Hiệp hội Pháp ngữ Hỗ trợ và Phát triển khoa học đời sống (AFEPS-Pháp) tập huấn cho lớp thợ lặn ở Lý Sơn tháng 3.2009. Ảnh: T.Đ.
Lâu nay, nói đến đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, nhiều người thường nghĩ đó là xứ sở của cây tỏi, cây hành nhưng ít người biết, hòn đảo ấy đang sở hữu 1.000 thợ lặn, bằng quân số của một trung đoàn!

Đội quân này được xếp vào loại thiện nghệ nhất miền Trung hiện nay. Nghề lặn đã mang lại sự giàu có cho nhiều người dân trên đảo, nhưng nghề này cũng đã đẩy bao nhiêu số phận đến miệng vực của cái chết.

Đầu tháng 3.2009, bác sĩ Ruffez Jean, Chủ tịch Hiệp hội Pháp ngữ Hỗ trợ và Phát triển khoa học đời sống (AFEPS-Pháp), dẫn đầu một đoàn chuyên gia đến đảo Lý Sơn để tập huấn cho ngư dân hòn đảo này nghề lặn biển, chủ yếu là cách phòng ngừa tai biến trong quá trình tác nghiệp cũng như cách chữa trị khi xảy ra tai nạn.

Trực tiếp chứng kiến cảnh lặn biển của ngư dân tham gia lớp học, đoàn chuyên gia đã "choáng" thật sự. Họ bỗng hiểu vì sao, hòn đảo với 17 ngàn dân này mà có đến 1.000 thợ lặn, mỗi năm phải "cúng" cho "hà bá" năm bảy mạng người, hàng chục người khác phải chịu cảnh tàn phế suốt đời do tai biến trong quá trình tác nghiệp.

Ra khơi mà không mang lưới

Có lẽ chưa thấy ở đâu mà ngư dân ra khơi nhưng không mang lưới như ở đảo Lý Sơn này. Toàn đảo có 407 tàu đánh bắt hải sản với chừng 3.000 lao động. Trong số tàu nói trên thì có đến 200 chiếc với khoảng 1.000 ngư dân vẫn thường xuyên ra khơi mà không mang lưới. Họ là những thợ lặn chuyên nghiệp, ngang dọc khắp vùng lãnh hải nước ta.

Mang tiếng là tàu đánh bắt hải sản nhưng chủ tàu cùng những thuyền viên được liệt vào dạng "thợ đụng", tức đụng gì làm nấy. Hay tin có con tàu nào đó bị chìm, có thể từ một trăm năm trước, là lập tức đội quân thợ lặn này có mặt ngay. Hay tin nơi nào có loài hải sâm, đồn đột xuất hiện nhiều là họ đến liền.

Từ độ sâu 5 mét cho đến 60-70 mét nước, chưa bao giờ đám thợ lặn từ nan hay bỏ cuộc. Họ khai thác cho bằng hết số sắt của con tàu bị đắm. Họ vét cho bằng sạch số đồn đột, hải sâm- loài hải sản quý hiếm hiện nay, rồi mới trở về. Hàng trăm chiếc tàu này cứ lênh đênh trên biển, hết Hải Phòng, Quảng Ninh, lại Côn Đảo, Phú Quốc; hết Hoàng Sa, họ sang Trường Sa.

Trong đầu số ngư phủ này là chi chít những tọa độ, kinh tuyến, vĩ tuyến - những nơi mà họ vừa nhận được lời nhắn từ đồng nghiệp về một con tàu bị đắm hay nơi đang quần tụ của các loài hải sản quý hiếm.

Hành trang mà thợ lặn mang theo, ngoài số lương thực, thực phẩm cho một tháng ăn là dụng cụ hành nghề vô cùng đơn giản: Ôậng dẫn khí nối từ trên tàu với người lặn dưới nước, súng săn tự tạo để "bắn" hải sản. Loại súng này chỉ có mỗi "viên đạn"- một lưỡi mác bé xíu, dính chặt với khẩu súng. Khi phát hiện con mồi, thợ săn chỉ bật cò cho lưỡi mác lao về phía con mồi. Ngoài ra, mỗi thợ lặn còn được trang bị một cặp kính chuyên dụng để có thể nhìn rõ "con mồi" dưới nước.

