QĐND Online – Trở về sau chuyến đi dọc dài dải đất miền Trung, nơi bão Ketsana (bão số 9) tàn phá, trong tôi giờ đây vẫn vẹn nguyên hình ảnh về những vùng đất, những con người nơi bão tố…Chuyến đi đầy ắp những xúc cảm ấy cũng đã làm cho tôi hiểu hơn  về một miền đất năm này qua năm khác luôn phải gồng mình đối mặt với sóng cuộn, gió gào; hiểu hơn số phận của  con người trước sự nghiệt ngã của thiên nhiên…

Kỳ 1: Chuyến xe tốc hành về với miền Trung

Đuổi cho kịp…bão

Sáng 29-9, chiếc xe u-oát chở nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân rời Hà Nội hướng về miền Trung, nơi được dự báo sẽ phải đón nhận “siêu bão” số 9. Trước khi xuất phát, một phóng viên có kinh nghiệm ở báo còn dặn dò chúng tôi: “Đừng mang giày, vào đó chỉ có dép bộ đội là phát huy được tác dụng thôi”. Anh Đỗ Tiến Sử (lái xe) trong khi kiểm tra lại lần cuối tình trạng kỹ thuật xe máy còn kịp nhờ người quen chạy vội về nhà riêng, lấy giúp chiếc đèn pin. Thực tế là chiếc đèn pin ấy đã trở thành một vật đắc dụng trong suốt hành trình bám vùng bão lũ của chúng tôi.

Những ngôi nhà ngập nước, những biển quảng cáo bị bão đánh trơ khung ở Quảng Trị.

Sau hơn nửa giờ xoay xở, chiếc u-oát cũng đã thoát ra khỏi nội thành Hà Nội ngập người, xe. Đến địa phận huyện Thanh Liêm (Hà Nam), trời bắt đầu đổ mưa. Nhiều gia đình dọc quốc lộ 1A đang khẩn trương đưa lúa vừa gặt vào máy tuốt. Trẻ con tất bật giúp bố mẹ dồn thóc đã phơi khô vào bao tải. Cơn bão cũng đang là nỗi lo lắng của người dân nơi đây, mặc dù theo dự báo trước đó, Hà Nam không nằm trong vùng ảnh hưởng của bão số 9.

Trời đã quá trưa, song mọi người đồng ý tiếp tục đi bởi đang là thời điểm các tài xế đường dài nghỉ ăn trưa nên đường thông thoáng. Đến khi họ chạy, đoàn sẽ tranh thủ ăn trưa. Chỉ có như vậy mới có thể về đến đích đã xác định ban đầu- thành phố Đà Nẵng, trước khi bão đổ bộ vào đất liền.

Để có thông tin cập nhật về hành trình của bão số 9, các phóng viên trong nhóm đã duy trì liên lạc thường xuyên với đồng nghiệp tại hệ VOV1- Đài Tiếng nói Việt Nam và người quen tại thành phố Đà Nẵng. Tất cả đều muốn có mặt tại Đà Nẵng trước khi bão đến để có những thông tin sớm nhất về công tác phòng, chống cơn bão số 9 của lực lượng vũ trang và nhân dân miền Trung.

Qua thành phố Vinh, là người đã có chút ít kinh nghiệm hoạt động trong vùng bão, lũ, anh Sử tạt xe vào một cửa hàng bán đồ khô, mua thùng mì tôm và bình nước lọc. Bởi theo dự đoán của anh, trong mưa bão sẽ không có hàng quán nào hoạt động, đó sẽ là nguồn lương thực duy trì “sức chiến đấu” cho cả nhóm.

Đến địa phận Hà Tĩnh, trời mưa cực to, những con sông và đồng ruộng đang dềnh nước đỏ ngầu, cả nhóm đưa máy ảnh ghi lại những hình ảnh đầu tiên. Những hình ảnh ấy dự báo phía trước chúng tôi có những vùng đất, những con người đang bắt đầu phải gồng mình chống chọi với cơn cuồng giận của thiên nhiên. Bất giác, tôi chợt nhớ đến lời ví von của một ai đó, rằng đất nước mang hình chữ S này như chiếc đòn gánh, hai đầu gánh nặng hai vựa thóc, và ở giữa đòn gánh-dải đất miền Trung nghèo khó thì oằn xuống vì bao nỗi nhọc nhằn. Hăm hở tiến về nơi rốn bão để có những hình ảnh sống động nhất, cập nhật nhất- chất liệu cho những bài báo, đó là điều mà những phóng viên trẻ chúng tôi đang khao khát. Song những thiệt hại do bão gây ra cho đồng bào mình- đó lại là điều chẳng ai trong số chúng tôi mong muốn. Để rồi trong mỗi chúng tôi cứ cộm lên mâu thuẫn…

“Chuyến xe bão táp”

Sau ít phút tranh thủ chợp mắt, khi tỉnh dậy, tôi thấy anh Sử mệng vẫn đang rít thuốc, tay bẻ vô lăng đưa chiếc xe chạy đua với thời gian. Nhìn lên phía ghế chỉ huy và ghế bên cạnh, các phóng viên Phan Anh, Trường Giang cũng đang chập chờn trong giấc ngủ. Tôi chợt thấy thương anh Sử đến lạ. Có lẽ trên cung đường dài dằng dặc như thế này, trong số chúng tôi, anh là người nhọc nhằn hơn cả. Với tay sang bọc bưởi treo cạnh cửa xe, tôi bóc và đưa cho anh một múi…

Người dân thị xã Quảng Trị đi thuyền trên …phố.

