 |
Đồng chí Võ Văn Kiệt tiếp nhà báo Lê Phú Khải tại nhà riêng… Ảnh: LÊ PHÚ KHẢI |
Sợi dây nào đã gắn bó đời làm báo của tôi, một phóng viên bình thường với nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam Võ Văn Kiệt… nếu không phải là mảnh đất đồng bằng sông Cửu Long - nơi tôi làm phóng viên thường trú nhiều năm?
Có lần, vào cuối những năm 80, lúc đó là Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Sáu Dân đi thị sát công cuộc khai hoang vùng Đồng Tháp Mười – mà ông là người khởi xướng (1987 – 1997), ngủ đêm tại nông trường khai hoang trồng khóm Tân Lập, tỉnh Tiền Giang, sáng dậy thấy tôi ngồi ở góc bàn ăn điểm tâm cùng các cán bộ tháp tùng chuyến đi… ông hỏi: Tập phóng sự viết về Đồng Tháp Mười của Phú Khải đã in chưa? Tôi thưa: Còn nằm chờ ở nhà xuất bản ạ! Ông Sáu Dân nheo mắt cười, nói: Hãy đổi tên cho nó là “Hoa hậu Đồng Tháp Mười” là được in liền! Cả bàn ăn lúc đó đã cười rần!
Ông Sáu Dân là nhà lãnh đạo như thế. Với các nhà báo ông luôn cởi mở, vui vẻ, đôi lúc hài hước, hóm hỉnh. Cái chất hóm hỉnh hài hước trong con người ông chẳng những đã thu hút các nhà báo Việt Nam mà còn gây được thiện cảm của báo giới quốc tế. Nhà báo Đình Khải ở đài Tiếng nói Việt Nam, được phân công theo Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong chuyến công du nước ngoài, kể: Tháp tùng Thủ tướng đi nước ngoài, chúng tôi (anh Đình Khải muốn nói đến một ê-kíp các nhà báo bao gồm Thông tấn xã Việt Nam, đài Truyền hình Việt Nam, đài Tiếng nói Việt Nam, báo Nhân Dân, Quân đội nhân dân) thấy tự hào về trí thông minh Việt Nam. Vẫn theo anh Đình Khải, có lần một hãng máy bay nước ngoài tặng Thủ tướng Việt Nam mô hình một cái máy bay do hãng mới thiết kế. Ông nói: Cám ơn các bạn, bây giờ thì tôi mang nó về, hy vọng ít ngày nữa, nó sẽ chở tôi đi công cán! Những câu đối đáp thông minh và hóm hỉnh như thế của Thủ tướng nước mình đã chinh phục các nhà báo phương Tây. Tôi nghe rất nhiều những kỷ niệm như thế về tài ứng xử của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong những chuyến công du nước ngoài.
Khi công cuộc khai hoang Đồng Tháp Mười vào giai đoạn cuối, chỉ còn lại những vùng đất hoang khó khai phá nhất, một buổi sớm vừa mở mắt, tôi đã nhận được điện của giám đốc cơ quan thường trú đài Tiếng nói Việt Nam tại TP Hồ Chí Minh - phải lên cơ quan gấp! Thì ra ông Sáu Dân nghe chương trình thời sự của đài Tiếng nói Việt Nam buổi 6 giờ sáng, có bài của tôi viết về kinh tế trang trại ở đồng bằng sông Cửu Long, nói về trang trại trồng mía của anh Võ Quang Huy, huyện Đức Hòa vùng ven Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An. Anh Huy đã đại diện cho 6 hộ nông dân trong vùng nhận đất của Nhà nước để khai hoang hơn 200 ha, với thời hạn 20 năm. Anh Huy đã cùng với 6 hộ đào kênh, đắp đê bao chống lũ, lên liếp rửa phèn toàn bộ 200ha đất được giao.
