Xây dựng nông thôn mới theo hai giai đoạn
Huyện Quỳnh Phụ vốn được sáp nhập từ hai huyện Quỳnh Côi và Phụ Dực cũ. Xã An Ấp nằm ở giữa, cuối Phụ Dực mà cũng cuối Quỳnh Côi. Nơi đây chỉ có những cánh đồng chiêm trũng. Ngoài cây lúa phủ khắp xóm làng thì chỉ có vài ruộng cói, những ao chuôm nối tiếp. Xã thuần nông nhưng chỉ có cây lúa, rau màu và chăn nuôi, gần như không có một nghề phụ nào. Tìm trên internet, đến nay trên địa bàn xã mới có hai doanh nghiệp nhỏ được đăng ký. Quỳnh Phụ từ xa xưa được coi là mảnh đất "tiến vua", hội tụ khá nhiều di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng như: Đền A Sào ở An Thái, đền Mẫu Đợi ở Đông Hải, đền Đồng Bằng ở An Lễ, đền Quế ở Quỳnh Hoa, chùa La Vân ở Quỳnh Hồng, nhưng An Ấp cũng không có công trình gì nổi bật.
Nhớ lại quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Đề cho biết: An Ấp là một xã nội đồng, bao bọc bởi hai con sông, có diện tích tự nhiên 560ha, 1.712 hộ với 6.775 nhân khẩu. Đảng bộ xã có 309 đảng viên. Cái khó trong phát triển kinh tế cũng như xây dựng nông thôn mới là diện tích canh tác bình quân đầu người thấp, ngành nghề, dịch vụ thương mại phát triển còn chậm, huy động vốn xây dựng nông thôn mới còn khó khăn. Năm 2011, Đảng ủy xã đã có nghị quyết chuyên đề về xây dựng nông thôn mới, UBND xã có đề án xây dựng nông thôn mới chia thành 2 giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 1: Dồn điền đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng thực hiện từ tháng 10-2011 đến tháng 5-2012. Nhờ vậy mà cả xã từ chỗ có 10.165 thửa ruộng sau dồn điền còn 3.325 thửa, bình quân 1,95 thửa/hộ. Giai đoạn 2, xã xác định phấn đấu hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, ưu tiên nguồn lực đầu tư vào giao thông, thủy lợi, cơ sở vật chất trường học, nhà văn hóa.
Bộ mặt nông thôn mới ở xã An Ấp thay đổi nhờ đầu tư hạ tầng đồng bộ.
Ông Nguyễn Văn Đài, Trưởng thôn Xuân Lai đưa chúng tôi ra thăm cánh đồng lúa xanh mướt bằng xe gắn máy tới tận bờ ruộng. Dọc đường chúng tôi bắt gặp những chiếc xe ba gác chở vật tư nông nghiệp ra đồng. Ông Đài phấn khởi nói: “Trước bờ vùng bờ thửa toàn bờ đất nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Nay đã có 100% bờ ruộng, kênh mương được bê tông hóa”. Theo ông Đài, chính sách hỗ trợ xi măng của UBND tỉnh từ năm 2013 thực sự là một giải pháp thiết thực “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Cả xã đã tiếp nhận 3.535 tấn xi măng và làm được tổng số 277 tuyến đường, trong đó đường giao thông trục thôn 17 tuyến, đường nhánh cấp 1 có 260 tuyến, kênh cấp 1 loại 3 có 6,5km. UBND xã đã đầu tư kinh phí xây dựng đường trục xã quản lý với quy mô đường đá láng nhựa 5,5km. Đến nay, hệ thống giao thông từ xã đến thôn, liên thôn và các ngõ xóm đã hoàn thiện bê tông hóa. 6 trạm bơm, kênh tưới cấp 1 loại 3 đã được kiên cố hóa.
Theo Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Phông, nông thôn mới không chỉ tạo diện mạo làng xã khang trang mà còn thúc đẩy kinh tế phát triển hơn. Năm 2015 bình quân thu nhập đạt gần 30 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,9%, năng suất lúa bình quân đạt 126 tạ/ha, cây màu, diện tích vụ đông được quy hoạch mở rộng với tổng diện tích là 187ha. Chăn nuôi gia súc, gia cầm, số trang trại tăng. Toàn xã có 12 trang trại và gia trại.
Thành công nhờ dựa vào sức dân
Để huy động nguồn lực làm nông thôn mới, Đảng bộ xã đã biết dựa vào sức dân. Cách đây ít lâu, chúng tôi có dịp chứng kiến doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Viết Tạo, một người con của quê hương hiện sống ở TP Hồ Chí Minh đã nhiều lần về quê, hỗ trợ nhiều tỷ đồng giúp quê hương xây trường học, các thiết chế văn hóa. Hiện xã có 3 trường học khang trang. Trường THCS và trường tiểu học đã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1, trường mầm non đang trong giai đoạn hoàn thiện đề nghị công nhận trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 1.
Ông Nguyễn Văn Đề cho biết, nếu xây dựng nông thôn mới mà chỉ trông chờ vào nguồn vốn trên cấp thì rất khó. Từ năm 2012, xã đã tìm giải pháp bằng cách tập trung quy hoạch đất để đấu giá theo Quyết định 372 của UBND tỉnh, tạo nguồn vốn xây dựng. Từ đó, đã đấu được 118 lô đất, kinh phí thu được là 27 tỷ đồng. Cũng nhờ quy hoạch này, người dân có hạ tầng, khu thị tứ sầm uất hơn để làm ăn, sinh hoạt, chính quyền có nguồn vốn đầu tư cho phát triển. Phong trào xây dựng nông thôn mới đã thu hút và được sự ủng hộ của rất nhiều bà con xa quê với tình cảm hướng về quê hương. Rất nhiều cá nhân đã hiến đất cho thôn, xã xây dựng nông thôn mới. Thống kê trong 5 năm, nguồn vốn xây dựng nông thôn mới được đầu tư 63,3 tỷ đồng, trong đó, vốn Nhà nước và cấp trên hỗ trợ 26,3 tỷ đồng chiếm 41,5%, vốn ngân sách xã là 21 tỷ đồng chiếm 33,8%, vốn nhân dân đóng góp gồm 5 tỷ đồng tiền hiến đất, tiền công và hỗ trợ của con em xa quê hơn 11 tỷ đồng.
Anh Nguyễn Văn Du, một kỹ sư nông nghiệp từng làm ăn ở Hà Nội mới đây đã trở về quê hương đầu tư làm trang trại chăn nuôi tâm sự với chúng tôi: “Trở thành xã nông thôn mới, nhưng nông thôn chỉ đẹp hơn khi kinh tế không ngừng phát triển. Xã thuần nông nay đã chuyển hướng làm ăn trồng rau màu vụ đông và chăn nuôi. An Ấp hiện đã nổi tiếng với cây ớt, cây rau, cây hành, cây tỏi và những ao cá. Nhưng trang trại chưa nhiều, doanh nghiệp còn đếm trên đầu ngón tay. Xa hơn nữa là phải đầu tư sản phẩm sạch, có thương hiệu hữu xạ tự nhiên hương. Nghĩa là vẫn còn rất nhiều việc phải làm...”.
Bài và ảnh: NGUYÊN MINH - THẾ ANH