Cổ Loa là mảnh đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hoá dân tộc. Nơi đây đã từng được chọn làm đất dựng đô, mở cơ đồ Âu Lạc, thúc đẩy nền văn hoá Đông Sơn và nền văn minh lúa nước. Trải qua thăng trầm của ngàn năm lịch sử đến thế kỷ thứ X (năm 939), dưới thời vua Ngô Quyền, Cổ Loa lại được chọn làm kinh đô một lần nữa. Là vùng đất địa linh, Cổ Loa như một kho tàng lớn chứa đựng và lưu giữ những di tích lịch sử - văn hóa, với những thành cổ, đền, am thờ nổi tiếng.

Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, đất và người Cổ Loa đã từng là nơi được Trung ương Đảng và Bác Hồ kính yêu chọn làm An toàn khu thời 9 năm kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp. Năm 2003, Đảng bộ và nhân dân xã Cổ Loa đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Về dự lễ hội Cổ Loa mồng 6 tháng giêng, ta không chỉ được tận hưởng khí xuân của một vùng quê ngoại ô còn mang đậm nét hoài cổ, được thưởng thức những nét đẹp của văn hóa dân gian, hiểu biết thêm về nghệ thuật quân sự của An Dương Vương... từ chính sự thâm trầm, sâu lắng của di tích thành cổ hàng ngàn năm tuổi này.

An Dương Vương kế nghiệp vua Hùng...

 

 

Vào thế kỷ thứ III trước công nguyên, Thục Phán hiệu là An Dương - thủ lĩnh của liên minh bộ lạc người Âu Việt, sống ở miền núi phía Bắc nước Văn Lang. Có nhiều giả thuyết về ông nhưng bản thần phả hiện còn đang được lưu giữ trong đền thờ An Dương Vương, cho rằng: Thục Phán sinh ngày 11 tháng Tám năm Nhâm Thìn (có thể là năm 269 tr.CN). Đời Hùng Vương thứ XVIII, trước nguy cơ Tần Thuỷ Hoàng bành trướng với quy mô lớn xuống phía Nam, Vua Hùng đứng đầu Lạc Việt và Thục Phán thủ lĩnh xứ Âu Việt đã liên kết thành một khối “Bách Việt” đổi tên là nước Âu Lạc, cùng nhau chống giặc ngoại xâm. Ngày mồng 6 tháng Giêng năm 257 tr.CN, Thục Phán lên ngôi vua hiệu là An Dương Vương, kế nghiệp triều Hùng.

Cổ Loa, kinh đô nước Âu Lạc

Âu Lạc thuở ấy, có non cao biển cả, núi rộng sông dài, vua giỏi tôi hiền, trí dũng kiên trung đoàn kết một lòng. Mười năm binh lửa diệt hai mươi vạn quân Tần, mở mang bờ cõi. Triều đại An Dương Vương là triều đại đánh thắng giặc ngoại bang xâm lược sớm nhất trong lịch sử nước ta. Giặc tan, bờ cõi được mở rộng, Kinh đô Phong Châu của Vua Hùng không còn là trung tâm của đất nước. An Dương Vương họp ngũ hổ tướng quân trụ cột triều đình: Cao Lỗ hầu Lý Ông Trọng, Nồi Hầu, ông Đống, ông Vực cùng văn võ bá quan quyết định dời đô xuống chạ Cổ Loa (Đông Anh - Hà Nội).

An Dương Vương xây thành Cổ Loa ròng rã mười mấy năm trời không xong, thành cứ xây ban ngày, đêm lại bị sụt đổ, sau nhờ thần Kim Quy mách kế, trị được yêu quái Bạch kê tinh, thành mới xây được vững chắc, tồn tại đến tận ngày nay.

Thành Cổ Loa - công trình nghệ thuật quân sự đầu tiên của dân tộc

Thành Cổ Loa là công trình lao động lớn của nhân dân ta thời Âu Lạc. Tương truyền, thành được xây quanh co chín lớp, đến nay còn lại ba vòng thành theo đường xoáy trôn ốc: Trôn ốc là xóm Chùa, mình ốc là đường thành từ xóm Chùa qua xóm Chợ, xóm Hương về Gồ Cháy. Ba vòng thành hiện còn đến nay có tổng chiều dài 16km (thành Ngoại dài hơn 8 km, thành Trung dài 7,5 km, thành Nội dài hơn 2km). Các lũy thành có độ cao trung bình 4-5 mét, nhiều đoạn cao 8-12 mét. Mặt luỹ rộng 6-12 mét, chân lũy rộng 20-30 mét. Trên mặt thành đắp nhiều ụ đất cao và nhô ra phía ngoài để làm vọng gác và công sự phòng ngự.