Đêm trước, ông Sáu Dân ngủ tại trang trại của anh Huy, sáng về sớm, ông nghe đài có bài viết về trang trại của anh Huy nên muốn gặp tác giả để trao đổi! Trên đường đến nhà Cố vấn Võ Văn Kiệt (lúc đó ông Sáu Dân với cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng) tôi vẫn còn băn khoăn, không biết bài viết của mình có gì sơ suất không? Vì lúc đó vừa mới có hội nghị về kinh tế trang trại do Ban kinh tế Trung ương chủ trì ở Bình Dương, trong hội nghị ấy người ta tranh luận rất nhiều, quan điểm trái ngược nhau về vấn đề tích tụ ruộng đất. Nhưng vừa bước chân vào phòng khách tôi đã thấy nhẹ người. Vẫn cái nheo mắt cười quen thuộc, ông Sáu Dân biểu tôi: Nghe Phú Khải trên đài nhiều rồi, bây giờ muốn Phú Khải nghe tôi có đặng không? Tôi lấy bút ra ghi chép. Cuộc làm việc đến hơn hai tiếng đồng hồ. Ông Sáu Dân nhắc lại những điều có liên quan đến vấn đề ruộng đất và nông dân từng đã nói với tôi trước đây, đại ý, trước kia trong hai cuộc kháng chiến, ruộng đất là “cái bùa hộ mệnh” của cách mạng đối với nông dân. Nhưng bây giờ thời thế đã thay đổi, giai đoạn cách mạng đã thay đổi thì tư duy phải thay đổi. Ông đi đến kết luận: Ruộng đất không phải là mục đích cuối cùng mà cách mạng đem đến cho nông dân. Công ăn việc làm, đời sống no đủ, công bằng xã hội mới là mục đích cuối cùng với nông dân. Vì thế, ông tán thành tích tụ ruộng đất để có sản xuất lớn, để nông sản hàng hóa Việt Nam đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế nay mai, đồng thời người nông dân có việc làm, có thu nhập cao, không nhất thiết mỗi người phải có một mảnh ruộng nhỏ nhưng không đủ sức cạnh tranh, nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói. Ông bảo tôi vô một nông trường có tên là nông trường “Cô Bé Hai”, do một nữ doanh nhân ở quận 4, TP Hồ Chí Minh thuê gần 2.000 ha đất với thời hạn 20 năm để khai hoang, ở huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An. Theo ông Sáu, đây là những vùng phèn nặng nhất của Đồng Tháp Mười. Ông hỏi tôi: Phú Khải có biết câu ca về vùng này không? Rồi ông đọc cho tôi nghe “Muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội tựa bánh canh, cỏ mọc thành tinh, rắn đồng biết gáy!”. Theo ông thì người nghèo không có vốn, dù có cấp đất cho không cũng không thể khai hoang nổi. Ông đề nghị tôi với tư cách một nhà báo, hãy đến tận nơi để quan sát rồi suy nghĩ cùng ông. Sau này khi vô nông trường Tân Thanh (tức nông trường Cô Bé Hai) tôi được biết, trước đó Cố vấn Võ Văn Kiệt đã lặn lội vô đây (không có đường xe ô tô), ăn cơm cá lóc nướng cùng với những người khai hoang. Lúc tiễn ra cửa, ông còn vỗ vai tôi, lại nheo mắt cười: Cô Bé Hai đang “cô đơn” đấy, gắng lên nhà báo! (Sau này Cô Bé Hai lấy một Việt kiều ở Mỹ, quê ở huyện Bình Chánh, cùng cô chung lưng khai phá đất hoang).
Ông còn quan tâm đến việc tập hợp những người làm thông tin đại chúng, thu hút, thuyết phục họ, hướng ngòi bút của đội ngũ này vào những đề tài nóng bỏng, có tính sống còn của cuộc sống đất nước, để những thông tin từ họ phát đi, phù hợp với lợi ích của đất nước trong hiện tại và cả những lợi ích trong tương lai mà người lãnh đạo sáng suốt sớm nhìn ra. Tôi biết, tôi chỉ là một phóng viên bình thường, được sự quan tâm của ông (trong lĩnh vực khai phá xây dựng đồng bằng sông Cửu Long) trong số rất nhiều những nhà báo mà ông đã dìu dắt, đã cộng tác vì sự nghiệp chung của đất nước.
