 |
Nhà bia di tích Ủy ban Kiểm tra Trung ương. |
Nắng thu bừng lên rực rỡ dải núi Hồng,rừng cọ, đồi chè, nhà sàn, vùng chiến khu Việt Bắc năm xưa. Sơn nữ Lý Thị Chiên phụ trách Bảo tàng ATK (An toàn khu) Định Hóa, đưa chúng tôi đến di tích nơi thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương (KTTƯ) Đảng. Từ đường ô tô Quán Vuông-Tân Trào, rẽ phải theo "đường Trường Chinh" độ 2km, đến đồi Pụ Miếu, xanh ngát chè, cọ, bao quanh là cánh đồng lúa vàng óng, giáp núi Hồng thuộc xóm Phủng Hiển, xã Điềm Mặc, Định Hóa (Thái Nguyên). Tại nơi đây còn vật chuẩn - cây Gội cổ thụ, gốc độ 3 người ôm, có 4 nhánh ngọn như cái chạc súng cao su. Cựu chiến binh Mông Chí Đệ kể lại: Vào năm 1948, Trần Đăng Ninh, thường gọi "ông Đỗ", chuyển đến ở cùng gia đình. Bố ông là Mông Chí Bằng dành cả đồi Pụ Miếu, cùng Lường Văn Lược, và mấy người dân dựng nhà, lán cho Ban Kiểm tra Trung ương. Con gái ông Ninh tên là Hạnh, cùng trông em ở nhà sàn, vẫn qua lại chơi với nhau. Vào giờ nghỉ buổi chiều, ông Ninh hay câu ếch ở bờ ao và các chằm lầy, các "đồng chí Trung ương" thả rau muống ở ao Thẩm Pa, hái măng nứa về cải thiện.
Đồng chí Trần Đăng Ninh (tức Nguyễn Tuấn Đáng), Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương đầu tiên của Đảng, sinh năm 1910 ở Quảng Nguyên, Quảng Phú, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Đồng chí vào Đảng năm 1936, tháng 9-1940, lãnh đạo khởi nghĩa Bắc Sơn; ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành T.Ư Đảng (tháng 5-1941), rồi Bí thư Xứ ủy Bắc Kỳ; ngày 21-11-1941 bị thực dân Pháp bắt giam ở Hỏa Lò, đi đày ở Sơn La, cùng Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Văn Trân, Lưu Đức Hiểu vượt ngục Sơn La (1943)... Ngày 15-5-1945, tại lễ thành lập Việt Nam giải phóng quân ở Định Biên, Định Hóa, đồng chí được cử vào Ban chỉ huy. Đồng chí được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử lên Việt Bắc chọn khu an toàn (11-1946) đặt các cơ quan đầu não. Sau khi lên các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn khảo sát, theo đề xuất của ông, Đảng, Chính phủ quyết định chọn các huyện Định Hóa, Đại Từ, Phú Lương (Thái Nguyên), Chợ Đồn, Chợ Mới (Bắc Kạn), Sơn Dương, Yên Sơn, Chiêm Hóa (Tuyên Quang) xây dựng An toàn khu (ATK). Toàn quốc kháng chiến, huyện Định Hóa trở thành đại bản doanh của Trung ương Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh, tổng chỉ huy quân đội quốc gia và dân quân tự vệ…
Đầu năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi kiểm tra hoạt động của Đảng bộ, chính quyền một số địa phương, Bác viết thư gửi các đồng chí Bắc Bộ và Trung Bộ chỉ rõ những khuyết điểm, quan liêu, hẹp hòi, bè phái, phải tăng cường công tác kiểm tra để uốn nắn, sửa chữa.
