QĐND Online - Từ trung tâm TP Thanh hóa, để đến được Đồn Biên phòng Pù Nhi, huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, phải trải qua một quãng đường xa gấp đôi từ Thành phố xứ Thanh về Hà Nội, tuy nhiên, đường sá còn khó đi gấp bội. Chuyến đi dặm dài, nhưng chúng tôi không thấy mệt nhọc bởi được tận mắt chứng kiến cuộc sống và việc làm của những người lính biên phòng nơi này, nhất là sự đổi thay ngoạn mục của vùng đất Pù Nhi mà cách đây chưa lâu còn là vùng trọng điểm khó khăn với nhiều hủ tục. Sự đổi thay ấy không thể không nhắc đến sự chung tay góp sức của những người lính mang quân hàm xanh- Bộ đội Biên phòng Đồn Pù Nhi.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Một thời chưa xa, nói đến địa danh Pù Nhi của huyện Mường Lát làm cho người ta nhớ đến “ thủ phủ” của cây thuốc phiện và các tệ nạn buôn bán chất gây nghiện chết người. Bên cạnh đó là những hủ tục đã gắn bó từ lâu đời với người dân tộc thiểu số mà người dân tộc Mông chiếm phần đông ở xã biên giới giáp với nước bạn Lào này. Trưởng thành từ chiến sĩ, được cử đi học Trường sĩ quan Chính trị-Quân sự (nay là Đại học Chính trị), rồi trở về phục vụ chính nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình, hơn 20 năm gắn bó với những cột mốc đường biên, gắn bó với vùng đất vốn nhiều khó khăn, Trung tá Hơ Ly Pó, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pù Nhi hiểu hơn ai hết vùng đất, con người nơi đây.

Lật giở từng trang ghi chép, nét mặt Trung tá Hơ Ly Pó thoáng buồn khi nhớ lại thời kỳ được coi là “u ám” ở Pù Nhi cách nay chừng hơn 5 năm về trước. Anh kể: Do điều kiện địa lý, đường sá đi lại khó khăn, tiếp giáp với nước bạn Lào, lại ở độ cao 1.400m so với mực nước biển nên khí hậu đất đai vùng đất này rất hợp với cây thuốc phiện. Do vậy, có thời điểm đa phần người dân nơi đây đều trồng cây thuốc phiện; sống du canh, du cư và nhiều hủ tục lạc hậu khác. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để từng bước triệt phá cây thuốc phiện, loại bỏ những tập tục lạc hậu mà từ lâu vốn đã ăn sâu vào nếp nghĩ, cách làm của người dân.

Có sự chung tay của Bộ đội Biên phòng, diện tích lúa 2 vụ ở Pù Nhi liên tục được mở rộng thêm.

Khó nhưng không thể không làm, những người lính Đồn Biên phòng Pù Nhi sẽ chẳng thể quên những ngày đầu Đồn được trên giao nhiệm vụ phối hợp cùng các lực lượng triển khai kế hoạch xoá bỏ cây thuốc phiện, nhưng xóa bằng cách nào là một chuyện không hề đơn giản. Nhiều người già ở Pù Nhi còn ví việc này còn khó hơn cả việc bạt núi cao, lấp suối sâu... Nhớ những lần cùng anh em trong đội vận động quần chúng xuống từng bản “4 cùng” với dân, tuyên truyền tác hại khôn lường của việc trồng cây thuốc phiện, thuyết phục bà con rằng, Nhà nước sẽ thay cây thuốc phiện bằng nhiều cây trồng vật nuôi khác. Ban đầu bà con “gật”, nhưng cái bụng chưa thật tin vẫn lén lút lên núi trồng và tiêu thụ cây thuốc phiện. Mưa dầm thấm lâu, bằng cái tâm, cái tầm của những người lính quân hàm xanh đối với đồng bào và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dần dà, người nọ bảo người kia, nhà nọ truyền tai người kia rủ nhau cùng đi chặt phá cây thuốc phiện. Ông Hơ Chứ Hơ, Trưởng bản Cá Nọi tươi tắn khi nhớ lại những ngày cùng Bộ đội Biên phòng Đồn Pù Nhi đi chặt phá cây thuốc phiện: “Ngày đầu có người vẫn tỏ ra lo lắng nhưng nhờ được tuyên truyền tốt, chỉ trong thời gian ngắn, mọi người hiểu ra rằng, tiêu diệt được cây thuốc phiện là loại bỏ được cái xấu. Đối với người Mông mình, có thời điểm chẳng ai tin có ngày “đoạn tuyệt” được việc trồng cây thuốc phiện, đoạn tuyệt được với “nàng tiên nâu”. Vậy nhờ có Bộ đội Biên phòng mà đã làm được! Như thế là đã tận diệt được cái xấu rồi…” - Trưởng bản Hơ Chứ Hơ vui vẻ nói.

