Những sợi dây từ quá khứ

Những đường phố của đô thị lớn với hơn 21 triệu dân quang đãng hơn ngày thường đón chào chuyến thăm của Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân, một chuyến thăm không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai đất nước mà còn làm thức dậy những hồi ức tốt đẹp về mối dây gắn kết giữa hai dân tộc từ những năm tháng xa xưa.

Những mối dây gắn kết đó lại thể hiện một cách sống động qua những con người cụ thể, những nhân cách lớn của hai dân tộc, mà số phận đã sắp đặt để những người bạn thân thiết đến với nhau.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân rắc hoa hồng ở Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi.

Ngay từ thập niên 20 của thế kỷ trước, trong những ngày bôn ba hải ngoại tìm đường cứu nước, nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc, trong một lần tham dự phiên họp Đại hội đồng Liên đoàn chống đế quốc tổ chức trong những ngày đầu tháng 12-1927 tại Brussels, Bỉ, đã gặp Motilal Nehru, một nhà hoạt động tích cực đấu tranh giành độc lập cho Ấn Độ thời kỳ đầu. Motilal Nehru, không phải ai khác, chính là cha đẻ của Jawaharlan Nehru, người làm Thủ tướng Ấn Độ sau này. Năm 1958, trong chuyến thăm chính thức Ấn Độ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mang sang một vòng hoa và một cây đào để trồng trước mộ nhà cách mạng Motilal Nehru...

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã biết đến Jawaharlan Nehru từ trước khi hai người gặp mặt! Trong khi Người trải qua những tháng ngày trong nhà giam của chính quyền Tưởng Giới Thạch thì Nehru cũng đang bị giam giữ do các hành vi bất tuân dân sự. Thế nên trong tập "Nhật ký trong tù", nhà thơ Nguyễn Ái Quốc đã có hẳn một bài thơ tựa đề "Ký Nê Lỗ" (Gửi Nehru) với những dòng chia sẻ:

Khi tôi phấn đấu, anh hoạt động

Anh phải vào lao, tôi ở tù

Muôn dặm xa vời chưa gặp mặt

Không lời mà vẫn cảm thông nhau...

Cuộc gặp mặt lịch sử ấy giữa hai người con ưu tú của hai dân tộc rồi cũng diễn ra từ hơn 60 năm trước, trong một hoàn cảnh không kém phần đặc biệt. Ít người có thể tưởng tượng được rằng, chỉ đúng một tuần sau khi Thủ đô Hà Nội được bộ đội ta tiếp quản, ngày 17-10-1954, Thủ tướng Jawaharlan Nehru đã là vị đứng đầu chính phủ nước ngoài đầu tiên tới thăm Việt Nam và gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại Sân bay Gia Lâm, hai nhà lãnh đạo đã trao nhau cái ôm thắm thiết như giữa những người bạn lâu ngày gặp lại. Đấy là cuộc hội ngộ giữa hai vĩ nhân châu Á, hai người anh hùng đã mang hai dân tộc lại gần với nhau.

Kể từ ấy, tình hữu nghị giữa Việt Nam và Ấn Độ được hai nhà lãnh đạo hai nước xây dựng, vun đắp đã phát triển bền vững qua năm tháng, ngày càng đơm hoa kết trái.    

Hoa hồng ở Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi

Trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ lần này, lịch trình làm việc của Chủ tịch nước Trần Đại Quang dày đặc. Nhưng ngay sau lễ đón chính thức ở Phủ Tổng thống Ấn Độ sáng 3-3, Chủ tịch nước và Phu nhân vẫn dành thời gian tới đặt vòng hoa ở Khu tưởng niệm Mahatma Gandhi, vị lãnh tụ vĩ đại của Ấn Độ. Đúng 60 năm trước, khi thăm Ấn Độ lần thứ hai năm 1958, vừa đặt chân tới New Delhi, Bác Hồ cũng tới đây. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Phu nhân đã thành kính đặt vòng hoa và rắc những cánh hoa hồng tươi thắm lên đài tưởng niệm để tưởng nhớ người con vĩ đại của đất nước Ấn Độ nổi danh với tinh thần đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, bác ái.

