Ít ai biết viên tướng ngụy Phạm Văn Phú - Tư lệnh Quân đoàn II của ngụy quân Sài Gòn trước đây, một viên tướng kiêu binh, tường tận nhiều “binh pháp”, từng nhảy dù xuống TP Huế trong ngày lãnh chức chỉ huy một sư đoàn bộ binh (đóng ở căn cứ Mang Cá) lại là kẻ bại trận tại Điện Biên Phủ.
Phú sinh năm 1929 tại Hà Đông (Hà Tây cũ). Tốt nghiệp khóa 8 Trường võ bị liên quân Đà Lạt giữa năm 1953, Phú tình nguyện phục vụ trong Binh chủng nhảy dù. Ngày 14-3-1954, trong lúc chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng nóng bỏng, Phú mang lon trung úy đã chỉ huy một đại đội của Tiểu đoàn 5 quân dù người Việt, nhảy xuống chốt ở một vị trí sát đường băng chính, sân bay Mường Thanh.
Sau hơn một tháng liên tục giao tranh với các lực lượng bộ đội ta, ngày 16-4-1954, Phú đã chỉ huy một phần Tiểu đoàn 5 quân dù cùng các đơn vị quân Pháp phản công, tái chiếm lại một cứ điểm trọng yếu. Sau trận phản công trên, y được thăng cấp hàm đại úy ở tuổi 25 tuổi. Ngày 26-4-1954, Phú được cử giữ chức tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 5 dù. Ngày 7-5-1954, lúc hừng sáng, Phú đã tổ chức mở cuộc phản kích với ngót 100 tàn quân của mấy đơn vị hợp lại, đánh cận chiến với bộ đội chủ lực của ta và giành lại được hơn 100 thước giao thông hào. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau, mũi phản công do Phú chỉ huy đã bị bộ đội ta bẻ gãy. Ba sĩ quan chỉ huy lúc đó gồm: Đại úy Guillemint, Thiếu úy Lafanne, Đại úy Phạm Văn Phú cùng gần 100 tên lính có “máu” quyết chiến đã phải khuất phục trước sức mạnh của bộ đội ta.
Điện Biên Phủ bị thất thủ, Phú bị bộ đội ta bắt giam. Sau ngày 20-7-1954, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ, Phú được trao trả cho phía bên kia. Từ đó, Phú theo quan thầy vào Nam phục vụ trong lực lượng Quân đội Việt Nam Cộng hòa cho đến ngày địa bàn Tây Nguyên do lực lượng Quân đoàn II, Quân khu II ngụy mà Phú chỉ huy phụ trách, bị thất thủ (tháng 3-1975).
Cuộc đời làm tay sai hết thực dân Pháp lại đến đế quốc Mỹ của Phạm Văn Phú cũng có nhiều giai thoại. Từ gã lính dù (một biểu tượng của sức mạnh đối với quân ngụy thời đó), Phú được điều ra làm chỉ huy sư đoàn bộ binh đóng ở căn cứ Mang Cá, TP. Huế với quân hàm cấp tá. Năm 1975, Phú là Tư lệnh Quân đoàn II, Quân khu II ngụy, phụ trách các tỉnh Tây Nguyên và duyên hải miền Trung. Sau lần ngấm đòn ở Điện Biên Phủ và hiểu cách đánh “Tiền pháo hậu xung”, “vây lấn”… của ta, Phú đã bố trí lực lượng mạnh, tập trung ở Bắc Tây Nguyên. Nhưng trước nghệ thuật “nghi binh” trong chiến dịch của bộ đội ta, các tuyến đường 19, 21 (xuống duyên hải), đường 14 (huyết mạch cao nguyên) lần lượt bị ta chia cắt. Các sư đoàn, chiến đoàn của Phú bị cô lập chỉ còn trông vào phương án vận chuyển đường không. Khi căn cứ Đức Lập bị ta chiếm giữ, Phú giật mình nhận ra Nam Tây Nguyên bị hở sườn, nhưng đã muộn. Rạng sáng 10-3-1975, ta tiến công Buôn Ma Thuột. Sau 3 trận then chốt, Quân đoàn II ngụy tại Tây Nguyên bị tan dã. Phú phải dùng trực thăng chạy đến “Lầu Ông Hoàng” tỉnh Bình Thuận để chờ Quân đoàn III ngụy tới ứng cứu và cay đắng tự sát tại quân y viện ít ngày sau đó.
TRẦN DANH BẢNG