QĐND Online - Trong ký ức của người con dân tộc Thái ấy, nghề dệt thổ cẩm cũng giống như một phần không thể thiếu trong đời sống vật chất và tinh thần. Chỉ đơn giản “muốn bà con mình bớt nghèo”, vợ chồng anh đã tự tay thành lập hợp tác xã để khôi phục, duy trì và phát triển nghề truyền thống, góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động tại địa phương.

Xuất phát từ đói nghèo

Người đàn ông đó là Đồng Văn Sinh, dân tộc Thái, bản Tây An, xã Mường So (Phong Thổ - Lai Châu). Anh Sinh tâm sự: “Nghề dệt thổ cẩm dễ học, dễ làm. Trong bản, ngoài xã, nhiều em gái tuy mới 8 - 9 tuổi đã biết quay tơ, dệt vải. Ngày ấy gia đình tôi rất nghèo, không được đi học, tuổi thơ của tôi chỉ quanh quẩn với ruộng, nương. Lúc đó, tôi nghĩ tại sao làm ruộng vất vả nhưng thóc làm ra cũng chẳng đủ ăn, cứ mùa giáp hạt là cả nhà lại phải ăn ngô, sắn trừ bữa, trong khi đó nghề dệt vừa dễ làm, nguyên vật liệu thì sẵn, tại sao bà con mình không làm để bán?”. Đây chính là sự khởi đầu cho ước mơ biến nghề dệt trở thành nghề sản xuất hàng hóa của anh.

Khởi đầu với 10 triệu đồng tiền vốn trong tay, anh chị quyết định thuê 2 công nhân làm tại nhà. Ban đầu chỉ là làm thủ công ở tất cả các khâu từ tách hạt bông, xơ lại bông đến bật tơi, kéo sợi... Do đó, một sản phẩm làm ra thường mất rất nhiều thời gian, có khi cả tháng 4 người làm liên tục mới được 3 tấm đệm, vài tấm vải khổ hẹp. Sản phẩm làm xong được mang ra chợ bán. “Thu nhập ngày ấy thấp lắm. Nhưng cũng thấy vui vì thấy sản phẩm mình làm ra được nhiều bà con mua, làm ra đến đâu, bán hết đến đấy... ”, chị Hạnh - vợ anh Sinh cho biết.

Kiểm tra từng đường sợi – một trong những công đoạn rất cần thiết để có một sản phẩm ưng ý

Năm 2000, trong một chuyến sang Trung Quốc, anh Sinh biết được thị trường ở đây cần nhiều sản phẩm vải dệt khổ hẹp. Anh mạnh dạn gặp gỡ, tạo mối quan hệ tốt với các bạn hàng. Trở về, điều băn khoăn lớn nhất của anh là có mối cấp hàng. Nếu vẫn duy trì theo lối thủ công, sản phẩm sẽ làm không kịp để bán, đồng thời chất lượng cũng chưa được nâng lên. Anh bàn với vợ rồi vay thêm vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện được 80 triệu đồng, cộng thêm tiền vay từ bạn bè và tiền dành dụm anh đầu tư mua được một máy bật bông trị giá 200 triệu đồng. Ưu điểm của loại máy này có thể làm cả 3 khâu một lúc: cán, bật và quấn bông. Nếu làm thủ công chỉ được 5kg bông hạt/tiếng, làm bằng máy năng suất gấp 20 lần. Chi phí giảm, năng suất tăng, anh chị thuê thêm 5 công nhân làm việc thường xuyên tại gia đình. Năng suất tăng cũng là lúc những chuyến hàng xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu Ma Lù Thàng cũng tăng lên, sản phẩm chủ yếu vẫn là vải khổ hẹp. Mỗi tuần 1 chuyến, mỗi chuyến 300 tấm, trừ chi phí cũng lãi được 1,5 - 2 triệu đồng/chuyến. Năm 2006, HTX Tiểu thủ công nghiệp Trường Sinh do anh làm Chủ nhiệm ra đời. Hiện doanh thu của HTX đạt từ 700 – 800 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho trên 10 xã viên làm tại nhà xưởng và trên 100 lao động làm tại hộ gia đình. Xã viên HTX rất phấn khởi bởi sản phẩm họ làm ra tiêu thụ nhanh, thu nhập do đó bước đầu cũng tăng lên.

Từ cái đói nghèo và ước mơ duy trì, khôi phục nghề truyền thống, người con dân tộc Thái này đã nhân lên niềm vui không chỉ của bản thân mà còn là niềm tự hào của người dân Mường So.