Ông Hà Xuân Mỹ (Hà Minh Quốc) nguyên bí thư Đảng ủy khối kinh tế Trung ương, nay đã 85 tuổi kể lại: Tôi làm ủy viên Ban thường vụ tỉnh ủy Quảng Trị, cuối tháng 7-1947 ra học lớp chính trị Tô Hiệu ở ATK Định Hóa. Khi quân Pháp vây riết, đánh lên Việt Bắc, tôi cùng Lê Khánh, Đặng Việt Lâm được đồng chí Lê Đức Thọ giữ lại làm công tác kiểm tra Đảng. Ngày 16-10-1948, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra quyết nghị thành lập Ban Kiểm tra Trung ương do Tổng bí thư Trường Chinh ký, gồm các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng; Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Thường vụ Khu ủy (sau là Ủy viên Bộ Chính trị, thường trực Ban Bí thư, mất 2008) và Hà Xuân Mỹ. Đồng chí Trần Đăng Ninh được cử làm Trưởng ban kiểm tra Trung ương chuyên trách đầu tiên của Đảng. Các phái viên kiểm tra, lúc đông nhất 23 người được điều động từ các Ban thường vụ tỉnh ủy từ Liên khu V trở ra: Lê Thanh, Đặng Việt Lâm, Hoàng Phú, Mai Công Thiệp, Trần Tấn, Trần Linh, Nguyễn Thành Tân, Nguyễn Danh Phan, Trần Thọ… Gần Ban KTTƯ ở (đồi B) có: Tổng bí thư Trường Chinh cùng Văn phòng Trung ương Đảng ở Khuổi Khê (đồi A), Ban Tài chính quản trị Trung ương do "anh Cả" (Nguyễn Lương Bằng), hơn chục cán bộ ở, làm việc ở đồi B, biên tập, phóng viên Báo Sự Thật do Hoàng Tùng phụ trách ở đồi C… Tổng bí thư Trường Chinh, các đồng chí: Lê Văn Lương, Hoàng Quốc Việt, Tôn Đức Thắng…, từng đến làm việc với anh Cả và Trần Đăng Ninh ở đồi Pụ Miếu. Vào mùa đông, độ tháng 10, tháng 11 năm 1949, Bác Hồ đến làm việc. Người hỏi: Chú Ninh là Trưởng ban thì ai là phó? Rồi Người hỏi thăm sức khỏe, đời sống của cán bộ và trao đổi công việc với Trưởng ban…
Trụ sở ngày đầu thành lập Ban Kiểm tra Trung ương là "nhà dài" 20m, cột gỗ, vách vầu, lợp cọ, bàn ghế, giát nằm bằng cây mai, ngăn thành từng phòng. Ban thực hiện nhiệm vụ theo phương thức Phái viên. Trưởng ban Trần Đăng Ninh, cùng các phái viên lúc đi ngựa, khi đi xe đạp, cuốc bộ, luồn qua vùng Tề, vùng địch tạm chiếm, có mặt trên khắp nẻo đường kháng chiến, làm công tác "thanh - kiểm tra", giám sát, từ các Liên khu, các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Sơn La, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… Có chuyến đi một tuần, có chuyến từ 1 đến 3 tháng. Các cuộc kiểm tra, thanh tra thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương Đảng, Chính phủ, hoặc do Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị... Trần Đăng Ninh kiêm Phó tổng thanh tra Chính phủ.
Ông Lê Ánh, nguyên phát ngôn viên Văn phòng Chính phủ (1948-1954), cho biết: Hồi ấy Chính phủ có 2 đặc phái viên là bác sĩ Phạm Ngọc Thạch và Trần Đăng Ninh. Anh Ninh còn là phái viên của Bác Hồ. Ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng và Nhà nước về chỉ đạo chiến tranh, chuẩn bị kháng chiến; chính sách tôn giáo, dân tộc, trí thức, chính sách mặt trận, cán bộ và quân đội…; công tác phòng, chống lãng phí, tham ô của các tỉnh ủy thuộc các Liên khu; việc thực hiện huy động nhân dân kháng chiến ở Bắc Giang, Bắc Ninh chuẩn bị hội nghị chiến tranh vùng trung du; kiểm tra nội bộ cơ quan "Hoa kiều vụ", vụ án gián điệp H122 ở Liên khu Việt Bắc; vụ "Hóa chất miền Nam" ở Liên khu V; thuyết phục giám mục Lê Hữu Từ ở Bùi Chu, Phát Diệm. Trần Đăng Ninh đi ngựa cùng Tô Quang Đẩu lên Đồng Văn (Hà Giang), thuyết phục "Vua Mèo" Vương Chí Sình ủng hộ Chính phủ kháng chiến; đi Sơn La, Hòa Bình làm nhiệm vụ Kiểm tra Đảng. Các Liên khu, tỉnh, có cấp ủy viên phụ trách kiểm tra. Liên khu Việt Bắc có Khu ủy viên Phan Lang. Ở Liên khu III có Khu ủy viên Vũ Oanh. Từ Ban kiểm tra Trung ương ở ATK Việt Bắc phát đi nhiều chủ trương, chỉ đạo xây dựng hệ thống cơ quan kiểm tra Đảng xuống các cấp bộ Đảng. Tham mưu, thực hiện các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra, giám sát giúp Trung ương Đảng, Chính phủ, Bác Hồ chỉ đạo kháng chiến, kiến quốc, gây được lòng tin của nhân dân, chiến sĩ, củng cố thêm mối quan hệ công tác giữa Trung ương và địa phương.
