QĐND - Được mời tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Báo Quân giải phóng (QGP) ra số đầu tiên và cũng là ngày truyền thống của cơ quan Báo - Truyền hình Quân khu 7 (BTH QK7) tôi rất phấn chấn. 50 năm qua chưa phải là một thời gian dài, nhưng cũng đủ để thấy tầm vóc, sự trưởng thành và ảnh hưởng to lớn của Báo QGP trước đây, Báo và Truyền hình QK7 ngày nay...
Cách đây 20 năm, khi mới là một đại úy đang phục vụ ở Quân chủng Không quân, tôi thường ghé về căn nhà phía trong cùng của khu tập thể quân đội 16A - Lý Nam Đế (Hà Nội). Đó là căn nhà của gia đình ông bên ngoại tôi - Thiếu tướng Trần Văn Phác (nguyên Chủ nhiệm Cục chính trị Quân giải phóng, rồi Chính ủy Quân đoàn 232 trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử). Mỗi lần gặp, ông thường kể cho tôi nghe những câu chuyện về chiến trường, về nghiệp văn, nghiệp báo của mình. Trong những câu chuyện đó, tôi rất ấn tượng với quá trình hình thành và phát triển của Báo QGP. Ông nói: “Ra đời trong cuộc chiến tranh thần thánh của dân tộc để đánh đuổi giặc ngoại xâm, lật đổ chế độ ngụy quân-ngụy quyền ở miền Nam, Báo QGP có vị trí vô cùng quan trọng đối với quân và dân ta. Phong trào “Đồng khởi-1960” và nhiều chiến thắng kế tiếp như Tua Hai, Ấp Bắc… đánh dấu những bước trưởng thành mạnh mẽ của QGP miền Nam Việt Nam. Số báo đầu tiên của Báo QGP ra ngày 1-11-1963. Nối tiếp truyền thống của Báo Quân đội nhân dân, Báo QGP đã thể hiện rõ tính chiến đấu cao, là tiếng nói của LLVT và nhân dân miền Nam”. Số đầu tiên báo được in trên khổ hẹp, bài vở đơn giản, hình thức chưa bắt mắt, nhưng được cán bộ, chiến sĩ đón đọc với tất cả tấm lòng mến yêu. Từ khi ra đời, tờ báo được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ chỉ huy và Cục Chính trị Miền, được hình thành với các bộ phận bình xã luận, bộ phận tư liệu, nhà in báo, tổ điện đài. Đồng chí Thượng tá Lê Văn Lệ (Lê Trực), Trưởng phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị miền được phân công làm Tổng biên tập, đồng chí Nguyễn Văn Hiên, làm Thư ký tòa soạn.
 |
Cán bộ, phóng viên Báo QGP là người ở các cơ quan, đơn vị được rút về, phần lớn chưa quen viết báo nhưng rất nhiệt tình, trách nhiệm. Anh em vừa làm, vừa học rất vất vả, nhưng cũng rất say sưa. Các phóng viên lăn lộn cùng với bộ đội khắp các chiến trường ác liệt để thu thập tài liệu, viết bài. Một số người có nhiệm vụ thành lập nhà in, luồn qua chốt kiểm soát của địch, hay nhờ người mua giấy mực từ Sài Gòn, Phnôm Pênh để in báo. Những cán bộ, chiến sĩ đã xông pha qua nhiều trận đánh, nay vừa cầm bút viết báo, vừa cầm súng chiến đấu nên không tránh khỏi sự bỡ ngỡ ban đầu. Anh chị em của Báo QGP vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, tích cực trao đổi, giúp đỡ lẫn nhau. Người biết ít hướng dẫn cho người chưa biết. Người biết nhiều bồi dưỡng cho người biết ít. Với quyết tâm: “Lấy nghề dạy nghề, lấy thực tiễn chiến trường làm cảm xúc sáng tác”. Với quyết tâm ấy, các tin, bài, ảnh được đăng trên Báo QGP cứ như dòng chảy của thời gian, được hòa vào khí phách hào hùng, oanh liệt của dân tộc, làm nức lòng quân và dân miền Nam, góp phần động viên, kêu gọi hiệu triệu mọi người dũng cảm chiến đấu và chiến thắng quân thù.
Bước chân của các phóng viên của Báo QGP băng theo bước chân của chiến sĩ trên các chiến dịch nổi tiếng như: Chiến trường chiến khu Đ, Dương Minh Châu, đường 13 - Tàu Ô - Xóm Ruộng hay Long Khốt, Gò Da, Mậu Thân, Phước Long, Long Khánh, Hồ Chí Minh…, tạo ra các tác phẩm báo chí ấn tượng, có sức lôi cuốn kỳ lạ. Nhiều khi gặp địch, các anh gác bút, cất máy ảnh, cầm súng chiến đấu quả cảm như những người lính thực thụ. Có người vừa cầm súng, vừa cầm máy ảnh hiên ngang trong làn bom đạn. Và trong số đó, các anh như: Phạm Ngọc Châu, Trọng Hân, Nguyễn Nghiệm, Huỳnh Công Thu, Mỹ Dung, Bé Nghiệp … đã anh dũng hy sinh.
