Những ngày cuối năm, cảng Tiên Sa, TP Đà Nẵng như đẹp hơn, lung linh hơn bởi có sự hiện diện của những con tàu du lịch như khách sạn cao tầng trên biển. Những người lính Biên phòng cửa khẩu (BPCK) cảng Đà Nẵng lại bận rộn hơn với công tác bảo vệ an ninh, làm thủ tục xuất, nhập cảnh cho các thuyền viên và du khách, nhưng nụ cười thân thiện vẫn luôn thường trực trên môi họ dù cái nắng miền Trung đã trở nên hanh hao, gắt bỏng như vào hè…

Trạm trưởng Trạm BPCK cảng Tiên Sa, Thượng tá Lê Văn Tám cho biết: Từ đầu năm đến nay, cảng Tiên Sa đón 37 tàu với 21.552 khách du lịch đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Trong đó, có những con tàu với số lượng cả ngàn khách du lịch như tàu Holand với 800 khách, Henna với 860 khách, Gemini có 1.500 khách. Mặc dù số lượng khách cập cảng đông nhưng trong những năm qua, BPCK cảng Đà Nẵng đã ứng dụng công nghệ thông tin trong việc làm thủ tục xuất nhập cảnh, nên thời gian làm thủ cho mỗi du khách chỉ chưa đến một phút. Các cụm từ “nhanh chóng, thân thiện” đã trở thành thương hiệu riêng của BPCK cảng Đà Nẵng.

Chúng tôi ghé cảng Tiên Sa đúng dịp tàu Legeng (quốc tịch Bahamas) trên hải trình từ Hạ Long (Quảng Ninh) đến TP Hồ Chí Minh đang cập cảng Tiên Sa. 6 giờ sáng, tàu cập cảng cũng là lúc những người lính Biên phòng (BP) của Trạm BPCK cảng Tiên Sa phải có mặt trước đó để đảm bảo an ninh và sẵn sàng làm thủ tục xuất nhập cảnh cho du khách. Thượng úy Phạm Hồng Kiên, Đội trưởng Kiểm tra giám sát có mặt từ trước lúc mặt trời đã nhô lên khỏi mặt biển. Mới tăng cường từ Hải Phòng vào Đà Nẵng được hơn một năm, nhưng anh đã kịp bắt nhịp với cuộc sống, công việc ở Đà Nẵng. Anh mời chúng tôi thăm tàu Legeng để có cái nhìn khách quan về những người đến từ bên kia đại dương nghĩ gì về những người lính BP Đà Nẵng cũng như thành phố trong lòng biển khơi này.

 Thiếu tá Hà Văn Thành và Giám đốc an ninh Mark Nenle.

Thiếu tá Hà Văn Thành, nhân viên kiểm tra giám sát trở thành phiên dịch cho mọi người. Tôi biết Thiếu tá Hà Văn Thành khi đứng lớp dạy tiếng Anh cho bà con ở khu vực cảng Dung Quất, Quảng Ngãi. Nhờ những bài học “zét” và “no” của người thầy giáo quân hàm xanh ấy mà nhiều người đã đáp ứng được tiêu chuẩn cho các ứng viên làm việc trong nhà máy lọc dầu Dung Quất. Chỉ trong 5 phút khi tôi đứng ngắm sự bề thế của con tàu, Thiếu tá Hà Văn Thành đã liên hệ được với giám đốc an ninh của tàu dù cuộc họp của Ban giám đốc tàu Legeng còn dang dở. Ông Mark Nenle, Giám đốc an ninh thể hiện sự thân thiện của mình qua nụ cười, cái bắt tay thật chặt. Tuy nhiên, sự thân thiện ấy lại không có nghĩa dễ dàng trong công việc. Sau khi nhìn chứng minh thư quân đội của chúng tôi, ông nhất trí cho lên tàu. Trước khi bước vào tàu, túi xách đều phải qua cửa an ninh, để lại chứng minh và mỗi người đều được phát thẻ khách.

Sự tráng lệ của con tàu du lịch thể hiện qua nội thất với thảm đẹp trải theo hành lang dãy phòng nghỉ, cầu thang kính xoắn ốc và thang máy di chuyển giữa các tầng. Và, bất kỳ nhân viên nào trên tàu khi gặp chúng tôi đều mỉm cười thân thiện. Khi chúng tôi đang tán gẫu ngoài hành lang với anh Mark, nhân viên vệ sinh trên tàu, găng tay vẫn dính đầy sơn trắng và cô Alicia, cô gái cao 1,8m với làn da trắng bóc như chính màu trang phục cô đang mang, thì một người đàn ông mặc đồng phục trắng tiến lại gần. Đó là ông Kraisimia Avanov, trợ lý thuyền trưởng. Ông bảo được báo cáo là có phóng viên muốn tham quan tàu và phỏng vấn du khách nên tới hỏi thăm xem chúng tôi có gặp trở ngại gì không. Khi chúng tôi trả lời “Không!” thì ông mới yên tâm cáo từ để đi làm việc khác.

Cô Alina, 32 tuổi, đã có 10 năm làm tiếp tân cho tàu Legeng nên cô có nhiều cơ hội đi nhiều nước, từ Tây Ban Nha, Mỹ cho đến Thái Lan, Ấn Độ, Singapore và cô đã 3-4 lần cập cảng Việt Nam. Đến Việt Nam, cô được tham quan Hạ Long, TP Hồ Chí Minh nhưng cô bảo thích nhất Đà Nẵng vì con người “vô cùng thân thiện”, cảnh quang đẹp và đặc biệt là con sông Hàn chảy qua thành phố với những cây cầu đẹp tuyệt mỹ. Khi Thiếu tá Hà Văn Thành hỏi: “Chị có người bạn Việt Nam nào không?”, cô trả lời rất tươi: “Tôi nghĩ, những người như anh Thành đây là bạn của tôi ở Việt Nam”.

Câu chuyện dừng lại vì Thượng úy Phạm Hồng Kiên và Thiếu tá Hà Văn Thành phải cáo lỗi vì đến giờ họp. Thượng úy Kiên bảo, trạm phải họp triển khai kế hoạch ngày đón tàu Henna, quốc tịch Malta. Tàu Henna là tàu thường xuyên cập cảng Đà Nẵng nên các thuyền viên và những người lính BP gần như ai cũng biết nhau, thân quen lắm. Mấy tháng trước, chính những người lính cảng Tiên Sa đã giúp một du khách trên tàu Henna tìm lại được chiếc điện thoại Iphone 4s khi đi taxi từ Đà Nẵng tới Hội An tham quan. Bởi vậy, mỗi khi cập hay rời cảng, thuyền trưởng Mentola Jonny Petteri hay các thủy thủ trên tàu đều coi như đến thăm nhà của anh em. Những món quà như cây bút, bao thuốc hay chai rượu được mua tại các đất nước trên khắp năm châu mà tàu Henna ghé qua vẫn được chuyển đến tay những người lính BP như một minh chứng là thủy thủ tàu vẫn luôn nhớ đến Tiên Sa. Thượng úy Kiên bảo, lần cập cảng gần đây nhất, chỉ huy tàu Henna nói tàu sẽ cập cảng Tiên Sa đúng dịp Xuân Bính Thân. "Bởi vậy chúng tôi có kế hoạch giao lưu với thủy thủ tàu bằng tiệc với bánh chưng xanh, mứt, có văn nghệ… chúng tôi sẽ cho các bạn ấy biết những người lính BP cảng Tiên Sa đón Tết cổ truyền như thế nào", Thượng úy Phạm Hồng Kiên nói.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRÚC