Năm 1966, tròn 18 tuổi, Rơ Châm Tích đã có 2 năm tuổi quân ở Sư đoàn 302, được vinh dự nhận danh hiệu “Dũng sĩ diệt xe tăng Mỹ”, tham gia hàng trăm trận đánh, cùng đồng đội làm nên hàng loạt chiến công vang dội ởkhắp các chiến trường Tây Nguyên… Năm nay đã ngoài 60 tuổi, Rơ Châm Tích lại được nhân dân xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai “phong” cho danh hiệu “Dũng sĩ diệt đói nghèo”…

Mở ra hướng thoát nghèo

Năm 1989, vừa phục viên, Rơ Châm Tích đã được bầu làm Phó chủ tịch UBND xã Ia Dom– nơi “đầu sóng ngọn gió”, được mệnh danh là “vùng đất khát”. Năm nào cũng thế, suốt những tháng mùa khô, nước và rau xanh-những thứ tưởng chừng như rất đơn giản ấy, đã trở thành một thứ “đặc sản” hiếm hoi; cũng vì khan hiếm nguồn nước như thế nên bà con chẳng trồng trọt, chăn nuôi được gì. Ngày ấy, bà con vẫn quen sống du canh du cư với phương thức sản xuất lạc hậu: phát, đốt, trọc, tỉa. Thế nhưngvùng đất ấy chỉ toàn nắng và gió. Cái nắng, cái gió khắc nghiệt hình như đã hút cạn cả mọi nguồn nước nên mặc dù đất đai rộngmênh mông như thế nhưng họ vẫn phải chịu đói khổ. Cũng vì nắng hạn nên mỗi năm chỉ trỉa được một vụ lúa rẫy vào mùa mưa. Bao công sức bỏ ra để chăm sóc, nâng niu từng cây lúa nhưng nếu năm nào “Yàng” thương, cho mưa thuận gió hòa thì thu được vài chục bao lúa, dè sẻn may ra đủ gối vụ; năm nào mưa dầm “thúi đất” thì đói quanh năm là cái chắc.

Vợ chồng ông Rơ Châm Tích trong ngôi nhà của mình.

Chứng kiến cảnh ấy, Rơ Châm Tích đau lòng lắm. Qua bao ngày nghiền ngẫm sách báo, thăm dò thị trường, ông quyết định: trồng sắncao sản.

Mặc dù đã được giải thích, vận động nhưng trong làng chẳng ai dám bỏ lúa mà trồng sắn vì làm như thế khác nào “trái với ý Yàng”?

“Mình phải mạnh dạn làm trước, bà con thấy lợi mới làm theo” - Với suy nghĩ như vậy, đầu mùa mưa năm ấy, gia đình ông vỡ đất trồng sắn thay vì trồng lúa. Đúng như tính toán, vụ đó, 5ha sắn chẳng cần chăm bón phân tro gì cũng cho thu hoạch hơn 70 tấn củ, vị chi thu được gần 40 triệu đồng trong khi nếu trỉa lúa trên diện tích đó, lại phải bỏ công, phân bón chăm sóc gấp đôi, gấp 3 thì cũng chỉ thu được 3, 4 triệu đồng là nhiều.

Thấy thế, vụ thứ 2, cả làng, cả xã làm theo ông. Tất cả những khoảnh đất khô cằn sỏi đá bấy lâu bị bỏ hoang vì chẳng trồng trọt được gì cũng được họ khai khẩn trồng sắn. Từ đó cây sắn đã giúp đồng bào nơi đây thoát đói nghèo, có của ăn của để.

Mặc dù lợi nhuận thu được từ cây sắn không hề nhỏ nhưng vốn nhìn xa trông rộng, Rơ Châm Tích vẫn chỉ coi sắn như một giải pháp “lấy ngắn nuôi dài”. Qua hai vụ thu hoạch, bà con dân làng đã tích cóp được ít vốn liếng, ông vận động họ tiếp tục vỡ đất trồng điều, trồng cao su.