Sở dĩ bác sĩ Ruffez Jean, Chủ tịch AFEPS của Pháp đã "phát hoảng" khi chứng kiến số thợ lặn này "lặn thử" tại vùng biển thuộc đảo Lý Sơn bằng những dụng cụ hết sức nguyên thủy ấy. Sau khi xem "học trò" lặn thí điểm, "thầy" Ruffez Jean phải thốt lên: "Trang bị cho thợ lặn mà như thế này, không tai nạn mới là chuyện lạ!".

"Vua" lặn

Đã ngoài bảy mươi nhưng trông ông Bùi Thượng ở thôn 2, xã An Hải, huyện Lý Sơn vẫn còn tráng kiện lắm. Ông bị bệnh đau lưng, chắc là di chứng sau nửa thế kỷ lặn biển, song nói đến "chị em" là khuôn mặt của ông linh hoạt hẳn. Nhưng "kỷ lục" của đời ông không phải là chuyện chinh phục đàn bà mà là chuyện... lặn.

Anh Lộc trở thành gánh nặng của vợ con mỗi ngày.Ảnh: T.Đ

Thời còn chế độ Ngô Đình Diệm, toàn miền Nam tổ chức cuộc thi lặn tại đảo Lý Sơn, ông Thượng giật giải quán quân. Tôi gạ chuyện: "Chú qua mặt bao nhiêu anh tài lúc bấy giờ vậy?". Ông lắc đầu: "Cũng không nhớ nữa, chỉ biết là rất đông người đi thi. Họ lựa toàn những tay hảo hớn cả nước (từ vĩ tuyến 17 trở vào) về đây thi để chọn một đội thợ lặn chuyên nghiệp nhằm "phục vụ quốc gia".

Các thí sinh phải thi ba vòng: Vòng một là vừa lặn vừa ôm cục sắt 15kg, lần theo dây dọi được cột từ trên tàu, hễ đến điểm cuối thì cột sợi dây làm dấu vào dây dọi ấy. Thí sinh nào "làm dấu" sâu hơn, người ấy thắng cuộc. Tôi lặn được 72 mét. Vòng hai là "lặn chay", nghĩa là không mang cục sắt. Tôi lặn được 66 mét. Vòng ba là vừa lặn vừa nín hơi. Tôi nín hơn hai phút. Vòng cuối cùng, ai cũng nghĩ thằng Thượng "tiêu" luôn rồi vì lâu quá mà không thấy hắn lú lên!".

Vừa đi vào nhà để lấy chiếc cúp vô địch ra khoe với khách, ông Thượng vừa pha trò: "Chủ yếu là để dợt le (lấy lòng) với người đẹp đây thôi". Nghe ông Thượng nhắc chuyện cũ, bà vợ ông nguýt một cái rõ dài.

Ông Bùi Thượng vô địch quốc gia môn lặn không biết có phải vì xuất phát từ động cơ "lấy lòng" người đẹp là vợ ông bây giờ hay không, song cả hòn đảo này ai cũng "nghiêng mình" về tài lặn biển của ông. Hơn 50 năm qua, có lẽ trên biển Đông nước Việt Nam mình, không nơi nào là ông không đến. Trời phú cho ông một sức khỏe phi thường đã đành, ông còn là người luôn "cảnh giác" với những bất trắc rủi ro. "Tôi còn khỏe mạnh đến bây giờ là nhờ tôi biết sợ.