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông đất nước được thu về một mối, Báo QGP cùng với Báo Giải phóng, Đài Phát thanh giải phóng… và các cơ quan truyền thông quốc gia khác, tiếp tục làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền về đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Chính phủ đến với đồng bào vùng mới giải phóng. Mùa xuân năm Bính Thìn 1976, Báo QGP miền Nam ra số báo Xuân Bính Thìn, số báo Xuân đầu tiên chào đón hòa bình, tự do và độc lập. Đây cũng là số báo cuối cùng của Báo QGP, đánh dấu việc hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình.
Phát huy truyền thống của Báo QGP, ngày 30-4-1976, số báo đầu tiên của Bộ tư lệnh QK7 đã ra đời, khởi đầu cho việc thành lập và phát triển Báo QK7 sau này. Thời gian này, Thiếu tá Nguyễn Viết Tá, Trưởng ban Tuyên truyền, Phòng Tuyên huấn, Cục Chính trị QK 7 được giao phụ trách Báo QK7, Thượng úy Mai Bá Thiện phụ trách thư ký tòa soạn.
 |
Sau này, dù với những tên gọi khác nhau như: Báo QK7, Tin QK7, Tin Tiền phương, Tin Mặt trận…, Báo QK7 luôn xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu, tiếng nói của LLVT và nhân dân miền Đông Nam Bộ. Những phóng viên của báo đã bắt nhịp ngay với các hoạt động của LLVT Quân khu từ những ngày đầu cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra. Những khối tin, những bài viết, những bức ảnh ấn tượng, có tính giáo dục, tuyên truyền và định hướng cao từ chiến trường biên giới, từ chiến trường của nước bạn Cam-pu-chia, luôn thấm đẫm mồ hôi, nước mắt và cả máu của các phóng viên. Nhà thơ, nhà báo Phạm Sĩ Sáu nhớ lại: “Những năm tháng của cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam và làm nhiệm vụ quốc tế, chúng tôi đã có mặt ở những nơi ác liệt, gian khổ nhất như Mặt trận 779, 479. Anh em ai nấy đều tham gia canh gác trận địa, tham gia chiến đấu, đi làm công tác dân vận cùng chiến sĩ”.
Báo QGP trước đây, Báo QK7 còn để lại một ấn tượng vô cùng sâu sắc trong tôi, vì đó là nơi sản sinh, nuôi dưỡng và đào tạo ra nhiều nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, sau này trở thành những người quản lý nhiều cơ quan báo chí, văn nghệ lớn. Đó là các nhà báo, nhà văn : Minh Khoa, Phạm Hồng, Lê Trực, Võ Thành Liên, Trần Nam Hương, Trần Hàm Ninh, Xuân Huy, Mai Bá Thiện, Đặng Văn Nhưng, Trần Phấn Chấn, Đỗ Kết, Đỗ Tất Thắng, Đức Toàn, Nguyễn Sung, Trần Đình Bá, Hoàng Huân, Việt Ân, Lê Nhật… (thời báo QGP); Trần Thế Tuyển, Phạm Sĩ Sáu, Xuân Hòa, Lê Hanh, Trần Hùng, Huỳnh Thiện, Phan Thanh Viếng… (thời báo QK7). Các nhà báo: Đặng Văn Nhưng, sau này trở thành Tổng biên tập (TBT) Báo Quân đội nhân dân; Vũ Tuất Việt trở thành TBT Báo Sài Gòn giải phóng; Minh Khoa sau này là TBT báo QK7 - TBT Tạp chí Sân Khấu TP Hồ Chí Minh; Trần Thế Tuyển (sau này là Phó cục trưởng Cục Báo chí, rồi TBT Báo Sài Gòn giải phóng); Phạm Sĩ Sáu (PCT Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh) v.v..
Có những phóng viên Báo QGP đã trở thành tướng lĩnh như Thiếu tướng Hồ Văn Sanh, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu 9, Phó tư lệnh Mặt trận 979…
Hiện nay, để đáp ứng tốt với nhiệm vụ của mình, góp phần phổ biến, tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước trong LLVT Quân khu 7 và nhân dân, BTH QK7 không ngừng được cấp trên đầu tư về nguồn nhân lực, cơ sở vật chất. Tờ báo và các tác phẩm truyền hình cũng không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức trên cơ sở sự chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Bộ tư lệnh và Cục Chính trị Quân khu. Chính điều này đã giúp báo ngày càng được cải tiến về hình thức, phong phú, chất lượng về nội dung, đạt nhiều giải cao trong các cuộc thi báo chí, truyền hình trong quân đội và quốc gia. Nói như Trung tá Ngô Xuân Giang, TBT BTH QK7 thì đó là những phần thưởng quý giá, góp phần cổ vũ, động viên đội ngũ làm Báo QK7 ngày càng trưởng thành, tiến bộ và phát triển không ngừng.
LÊ PHI HÙNG