Kỳ 2: Miền Trung oằn mình trong bão, lũ
QĐND Online – Khi viết những dòng này, tôi nhớ đến bài hát “Đất nước” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn. “Đất nước tôi, đất nước tôi, đất nước tôi/Từ thuở còn nằm nôi/Sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa…”, lời hát cứ vang vọng, cồn cào khi tôi nhớ đến những ngôi nhà xiêu vẹo trong bão lũ miền Trung…
Quảng Trị, đường phố thành sông
 |
Hàng đèn cao áp trên đường Ngô Quyền (thị xã Quảng Trị) bị nước lũ dâng gần ngập bóng (ảnh chụp từ cầu Thạch Hãn).
|
Sáng sớm 30-9, các hoạt động cứu hộ cứu nạn diễn ra hết sức khẩn trương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, trong đó tập trung vào các mũi xung yếu là Hướng Hoá, Đakrông, Gio Linh-Vũ Linh, Triệu Phong, và thị xã Quảng Trị.
Cùng đi trên chiếc ô tô với Đại tá Hoàng Văn Thanh- Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị, người trực tiếp chỉ đạo việc hạ thủy chiếc ca nô làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn tại thị xã Quảng Trị, chúng tôi thấy trên quốc lộ 1A, đoạn chạy qua huyện Triệu Phong, nước lên nhanh từng phút. Trên tuyến đường này, nhiều điểm đã bị nước lũ chia cắt; nhiều nhà dân bị ngập ngang cửa sổ; một số người dân đã phải cơ động bằng thuyền, trong khi đó mưa lớn vẫn không ngớt. Lực lượng công an đã tổ chức ứng trực để phân luồng giao thông, bảo đảm sự an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua các điểm bị lũ chia cắt. Hơn 7 giờ sáng, mực nước trên sông Thạch Hãn đã lên rất lớn, từng cột sóng ngầu đỏ cuộn lên hung hãn khi va phải mố cầu. Trước đó, cũng tại gầm cầu phía đầu Nam cầu Thạch Hãn, một chiếc ca nô cứu hộ đã bị sóng đánh chìm, 4 người thoát nạn, riêng Trung tá Lê Văn Phượng- Trợ lý chính trị Ban CHQS thị xã Quảng Trị bị sóng dữ cuốn trôi. Từ thực tế đó, thay vì thả ca nô trên sông Thạch Hãn như dự kiến ban đầu, Đại tá Hoàng Văn Thanh đã quyết định đưa chiếc ca nô về hạ thủy tại đường Trần Hưng Đạo (thị xã Quảng Trị), bởi lúc này nước trên đường phố đã ngập quá lưng người lớn.
Trên chiếc ca nô đưa tấm áo quan của đồng chí Lê Văn Phượng về Ban CHQS thị xã Quảng Trị, không ít lần tôi nghĩ mình cùng chiếc máy ảnh đang lăm lăm trên tay sẽ bị rớt xuống dòng nước lũ, bởi chiếc ca nô liên tục bị sóng lớn tràn vào từ các ngõ nối thông ra sông Thạch Hãn, đánh làm chòng chành, mất hướng, lao về phía nhà dân hai bên phố. Mỗi lần như thế, đồng chí lái ca nô lại phải nhảy vọt về mũi xuồng, nhoài người chống tay đẩy mạnh vào những bức tường nhà, tạo lực cản với chiếc ca nô đang đang sầm sập lao tới. Trên mái một vài ngôi nhà cấp bốn, vẫn còn những người dân đang ngồi co ro, lo lắng nhìn mực nước đã dâng cao ngang cửa nhà; một cụ già bì bõm đẩy chiếc bè chuối, trên đó có thêm con chó ướt sũng nước đang bần bật run vì lạnh; trên đường Ngô Quyền chạy ven bờ sông Thạch Hãn, nước sông đỏ ngầu đã dâng gần ngập bóng hàng đèn cao áp- hình ảnh mà trước khi vào vùng bão lũ, dù là người có trí tưởng tượng phong phú, song cũng chưa bao giờ tôi hình dung ra được …Nhìn từ trên cầu Thạch Hãn, cả thị xã Quảng Trị ngập chìm trong biển nước.
Thừa Thiên-Huế, nỗi niềm bên những căn nhà
 |
Ánh mắt ngơ ngác của trẻ thơ bên những căn nhà đổ nát ở Phú Vang, Thừa Thiên-Huế. |
Chúng tôi về thôn Hải Tiến, thị trấn Thuận An, huyện Phú Vang (Thừa Thiên-Huế) khi bão đã đi qua được một ngày. Đập vào mắt chúng tôi là cảnh những ngôi nhà tan hoang, xác xơ sau bão, nặng nề nhất là những căn nhà nằm ven biển Thuận An. Anh Trần Thương đứng bên ngôi nhà không còn mái, cách bờ biển chừng 50 mét, buồn rầu nói: “Ngày trước, biển còn cách nhà tôi dễ chừng đến 150 mét. Nay do xâm thực, nên khoảng cách chỉ còn vậy thôi. Mái nhà này là do gió lớn kết hợp với sóng biển đánh bay mất”.