Khoảng 18 giờ, thông tin từ một số hướng cho biết, hiện trên quốc lộ 1A, đoạn Quảng Trị - Thừa Thiên-Huế, một số điểm đã bị tắc. Phương án rẽ phải lên đường Hồ Chí Minh đã được tính đến, song quan sát ở làn đường ngược chiều, nhiều phương tiện vẫn đang vận hành, cả nhóm quyết định tiếp tục chạy về đến Quảng Trị, sau đó sẽ tính tiếp.

Đến địa phận tỉnh Quảng Bình, đêm tối như hũ nút, có những lúc, trên cung đường mưa giông dữ dội, chỉ còn chiếc u-oát của chúng tôi đơn độc lầm lũi tiến về phía trước. Mưa quá lớn nên mặt đường nhiều đoạn đã đọng nước, mỗi khi bánh xe u-oát vượt qua, nước vọt lên phủ tràn mặt kính. Bị mất tầm nhìn, lái xe lại phải phanh gấp để giảm tốc độ. Đến lúc này, không riêng anh Sử mà cả nhóm phóng viên đều phải căng mắt bám những vạch sơn phản quang giới hạn dọc đường để “định vị” cho xe.

Hơn 20 giờ tối, cả nhóm chia nhau gói mì tôm sống nhai tạm để “an ủi” cái dạ dày đang bị…kiến bò. Khi vào tiếp thêm nhiên liệu tại một trạm xăng dầu thuộc huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), thấy có mấy o nhân viên trực ở đó, anh em nảy ra ý định nhờ các o nấu hộ mấy gói mì tôm. Biết chúng tôi là phóng viên báo QĐND đi đưa tin ở vùng bão lũ, họ rất cảm động. Có lẽ, bát mì tôm ăn vội này sẽ làm anh Sử nhớ mãi, bởi hôm nay là sinh nhật lần thứ 35 của anh.

- Mưa như xiên ngang ấy nhỉ-vừa chăm chú quan sát đường, anh Sử vừa nói.

Gió quá lớn nên mưa bị tạt theo phương nằm ngang. Dưới mặt đường, sóng nước cũng đang đuổi nối đuôi nhau. Gió quật hai hàng cây bên đường ngả nghiêng sát đất, nhiều cây đã bị gió bão vặn đứt một phần thân, cuốn lăn lông lốc trên đường. Bên mép đường phía tay phải chúng tôi, mấy chiếc xe chạy phía trước ban nãy, nay cũng đã phải nằm bẹp vì không thể cơ động tiếp. Phía trước, một chiếc xe tải đánh mạnh tay lái, đi lạc sang phần đường ngược chiều để không đâm vào dải phân cách giữa lòng đường đang bị mưa lớn phủ mờ. Khi chiếc xe nọ đánh lái về phần đường của mình thì cũng là lúc một chiếc xe tải ngược chiều lao xộc tới.

- Vẫn trong khả năng xử lý của tớ- anh Sử nói.

Cả nhóm quyết chạy tiếp, bởi lúc này chúng tôi đang trên địa phận Quảng Trị. Như vậy là Huế đã rất gần; qua Huế là chúng tôi đã có mặt ở Đà Nẵng. Mưa to, nước xối từ chiếc nắp trần xe đã bị hỏng xuống người anh Sử và Phan Anh như trút nước. Xe phải tạm dừng, một chiếc áo mưa được kê dưới nắp trần xe, giúp đỡ dột hơn chút ít.

Trước khi về đến Đông Hà, chúng tôi liên lạc với Đại tá Thuận Thắng- phóng viên báo QĐND thường trú khu vực Bắc miền Trung, hiện đang có mặt ở Huế. Anh thông báo: Huế đã ngập, tất cả các phương tiện đều kẹt cứng trên đường, nên lúc này dù có nỗ lực thêm nữa cũng không thể vào Huế được.

Chạy tiếp về cửa ngõ thành phố Huế, chờ đường thông rồi tính tiếp hay về Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị để nắm sơ bộ tình hình phòng chống bão, lũ trên địa bàn? Đó là những phương án đã được nhóm phóng viên tính toán và báo cáo tòa soạn.

Theo chỉ đạo từ tòa soạn, chúng tôi tạm thời chốt lại tại Đông Hà. Trong một nhà nghỉ không ánh điện, nhóm phóng viên chúng tôi người bấm đèn pin, người đọc số liệu đã thu thập được trên đường và số liệu do Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị cung cấp, người đánh máy. Và nhờ chiếc USB Wifi Tổng Biên tập trang bị cho nhóm công tác trước lúc lên đường, nên bản tin đầu tiên về công tác phòng chống cơn bão số 9 của lực lượng vũ trang và nhân dân tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng được gửi về tòa soạn ngay trong đêm 29 mưa gió bão bùng ấy.

Bút ký của Phạm Hoàng Hà

Kỳ 2. Miền Trung oằn mình trong bão, lũ