QĐND - Đồng bào dân tộc H’re sinh sống, định cư chủ yếu ở các huyện miền Tây Quảng Ngãi (Sơn Hà, Ba Tơ, Minh Long, Trà Bồng) và huyện An Lão, tỉnh Bình Ðịnh. Quá trình tiếp biến văn hóa, người H’re hiện nay vẫn lưu giữ những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc mình: Cưới hỏi, ma chay, tín ngưỡng... Tuy nhiên, có những phong tục mà đến nay người H're vẫn lưu giữ đã không còn phù hợp và trở thành rào cảm trong phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương.

Người chết nhưng không chết

Đi dọc trục đường liên huyện từ Minh Long qua Sơn Hà, lên Ba Tơ, Trà Bồng... chúng tôi không khó để nhận ra những ngôi nhà mồ của đồng bào dân tộc H’re. Những "ngôi nhà" này nằm rải rác trên các triền núi hoặc ngay sát đường, thậm chí gần khu dân cư. Những ngôi nhà mồ chủ yếu được làm bằng gỗ, lợp cỏ tranh, một số được xây dựng kiên cố, lợp ngói. Trong mỗi "ngôi nhà" là các vật dụng được để lộ thiên như: Soong, nồi, bát, đũa, chăn, chiếu, ché (bình)… Bên cạnh nhà mồ là một trụ gỗ đục đẽo những biểu tượng tâm linh của đồng bào và treo trên đó nào đầu trâu, đầu lợn, đầu gà.

Nhà mồ của người H’re.

Theo ông Hồ Văn Sáu, Chủ tịch MTTQ xã Sơn Màu, huyện Sơn Tây thì đồng bào H're có quan niệm: Người chết nhưng không chết. Họ cho rằng người chết chỉ "khuất núi", đi sang thế giới khác để tiếp tục "sống". Vì thế, người chết cũng vẫn ăn, ở, sinh hoạt bình thường như khi còn sống. Theo người H’re, ban ngày của người sống là ban đêm của những người đã mất và ngược lại. Do đó, khi có người trong gia đình qua đời, người H're không chỉ "gửi" theo những vật dụng hằng ngày (khi còn sống người đó sử dụng), mà còn chia đều tài sản trong gia đình cho người đã mất. Người H're cũng không phân biệt đối xử giữa những người sống với người đã mất, nên họ không muốn tạo ra "ranh giới" dù chỉ là lớp đất phủ lên người đã chết. Thậm chí, trước đây, nếu người chết là trẻ nhỏ, đồng bào H’re không chôn dưới đất mà để lộ thiên. Thi thể của đứa trẻ được bọc trong chiếu hoặc đặt trong hòm rồi treo trên các cành cây cổ thụ giữa đại ngàn với mong muốn: Người chết được ở gần gũi với gia đình, buôn làng.

- Trước đây, người chết được chôn cách mặt đất chỉ khoảng 40cm và còn được “chia” tài sản. Những thứ có giá trị trong nhà như: Vàng, ché đồng, bạc, cơm, gạo, thịt trâu… được đặt trong quan tài và an táng cùng người quá cố; những vật dụng sinh hoạt thường ngày thì sắp đặt trên nắp mộ. Chiếu trải trên mặt đất, võng buộc ở hai đầu nhà mồ, bình, chén bày ngửa,... để người chết "sử dụng" được thuận tiện-Ông Nguyễn Hồng Tâm, cán bộ  Phòng Văn hóa huyện Minh Long chia sẻ.

Cũng theo ông Tâm, sau nhiều năm vận động, bây giờ đồng bào H're đã chôn cất người chết sâu xuống lòng đất, nhưng không sâu quá 1m. Địa phương cũng vận động bà con đắp bồi thêm đất lên nắp huyệt những nhà mồ cũ, bởi qua năm tháng, do mưa lũ bào mòn và trâu bò phá hoại, nhiều nhà mồ còn lộ rõ nắp quan tài của người chết.

Hủ tục cần xóa bỏ

Tại xã Sơn Màu, chúng tôi được anh Đinh Văn Vem, Trưởng Công an xã đưa đi quan sát một số nhà mồ của người H’re vừa mới dựng lên cho người quá cố. Anh Vem cũng là người H’re nên những tín ngưỡng, phong tục của đồng bào anh nắm rất rõ. Anh Vem tâm sự:

- Mỗi khi có người quá cố, gia đình đều đâm trâu, giết heo, làm gà để đãi khách, cộng với việc phải chia đều tài sản cho người chết, nên kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề. Đặc biệt, những hộ nghèo, để lo đám tang được tươm tất, họ đành phải đi vay mượn. Lo xong công việc cho người chết thì cũng là lúc người sống gánh trên lưng những khoản nợ lớn mà rất khó có điều kiện để trả. Bởi thế, cái đói, cái nghèo cứ bám riết đồng bào!

Nói rồi, anh Vem đưa ra dẫn chứng: "Ví dụ, trường hợp gia đình chị Đinh Thị Rôi (làng Mân Cờ Rây, xã Sơn Màu). Chồng chị là anh Đinh Văn Rút khuất núi vì bị rắn độc cắn. Nhà nghèo, có mấy cái soong, vài gùi lúa để cả gia đình sinh sống, nhưng vì phải đem chia cho chồng, thậm chí cả cây rựa đi rẫy chị cũng "gửi" nốt cho anh; cộng với các khoản chi phí phục vụ ăn uống trong đám tang... nên đến nay, 4 mẹ con chị Rôi vẫn phải "ăn bữa sáng, lo bữa chiều". Không biết đến bao giờ chị Rôi mới trả hết nợ.

- Mặc khác, trong những ngày buôn làng có người chết, gần như cả làng bỏ bê đồng ruộng, nương rẫy. Thậm chí, thời điểm hoa màu đến kỳ thu hoạch, người dân cũng không quan tâm. Những điều đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân và gây lãng phí sức lao động. Hơn nữa, người H're còn có tục chia đất cho người chết. Vì thế, những phần mộ chủ yếu nằm trên phần đất được chia, mà không tập trung thành nghĩa địa. Trên khu đất dành cho người chết, không ai được phép trồng trọt, canh tác, nên vô tình trở thành đất hoang - Chị Võ Thị Trang, thôn Mang-cà-rá, xã Ba Sa, huyện Ba Tơ, giải thích thêm.

Rồi còn chuyện những lễ vật như đầu của các loại gia súc treo xung quanh nhà mồ. Theo phong tục của người H're, nếu người chết là đàn ông thì treo 7 chiếc đầu trâu, hoặc đầu gà (tùy vào điều kiện kinh tế), còn nếu là đàn bà thì treo 9 chiếc… Theo mưa nắng, những loại lễ vật này gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân....

Trong văn hóa an táng người chết của đồng bào dân tộc H’re có những nét cần được gìn giữ và phát huy, nhất là tinh thần đoàn kết, sự thương yêu, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó, những hủ tục lạc hậu mà chúng tôi đề cập ở trên đang trở thành rào cản của sự phát triển kinh tế-xã hội địa phương. Để thay đổi những hủ tục, cần có sự vào cuộc tích cực hơn nữa của hệ thống chính quyền các cấp. Đặc biệt, cần phát huy tốt vai trò của đội ngũ già làng, trưởng bản vốn có tầm ảnh hưởng rộng lớn trong đời sống xã hội và tâm linh của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bài và ảnh: Minh Mạnh - Tấn Tuân