QĐND Online - “Các anh muốn vào “vùng khát” của xã à? Đi bằng xe máy à? Khó đi đấy!”. Đó là những gì mà chúng tôi nhận được tại UBND xã Vàng Ma Chải, huyện Phong Thổ ( Lai Châu), khi nói muốn vào vùng hạn hán gay gắt nhất của xã. Cũng ở đây chúng tôi được nghe vô số chuyện chỉ có tại nơi thừa nắng gió nhưng thiếu nước này.

Câu chuyện dọc đường

Ngay từ khi còn ở Đồn Biên phòng 293 (Vàng Ma Chải Lai Châu), chúng tôi đã được các cán bộ, chiến sĩ kể về tình hình hạn hán của xã, mà nặng nề nhất là ở 3 bản: Tả Phùng, Tả Ôi, Khoa San. Như đã thành quen, mọi người trong xã thường gọi 3 bản này là “vùng khát” của xã.

Người dân đang lấy nước từ mó nước… can!

Tại trụ sở UBND xã Vàng Ma Chải, mọi người nhắc đến chuyện thiếu nước ở “vùng khát” như một hiện tượng bình thường của xã. Với người dân ở đây, năm nào không xảy ra hạn hán ở vùng đó thì coi như đó là cả một sự lạ trong năm. Do vậy mọi người đều cảm thấy đây như là một quy luật bình thường. Trò chuyện với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Phủ Hành trăn trở: “Xã cũng đã tìm mọi cách nhưng hiện chưa có phương án nào khả thi. Cơ bản là tại vùng này mực nước ngầm quá thấp, nơi gần nhất có thể đưa nước về được cũng cách tới 18km (từ xã Tung Qua Lìn). Số tiền đầu tư xây dựng công trình cấp nước, công trình thủy lợi về đây lên đến 15 tỷ đồng, điều này là quá khó khăn với một xã như chúng tôi…”. Như để khẳng định những điều mình nói, đích thân ông lấy xe máy dẫn chúng tôi đi thực tế “vùng khát” và không quên kèm theo lời khuyến cáo rằng mỗi người nên đi một xe vì lộ trình là con đường giao thông nông thôn đang làm dở, rất khó đi…

Quả đúng như cảnh báo, đường vào bản rất khó đi. Con đường đang manh nha hình thành, những vạt đồi núi được bạt lấy lối đi, những đá tảng, đá hòn, thậm chí có cả những đoạn ghềnh trên cạn. Có nơi phải xuống xe, người dắt, người kéo mới qua được. Hai bên đường là những ruộng, nương của bà con đang khô cháy. Trên mỗi mảnh ruộng chỉ còn trơ gốc rạ mốc trắng.

Đến bản Khoa San, không gặp được trưởng bản, chuẩn bị quay trở ra chúng tôi gặp một người đàn ông trong bản đi chợ về. Được hỏi về tình hình khô hạn, anh ta như có dịp nói lên những khó khăn của người dân bằng thứ tiếng phổ thông lơ lớ: “Thiếu nước nhiều lắm mà! Đi lấy nước xa mà! Nhà không có nước đâu, phải đi mó lấy đấy! Trưởng bản à? nhà nó cũng thiếu nước đấy…”. Rồi anh kể hàng loạt chuyện trong bản liên quan đến chuyện “khát nước” như những nhà chỉ có đàn bà, người già, trẻ con cũng phải đi gùi nước, chuyện gia súc không có nước phải uống nước lẫn bùn… Theo tay anh chỉ, con suối chân núi đi bộ nhanh cũng phải mất một giờ đồng hồ trên dốc núi dựng vách thành mới tới, đó là nguồn dồi dào nước nhất ở đây. Cũng có nguồn khác gần hơn, đó là mó nước chung của cả 3 bản, nhưng vào những ngày này thì chỉ rỉ ra từng giọt, hứng được một can 20 lít cũng phải mất hàng giờ đồng hồ. Rồi hàng loạt những tình huống dở khóc dở cười do tranh nhau nguồn nước.

Cô giáo Phạm Ngọc Tùng, giáo viên dạy ở bản Khoa San kể: “Thời gian trước khi mó còn nhiều nước tôi còn mua được mỗi ngày được 1 – 2 can nước vì mình không đi lấy được (cô đang mang thai tháng thứ 5). Dạo này muốn mua cũng không có nước. May mà dân bản cũng thương cô giáo, mỗi sáng họ dậy từ 4 giờ đi hứng nước, tiện họ hứng luôn cho mình, mình chỉ việc thuê người mang về thôi. Nhưng cũng có ngày không hứng được nước…”. Vậy là suốt từ khi ra tết đến nay, cứ cuối tuần cô lại khăn gói áo quần, đi bộ hơn 4km ra trung tâm xã tắm giặt nhờ.

Mạch sống của 880 nhân khẩu

Muốn được tận mắt chứng kiến “mạch sống” của gần một nghìn nhân khẩu nơi đây chúng tôi dắt xe vượt đoạn đường đá khá xa để vào mó nước. Dọc đường vẫn thấy những phụ nữ, em nhỏ cúi rạp, bước đi ngược dốc, trên lưng là một can nước chừng 20 lít. Thật vất vả nhưng vẻ mặt ai nấy đều rạng rỡ vì hôm nay gia đình đã có nước để sinh hoạt.