Nghề lặn biển có thể mang lại cho anh sự giàu có nhanh chóng nhưng nó cũng sẵn sàng đẩy anh vào cửa tử trong tích tắc. Nếu may mắn còn sống thì cũng thân tàn ma dại, báo khổ vợ con suốt đời. Bây giờ thì tôi có thể nói rằng mình vẫn còn sống và khỏe mạnh khi quyết định "gác kiếm", chứ hễ còn đi biển, còn biết nhảy ùm xuống nước khi thấy con đồn đột, con hải sâm tận vực sâu kia là chưa dám nói một điều gì".

Chuyện buồn của Vui và những người bạn

Chứng kiến cảnh anh Nguyễn Vui và Trần Đình Lộc, ở An Vĩnh, hai thợ lặn ngang dọc một thời, giờ lê lết trong ngôi nhà của mình do bị liệt nửa người, mới hiểu vì sao "vua lặn" Bùi Thượng phải suốt đời cảnh giác như thế. Khi xuống ở độ sâu quá 25 mét nước, áp suất cứ lớn dần lên. "Con người chứ phải gỗ đá gì đâu mà chịu trận hết ngày này sang ngày khác như vậy".

Ông Thượng nói. Sau 30 phút lặn dưới độ sâu 50-60 mét, khi ngoi lên tàu, người thợ lặn phải tuân thủ tuyệt đối các bước quy định: Lên cách mặt nước 40 mét là ngừng 15-20 phút để cơ thể quen dần với áp suất của nước, lên còn 10-15 mét là nghỉ chân lần nữa rồi mới lên hẳn trên tàu. Lại phải nghỉ 30 phút rồi mới dám hút thuốc hoặc ăn uống.

Nếu không tuân thủ như thế, coi như tự nguyện đeo bệnh tật hoặc thần chết vào người. Hầu hết số người bị liệt là thanh niên. Cậy sức, thấy... không có gì" nên lặn xuống ngoi lên ào ào như lặn ao làng, thế là liệt ngay trên tàu.

Nguyễn Vui sinh năm 1982, một chàng trai vạm vỡ. Ba năm trước, Vui đi lặn ngoài Hải Phòng để lấy sắt từ một con tàu chìm. Và bị nạn. Gia đình anh phải chạy vạy đủ nơi, bán đi chỉ vàng cuối cùng từ số tiền mà anh dành dụm hơn 5 năm trước đó để chữa trị nhưng bệnh tình của Vui ngày một buồn thêm.

Nếu Vui đang hành khổ ba mẹ thì Trần Đình Lộc đang hành khổ vợ con. Quê Lộc ở tận huyện Hoài Ân tỉnh Bình Định, nhưng ba năm đóng quân ở đảo này. Năm 1986, ra lính, Lộc không về quê mà "dính" luôn với cô thôn nữ Lê Thị Hà. "Thương cô ấy mà ở lại rồi gắn luôn với nghề lặn biển chứ quê tôi ở vùng trung du, nào có biết sông nước là gì". Lộc phân trần.

Biết sự nguy hiểm của nghề, anh ký thác vào tên con trai: Trần Đại Hên. Thằng Hên nay 18 tuổi nhưng đời cháu xui rủi đã 3 năm qua kể từ khi bố lâm nạn trên vùng biển Vũng Tàu khi tham gia lặn lấy sắt từ một con tàu chìm. "Vừa lên tàu được 5 phút, thấy bên hông đau nhức rồi lan ra nửa người, tôi biết đời mình đã kết thúc từ bữa đó". Lộc nhớ lại. Vợ con anh cũng đã mót vét đồng bạc cuối cùng, đi khắp trong Nam ngoài Bắc để chữa chạy cho anh, song nhìn cảnh Lộc lê lết trong phòng, tôi hiểu, số phận đã đặt dấu chấm hết cho "con kình ngư" ấy rồi.

Khai thác mỗi con tàu chìm được khoảng 200 triệu, giá mỗi ký đồn đột hoặc hải sâm khoảng 500.000đ ... Tất cả những thông số đó đã thành lực hút khiến một "trung đoàn" thợ lặn của đảo bất chấp hiểm nguy mà lao ra khơi mỗi khi biển lặng.

Trần Đăng
Theo: LAODONG