QĐND - Những năm gần đây, thị trường quà tặng đồ thủ công mỹ nghệ làm từ cỏ được nhiều người quan tâm vào mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Vậy quà tặng làm từ cỏ tế có gì đặc biệt trong dịp Tết Ất Mùi này, giá cả ra sao? Chúng tôi đã về thôn Phú Túc, xã Lưu Thượng, huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội để tìm hiểu mặt hàng này.

Thôn Phú Túc có truyền thống làm đồ thủ công từ cỏ tế hàng trăm năm nay. Cỏ tế thường mọc hoang ở khu vực miền núi, lấn át, phá hoại những cây trồng khác. Song nó là loại cây mang lại giá trị kinh tế cho người dân Lưu Thượng. Tương truyền, làng Lưu Thượng có lịch sử hơn 400 năm, ban đầu cỏ tế do một người phụ nữ họ Nguyễn phát hiện ra. Bà nhận thấy loại cỏ này có thể dùng để đan thành các sản phẩm đánh bắt cua, cá và đã dạy lại cho người dân địa phương. Về sau, từ cỏ tế, người ta còn làm ra các sản phẩm đa dạng về kiểu dáng và kích cỡ như tráp, giỏ đựng hoa quả, hộp đựng son phấn, quần áo… Bước vào thời kì hội nhập kinh tế, đặc biệt từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước đến nay, các sản phẩm từ cỏ tế không chỉ phục vụ mục đích sinh hoạt cá nhân mà còn được người dân xuất khẩu sang các thị trường như: Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc… Nhờ vậy mà đời sống người dân địa phương không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Mùa với bộ sản phẩm chủ đề con dê nhân dịp Tết Ất Mùi.

Bước tới đầu làng, tứ phía ở đây đều toàn cỏ tế. Lại gần cổng làng, cảnh xe cộ tấp nập chở những món hàng mỹ nghệ, cảnh bà con í ới gọi nhau đi nhập hàng. Ấn tượng để lại trong lòng du khách không chỉ là đôi bàn tay đan lát khéo léo, chuyên nghiệp, tỉ mỉ tới từng chi tiết của người già đến trẻ nhỏ, mà còn là tinh thần hiếu khách. Chính vì thế có hàng trăm tua du lịch được tổ chức đến xã Lưu Thượng. Cô Nguyễn Thị Khơi, người có thâm niên hơn 20 năm làm nghề cỏ tế ở xóm 6 tâm sự: “Gần Tết, làng có tới hàng trăm mẫu sản phẩm, khách đến đặt và lấy hàng tận nơi nên hàng ra đến đâu là hết đến đó. Chúng tôi vẫn mong muốn có thể phát triển được mô hình tua du lịch làng nghề để khách thập phương biết đến ngày một nhiều hơn”.

Để sản phẩm tới được tay khách hàng, theo anh Hoàng Văn Long, một nghệ nhân giỏi, phải trải qua rất nhiều công đoạn: Cỏ nguyên liệu sau khi thu mua về sẽ được ngâm, chọn lựa kỹ, lọc lấy những sợi dẻo, dai, có màu sắc đẹp để bóc và phải phơi ít nhất là ba nắng to liên tiếp. Cỏ tế kỵ nhất là gặp mưa vì cỏ sẽ xỉn màu. Sau khi hoàn thiện, sản phẩm được hun sấy, làm trắng bằng diêm sinh, rồi nhúng qua chất keo để tăng độ bền. Cuối cùng, sản phẩm được phơi khô hoặc sấy rồi nhúng qua hai hoặc ba lần dầu đợi tới khi khô kiệt mới đóng kiện và xuất khẩu. Tuy nhiên, sản phẩm có đẹp và đa dạng hay không còn  phụ thuộc vào những bản mẫu trên giấy và triển khai thành khuôn mẫu.

Hiện nay, trong làng Lưu Thượng có tới 400 hộ gia đình làm nghề cỏ tế với đa dạng mẫu mã. Nhưng có duy nhất nghệ nhân Nguyễn Văn Mùa làm được sản phẩm với hình dạng của 12 con giáp. Anh Mùa bắt đầu đan cỏ tế từ năm 14 tuổi và tới nay đã tạo ra nhiều sản phẩm mới. Anh là một trong những nghệ nhân của TP Hà Nội từng đoạt được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi thiết kế sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lễ hội vinh danh làng nghề cỏ tế truyền thống… “Năm nay là năm Ất Mùi nên dịp này, các sản phẩm mà gia đình tôi tập trung sản xuất đều hướng về chủ đề con dê theo thị hiếu của khách hàng”-anh Mùa cho biết.

Vào dịp cuối năm hay lễ hội, gia đình anh bán ra hàng nghìn con vật từ cỏ tế. Tùy theo tâm lý mỗi người có thể sở hữu đồ vật theo tuổi của mình, theo các năm khác nhau. Kích cỡ và độ khó của mỗi sản phẩm sẽ có mức giá khác nhau, trung bình giá mỗi con vật khoảng 25.000 đồng trở lên. Mặt hàng này khá phù hợp với nhu cầu cũng như túi tiền của khách hàng. Chắc chắn ai đến Phú Túc cũng sẽ tìm được những món quà độc đáo để làm quà trong những ngày xuân đầy ý nghĩa.

Bài và ảnh: THU THỦY