Thoạt nhìn dáng vóc mảnh mai của các cô gái, chúng tôi không khỏi ái ngại. Nhưng khi chứng kiến họ thực hiện các bài tập với những động tác thoăn thoắt: Chạy, nhảy, leo trèo, chui luồn qua các vật cản khi phải khoác súng trên vai và cõng thương binh trên lưng suốt một đoạn đường dài thì chúng tôi thực sự nể phục.
Vừa hoàn thành bài tập “vượt vật cản" với quãng đường 350m, tiếp cận thương binh và thực hiện các thao tác cấp cứu, mồ hôi nhỏ giọt trên mặt, nhưng Trung úy Nguyễn Thị Ngọc Huyền, thành viên đội tuyển “Tiếp sức quân y” đến từ Bệnh viện Y học Hải quân vẫn cười rất tươi nói với tôi: “Huấn luyện tuy vất vả nhưng em thấy vui và tự hào khi được đại diện cho Quân đội nhân dân Việt Nam đi thi đấu chị ạ”. Theo Huyền, nội dung khó nhất đối với cô là chạy vượt vật cản. Bình thường, hằng ngày cô chỉ làm những công việc của bác sĩ tại bệnh viện, chưa rèn luyện thể lực nhiều. Tham gia đội tuyển, phải duy trì cường độ tập luyện cao, đặc biệt phải huấn luyện bắn súng nên thời gian đầu cũng chưa quen. Tuy nhiên, các huấn luyện viên xây dựng giáo án tập với cường độ tăng dần nên cô đã nâng được thành tích lên sau từng buổi huấn luyện.
 |
Thành viên đội ''Tiếp sức quân y'' luyện tập cứu thương binh.
|
Trung tá Nguyễn Bạch Đằng, Trưởng đoàn Quân y Việt Nam tham gia hội thao cho biết: "Năm nay, hội thao có một số nội dung mới, nhưng Ban Tổ chức chưa có hướng dẫn cụ thể nên đội tuyển phải luyện tập hoàn toàn theo kinh nghiệm. Các phần thi tại hội thao đều đòi hỏi dùng sức nhiều, vì thế việc lựa chọn vận động viên (VĐV) cho đội tuyển phải rất chặt chẽ. Một trong những tiêu chí lựa chọn là dưới 25 tuổi. Cùng với huấn luyện chuyên môn thì huấn luyện nâng cao thể lực cũng được chú trọng. Các huấn luyện viên đến từ Học viện Quân y, Binh chủng Đặc công, Trung tâm Huấn luyện Bộ Tham mưu (Tổng cục Hậu cần) đều được mời đến để giúp VĐV luyện tập nâng cao thể lực với nhiều bộ môn: Chạy dài, đẩy tạ, bơi, chạy tiếp sức và một số môn bổ trợ khác.
Tổng cục Hậu cần có hai đội tham gia Army Games 2020 là đội “Tiếp sức quân y” và “Bếp dã chiến”. Cả hai đội tuyển đều có nội dung thi bắn súng. Vì thế đây là nội dung huấn luyện quan trong đối với tất cả các VĐV. Chương trình huấn luyện cho đội tuyển dựa trên giáo trình kiểm tra kỹ thuật chiến đấu bộ binh do Cục Quân huấn, Bộ Tổng tham mưu ban hành. Các VĐV được giới thiệu tính năng, kỹ thuật, chiến thuật, cách bảo quản, tháo lắp thông thường của súng tiểu liên AK47 và súng ngắn K59; huấn luyện tập ngắm bắn, yếu lĩnh động tác của bài bắn; luyện tập bắn đạn thật. Có một khó khăn là các VĐV đang được huấn luyện với súng tiểu liên AK47, nhưng khi thi đấu, Ban Tổ chức lại yêu cầu dùng súng tiểu liên AK74, là loại súng mà quân đội ta chưa được biên chế. Các VĐV chỉ còn cách phải làm quen nhanh chóng với loại súng này ở loạt bắn thử trước khi bước vào bắn chính thức. Tuy thế, thành tích các năm trước của đội tuyển vẫn rất tốt. Với đội “Bếp dã chiến”, năm 2018 thi đấu đạt 101 điểm, đứng thứ 2/11 đội; năm 2019 đạt 103 điểm, đứng thứ 3/10 đội. Năm nay, kết quả luyện tập của đội đang giữ được thành tích ổn định, có loạt bắn đạt kết quả vượt trội. Đội “Bếp dã chiến” đặt mục tiêu bắn súng đạt từ 104-106 điểm, đứng thứ nhì toàn đoàn và đứng nhất trong nội dung thi bắn súng.
Thiếu tá Cao Quang Vị, thành viên nòng cốt của đội “Bếp dã chiến” cho biết: Hiện nay các VĐV đã hoàn thành 100% kế hoạch giáo án đề ra của ban huấn luyện về môn bắn súng. Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa xác định địa điểm thi tại quốc gia nào, vì thế đội tuyển phải luyện tập với mọi điều kiện như: Tập cả vào buổi trưa; luyện tập với địa hình dốc và gió to để thích nghi với điều kiện, địa điểm thi đấu; tổ chức giao lưu với các đội tuyển khác để giúp VĐV quen với áp lực, rèn luyện tâm lý bình tĩnh khi thi đấu.
Về phần thi nấu ăn, khẩu hiệu của cuộc thi năm nay là: “Ăn ngon-Đánh thắng”, độ khó của phần thi tăng lên, nên các thành viên đều đang rất tích cực luyện tập để hoàn thành tốt các nội dung thi. Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) đã phối hợp mời chuyên gia ẩm thực đến hướng dẫn thêm về kỹ thuật chế biến món ăn. Đội tiến hành luyện tập kỹ các thực đơn, chú ý đến ba yếu tố quan trọng trong quá trình thi: Thời gian; vệ sinh an toàn thực phẩm và định lượng nguyên liệu. Ngoài ra, đội “Bếp dã chiến” còn mang một số món ăn dân tộc để giới thiệu với bạn bè quốc tế ẩm thực Việt Nam như: Nem hải sản, bánh trôi, chay, bánh nếp... trong phần giao lưu. Đến thời điểm hiện tại, 100% thành viên của hai đội tuyển đều xác định rõ mục tiêu, sẵn sàng lên đường tham gia thi đấu với quyết tâm cao nhất.
Bài và ảnh: NGỌC HÂN