Gia đình chị Vũ Thị Hồng đưa cháu nhỏ về CA phường An Mỹ

QĐND Online - Thời gian gần đây, đặc biệt là từ đầu tháng 8-2011, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam rộ lên tin đồn hàng loạt trẻ em bị bắt cóc khiến người dân hoang mang, lo lắng, an ninh trật tự trên địa bàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vậy những lời đồn thổi này có căn cứ hay không? Chúng tôi đã đến tìm hiểu sự việc ở nhiều địa phương, nơi xảy ra những tin tức ấy.

Những “nghi án” chưa có lời giải và sự lo lắng của người dân

Người dân các xã Bình Giang, Bình Triều, huyện Thăng Bình và TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đang xôn xao vì những lời đồn thổi xung quanh “nghi án” bắt cóc trẻ em ở xã Bình Giang (Thăng Bình) ngày 22-8 vừa qua. Nhiều người đã bỏ công bỏ việc làm để ở nhà trông con. Các trường mầm non, tiểu học đóng kín cửa, các cô giáo và bảo vệ luôn dè chừng người lạ do sợ “mẹ mìn” bắt cóc trẻ con.

Theo tìm hiểu, vào khoảng 10 giờ ngày 22-8, tại nhà chị Trần Thị Xuân (23 tuổi, trú tổ 21, thôn Bình Khương, xã Bình Giang) xuất hiện 2 người đàn ông lạ mặt, vào nhà bế con của chị là cháu Nguyễn Trần Nguyệt Nhi (20 tháng tuổi) từ nhà ra đến sân. Nghe con kêu, chị Xuân vội chạy ra. Khi bị phát hiện, người đàn ông này xưng là nhân viên điện lực vào thu tiền điện, sau đó lên xe chạy mất. Nghi con mình bị bắt cóc hụt nên chị Xuân cùng anh Nguyễn Văn Lộc (29 tuổi, trú cùng thôn) gọi điện thoại thông báo sự việc lên công an xã.

Công an (CA) và người dân đã tiến hành truy bắt hai đối tượng khả nghi trên nhưng các đối tượng đã tẩu thoát. Cùng thời điểm, họ thấy Trương Văn Hoa và Nguyễn Văn Hường mặc áo nhân viên điện lực đang bán tấm bạt nên nghi ngờ, bắt giữ giao cho CA huyện Thăng Bình điều tra.

Chiều 23-8, người dân gần trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Bình Triều, Thăng Bình) bắt giữ một người đàn ông “đi lạc” vào khuôn viên trường. Theo ông Nguyễn Công - Chủ tịch UBND xã Bình Triều, người đàn ông đó tên là Trần Văn Cư (1973, tạm trú TT Hà Lam, Thăng Bình), có biểu hiện bị bệnh tâm thần, vào trường học rủ trẻ đến dạy hát. Thấy ông Cư có vẻ bất thường, học trò hiếu kỳ vây quanh và bảo vệ cùng người dân thấy nghi nên hô hoán bắt.

Tương tự, sáng 24-8, một nhân viên viễn thông đến sửa chữa đường dây điện thoại ở xã Bình Giang đã bị người dân truy đuổi, bắt giao cho CA xã. Cùng với đó, khoảng 10 giờ 30 ngày 25-8, anh Nguyễn Tường (1965, trú Hòa Khê, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) điều khiển xe máy BKS 43R2-4986 từ TP Đà Nẵng vào Bình Triều để tìm mua nhà rường cổ. Mọi người sinh nghi nên hô hoán vây bắt.

Nhận được thông tin CA xã Bình Triều nhanh chóng đến nơi để xác minh làm rõ. Tuy nhiên, ngay lúc đó hàng chục người dân đã xông vào đòi hành hung anh Tường. Để bảo vệ cho anh Tường, CA đã huy động lực lượng dân phòng và xã đội nhằm ngăn cản những người quá khích để đưa anh Tường về trụ sở UBND xã...

Nhận được tin báo chồng bị bắt, vợ anh Tường cùng anh Nguyễn Duy Sang (1984 - em vợ anh Tường) nhanh chóng vào Bình Triều. Do đi quãng đường xa khát nước nên anh Nguyễn Duy Sang ra quán nước đối diện xã Bình Triều để uống nước. Lúc này, hàng trăm người dân địa phương vẫn đang tập trung trước trụ sở UBND xã để theo dõi vụ việc. Khi ra trước cổng, bất ngờ anh Sang bị một nhóm thanh niên địa phương dùng chai nước ngọt tấn công bị thương tích. Lực lượng chức năng xã đã đưa anh Sang đến trạm y tế cấp cứu, đồng thời bắt những đối tượng quá khích và báo cáo sự việc lên CA huyện Thăng Bình xuống hỗ trợ giải quyết.

