Làng quê đang yên ả, thì những “lình xình” trong việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho quân đội đã tạo ra những luồng dư luận khác nhau. Song Phượng là một trong những xã nhỏ nhất của huyện Đan Phượng, được chia ra thành 4 thôn với hơn 4.000 dân. Là xã thuần nông, năng suất lúa của địa phương đạt 14 tấn/ha/năm; thu nhập bình quân đạt 5 triệu đồng/năm/người. Đến thời điểm hiện nay, toàn xã chỉ còn 30/1.000 hộ thuộc diện nghèo theo tiêu chí mới. Làng quê đang yên ả, thì những “lình xình” trong việc giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho quân đội đã tạo ra những luồng dư luận khác nhau…
 |
Một góc trang trại của hộ dân nằm trong diện tích đất quốc phòng |
Ông Tạ Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết: Song Phượng có vị trí chiến lược quan trọng. Gần với xã Song Phượng có đập Phùng, con đập được xây dựng để điều hoà dòng chảy, ngăn lũ lụt cho Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Với vị trí quan trọng nên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đặc biệt những năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, năm 1965, Đoàn B61 thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân đã về Đan Phượng xây dựng trận địa trên địa bàn hai xã Đồng Tháp (26.391m²) và Song Phượng (31.217m²). Năm 1975, khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Đoàn B61 chuyển đi nơi khác, nơi này bỏ hoang hoá. Một số hộ dân của hai xã Song Phương và Đồng Tháp đã đến khai hoang, phục hoá. Sau đó, chính quyền địa phương cho nhân dân đấu thầu xây dựng trang trại để phát triển kinh tế. Gần đây, Đoàn B61 về đề nghị lấy lại khu đất trên để xây dựng trận địa quốc phòng dự bị. Nhận thấy, tầm quan trọng của việc này, chính quyền địa phương đã tích cực giải phóng mặt bằng, có thông báo gửi cho các hộ dân nằm trong khu đất nhưng phần lớn các hộ dân đều không chấp nhận với những lý do khác nhau.
Anh Nguyễn Văn Hành, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Song Phượng thông tin: Sau năm 1975, khi Đoàn B61 chuyển đi, người dân hai xã Song Phượng và Đồng Tháp đã đến lấy đá về nung vôi, lấy đất để sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian này đã xảy ra tranh chấp giữa hai xã, huyện phải can thiệp và quyết định để hai xã cùng khai thác. Ngày 18-5-1995, UBND xã Song Phượng chỉ đạo HTX nông nghiệp và chính quyền xã Song Phượng lại ký hợp đồng cho 8 chủ hộ gia đình "trúng thầu" thuê diện tích đất trên với thời hạn sử dụng đất 15 năm (tháng 5-1995 đến tháng 6-2010). Sau này một số hộ thuê đất ban đầu đã chuyển nhượng lòng vòng cho một số hộ khác, có hai hộ được gia hạn thuê thời gian đến 50 năm(?). Mức thuê khoán là 1 tạ thóc/sào/năm. Đến nay toàn bộ trận địa của B61 thuộc địa phận xã Song Phượng đã trở thành các trang trại trồng cây lâu năm, trang trại chăn nuôi và quy hoạch theo mô hình du lịch sinh thái. Ông Hành khẳng định, khu đất nói trên luôn được xác định là đất quốc phòng và được cấp có thẩm quyền giao cho Đoàn B61 quản lý để xây dựng trận địa quốc phòng dự bị. Tháng 8 năm 2003, UBND tỉnh thông báo về huyện Đan Phượng và thông báo về xã Song Phượng yêu cầu giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích trên để bàn giao cho Đoàn B61 xây dựng trận địa. Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của tỉnh và huyện chính quyền địa phương đã thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng và đền bù cấp xã do một đồng chí Phó chủ tịch UBND xã làm trưởng ban. Cũng trong năm 2003, xã đã hoàn thành việc đền bù hơn 9.000 m² đất ( của gia đình anh Quang và một phần của gia đình anh Tuấn) bàn giao cho Đoàn B61 và đơn vị đã tiến hành xây dựng xong trận địa. Đến năm 2005, Đoàn B61 lại thông báo lấy nốt số diện tích còn lại để xây dựng trận địa (hạn cuối cùng là 15-4-2006). 7 hộ dân khi nhận được thông báo của chính quyền xã và HTX nông nghiệp yêu cầu đến trụ sở UBND xã làm thủ tục thanh lý hợp đồng, thì chỉ có 4 hộ có người lên họp. Tuy nhiên, các hộ này đều phản đối không thực hiện yêu cầu của UBND xã, họ thực hiện chính sách “đóng cửa” không cho các cơ quan chức năng của địa phương vào tiến hành kiểm đếm cây cối để xây dựng phương án đền bù. Ông Tạ Đình Thìn thay mặt các hộ làm đơn khiếu nại gửi đi các nơi và cho rằng việc thu hồi đất để bàn giao cho quốc phòng là một việc làm “không minh bạch...”