Khẳng định bằng chất lượng

Khi được hỏi, tại sao anh lại đặt tên HTX của mình là Trường Sinh, anh cho biết: “Sinh là tên của tôi, chữ Trường là tồn tại mãi mãi. Đó cũng là mong muốn của tôi. Với tôi, bây giờ điều khó nhất là làm sao duy trì và phát triển được hơn nữa cái nghề mà mình đã tạo dựng”.

Hiện nay một số HTX dệt thổ cẩm trên địa bàn tỉnh Lai Châu đang tiến tới sản xuất theo quy mô công nghiệp hiện đại. Không chỉ dừng lại ở sản phẩm thô, nhiều cơ sở đã cải tiến mẫu mã, tạo ra những thành phẩm: quần áo, mũ, túi... Tuy đa dạng nhưng lại lâm vào tình trạng “cung quá cầu”. Với HTX Trường Sinh, 10 năm nay mẫu mã sản phẩm vẫn chỉ là chăn, đệm và vải khổ hẹp nhưng lượng hàng cung cấp mới chỉ đáp ứng được 30 - 40 % nhu cầu thị trường. Anh Sinh cho biết: “Tôi đã đi, học hỏi và tìm hiểu nhiều nhưng điều tôi nhận thấy mỗi dân tộc có tập quán và có trang phục riêng. Họ chỉ thích mua vải thô sau đó về tự may trang phục, nếu mình may sẵn, tuy đẹp nhưng không phù hợp. Vải khổ hẹp rẻ phù hợp với đa số bà con nên mình tập trung nâng cao chất lượng vải hơn là thay đổi mẫu mã sản phẩm. Đó là suy nghĩ, là trăn trở và cũng là quyết định cuối cùng của tôi”.

Và để thực hiện được điều đó, HTX đã đầu tư mua thêm 4 máy dệt, một máy mắc sợi và một máy làm chăn. May mắn đến với cơ sở sản xuất của gia đình anh khi Liên minh HTX tỉnh Lai Châu tạo điều kiện mở 2 lớp dạy nghề bông vải sợi (mỗi lớp 30 người), học 3 tháng tại xưởng của HTX. Sau 3 tháng tập huấn, xã viên và bà con đã biết sử dụng máy móc thành thạo. Sản phẩm mới vải mịn và dày hơn, chất lượng được khách hàng đánh giá cao.

Còn đó những trăn trở…

Đã đầu tư thêm máy móc và đào tạo nâng cao trình độ cho công nhân nhưng sản phẩm hàng hóa của HTX mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 40% nhu cầu thị trường. Khi được hỏi về dự định mở rộng quy mô sản xuất, anh Sinh tâm sự: “Mình cũng muốn lắm chứ! Nếu mở rộng sản xuất sẽ thu hút được nhiều bạn hàng và tạo việc làm cho nhiều lao động trong xã. Trong thời điểm hiện tại, thiếu vốn và mặt bằng dành cho sản xuất là hai vấn đề lớn nhất của HTX chúng tôi”.

Qua trao đổi, chúng tôi cũng được biết, hiện nay giá của nguyên vật liệu đầu vào rất cao, trước chỉ 8.000 đồng/kg bông hạt, nay đã là 15.000 đồng/kg. Như vậy là đã tăng gần gấp đôi. Mặc dù đầu vào không thiếu nhưng vì giá cao quá nên HTX cũng không dám nhập nhiều. Thêm vào đó, quy mô HTX chỉ là 2 nhà xưởng với diện tích 350m2. Nếu mở rộng sản xuất sẽ thiếu địa điểm đặt máy móc và phơi vải. Do vậy, để có thể mua nhiều bông hạt dự trữ và mở rộng quy mô nhà xưởng cần nhiều vốn.

Mặc dù HTX của anh Sinh cũng đã được tỉnh, Liên minh HTX và Ngân hàng tạo điều kiện vay vốn, nhưng với số lãi hàng tháng 1,5% như hiện nay thì số tiền lãi mỗi tháng rất cao. Nếu cứ vay thì hiệu quả sản xuất và thu nhập cho người lao động sẽ rất khó để có thể tăng lên.

Mùa nguyên liệu năm 2008 đang đến rất gần (chính vụ vào cuối tháng 7), những trăn trở của anh Sinh không chỉ để làm giàu cho bản thân mà quan trọng hơn đó là ý chí, là ước mơ để nghề dệt thổ cẩm truyền thống của quê mình ngày càng phát triển rực rỡ hơn.

Bài, ảnh: Bùi Nguyễn