 |
Vườn Quốc gia Xuân Thuỷ, Nam Định . Ảnh: Internet |
Với diện tích 14.500 ha, trong đó hơn 7.100 ha là vùng lõi và hơn 7.300 ha là vùng đệm, nằm trên địa bàn 5 xã (Giao Thiện, Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân và Giao Hải), thuộc huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định, vườn quốc gia Xuân Thủy là khu dự trữ thiên nhiên với nhiều sinh cảnh độc đáo. Đây là nơi giao hòa giữa rừng và biển; chim trời, cá nước hoà quyện với nhau trong bức tranh thủy mặc hữu tình.
Nguồn tài nguyên phong phú
Vườn quốc gia Xuân Thủy, nơi tiêu biểu cho nền văn hóa mở đất của người dân đồng bằng châu thổ sông Hồng với truyền thống canh tác: Lúa lấn cói, cói lấn vẹt, vẹt lấn biển… Trải qua nhiều thế kỷ, cộng đồng địa phương đã tạo nên những làng quê trù phú. Các mô hình sinh thái (VAC, nuôi trồng thủy sản kết hợp với nghề trồng rừng và nghề cá) và những công trình kiến trúc (chùa chiền, nhà thờ) tạo nên bức tranh sinh động của vùng quê ở cửa sông, ven biển. Đây là khu vườn đầu tiên của nước ta tham gia Công ước quốc tế Ramsar (Công ước bảo tồn những vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế, đặc biệt là nơi cư trú của những loài chim nước – Ramsar - I-ran, 1971). Kết quả điều tra, nghiên cứu cho thấy, nơi đây có khoảng 101 loài thực vật, thuộc 85 chi, 34 họ. Với 25 loài thích nghi với điều kiện sống ngập nước và loại hình đất lầy thụt đã cấu thành hơn 300ha rừng ngập mặn, góp phần cố định phù sa tạo nên các cồn, bãi mới, làm vườn ươm cho các loài động, thực vật thủy sinh; đóng vai trò cân bằng sinh thái của khu vực và bảo vệ đê biển trong mùa mưa lũ. Hơn 500 loài động vật nổi và động vật đáy, như: Tôm, cá, cua biển, ngao…, mang về một nguồn thu nhập tới hàng chục tỷ đồng/năm. Điểm đặc biệt hơn, chính là hệ chim với 219 loài, thuộc 41 họ, 13 bộ. Tiêu biểu nhất là bộ hạc, bộ ngỗng, bộ rẽ và bộ sẻ. Chim ở vườn quốc gia Xuân Thủy chiếm tới 56,61% tổng số chim của các vùng ngập mặn trong cả nước. Có 9 loài nằm trong Sách đỏ: Cò mỏ thìa, bồ nông, cò trắng Trung Quốc, mòng bể mỏ ngắn, choắt đầu đốm, choi choi mỏ thìa, choắt chân màng lớn, te vàng và cò lạo Ấn Độ, trong đó cò mỏ thìa, choi choi mỏ thìa và mòng bể mỏ ngắn được xếp vào loài quý hiếm, được coi là đỉnh điểm của chuỗi dinh dưỡng. Hằng năm vào tháng 11, tháng 12, hơn 100 loài chim từ phương Bắc di cư xuống phía Nam tránh rét đã chọn Xuân Thủy làm nơi dừng chân...
Ông Nguyễn Viết Cách, Giám đốc vườn Quốc gia Xuân Thủy, cho biết: “Từ năm 2003 đến nay, chúng tôi đã phối hợp với chính quyền và nhân dân 5 xã vùng đệm triển khai dự án đồng quản lý. Theo đó, chính quyền địa phương được quyền thu phí và quản lý Nhà nước về vùng đất ngập nước thuộc địa phương mình; người dân được khai thác nguồn lợi thủy sản, thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, môi sinh và đóng phí bảo vệ an ninh trật tự”.
Gặp gỡ và trao đổi với một số nông dân đang tham gia nuôi trồng thủy sản trong vùng đệm, chúng tôi nhận thấy họ là những nông dân chất phác, biết khai thác thân thiện nguồn tài nguyên của quê hương. Ông Trần Văn Lữu, xã Giao An, kể: “Gia đình tôi gồm 5 khẩu, nhận khoán 10 ha đầm nuôi tôm, cá, cua…Trong quá trình khai thác nguồn lợi thủy sản, chúng tôi luôn tuân thủ tốt những quy định về bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống cho các loài chim… Chúng tôi luôn nhắc nhau, bảo vệ rừng, khai thác thông minh nguồn tài nguyên chính là con đường ngắn nhất để thoát khỏi cảnh đói nghèo, vươn lên làm giàu. Gia đình tôi thu hoạch được 85 triệu đồng/năm”. Còn ông Trần Xuân Toái, xóm 22, xã Giao Thiện, cho biết: “Từ ngày thực hiện cam kết khai thác thông minh tài nguyên rừng ngập mặn, các hộ nông dân 5 xã vùng đệm đã thực sự ăn nên, làm ra. Tài nguyên của biển, của rừng tuy không phải là vô tận, nhưng khi con người biết khai thác một cách khôn khéo thì tài nguyên không bị cạn kiệt. Các hộ nông dân trong vùng áp dụng phương pháp thủ công là chính trong khai thác nguồn lợi thủy sản. Trong năm 2006 anh em chúng tôi (5 người) nhận thầu 10 ha đầm để nuôi trồng thủy sản. Nhờ khai thác gắn liền với bảo tồn nên khi thu hoạch, trừ giống, vốn, công xá, mỗi người thu được 10 triệu đồng. Tin rằng năm 2007, chúng tôi sẽ thu hoạch cao hơn”.