Phía ngoài lũy thành đều có hào sâu và rộng, quanh năm đầy nước, thuận tiện cho việc thuyền bè qua lại. Hệ thống hào nối với sông Hoàng Giang tạo thành mạng lưới giao thông thủy liên hoàn và thống nhất. Khu vực Đầm Cả và Đầm Muông bao giữa thành Trung và thành Ngoại ở phía đông rộng mênh mông, có tới hàng trăm chiếc thuyền neo đậu được, xưa là “quân cảng”.

Thành Cổ Loa rộng bao gồm 8 làng (xưa gọi là Bát xã, nay thuật ngữ này vẫn được sử dụng trong văn tế lễ hội hàng năm): Làng Cổ Loa là trung tâm thành gọi là Đông cung; làng Văn Thượng là Tây cung (nơi do Cao Vũ Thần, em tướng quân Cao Lỗ trấn giữ); làng Mạch Tràng vừa là trạm nghỉ từ Đông cung sang Tây cung, vừa là kho quân lương; làng Sàn Giã là nơi đúc tên đồng do tướng quân Cao Vũ Lân trông coi; làng Ngoạt Sát, làng Đài Bi, làng Cầu Cả và làng Thư Cưu (là nơi quan trọng nhất về mặt quân sự, “Binh thư đầu trận” do tướng quân Cao Lỗ trực tiếp trấn giữ).

Thành Cổ Loa là quân thành đầu tiên của dân tộc ta, thể hiện nghệ thuật quân sự tài giỏi của quân và dân nước Âu Lạc thời bấy giờ. Đây là một công trình phòng ngự kiên cố, rất lợi hại. Hệ thống lũy, hào, ụ, công sự… được An Dương Vương bố trí liên hoàn. Đồng thời cũng là nơi xuất quân tiến công, cả lực lượng đường thuỷ và đường bộ. Thuyền chiến có thể vận động trong 3 vòng hào để phối hợp tác chiến với bộ binh. Từ căn cứ trong thành đánh thông ra sông Hoàng Giang, ngược sông Hồng, xuôi sông Cầu ra biển Đông.

Khu vực thành Cổ Loa có thể chứa tới hàng mấy vạn chiến binh thủy, bộ sử dụng thành thạo vũ khí: rìu chiến, đao, lao, giáo mác, dao găm… đặc biệt là loại nỏ lớn, cánh dài (nỏ thần) có nhiều rãnh bắn một phát ra nhiều mũi tên, bay rất xa, do tướng quân Cao Lỗ sáng chế. Mới đây, khảo cổ học đã phát hiện một kho mũi tên đồng ngay dưới chân thành Nội. Điều đó cho thấy, trình độ đúc đồng, sử dụng vũ khí của người Âu Lạc thời đó đã đạt đến trình độ cao.

Lễ hội Cổ Loa

Những ngày đầu tháng Chạp, nhân dân trong bát xã Cổ Loa đã lựa chọn 167 thành viên, đủ tiêu chuẩn tham dự và phục vụ tế lễ trong ngày hội mồng 6 tháng Giêng xuân Đinh Hợi. Ông Hoàng Xuân Lộc, 73 tuổi là người đã từng tham gia các lễ hội của xã từ 15 năm nay và làm chủ tế lễ hội trong nhiều năm, đang trực tiếp bồi dưỡng cho những vị chủ tế kế cận, tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ 5 gian theo kiểu trung cổ của gia tộc. Theo ông Lộc, ngôi nhà này đã có tuổi thọ hơn 200 năm từ đời cụ trưởng tộc. Họ tộc nhà ông đã sinh sống ở đây từ mười mấy đời.

Thuở nhỏ, ông được theo bố vào phục vụ hội tế. Hội xưa mở trong 12 ngày, suốt từ mồng 6 đến 18 tháng Giêng đối với những năm mưa thuận gió hòa, được mùa bội thu (gọi là đại hội). Còn những năm bình thường hội chỉ mở trong 6 ngày (gọi là bán hội). Đội tế gồm 29 quan viên tế và hàng trăm người phụ dịch. Quan viên tế phải có đủ những điều kiện: Hình thể đẹp, cao ráo, oai nghiêm, không bị tật nguyền, đủ 18 tuổi trở lên, gia đình phải sạch sẽ, không có tang tóc, không bị làng phạt vạ, không mắc tội với quan trên... Từ tháng chạp, những quan tế viên đã phải tập luyện những động tác tế. Quan viên tế phải thực hiện đúng động tác, nghiêm túc, nếu lễ sai bị phạt vạ phải mua cau trầu, khao hội.