Vào năm 1949, Chủ tịch Liên khu IV Hồ Tùng Mậu (tức Hồ Bá Cự) ra làm Tổng thanh tra ở đồi Pụ Miếu. Hà Xuân Mỹ cưới vợ Trần Thị Vinh (tức Lê Tâm), Bí thư Văn phòng phụ nữ Khu Việt Bắc, vào đúng ngày 19-8 nên có thịt bò ăn tươi. Cụ Hồ Tùng Mậu làm chủ hôn. Dự đám cưới có các anh Hoàng Tùng, Tô Quang Đẩu; các chị Đinh Thị Cẩn, Hoàng Thị Ái, Hà Giang…
Ông Lường Văn Lược, 86 tuổi từng làm lán cho Ban Kiểm tra Trung ương năm 1948, cho biết: Hồi ấy Phủng Hiển có 5-7 nóc nhà rải rác. Lứa chúng tôi vẫn vào chơi, thấy ông Ninh cùng anh em ăn ngô bung, cơm độn sắn. Vào ngày rằm, ngày tết vẫn mời các anh về, uống rượu, xôi bảy màu, thịt lợn, thịt gà... Dân được dặn không biết, không nghe, không thấy… để bảo vệ cơ quan, cán bộ. Gia đình ông Đệ còn giữ chiếc áo dạ capốt, nặng hơn 3kg do Trần Đăng Ninh tặng. Ông Đệ đã hiến tặng Bảo tàng ATK Định Hóa kỷ vật gắn với một cán bộ lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Chính phủ, quân đội với những cống hiến to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Ngày 20-9-2008, đoàn cán bộ lão thành trở về cội nguồn, trồng cây ở đồi Pụ Miếu. Chúng tôi được ông Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nay đã 94 tuổi, kể lại: Sau Đại hội II một thời gian, Ban Kiểm tra Trung ương từ Phủng Hiển chuyển sang Thác Dẫng ở Sơn Dương, tôi và anh Nguyễn Chánh làm phó giúp việc cụ Hồ Tùng Mậu. Cơ quan có anh Tô Quang Đẩu, anh Nam, anh Tân, Quang Bụt, Nguyễn Văn Nho, anh Thiếp, anh Nhiên, anh Hoạch, anh Khiết, anh Hà…; có 4-5 cái nhà. Cụ Mậu ở tập thể cùng anh em trồng rau, nuôi gà… Cụ Hồ Tùng Mậu là bậc tiền bối, chúng tôi rất kính trọng đức, tài. Tôi từ bí thư, Chủ tịch Liên khu III, lên Việt Bắc, công tác thanh tra, kiểm tra còn mới mẻ, bỡ ngỡ, được cụ Mậu chỉ dẫn, giúp đỡ tận tình. Chúng tôi ghi nhớ lời dặn của Bác: Kiểm tra, giám sát, cũng là trị bệnh, cứu người, chứ không phải là dìm cho chết, xuống các địa phương phải giúp đỡ tìm cách tháo gỡ những khó khăn. Cụ Hồ Tùng Mậu vừa là trưởng ban vừa kiêm Tổng thanh tra Chính phủ, chia ngọt, sẻ bùi rất tâm huyết xây dựng ngành kiểm tra Đảng và tổ chức chỉ đạo thực thi nhiệm vụ của Bác Hồ và Trung ương giao để đẩy mạnh tổng phản công. Cụ cùng chúng tôi đi các khu, các tỉnh, kiểm tra, giám sát thực hiện Nghị quyết, Chủ trương, Chính sách của Đảng, thực hiện dân chủ, đặc biệt là công tác huy động nhân dân đóng góp sức người, của, vật chất cho tổng phản công. Tôi dẫn đoàn xuống Khu III. Anh Tô Quang Đẩu đi khu Việt Bắc. Cụ Mậu dẫn đoàn đi Khu IV, bị hy sinh vì máy bay giặc Pháp, ở làng Vạn Phúc (Hà Đông) còn Nguyễn Văn Nho biết chuyện. Ông Nho, người cán bộ bảo vệ, giúp việc cụ Hồ Tùng Mậu ở ATK Việt Bắc, khi kể lại chuyện không ngăn được nước mắt:
- Vào mùa hè, sau khi đoàn của cụ Hồ Tùng Mậu có hơn chục người, làm việc xong ở Thanh Hóa, trên đường vào Nghệ An. Khoảng 5-6 giờ chiều ngày 27-7-1951 đến thị trấn "Còng" (nay thuộc Tĩnh Gia) thì bị máy bay Pháp từ biển vào bắn phá. Cụ Hồ Tùng Mậu cùng một đồng chí hy sinh, một số bị thương. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đưa thi hài cụ Hồ Tùng Mậu về quê, làng Quỳnh Đôi, mai táng. Đoàn của Chính phủ từ Việt Bắc mang bài điếu văn của Bác Hồ về làm lễ truy điệu vào một đêm tháng 8-1951. Còn tại Việt Bắc, ông Lê Ánh nhớ lại, lễ truy điệu cụ Hồ Tùng Mậu, tại hội trường Hội đồng Chính phủ ở Thác Dẫng, do Chủ tịch Hồ Chí Minh làm trưởng ban; dự có anh Phạm Văn Đồng, Phan Mỹ, Bùi Công Trừng… Đồng chí La Quý Ba, Đại sứ đặc mệnh đầu tiên của Trung Quốc tại Việt Nam mang vòng hoa, cùng cán bộ "giao tế xứ" đến viếng. Bác Hồ đọc điếu văn mà không ngăn nổi dòng nước mắt:
Chú Tùng Mậu ơi
Lòng ta rất đau xót, linh hồn chú biết chăng?
Về tình nghĩa riêng tôi với chú là đồng chí, lại thân thiết hơn anh em ruột… đã bao phen chúng ta đã đồng cam cộng khổ như tay với chân…
Mất chú, đồng bào mất đi một người lãnh đạo tận trung. Chính phủ mất một người cán bộ lão luyện, đoàn thể mất một người đồng chí trung thành và tôi mất một người anh em chí thiết…
 |
Nhà văn hóa cộng đồng Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tặng nhân dân xã Điềm Mặc |
Ban Kiểm tra Trung ương chuyển cơ quan sang Yên Lãng, ở dưới chân Đèo Khế, thuộc Đại Từ (Thái Nguyên). Đồng chí Nguyễn Văn Trân là Phó ban phụ trách, còn Nguyễn Chánh được Trung ương điều sang quân đội. Vào đầu tháng 12-1953, đồng chí Nguyễn Văn Trân làm Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Cung cấp Trung ương lo tổ chức vận tải, tiếp tế cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cùng đi có Tô Quang Đẩu và đa số cán bộ Ban chuyển lên tận Còi Nòi đứng chân, lập tuyến tiếp tế lên Tuần Giáo, Điện Biên. Công tác kiểm tra do Tổng bí thư Trường Chinh chỉ đạo.
Vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cùng UBND xã Điềm Mặc làm lễ đón bằng xếp hạng cấp Quốc gia Địa điểm di tích thành lập Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khánh thành nhà bia di tích tại đồi Pụ Miếu và nhà văn hóa cộng đồng, nhân kỷ niệm 60 năm thành lập ngành kiểm tra Đảng (16-10-1948/16-10-2008). Đồng chí Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, tâm sự: Đó không chỉ là tấm lòng, sự tri ân với đồng bào các dân tộc vùng chiến khu xưa mà còn ghi dấu cội nguồn, giáo dục, phát huy truyền thống ngành Kiểm tra Đảng trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Bài và ảnh: ĐỒNG KHẮC THỌ