Thật tình cờ, chúng tôi gặp đoàn cán bộ, nhân dân các xã vùng đệm của khu bảo tồn huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình sang tham quan, học tập kinh nghiệm. Bác Phạm Văn Ngưu, cựu chiến binh xã Nam Phú, tỏ ra tâm đắc với hoạt động của “Câu lạc bộ bảo tồn chim” của Xuân Thủy. Bác tâm sự: "Sau chuyến đi này, về địa phương, chúng tôi sẽ cùng nhau tập hợp lại để thành lập câu lạc bộ bảo tồn vùng chim của Tiền Hải ”. Còn cô giáo Mai Thị Ly, Hiệu trưởng trường THCS Nam Phú tâm sự: “Đến đây, các thành viên trong đoàn học tập được nhiều kinh nghiệm hay về công tác truyền thông, giáo dục nâng cao ý thức bảo vệ rừng ngập mặn và nguồn lợi thuỷ sản. Chúng tôi sẽ phối hợp với cấp uỷ, chính quyền địa phương đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục trong nhà trường và trong cộng đồng dân cư về việc giữ gìn, bảo vệ hệ sinh thái ven biển vì cuộc sống của chính mình và các thế hệ tương lai…”.
Những bất cập cần sớm khắc phục
Vườn quốc gia Xuân Thủy đã và đang đem lại cho người dân địa phương một nguồn lợi rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa thật có ý thức trong việc khai thác nguồn tài nguyên của địa phương mình, thậm chí cho rằng, "chim trời, cá nước" làm sao hết được, cần gì phải bảo vệ, giữ gìn...
Theo ông Nguyễn Viết Cách: “Cho đến thời điểm hiện nay, vẫn xảy ra hiện tượng khai thác bừa bãi nguồn lợi rừng ngập mặn như: Vào rừng chặt củi, săn bắn chim, thú và dùng loại lưới mắt nhỏ trong khai thác thủy sản... Cá biệt vẫn còn tình trạng một số người là dân vùng đệm, từ các xã lân cận và từ huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình đến khai thác trộm. Những đối tượng này bất chấp thủ đoạn miễn là thu lợi cao nhất. Những khẩu súng săn, những tấm lưới mắt nhỏ... mà lực lượng kiểm lâm địa phương bắt được là một minh chứng. Vẫn biết, nguồn lợi thuỷ sản tuy không phải là vô tận, nhưng hoàn toàn có thể tái tạo được khi con người biết quản lý và kiểm soát tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Một ha rừng bảo tồn có thể mang lại cho xã hội nguồn thu lớn, song do lực bất tòng tâm, với 12 biên chế, Ban quản lý vườn có "bơi ra" cũng không hết việc...”
Mặc dù khâm phục việc quy hoạch và triển khai thực hiện quy chế khai thác thân thiện nguồn tài nguyên ngập nước khu vực Ramsar của vườn quốc gia Xuân Thủy, song ông Đặng Văn Khương - Bí thư Đảng ủy xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình vẫn tỏ ra băn khoăn khi thấy tốc độ phát triển các đầm nuôi tôm ở nơi đây. Ông Khương cho biết: “Năm bảy năm trước, ở Tiền Hải việc quy hoạch, khai thác vùng đệm không tốt, nên người dân đua nhau làm đầm nuôi tôm. Vì vậy, diện tích rừng ngập mặm bị thu hẹp. Nhiều loài chim, cá quý trước kia vẫn thấy ở Tiền Hải nay không còn. Tình trạng ấy có khả năng xảy ra với Giao Thủy nếu chính quyền và các cơ quan chức năng địa phương không duy trì tốt công tác quy hoạch, phát triển sản xuất, cũng như khai thác nguồn tài nguyên trong vùng đệm và vùng lõi”.
Vẫn còn đó những bất cập cần sớm khắc phục, song ở vườn quốc gia Xuân Thủy chúng tôi nhận thấy với những nét văn hoá mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước, đã gắn kết con người với con người và con người với thiên nhiên. Cùng với việc khai thác thân thiện nguồn tài nguyên và tập trung phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, hy vọng vườn quốc gia Xuân Thuỷ sẽ là một địa điểm hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.
VIỆT PHƯƠNG và XUÂN DŨNG