Chưa hết, sáng ngày 26 và 27-8-2011, tại phường Tân Thạnh và phường An Mỹ, TP Tam Kỳ lại rộ lên tin đồn trẻ em bị bắt cóc gây hoang mang, lo lắng cho người dân nơi đây. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi thì thực chất vụ việc xảy ra tại một con hẻm trên đường Điện Biên Phủ, phường An Mỹ là do chuyện gia đình nên một phụ nữ tên Vũ Thị Hồng, 29 tuổi, trú Tam Xuân 2, Núi Thành, Quảng Nam đã đưa hai đứa con nhỏ của mình đi khỏi nhà, sống vạ vật tại đây. KhiCA phường An Mỹ xuống và đưa người phụ nữ này về làm việc thì người dân quanh đó đồn thổi là “mẹ mìn” đã gây không ít hoang mang cho người dân.

Tin đồn thổi tại phường Tân Thạnh cũng là do người dân không hiểu hết sự vụ. Sự việc bắt đầu từ việc ông bố đi làm mà không có người giữ con nên đã đưa con vào cơ quan làm việc, sau buổi sáng không thấy đứa trẻ, lại bị ám ảnh bởi những tin đồn nên người cha tức tốc báo với CA phương Tân Thạnh. Tuy nhiên, sau khi thông báo khắp nơi thì mới biết đứa con được một bà bán nước cách nhà đang giữ giùm…

Sự trả lời từ các cơ quan chức năng

Theo các “thông tấn xã vỉa hè”, cùng một số báo mạng không chính thống thì thời gian gần đây luôn xuất hiện tin đồn “bắt cóc trẻ em mổ bụng lấy nội tạng hoặc nhét heroin vận chuyển qua biên giới” nên càng làm cho dư luận hoang mang... Nhiều người phải bỏ việc đồng áng để ở nhà giữ con nhỏ.

Thượng tá Nguyễn Quang Minh - Trưởng CA huyện Thăng Bình cho biết: “Qua điều tra xác minh ban đầu, chưa đủ căn cứ xác định 2 đối tượng Trương Văn Hoa (1985) và Nguyễn Văn Hường (1972, cùng trú H. Gò Dầu, Tây Ninh) bắt cóc trẻ em”.

“Từ trước đến nay, trên địa bàn huyện chưa hề xảy ra vụ bắt cóc trẻ em nào. Sau khi một số báo mạng đăng thông tin thiếu chính xác, còn được một số người photocopy bài báo đem đi bán 1.000 đồng/tờ, gây ảnh hưởng tình hình ANTT. Tất cả những thông tin bắt cóc trẻ em vừa qua chỉ là tin đồn, người dân không nên quá hoang mang hoặc phản ứng thái quá!”, Phó trưởng CA huyện Thăng Bình Phan Phước Thông cho biết thêm.

Tại xã Bình Triều, huyện Thăng Bình, đồng chí Phan Văn Trường, TrưởngCA xã Bình Triều cho biết: “Tin đồn trẻ em bị bắt cóc đã có trước khi xảy ra sự việc ở Bình Giang. Theo đó, khoảng vào cuối tháng 7, CA hai xã Bình Triều và Bình Minh (Thăng Bình) cũng đã nhận được nhiều nguồn tin nói về việc trẻ em ở địa phương bị bắt cóc. Tuy nhiên, qua xác minh ở các xã, đến giờ vẫn chưa có trường hợp trẻ em nào bị mất tích như lời đồn”.

Để trấn an dư luận và sớm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, hiện các cơ quan chức năng tại Quảng Nam, nơi xảy ra tình trạng thông tin sai lệch đang khẩn trương điều tra, làm rõ về những thông tin này; đề nghị lực lượng chức năng các xã trên địa bàn tuyên truyền cho người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh đồn thổi gây hoang mang dư luận. Tuy nhiên, cũng cần đề cao cảnh giác khi một số đối tượng đi bán hàng dạo có thể thực hiện hành vi trộm cắp.

Các ngành chức năng địa phương cũng cần vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu đúng bản chất sự việc, tránh tình trạng gây mất ANTT như vừa qua. Người dân địa phương có tinh thần cảnh giác tội phạm cao, nhưng không vì vậy mà có những hành động quá khích để xảy ra những vụ việc đáng tiếc như vừa qua.

Bài, ảnh: Bùi Hữu Cường