Ở Pù Nhi còn có nhiều câu chuyện khác. Trước đây, người Mông có thói quen làm chuồng trâu, chuồng lợn, khu vệ sinh “lộ thiên” ngay sát nhà; có gia đình còn có thói quen đem phân trâu, phân bò phơi ngay trước cửa, để mỗi khi qua lại giẫm cho tơi nên rất mất vệ sinh, dễ gây dịch bệnh... Khi Bộ đội Biên phòng xuống tuyên truyền, họ nhất định không nghe mà còn nói rằng, sợ làm chuồng trâu, chuồng lợn ra xa nhà ở thì con ma rừng sẽ về... bắt mất. Không nản chí, các anh kiên trì vận động, đồng thời trích quỹ mua vật liệu và trực tiếp cử người xuống giúp đỡ gia đình Già làng Thao Li Chư ở bản Pù Mùa chuyển khu vệ sinh và chuồng trại ra xa khu nhà ở. Thấy bộ đội không quản nắng mưa giúp dân, nhiều người dân trầm trồ với nhau: Bộ đội Biên phòng không ăn cơm của bản mà chỉ lo cho mọi người, sao nó tốt thế, phải nghe theo bộ đội thôi... Thế rồi, người nọ bảo người kia, nhà nọ bảo người kia nghe và  làm theo Bộ đội biên phòng. “ Đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, hạn chế về nhận thức, họ rất cần sự “cầm tay chỉ việc”, một việc làm tốt còn hơn nhiều lần nói suông...” Trung tá Nguyễn Văn Trung-  Đồn trưởng, Đồn Biên phòng Pù Nhi, bày tỏ.

Giúp đồng bào bằng những việc làm cụ thể

Ánh mắt nhìn xa như thể nhớ về những ngày cũ vất vả, Chủ tịch xã Lương Văn Xích chia sẻ: Ngày chủ trương phá bỏ cây thuốc phiện ở Pù Nhi gặp không ít khó khăn bởi nhận thức của bà con còn chậm. Từ bao đời nay, đồng bào Mông nơi đây vốn quen với tập tục canh tác cũ, ban đầu nhiều người không tin giống lúa, giống ngô, con bò bộ đội đưa về đã trồng tốt, nuôi tốt hơn giống của đồng bào. Nắm được tâm lý, tập tục ấy, những người lính mang quân hàm xanh ở Pù Nhi hiểu rằng, dù có tuyên truyền vận động nhiều đến đâu, nhưng chưa có mô hình thực tế thì đồng bào chưa tin. Được sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ kỹ thuật và một phần giống, vốn ban đầu của Hội Nông dân huyện Mường Lát, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi bắt tay vào trồng thí điểm giống ngô lai VL10 và nuôi bò lai sin ngay tại đơn vị. Bên cạnh việc trồng thử nghiệm giống ngô lai mới, đồn nuôi 50 con bò lai sin với hình thức bán chăn thả, xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, cách xa nơi ở. Nhờ đôi bàn tay và khối óc của Bộ đội Biên phòng, chỉ sau hơn một năm, đàn bò đã phát triển lên 60 con, nguồn thức ăn là cỏ voi trồng được quanh năm nên không sợ bò thiếu cỏ vào mùa rét. Cùng với đó, 3ha đất ven đồi phía sau doanh trại của đơn vị cũng được những người lính nơi đây khẩn trương khai hoang, quy hoạch lại: 2ha trồng ngô và 1ha trồng cỏ voi nuôi bò. Song song với việc làm đất, đồn đã cử cán bộ xuống từng thôn, bản, phối hợp với cán bộ xã tuyên truyền, vận động bà con đến xem mô hình trồng ngô của Bộ đội Biên phòng. Bởi vậy, hầu hết bà con, già làng, trưởng bản không chỉ đến xem mà còn trực tiếp tham gia trồng ngô cùng bộ đội.

Thay thế cách thức gieo trồng cũ “chọc lỗ” của đồng bào, cán bộ, chiến sĩ của đồn hướng dẫn bà con đào hố nọ cách hố kia 50cm, bón lót phân lân, lấp lớp đất mỏng, gieo 2 hạt/hố rồi lấp. Làm như vậy vừa tiết kiệm được giống, vừa tạo khoảng cách cho cây ngô sinh trưởng tốt, bắp to. Những người lính ở Đồn Biên phòng Pù Nhi cũng nói với người dân rằng: Việc bón lót là rất cần thiết, vì đất ở các triền đồi đã bạc màu, cần bổ sung chất cho cây ngô phát triển. Bốn tháng sau gieo trồng, năng suất ngô thu hoạch đạt 4,5 tấn/ha, gấp 3 lần so với giống cũ, cách thức gieo trồng cũ của đồng bào.

