Rào cản lớn nhất

Không phải là những màn phô diễn sức mạnh khí tài quân sự, cũng không đòi hỏi các vận động viên (VĐV) phải vượt hào sâu, tường cao... nhưng BDC chưa bao giờ là cuộc thi dễ dàng. Để đáp ứng các yêu cầu đặt ra, những VĐV tham gia thi chẳng những phải bắn súng giỏi mà còn phải có kỹ thuật nấu ăn và sự am hiểu về ẩm thực châu Âu.

Năm nay, nội dung thi BDC không có nhiều thay đổi so với những năm trước nhưng độ khó được tăng lên. Ngoài các vòng thi bắn súng AK, nấu ăn và nướng bánh theo thực đơn tự chọn, vòng chung kết các đội tuyển sẽ phải nấu ăn theo thực đơn bắt buộc. “Thời gian thi đấu vòng chung kết sẽ kéo dài 3 ngày thay vì 2 ngày như trước. Trong đó, 2 ngày đầu, các VĐV sẽ thi nội dung thực đơn bắt buộc và ngày cuối cùng thi làm bánh mì gối”, Đại úy Vương Văn Tiến, trợ lý Phòng Tham mưu kế hoạch, Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần), huấn luyện viên của đội tuyển BDC cho biết.

Các thành viên đội tuyển Bếp dã chiến luyện tập nấu ăn theo thực đơn tự chọn. Ảnh: LÂM TOÀN

Trong khi bắn súng được xem là thế mạnh thì nội dung nấu ăn lại được xem là thử thách với đội tuyển BDC. Khác biệt về văn hóa ẩm thực chính là rào cản lớn nhất mà họ cần vượt qua ngay trong quá trình luyện tập. Để có được một món ăn chuẩn vị như ban tổ chức, yêu cầu đòi hỏi tuyển thủ phải nỗ lực hết sức mình, bởi tất cả món ăn trong nội dung thi BDC đều là món châu Âu, từ mùi vị đến kỹ thuật chế biến, trình bày món ăn hoàn toàn khác những món ăn truyền thống của Việt Nam. Để giải bài toán khó này, đội tuyển đã phải nhờ sự hỗ trợ của những chuyên gia ẩm thực để lên thực đơn chi tiết đối với từng nhóm thực phẩm mà ban tổ chức quy định.

Song, khó khăn không chỉ dừng lại ở đó. Thượng tá Nguyễn Đương Hải, Phó trưởng Phòng Tham mưu kế hoạch, Cục Quân nhu, người luôn theo sát đội tuyển từ những ngày đầu luyện tập, cho biết: “Ban tổ chức yêu cầu rất khắt khe về yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như định lượng của các món ăn. Bởi vậy, tại mỗi vòng thi, từ khi nhận nguyên liệu, qua các bước sơ chế, chế biến thực phẩm thành món ăn và trình bày, một VĐV thường phải thay 15-20 đôi găng tay. Trong khi đó, để xử lý tình huống thừa thiếu nguyên liệu, chúng tôi đã lên một bảng nguyên liệu chi tiết tới từng gram cho mỗi món ăn”.

Sứ mệnh quan trọng

BDC là một trong số ít các đội tuyển của Quân đội nhân dân Việt Nam từng hai lần tranh tài tại Army Games. Kinh nghiệm từ những kỳ tham gia trước cho thấy sự chuẩn bị chu đáo, kỹ càng chính là yếu tố góp phần quyết định thắng lợi của đội tuyển. Bởi vậy, ngay khi nhận được chỉ thị của cấp trên về việc tham gia Army Games 2020, Cục Quân nhu đã tích cực làm công tác chuẩn bị, trong đó nhân sự là yếu tố đầu tiên được xét tới. “Năm nay, trong số 11 vận động viên chính thức của đội tuyển có 6 đồng chí từng tham gia thi đấu tại Army Games những năm trước. Chúng tôi xác định đây là nguồn nhân lực quý, giàu kinh nghiệm, có bản lĩnh thi đấu tốt”, Thượng tá Nguyễn Đương Hải chia sẻ.

Ngoài yếu tố con người, sự chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, vũ khí, trang thiết bị luyện tập cho các VĐV cũng góp phần vào thành công của đội tuyển. Thượng tá Tống Xuân Hậu, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện (Bộ Tham mưu, Tổng cục Hậu cần), cơ quan phụ trách công tác bảo đảm hậu cần cũng như huấn luyện bắn súng và thể lực cho hai đội tuyển Tiếp sức quân y và BDC tham dự Army Games 2020, cho biết: “Cán bộ, chiến sĩ Trung tâm huấn luyện đều nỗ lực bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho quá trình luyện tập của hai đội tuyển tham dự Army Games. Chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của trung tâm trong năm 2020”.

Army Games là một đấu trường quân sự quốc tế, nhưng đây cũng là một sân chơi để các đội tuyển có thể giao lưu, tăng cường mối quan hệ hữu nghị và hiểu biết lẫn nhau giữa các nền văn hóa. Tại hội thao lần này, đội tuyển BDC của Quân đội nhân dân Việt Nam sẽ không chỉ đua tài trên thao trường mà họ còn có sứ mệnh rất quan trọng là góp phần quảng bá văn hóa, ẩm thực, thúc đẩy hợp tác hữu nghị giữa Việt Nam với bạn bè thế giới.

NGỌC THƯ - HOÀNG VŨ - LINH OANH