Một người dân khác kéo tôi đến bên một gốc phi lao cổ thụ, rồi chỉ lên chạc cây cao chót vót gần ngọn. Kẹp trên đó là một tấm tôn lợp mái nhà. Có lẽ anh muốn minh chứng cho tôi thấy sự tàn phá ghê gớm của cơn bão mà người dân nơi đây vừa hứng chịu. Nhìn hình ảnh ấy, tôi chợt rùng mình, không phải vì gió biển về chiều đang thổi mạnh, mà bởi trước biển cả mênh mông vẫn đang ầm ào sóng, tôi thấy con người trở nên nhỏ nhoi quá đỗi, số phận con người cũng quá mong manh.
Đứng trên mô đất cao bên mép biển, tôi bấm vài kiểu ảnh về xóm nghèo này. Bất ngờ lọt vào ống kính của tôi là khuôn mặt ngơ ngác của một cháu bé bên ngôi nhà tan hoang, xiêu vẹo. Cạnh cháu là chiếc bát hương cùng lỉnh kỉnh xoong nồi, xô chậu…
Trước khi rời Hải Tiến, anh Trần Thương đến bên tôi nói như tâm sự: “Chúng tôi mong rằng, qua bài viết của nhà báo, các cấp chính quyền sẽ thấu nỗi khổ của dân vùng bão lũ chúng tôi”. Và không chỉ riêng anh Thương, mà ở hầu hết những vùng bão lũ chúng tôi đặt chân đến, bà con cũng đều gửi gắm chúng tôi nỗi niềm như vậy. Những niềm hy vọng ấy đã hối thúc chúng tôi phải đi nhanh hơn, nhiều hơn, tìm hiểu kỹ hơn và có trách nhiệm hơn với ngòi bút của mình…
Nửa tuần đã trôi qua kể từ khi bão đổ bộ vào đây, song trên các con đường ở xã Phong Bình, huyện Phong Điền (Thừa Thiên-Huế), nước vẫn ngập quá gối người lớn. Phương tiện dành cho người già và trẻ em di chuyển vẫn là thuyền và bè chuối. Trên địa bàn xã vẫn còn một số nhà tốc mái và nhà bị sập chưa thể khắc phục. Tuy chỉ là những tấm phi brô xi măng, là những viên babanh để dựng lại căn nhà hỏng, những vật liệu ấy không đòi hỏi nhiều về khả năng tài chính, nhưng hiềm một nỗi, người dân ở đây nghèo quá bởi đã bao năm nay bão lũ cứ liên miên dồn về dải đất này.
Đứng trong căn nhà tốc mái của ông Nguyễn Văn Tân, 72 tuổi, người thôn Đông Trung Tây Hồ, chúng tôi ai nấy đều cay cay khóe mắt khi biết rằng, chỉ trong vòng có ba hôm, mái nhà vốn đã ọp ẹp của ông đã phải hai lần hứng chịu sự tàn phá của thiên nhiên. Trước khi bão đến, một cơn lốc cũng đã quét qua và nuốt gọn mái nhà ông vào rốn lốc. Kể từ hôm đó đến nay, đêm đêm ông lại lặn lội sang ngủ nhờ nhà người hàng xóm. Rồi ông khóc nấc khi mọi người hỏi rằng ông tính sao về nơi ăn ở trong vài ngày tới.
Cạnh một con đường ngập nước ở thôn Siêu Quần, một người đàn ông và một phụ nữ cứ luẩn quẩn bên đống tôn bề bộn mà không biết phải làm gì. Được anh cán bộ của xã Phong Bình giới thiệu, chúng tôi mới biết đống tôn ấy là mái của một căn nhà vừa bị sập trong trận bão vừa qua. Nhà làm cạnh ao, nước dâng cao, thành thử cả ngôi nhà chỉ còn trơ mấy tấm tôn ấy. “Nhà này rõ khổ, lấy nhau hơn chục năm trời mà vẫn chưa có lấy mụn con. Nghèo quá nên chỉ dựng được nếp nhà khiêm tốn ấy, nay sập rồi, đã khó lại càng thêm khó”- một người hàng xóm của cặp vợ chồng kia than thở.