Ông Bùi Kiên Cường, Chánh thanh tra huyện, người được giao nhiệm vụ giải quyết vụ việc trên khi trao đổi với chúng tôi đã nhấn mạnh: “Chính quyền huyện Đan Phượng, cũng như xã Song Phượng luôn xác định diện tích đất trên là đất quốc phòng cần phải trả lại cho Đoàn B61, đưa vào sử dụng đúng mục đích quốc phòng. Thế nhưng, Song Phượng là một xã nghèo, nguồn thu ngân sách chỉ đạt 200 triệu đồng/năm nên kể cả khi người dân đồng ý bàn giao đất để bàn giao cho Đoàn B61 thì địa phương cũng không biết lấy kinh phí từ nguồn nào để đền bù giải phóng mặt bằng…”
Chiều ngày 6-9-2006, trong buổi làm việc với đại diện của Đoàn B61 chúng tôi được biết, diện tích đất mà đơn vị được quân đội giao quản lý, xây dựng trận địa được giao quyền sử dụng đất, đã làm tờ khai, có vẽ sơ đồ khu đất, có xác nhận của chính quyền cơ sở từ năm 1996. Đến ngày 8-2-2002, UBND tỉnh Hà Tây đã ra Quyết định số 191/QĐ-UB cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Đoàn B61. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số S 850502 mà UBND tỉnh Hà Tây cấp cho đơn vị do Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Doãn Thuận ký ngày 31-01-2001; trước khi được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất diện tích đất đã được xác định rõ ràng trong bản đồ dải thửa xã, huyện, tỉnh. Thượng tá Đặng Đình Tuấn, Phó chủ nhiệm chính trị và Thiếu tá Vũ Xuân Quốc, Trợ lý tác chiến Đoàn B61 khẳng định, đất trận địa Song Phượng - Đồng Tháp là đất quốc phòng. Sau năm 1975 đơn vị chuyển đi, có giao lại cho Ban chỉ huy quân sự huyện Đan Phuợng quản lý. Thời gian sau này, các bước làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như việc triển khai thu hồi đất của Đoàn B61 đều đúng trình tự và công khai, minh bạch, đúng thủ tục pháp lý. Trong hai xã đang sử dụng đất trận địa của đơn vị để sản xuất thì xã Đồng Tháp đã thu hồi, bàn giao xong diện tích cho đơn vị xây dựng trận địa. Riêng xã Song Phượng thì đến nay vẫn còn rất “lình xình”. Suốt cả quá trình làm việc với chính quyền địa phương về việc giải toả, bàn giao mặt bằng, đơn vị không bao giờ bàn đến chuyện đền bù, vì đơn vị không cho nhân dân thuê đất để làm trang trại. Chính quyền xã Song Phượng cho nhân dân thuê làm trang trại, do vậy UBND xã Song Phượng phải có trách nhiệm giải quyết vấn đề này.
Rõ ràng, việc trước đây chính quyền xã Song Phượng cho người dân thuê đất quốc phòng để làm trang trại là sai; hiện nay do chính quyền địa phương thiếu các biện pháp kiên quyết nên việc giải toả, bàn giao mặt bằng cho Đoàn B61 diễn ra rất chậm. Sự việc này cần sớm được khắc phục. Chính quyền xã Song Phượng cần triển khai các biện pháp kiên quyết hơn nhằm giải phóng, bàn giao mặt bằng để Đoàn B61 sớm triển khai việc xây dựng công trình quốc phòng theo kế hoạch./.
Bài, ảnh: Việt Phương và Kiều Nga