Lễ hội nay chỉ mở vào đúng ngày mồng 6 tháng giêng. Vào ngày chính hội hàng vạn khách thập phương đổ về đây đông chật kín cả khu Thành Cổ. Ô tô, xe máy đậu kín bãi. Đội tế nay tổng số 167 người, thực hiện 24 vị trí từ vác tù và, thanh tước, múa cờ, quạt, bát âm, rước kiệu vua, vác lọng… đến quan viên tế nam và có cả đội nữ thôn Cổ Loa được dự lễ.

Hội tế xưa phụ nữ không được vào sân đền Thượng, nay mỗi đội tế đều có đủ cả nam, nữ cùng tham gia. Quần áo, mũ mão cân đai, đạo cụ… đều do Ban quản lý lễ hội, mua sắm, trang bị. Những người tham gia vào đội tế vẫn được tuyển chọn theo tiêu chí của người xưa, từ hình thức đến phẩm chất đạo đức, hoàn cảnh gia đình.

Hội được bắt đầu từ sáng sớm, mở đầu là màn lễ đón anh Cả Quậy. Tương truyền, Cả Quậy là dân sống trên đất Cổ Loa, đã nhường đất cho An Dương Vương, rời đi lập ấp ở xã Liên Hà (Đông Anh). Trong suốt 50 năm trị vì, năm nào cũng thế, cứ đến ngày hội mở, người đầu tiên được vua mời là dân làng Cả Quậy để tạ ơn, tục đó vẫn được lưu truyền tới ngày nay. Rồi đến nhân dân Bát xã lần lượt vào tế lễ. Từ sáng tới trưa mới xong, dân làng nào về làng đó tiếp tục mở hội tại làng mình.

Đến hội Cổ Loa, khách không chỉ tận hưởng không khí hội xuân, thỏa mãn nhu cầu văn hóa tâm linh, tham gia vào các trò chơi dân gian: Chọi gà, đánh cờ, đu tiên… và nghe những làn điệu chèo, xem các tích tuồng cổ mà còn được hiểu thêm về vùng đất ngàn năm văn hiến, với lịch sử hào hùng chống giặc ngoại xâm. Về Cổ Loa, cũng như tìm về một nơi đất tổ của một thời Âu Lạc kế tục Văn Lang.

Thành Cổ Loa trong hành trình ngàn năm Thăng Long Hà Nội

2010, Hà Nội sẽ kỷ niệm tròn ngàn năm tuổi. Khu di tích thành Cổ Loa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng từ năm 1962 và được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội xếp vào công trình chào mừng Thăng Long - Hà Nội ngàn năm. Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích thành cổ, với tổng diện tích 484 héc-ta, bao gồm 8 dự án: Đầu tư bảo tồn và tôn tạo thành hào, sông Hoàng, các đồi gò… liên quan đến lịch sử thành Cổ Loa; Bảo tồn và tôn tạo hệ thống di tích tôn giáo tín ngưỡng, các nhà thờ họ; Tái tạo làng cổ; Tôn tạo dấu tích lịch sử lịch sử Vườn Thuyền - Ao Mắm và đầm cá… đã được UBND thành phố Hà Nội trình lên Thủ tướng Chính phủ, chờ phê duyệt.

Theo tờ trình số 26 ngày 27-7-2006 của UBND thành phố Hà Nội thì lộ trình thực hiện Quy hoạch bảo tồn và tôn tạo khu di tích lịch sử thành Cổ Loa, được chia làm 2 giai đoạn: Từ 2006 - 2010 và từ 2010 - 2015. Đến nay đã kết thúc năm 2006, mà quy hoạch vẫn đang chờ được phê duyệt. Quỹ thời gian để thực hiện giai đoạn I không còn nhiều, song khối lượng công việc theo từng dự án thì không nhỏ. Hy vọng năm 2007, Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích thành Cổ Loa sớm được thực hiện để kịp đón mừng lễ kỷ niệm Thăng Long Hà Nội tròn ngàn năm tuổi.

NGUYỄN THỊ TÂM BẮC