Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng gửi đến bạn đọc toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch nước.

Thưa Quý vị!

Trước hết, tôi nhiệt nhiệt chào mừng Quý vị đại diện các cơ quan, tổ chức, hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp hai nước tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ được tổ chức tại Thủ đô Niu Đê-li nhân chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của tôi đến đất nước Ấn Độ tươi đẹp trên cương vị Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Nhân dịp này, thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, tôi gửi đến Quý vị và thông qua Quý vị đến cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân Ấn Độ những tình cảm hữu nghị chân thành và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại Diễn đàn. Ảnh: Văn Yên.

Thưa Quý vị!

Việt Nam và Ấn Độ có mối quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, được Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thủ tướng Gia-oa-hác-lan Nê-ru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai dân tộc luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước ngày nay. Mối quan hệ trong sáng và thủy chung được thử thách qua thời gian đã tạo nên tình hữu nghị đặc biệt, đang tiếp tục tỏa sáng và phát triển bền vững. Đây là tài sản vô cùng quý giá mà chúng ta và các thế hệ mai sau ở cả hai nước cùng có trách nhiệm gìn giữ và phát triển.

Ngay từ khi đặt chân lên đất nước các bạn, tôi và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã nhận được sự đón tiếp trọng thị cùng những tình cảm thân thiết, nồng hậu của Nhà nước và nhân dân Ấn Độ. Chúng tôi thật sự vui mừng khi tận mắt chứng kiến sự phát triển trên các lĩnh vực của Ấn Độ, một đất nước đang vươn lên mạnh mẽ và đóng vai trò ngày càng quan trọng ở khu vực và trên thế giới. Trong khi kinh tế toàn cầu phục hồi yếu và còn nhiều bất ổn, với nền tảng phát triển, tiềm lực mạnh mẽ cùng các biện pháp cải cách của Chính phủ và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp, Ấn Độ đã trở thành “điểm sáng” về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư nước ngoài.

Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ ngày càng được củng cố và phát triển. Ấn Độ luôn xác định Việt Nam là trụ cột và đối tác quan trọng trong chính sách “Hành động hướng Đông”. Việt Nam cũng luôn đặt trọng tâm hàng đầu trong việc thúc đẩy hợp tác toàn diện với Ấn Độ, nhất là với cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ trong tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, hướng tới phát triển bền vững và bao trùm.

Từ “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ 21” năm 2003 đến việc chính thức xác lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2007 và gần đây nhất là nâng lên tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển mạnh mẽ dựa trên các trụ cột về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, khoa học - công nghệ và văn hóa - xã hội. Đặc biệt, với vai trò tiên phong, cộng đồng doanh nghiệp hai nước đã thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn.

Ấn Độ hiện là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều năm qua không ngừng gia tăng, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ được ký kết vào năm 2009. Ấn Độ hiện có 176 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 814 triệu USD, đứng thứ 28/126 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Đặc biệt, Tập đoàn TATA đang triển khai dự án Nhà máy nhiệt điện Long Phú II có tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD tại tỉnh Sóc Trăng của Việt Nam. Đây sẽ là dự án đầu tư lớn nhất của Ấn Độ tại Việt Nam, thể hiện mối quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ đối với thị trường đầy tiềm năng Việt Nam.

Thưa Quý vị!

Sau hơn ba thập niên thực hiện chính sách đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đã trở thành nền kinh tế năng động, phát triển nhanh, ổn định và được đánh giá là điểm đến đầu tư hấp dẫn, thuận lợi và an toàn trong khu vực và trên thế giới. Với quy mô dân số tiệm cận 100 triệu người, Việt Nam là một thị trường có sức mua tăng trưởng nhanh cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu. Năm 2017, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng 6,81%, GDP bình quân đầu người đạt gần 2.400 USD. Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân những năm tới từ 6,5% đến 7%; đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.200 đến 3.500 USD, quy mô nền kinh tế đạt khoảng 350 tỷ USD. Việt Nam cam kết tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh theo các chuẩn mực quốc tế, tiếp tục tạo dựng các yếu tố tạo lợi thế cạnh tranh về thể chế, kết cấu hạ tầng, phát triển hệ thống tài chính, cải cách giáo dục và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Cùng với đó là đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển kinh tế tri thức, nhất là các ngành công nghệ cao, hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, kinh tế biển, du lịch. Việt Nam đang nỗ lực xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh vì người dân và doanh nghiệp. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật, bảo vệ môi trường, mở rộng không gian kinh doanh cho các chủ thể; khơi dậy mọi tiềm năng của doanh nghiệp, tăng cường trách nhiệm thực thi, đề cao thượng tôn pháp luật, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam mong muốn đẩy mạnh hợp tác đầu tư sâu rộng, thực chất và hiệu quả hơn với Ấn Độ trên những lĩnh vực mà Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu, nhất là công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo, chế tạo máy, hóa chất, dược phẩm, điện lực, dầu khí, chế biến nông thủy sản… Với sự quan tâm ngày càng tăng của cộng đồng doanh nghiệp Ấn Độ, đặc biệt là những tập đoàn lớn trong thời gian gần đây, Ấn Độ sẽ nhanh chóng trở thành một trong những đối tác đầu tư lớn nhất của Việt Nam. Đồng thời, với chương trình phát triển kinh tế “Sản xuất tại Ấn Độ” do Ngài Thủ tướng Na-ren Đơ-ra Mô-đi đề ra, các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn khi đầu tư, kinh doanh tại Ấn Độ.

Với quyết tâm của hai Nhà nước và sự năng động của cộng đồng doanh nghiệp hai nước, mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt mức 15 tỷ USD vào năm 2020 hoàn toàn có thể đạt được. Chúng tôi mong muốn Ấn Độ trở thành nhà cung cấp nguyên phụ liệu đầu vào trong các ngành dệt may, da giầy, chế tạo máy, cũng như tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hàng hóa của Việt Nam như hàng nông, thủy sản, sản phẩm gỗ, da giầy… thâm nhập vào thị trường của Ấn Độ. Việt Nam cũng mong muốn tăng cường hợp tác du lịch song phương, đặc biệt là hình thức du lịch tâm linh và du lịch văn hóa, tăng cường hơn nữa việc quảng bá, thông tin, tuyên truyền về tiềm năng du lịch của mỗi nước.

Thưa Quý vị!

Chặng đường phía trước của quan hệ hữu nghị và Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ đang đứng trước những cơ hội to lớn. Tương lai tươi sáng của quan hệ Việt Nam và Ấn Độ phụ thuộc rất nhiều vào sự năng động và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân hai nước. Trên nền tảng vững chắc được kế thừa từ lịch sử, trên cơ sở chia sẻ nhiều điểm tương đồng về tầm nhìn và lợi ích chiến lược, chúng tôi mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục giữ vai trò là lực lượng tiên phong, đi đầu trong hợp tác và liên kết kinh tế, hiện thực hóa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện trên các lĩnh vực thương mại và đầu tư; góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Ấn Độ.

Kế thừa lịch sử, chia sẻ tầm nhìn, chúng ta sẽ cùng vun đắp một tương lai tốt đẹp hơn của hòa bình, ổn định, thịnh vượng, hợp tác và phát triển.

Ở Việt Nam, nhân dân chúng tôi vừa đón Tết cổ truyền dân tộc. Nhân dịp này, theo truyền thống của dân tộc Việt Nam, tôi gửi đến Quý vị lời chúc mừng năm mới, chúc Quý vị sức khỏe, hạnh phúc và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!.