Đi thêm chừng một cây số nữa, chúng tôi đứng trước cánh đồng mênh mông nước. Cạnh đó cũng có một căn nhà tốc mái, siêu vẹo. Thấy có khách đến thăm, chị Trần Thị Chả, chủ nhân của ngôi nhà tất tả từ nhà hàng xóm chạy về. Chị Chả là con gái của liệt sỹ Trần Thanh Song, hi sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Từ khi nhà bị bão thổi tốc mái đến nay, chị vẫn ở nhờ trong ngôi nhà mà chị ngồi ban nãy. Đó là nhà thờ của một người họ khác. Chị lo lắng, nếu không được hỗ trợ tấm lợp để sửa lại mái nhà, không biết chị sẽ nương thân ở nơi nào khi lũ rút, bởi chị không thể cứ nằm mãi ở nhà thờ họ của người ta. Rời căn nhà siêu vẹo, chơ vơ bên đồng không mông quạnh, chúng tôi cứ bị ám ảnh mãi bởi ánh nhìn vô hồn của chị Chả cùng người mẹ đẻ, khi họ ngước mắt lên mái nhà trống hoác, nơi ánh nắng cuối chiều đang chiếu những tia le lói…
Duy Xuyên, đường làng thành bãi phù sa
 |
Chị Trần Thị Chả (bên phải) cùng mẹ đẻ đứng thất thần trong ngôi nhà tốc mái.
|
Ngày 5-10, trời Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã xanh, nước cũng đã rút, song sự tàn phá của bão, lũ vẫn hiện hữu. Đó là những khóm tre lớn bị gió bão đánh bạt nghiêng, gặp nắng mới khô cháy lá; những thân chuối ngọn cụt bằng chằn chặn; những mái nhà thấp lè tè bên quốc lộ 1A còn phủ bên trên đầy rác rưởi; những tấm biển quảng cáo bị bão bẻ gập khối chân sắt thép đồ sộ, chứ không chỉ bị bung lớp bạt như ở Quảng Trị hay Thừa Thiên-Huế….Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tại thời điểm đó, trên địa bàn huyện Duy Xuyên đã có 5 người chết và một người mất tích do bão lũ; thiệt hại về tài sản cũng không hề nhỏ.
Đến trụ sở UBND xã Duy Phước khi trời đã xế trưa, song người ra người vào vẫn tấp nập, công việc xoay quanh chuyện khắc phục hậu quả bão, lũ. Bà Huỳnh Thị Hường, Phó Chủ tịch UBND xã cho chúng tôi hay: “Sau bão, cả xã ngổn ngang đất, rác. Nhờ cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam và cán bộ, học viên trường Quân sự Quân khu 5 giúp sức, nên đường làng, ngõ xóm, các trường học, trạm y tế… đang dần được khắc phục”.
Được biết, sau khi bão đi qua, một số con đường trên địa bàn xã Duy Phước đã trở thành bãi bùn, rác khổng lồ do lũ từ sông Thu Bồn cuốn về. Trước khi bộ đội về làng, trên đoạn đường dài 2km ở đội 21- thôn Câu Lâu Tây, phù sa lấp dầy chừng 2 mét.
“Mấy ngày trước, các trục đường chính chạy về UBND xã bị tê liệt vì ngập bùn và rác; 2 trục đường liên xã Duy Vinh-Cẩm Kim (thành phố Hội An) cũng nằm trong tình trạng như vậy”-ông Dương Công Liễu, Xã đội trưởng xã Duy Vinh vừa chuẩn bị bảng vàng ghi công cho cán bộ, học viên trường Quân sự Quân khu 5, vừa tâm sự với chúng tôi như vậy.
Trên một con đường nội bộ thuộc đội 13- xã Duy Vinh, hàng chục cán bộ, học viên trường Quân sự Quân khu 5 cũng đang khẩn trương thu dọn một đống rác khổng lồ lấp hết cả đường đi và bãi trống quanh đó. Ông Nguyễn Nghị, một người dân đội 13 than vãn: “Rác từ sông Thu Bồn cuốn vô đó mấy chú. Rác kéo gẫy luôn cả cây cột điện này. Điện cũng mất từ hôm bão đến nay. Mà điện mất, nước giếng khoan cũng đâu có bơm lên được. Mà không có nước sạch trong điều kiện lũ lụt thế này, không biết có phát sinh dịch bệnh gì không nữa”.
Tuy học sinh đã đến lớp, song các trường tiểu học ở 2 xã Duy Phước, Duy Vinh vẫn đang phải tiếp tục tu sửa hệ thống mái một số phòng học bị tốc, thu gom số cây gẫy đổ để giải phóng mặt bằng.
Bên một ngã ba sông đang trộn hai dòng trong, đục ở thôn Hoá Mỹ, xã Duy Vinh, chúng tôi thấy một nhóm học viên lớp y tá khoá 46 của trường Quân sự Quân khu 5 đang xúc cát, đóng bao, kè lại móng nhà dân bị sóng dữ giật cho sạt lở. Có tiếng người giục nhau gắng làm nhanh, bởi phía xa xa, mặt trời đang xuống…
Kỳ 3. Đồng đội tôi, những anh hùng thầm lặng