Bằng những việc làm cụ thể, Bộ đội Biên phòng Pù Nhi luôn được người dân tin yêu

Có được sự đổi thay ở Pù Nhi như hôm nay, theo Chủ tịch xã Lương Văn Xích, cùng với những chủ chương đúng đắn của tỉnh, của huyện thì vai trò của Bộ đội Biên phòng Pù Nhi mang tính quyết định. Họ thực sự là những người con của bản. Vị Chủ tịch xã ở nơi non cao nói rằng, người Mông Pù Nhi sinh ra trên đỉnh núi, quen uống ngọn nước nguồn, hưởng gió trời và không thích ở mãi một chỗ. Những tập tục, thói quen đó ăn sâu trong tiềm thức, được truyền từ đời này sang đời khác. Bởi vậy nên trước đây, mặc dù bà con hiểu rõ lợi ích của việc định canh, định cư, song nhiều hộ gia đình vẫn di cư tự do. Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Pù Nhi đã cùng với địa phương và các ngành chức năng tuyên truyền, hướng dẫn đồng bào Pù Nhi từng bước chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, đưa lúa lai, ngô lai vào sản xuất, trồng cỏ chăn nuôi trâu bò. Những hộ gia đình gặp khó khăn được BĐBP hỗ trợ kỹ thuật và một phần giống. Việc quan trọng nhất là cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Pù Nhi đã cầm tay, chỉ việc giúp bà con triển khai mô hình trồng thí điểm giống ngô lai VL10 và nuôi bò lai Sin ngay tại đồn cùng với việc vận động các già làng, trưởng bản đi đầu trong việc áp dụng mô hình sản xuất mới.

Hiệu quả từ các “hội nghị đầu bờ”, giúp dân bằng những việc làm cụ thể đã giúp bà con nơi đây dần thay đổi tư duy trong sản xuất, tạo bước tiến đáng kể trong việc thay đổi bộ mặt nông thôn ở Pù Nhi. Từ chỗ chỉ cấy lúa một vụ/năm đến nay toàn xã đã có 500ha diện tích trồng lúa nước đạt năng xuất trung bình 280kg/sào, trên 500ha diện tích trồng ngô lai hai vụ, cho sản lượng gần 1.000 tấn mỗi năm. Theo giá thị trường như hiện nay 5.000đồng/kg bán tương đương 5 tỷ đồng. Một số hộ như gia đình Phạm Văn Say (bản Hạ Sơn); Lâu Văn Pó, Hơ Nhia Tông (bản Cá Nọi), mỗi năm thu nhập từ cây ngô lai hai vụ đạt từ 18 đến 20 tấn, tương đương gần 100 triệu đồng. Từ mô hình phát triển bò lai sinh sản của Bộ đội biên phòng nhân rộng ra địa bàn, đến nay, tổng số đàn bò của xã  đang có  trên 1.000 con. Nhiều hộ có đàn bò từ 15 đến 20 con như hộ anh Chá Văn Dơ ở bản Pù Nhi.

Cùng với hướng dẫn đồng bào áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Pù Nhi còn phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương tuyên truyền hướng dẫn đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông, biết cách hạch toán kinh tế gia đình và phát triển kinh tế hàng hóa theo cơ chế thị trường. Nếu như năm 2008, tỷ lệ hộ đói nghèo của  xã Pù Nhi là trên 80% thì đến nay chỉ còn trên 40% theo tiêu chí mới.

Chiều muộn, sương giăng đầy trên các triền núi, len lỏi vào từng nếp nhà, khói lam chiều ở từng trái bếp tỏa thơm mùi no ấm. Chia tay với những bản làng nằm ở lưng chừng đồi, chia tay với những người dân thuần phác ở bản Cá Nọi, Hạ Sơn... chúng tôi xuống núi ven con đường mòn trải đẩy hoa xoan mà lòng không khỏi chộn rộn. Mừng bởi tuy còn nhiều khó khăn nhưng Pù Nhi bây giờ đã khiến người ta có một cái nhìn khác về tư duy và nhận thức mới của đồng bào, loại bỏ được nhiều hủ tục, “diệt” cái xấu. Sự đổi thay của Pù Nhi hôm nay có sự chung tay góp sức của những người lính quân hàm xanh nơi cực Bắc xứ Thanh, những người con của bản.

Bài, ảnh: NGÔ DUY ĐÔNG