa hơi cấp trung đội trong hành, trú quân và chiến đấu” của nhóm tác giả Khoa Quân nhu.

Đại tá, PGS, TS Bùi Đăng Tuấn, Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật, Khoa Quân nhu, đại diện nhóm sáng kiến, chia sẻ: "Bếp Hoàng Cầm được quân đội ta sử dụng hiệu quả từ lâu, tuy nhiên, bếp này khó áp dụng ở địa hình ven biển, vùng sông nước; diện tích đào bếp lớn, tốn nhiều công xây dựng và thời gian nấu ăn... Chúng tôi đã thiết kế cải tiến bếp Hoàng Cầm khi sử dụng kết hợp bếp dầu hóa hơi cấp trung đội để sử dụng trong hành, trú quân và chiến đấu. Trong đó, thay đổi một số bộ phận, kết cấu của bếp Hoàng Cầm cấp 1 theo hướng đơn giản hơn, triển khai xây dựng nhanh hơn, bảo đảm hiệu quả cao hơn. Đồng thời, cải tiến một số bộ phận, thay đổi một số cấu trúc của bếp dầu hóa hơi cấp trung đội để có thể sử dụng phù hợp trong hố bếp Hoàng Cầm".

Qua thử nghiệm, sáng kiến có nhiều ưu điểm nổi bật: Tiết kiệm 1/3 nhân công đào bếp và khá nhiều chất đốt (theo mức tiêu thụ nhiên liệu của bếp dầu hóa hơi); kỹ thuật xây dựng bếp đơn giản hơn; nhóm bếp nhanh, sử dụng được cả ban ngày, ban đêm và trời mưa, bạt bếp che được cả khu vực bếp... Bếp không chỉ giúp các "anh nuôi" bớt vất vả mà còn bảo đảm cơm nước cho bộ đội tốt hơn. Hiện nhóm tác giả đang tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh để hoàn thiện, trước mắt sẽ nâng cấp bạt bếp có khả năng chống trinh sát hồng ngoại để giữ bí mật, an toàn trong chiến đấu. 

 Thời gian qua, HVHC còn nhiều đề tài, sáng kiến thiết thực, được áp dụng hiệu quả trong công tác nuôi dưỡng bộ đội và hoạt động huấn luyện, đào tạo, như: Quy trình sản xuất thịt hộp ở trạm chế biến tập trung sư đoàn bộ binh; máy sát khuẩn tự động phòng, chống dịch bệnh; sáng kiến sổ tay cấp nước dã ngoại; phần mềm quản lý điểm... Đặc biệt, Viện Nghiên cứu khoa học hậu cần quân sự đã triển khai thành công hàng chục đề tài có giá trị, chuyển giao nhiều kết quả nghiên cứu hữu ích cho các đơn vị toàn quân, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm hậu cần quân đội.

Bài và ảnh: VĂN CHIỂN - BÙI DINH