Dĩ nhiên, không thể thiếu trong chuyến thăm là những hoạt động xúc tiến thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại của cả hai nước. Việt Nam và Ấn Độ hoàn toàn có những thế mạnh, có cơ cấu kinh tế bổ trợ lẫn cho nhau để cùng phát triển.

Chính phủ Ấn Độ đang đẩy mạnh chính sách “hành động hướng Đông” để thúc đẩy quan hệ song phương giữa Ấn Độ và Việt Nam. Việt Nam cũng là một thị trường đầy tiềm năng cho các hoạt động hợp tác dịch vụ, đầu tư của Ấn Độ. Năm 2016, xuất khẩu toàn cầu của Ấn Độ là 161,8 tỷ USD, trong khi dịch vụ xuất khẩu toàn cầu của Việt Nam là 12,38 tỷ USD. Ngành nông nghiệp đóng góp 15,9% vào GDP của Việt Nam, trong khi công nghiệp đóng góp 32,7% và dịch vụ đạt 41,3%.

Với cơ cấu như vậy, Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển ngành dịch vụ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông, tài chính, du lịch, nghe-nhìn, hậu cần, giáo dục đại học trong hợp tác với Ấn Độ.

Hợp tác song phương thời gian qua rõ ràng có lợi cho cả hai nước. Xuất khẩu của Ấn Độ trong giai đoạn 2016-2017 tăng 28,87% so với năm trước và xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ cũng tăng 29,69% trong cùng thời kỳ. Nhìn vào mức độ và cường độ hợp tác đang diễn ra, có thể thấy mục tiêu đạt 15 tỷ USD thương mại song phương vào năm 2020 là khả thi.    

Những thỏa thuận được ký, những dự án thành hiện thực ngay trong chuyến thăm, chẳng hạn như việc khai trương đường bay thẳng đầu tiên giữa Việt Nam và Ấn Độ của Vietjet Air là minh chứng cho thấy chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ của Chủ tịch nước Trần Đại Quang đi vào thực chất, mang lại hiệu quả thiết thực và lợi ích cho hai nền kinh tế, cho người dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Tiếng chim dưới vòm cây bồ đề

Từ lâu, người Việt Nam đã biết đến Ấn Độ với sông Hằng, con sông thiêng của người Ấn Độ bắt nguồn từ dãy Hi Mã Lạp Sơn hùng vĩ được ví như chảy xuống từ thiên đường, biết những pho sử thi vĩ đại của dân tộc Ấn Độ như "Mahabharata", biết một đền Taj Mahal đá cẩm thạch trắng, “giọt lệ trên gò má thời gian” như lời của thi hào vĩ đại Rabindranath Tagore.

Và Phật tử Việt Nam hẳn không mấy ai không biết đến Bồ Đề Đạo Tràng ở Bihar, mảnh đất linh thiêng nơi Đức Phật đã đạt được giác ngộ. Dưới tán cây bồ đề nghìn năm, tiếng chim vẫn líu lo trên vòm cây. Hẳn nghìn năm trước, cũng tiếng chim ấy ríu ran mừng ngày Đức Phật giác ngộ. Dẫu có cách xa cả nghìn năm hay nhiều ngàn cây số thì hai nước Việt Nam-Ấn Độ cũng vẫn chung một mong ước giản dị: Cầu cho quốc thái dân an, cho đất lành chim đậu, làm ăn tấn tới, hai nước phồn thịnh, người dân hai nước ấm no...  

Trong những chuyến viễn du vòng quanh thế giới, năm 1929, thi hào Rabindranath Tagore từng đặt chân tới Việt Nam, ở lại khách sạn Continental, ghé thăm tòa soạn Báo Phụ nữ Tân văn ở Sài Gòn. Không thiếu những mối dây liên hệ bất ngờ như thế giữa Việt Nam và Ấn Độ. Và nay, từ sông Hồng đến sông Hằng, với chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân cùng đoàn đại biểu Việt Nam lại dệt thêm một mối dây liên hệ mới của thời hiện đại vào quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa hai đất nước, hai dân tộc Việt Nam và Ấn Độ.

Bài và ảnh: YÊN BA (từ New Delhi, Ấn Độ)