Cách đây hơn 20 năm, khu cửa khẩu này chỉ là vùng đất hoang vu, không một bóng cây bên đường, thì nay, tít tắp ngút tầm mắt là những rừng cao su, rừng điều bạt ngàn xanh thẳm, hằng năm mang về cho mỗi hộ gia đình hàng trăm triệu đồng.

Giờ đây, hơn 500 hộ gia đình (trong đó hơn 50% là người dân tộc Giơ-rai) đang khởi sắc từng ngày. Nhiềungôi nhàbiệt thự mọc lên san sát, hầu như hộ nào cũng mua được các phương tiện sinh hoạt đắt tiền như ti-vi, xe máy, ô tô tải hạng nhẹ… Trẻ em đến tuổi đều được tới trường, nhiều em đã học lên bậc THPT, đại học, cao đẳng hoặc trung học nghề.

Dang tay đón người lầm lỗi

Những năm 2001-2004,tình hình an ninh chính trị vùng biên giới có nhiều biến động phức tạp, bọn Tin lành Đề Ga câu kết với Ksor Kơk- một tàn quân FULRO tháo chạy sang sống lưu vong ở Mỹ ráo riết tuyên truyền, kích động những người nhẹ dạ cả tin chống phá đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lôi kéo, lừa phỉnh một số người vượt biên trái phép hòng đi tìm ảo vọng giàu sang nơi xứ người.

Không quản ngày đêm, Rơ Châm Tích trực tiếp đến từng làng, từng gia đình tuyên truyền, khuyên giải điều hơn lẽ phải đểbà con không bị kẻ xấu lôi kéo.

Được bổ sung những kiến thức về công tác quản lý, giáo dục các đối tượng tại cộng đồng thông qua những lớp tập huấn do Công an huyện tổ chức; một số đối tượng trước kia lầm đường lạc lối nhờ được ông thường xuyên đến tận nhà nhắc nhở, thuyết phục nênhọ đã dầnnhận thức được những việc làm sai trái, trở lại làm ăn lương thiện, có những đóng góp tích cựccho thôn, làng.

Nhắc đến tài thuyết phục, cảm hoá hàng chục đối tượng lầm đường lạc lối quay trở về với gia đình, buôn làng của ôngthì nhiều người phải thán phục.

Ksor Soét ở làng Bi - người từ “cõi chết” trở về vào năm 2004 hồ hởi: “Nếu không có sự động viên, giúp đỡ tận tình của cán bộ Rơ Châm Tích, thì không biết giờ này gia đình mình sẽ sống ra sao?”.

Giờ thì trong các buổi họp thôn, làng, lần nào người ta cũng thấy bên cạnh ông Rơ Châm Tích làKsor Soét, Rơ Ma Mom, Rơ Ma BRông, Rơ Ma Hli, Ksor Huya… họ là những con người đã một thời lầm lỗi, trở về được Rơ Châm Tích giúp đỡ. Cuộc sống của những gia đình này đã dần khấm khá. Con trai lớn của vợ chồng Ksor Soét là Rơ Châm Him cùng với nhiều thanh niên trong làng hiện là công nhân của Công ty cao su 72 (Binh đoàn 15), lương mỗi ngươì mỗi tháng gần 2 triệu đồng.

Ông Siu Sum - Chủ tịch UBND xã Ia Dom cho biết: “Tất cả các gia đình vượt biên trái phép ngày ấy trở về,giờ đây đều làm ăn khấm khá, nhà nào cũng có vài héc-ta lúa, mì, điều và cả cao su; con cái đều trở lại trường học, công ăn việc làm ổn định là nhờ có công lớn của Rơ Châm Tích”.

Còn Rơ Châm Tích thì phấn khởi nhất là thỉnh thoảngKsor Soét, Rơ Ma Mom, Rơ Ma BRông, Rơ Ma Hli, Ksor Huya lại ghé thăm. Lúc ấy, anh em, chú cháu lại cùng vít cần chung nhau ghè rượu, vui lắm!

Buôn làng Ia Dom này dành cho Rơ Châm Tích – anh Bộ đội Cụ Hồ đã chiến đấu và chiến thắng trên nhiều mặt trận với những tình cảm rất đặc biệt.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