Mó nước nằm sâu trong rừng rậm, (cũng phải nói thêm, người dân ở đây đã ý thức được phá rừng là mất nguồn nước nên họ giữ rừng rất cẩn thận như chính của nhà mình). Đứng quanh mó có đủ cả thanh, phụ, ấu, lão, mỗi người một can, một bình và một gáo đứng chờ. Hôm nay là ngày kiêng (theo phong tục mọi hoạt động đều phải dừng lại) nên lượng người tham gia có giảm hơn bình thường. Bên những gốc cây gần mó còn có những chiếc can để đó bởi chủ sở hữu tranh thủ đi đâu đó trước khi đến lượt lấy nước. Cạnh mó là bể một chứa khoảng 50m3 cạn khô trơ đáy láng xi măng chứa toàn vỏ cây, lá mục. Dưới mó, một người đàn ông và một bé gái đang hứng nước. Họ đều kiên trì chờ từng giọt nước rỉ ra, thận trọng hứng lấy. Do nhiều người lấy, mạch nước cũng chẳng thể trong được, hứng khá lâu mới được một gáo nước đục nhờ nhờ.

Em Chẻo San Mẩy mới 11 tuổi đã phải mang can đi hứng nước về cho gia đình.

Em Chẻo San Mẩy mới 11 tuổi đã phải cõng can đi hứng nước về cho mẹ. Mỗi khi hứng được một gáo nước, em lại rất cẩn thận đổ vào miệng can. Động tác của em thành thục đến độ không một giọt nước nào vương ra ngoài. Đây không phải là trường hợp duy nhất, cũng không phải là người ít tuổi nhất phải tham gia lấy nước, vì chúng tôi còn thấy những em bé đứng không cao hơn chiếc can là mấy vẫn phải rướn người cho hai chiếc quai vải (tự tạo) không thít chặt vào vai mà gùi nước ngược dốc.

Người khổ, con vật nuôi trong nhà cũng khổ theo. Có một chú trâu cũng mon men đến mó, khát quá, nó uống cả nước lẫn bùn nơi cuối mó. Dường như chưa đủ, nó còn đằm cả lên lớp đá lổn nhổn hy vọng chạm được tấm da nứt nẻ tới mặt đất ẩm ướt, nhưng cuối cùng đứng dậy vẫn khô nguyên! Gần đó còn có những bãi đất được lũ lợn khát cày sới bung bét.

Ông Tẩn Phủ Kho – một người già trong bản Khoa San cho biết: “Năm nào cũng hạn, nhưng không hiểu sao năm nay hạn ghê gớm thế”. Hơn 50 năm nay ông chưa từng chứng kiến trận hạn nào “quá đáng” như thế này.

Hệ lụy từ thiếu nước

Chị Đinh Thị Na, cán bộ Trạm Y tế xã Vàng Ma Chải cho biết, thời gian gần đây hiện tượng đau mắt xuất hiện nhiều trong người dân nhất là dân thuộc “vùng khát”. Rồi một số bệnh khác như tiêu chảy, những bệnh ngoài da cũng đã xuất hiện ngày một nhiều.

Vào bản, chúng tôi được nghe kể về một vụ cháy nhà mà chủ nhà biết từ khi phát cháy vẫn không thể dập tắt được vì chẳng tìm đâu ra nước! Hậu quả là tài sản của cả một gia đình đã thành tro.

Bên cạnh đó, hạn hán đã khiến cho hàng trăm héc ta đất canh tác của bà con trong bản cũng như trong xã không thể canh tác được, đặc biệt là 66ha diện tích trồng lúa nước. Những cánh đồng khô trắng cỏ cũng khó mọc nói gì canh tác! Chưa có công trình thuỷ lợi nên bà con nơi đây hầu hết mới chỉ trồng được một vụ/năm.

Theo thông tin từ tổ xoá đói giảm nghèo của xã, hiện xã đang khuyến khích bà con không chờ nước nữa mà chuyển sang trồng những giống cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, ngô, lạc có khả năng chịu hạn tốt để tăng giá trị sử dụng đất.

Hiện giải pháp mà xã tìm được là đưa nước từ Tung Qua Lìn về, nhưng đây là một công trình thuỷ lợi lớn đòi hỏi lượng vốn không nhỏ nên rất khó thực hiện. Giải pháp thứ hai là đưa nước từ suối Thèn Theo Hồ lên, nhưng hướng này cũng rất khó trở thành hiện thực vì độ dốc rất lớn cần nhiều trạm bơm trung chuyển trong khi điện lưới chưa vào được đến xã, cộng với đường giao thông khó khăn nên khó đưa xăng dầu vào để chạy máy nổ – biện pháp này cũng bất khả thi. Lúc này người dân chỉ chờ nước trời!

Khi nói về việc xoá đói giảm nghèo của xã, ông Lý Phủ Hoà - Bí thư Đảng bộ xã khẳng định “nếu có nước thì làm được thôi”. Còn tôi thì tin điều đó sẽ không phải đợi lâu nữa bởi con đường vào xã, vào bản đã được mở. Hy vọng trong tương lai người dân trong “vùng khát” này sẽ không còn khát nữa!

Bài, ảnh: Khánh Kiên