Võ Văn Kiệt là một con người như sinh ra để đứng ở đầu sóng ngọn gió. Ông “thà đi trong dông bão còn hơn đi bách bộ trong sân!”
Một buổi tối êm ả tại nhà riêng ở đường Tú Xương, tôi được ông tâm tình về những ngày đầu kháng chiến gắn bó với nhà báo: “Thời chống Pháp lúc tôi phụ trách huyện rồi lên tỉnh, cơ quan của huyện và cơ quan của tờ báo Tiếng súng kháng địch của Quân khu 9 đều ở trong tỉnh Rạch Giá. Tôi quan hệ thân thiết với các nhà báo và được biết sớm các thông tin, nhất là tin chiến trường. Tôi thường xuyên liên hệ và cùng trao đổi tình hình với anh em ở báo Tiếng súng kháng địch của Quân khu 9 như: Rum Bảo Việt, Lê Minh Hiền, Ung Văn Khương… Đó là thời kỳ kháng chiến chống Pháp, sau này, trong kháng chiến chống Mỹ thì tôi thường liên hệ với anh em làm báo Giải phóng của R (Trung ương Cục) và anh em đặc trách báo chí công khai ở Sài Gòn”. Ông cũng cho tôi cái nhìn toàn cảnh và công bằng về báo chí TP Hồ Chí Minh sau 1975: “Sau ngày giải phóng, ta tiếp quản nhanh đài truyền hình, đài phát thanh và phát sóng sớm nhất. Còn báo viết thì mất mấy ngày sau mới có báo Giải phóng, báo Sài Gòn giải phóng. Thành phố cũng nhanh chóng tiếp nhận báo Nhân Dân, báo Quân đội nhân dân… nhưng số lượng không nhiều và lượng thông tin chưa thật sát với bà con thành phố. Đối với dân Sài Gòn, từ lâu đọc báo như một nhu cầu thành thói quen không thể thiếu vào buổi sáng. Việc thay đổi và thiếu báo như thế làm bà con có phần hụt hẫng. Vì vậy, chúng tôi cùng với anh em tuyên huấn tập trung lo cho báo chí rất nhiều, nhanh chóng cho xuất bản các tờ Tuổi trẻ, Phụ nữ, Công nhân giải phóng… Thành ủy còn có chủ trương rất sớm cho tờ Tin Sáng - tờ báo của anh em đối lập với chính quyền Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ tiếp tục xuất bản hàng ngày. Vài tháng sau, tờ Công giáo và Dân tộc được ra mắt bạn đọc. Rồi tiếp đến thêm tờ Giác ngộ của Hội Phật giáo phát hành. Lực lượng báo chí hợp lại ngày càng mạnh. Nhưng phải đánh giá một cách công bằng rằng, bên cạnh các tờ báo của Đảng, của các đoàn thể, vai trò của báo Tin sáng, báo Công giáo và Dân tộc, báo Giác ngộ đã góp phần tích cực trong những năm đầu giải phóng, đúng như chủ trương của Thành ủy và Ủy ban lúc bấy giờ. Chính thói quen tốt - đọc báo - của Sài Gòn giúp họ biết các chủ trương của chính quyền những ngày đầu giải phóng. Vì thế lúc bấy giờ, chúng tôi quan tâm chăm sóc và góp sức nhiều với anh em làm báo…”.
Bất chợt ông hỏi tôi: Phú Khải quê ở đâu? Tôi thưa: Dòng họ tôi đã mấy đời sống ở Hà Nội. Người gốc gác thành phố coi như không có quê! Tết đến thấy người ta đua nhau về quê buồn lắm! Ông Sáu Dân phá lên cười! Rồi ông thân mật nói: Tôi nghĩ, phần lớn các nhà báo không chọn báo chí như một nghề chỉ để kiếm sống, có phải không nhà báo?
Không phần thưởng cao quý nào hơn khi một nhà cách mạng đã dành những lời như thế cho nghề báo.
Nhà báo LÊ PHÚ KHẢI