Kỳ 1: Những ngày lửa đạn

QĐND - Đầu đông, tiết trời se lạnh, đất và người Trung Giáp (huyện Phù Ninh, Phú Thọ) đón các thế hệ cán bộ, y bác sĩ Bệnh viện 103 (Học viện Quân y) trở về nguồn nhân kỷ niệm 60 năm ngày thành lập bệnh viện (20-12-1950/20-12-2010) và đón nhận danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân lần thứ 2. Các thầy thuốc và người dân thân mật gọi nhau là “người nhà”, bởi cách đây 60 năm, khi Đội điều trị 3, tiền thân của Bệnh viện 103 được “khai sinh” tại đây, họ đã dành cho nhau những tình cảm thân thương như thế…

Chiếc nồi hấp, bộ tiểu phẫu và ca mổ đầu tiên...

Có dịp được về nguồn cùng đoàn cán bộ, nhân viên Bệnh viện 103, do Thiếu tướng Hoàng Mạnh An, Giám đốc và Đại tá Nguyễn Mạnh Sử, Chính ủy bệnh viện dẫn đầu, chúng tôi biết thêm nhiều địa chỉ của các y, bác sĩ thuộc nhiều thế hệ của bệnh viện. Lần tìm theo những địa chỉ ấy, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động…

Năm 1950, trước những diễn biến mau lẹ của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Cục Quân y đề ra chủ trương thành lập các đội điều trị nằm giữa tuyến quân y các đại đoàn phía trước và tuyến các bệnh viện dã chiến phía sau.

Ngày 20-12-1950, tại thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ (nay là Khu 2, xã Trung Giáp, Phù Ninh, Phú Thọ), Đội điều trị 3 được thành lập, với nhiệm vụ “khẩn trương ổn định tổ chức và biên chế để kịp thời phục vụ chiến dịch”. Người đội trưởng đầu tiên của Đội điều trị 3 ngày ấy là Bác sĩ Nguyễn Dương Quang, năm nay đã 88 tuổi. Trong căn nhà số 75, phố Hàng Bông, Hà Nội, với trí nhớ còn khá minh mẫn, ông kể lại với chúng tôi những kỷ niệm khó quên của một thời lửa đạn…

Thầy thuốc Bệnh viện 103 khám bệnh cho nhân dân xã Trung Giáp (Phù Ninh, Phú Thọ). Ảnh: Khánh Linh

Ban đầu, Đội được biên chế khoảng 60 người, trong đó có 2 bác sĩ; trang bị ban đầu cũng chỉ vỏn vẹn một chiếc nồi hấp bằng gang, một bộ đồ mổ và ít thuốc, dụng cụ tự chế khác.Thế nhưng, chỉ 5 ngày sau đó, đội nhận lệnh lên đường đến xã Thản Sơn, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc, làm nhiệm vụ thu dung thương binh, bệnh binh của chiến dịch Trần Hưng Đạo - ông Nguyễn Dương Quang mở đầu câu chuyện.

Thử thách ngặt nghèo đến với đội ngay trong buổi đầu tiên có mặt tại chiến trường. Chừng 5 giờ sáng ngày 27-12-1950, khi đội đang nấu cơm và chuẩn bị bàn mổ, sẵn sàng cấp cứu thương binh thì tiếng pháo nổ rền vang.

Đến buổi chiều, một tiểu đoàn lính Âu Phi bị chặn đánh ở Xuân Trạch, khi rút về Vĩnh Yên, qua rừng Thản Sơn, chúng bắn dữ dội vào đội hình sơ tán của đội. Chiếc nồi hấp duy nhất do 2 y công gánh bị trúng đạn, vỡ nát. Hộp dụng cụ phẫu thuật do y tá Lê Thị Hảo đeo trên lưng cũng bị đạn xuyên thủng. Rất may không có thiệt hại về người - ông Nguyễn Dương Quang nhớ lại.

Y cụ của đơn vị vốn đã khó khăn, sau trận đánh ấy lại càng thêm thiếu thốn. Vậy mà chỉ một ngày sau đó, thương binh đầu tiên của mặt trận đã được chuyển đến cấp cứu tại đội. Anh thương binh bị gẫy xương đùi. Kíp mổ hôm đó do anh Vưu Hữu Chánh, Đội phó Đội điều trị, cùng một số nhân viên thực hiện. Ca phẫu thuật được thực hiện tại nhà một hộ dân ở xã Thản Sơn. Bàn mổ là tấm phản mượn của bà con. Kíp mổ tiến hành bộc lộ, cắt lọc vết thương, gắp mảnh xương vụn và bó bột an toàn cho thương binh. Do nồi hấp bị hỏng, nên đội phải luộc “toan” và dụng cụ phẫu thuật.

Ca mổ đầu tiên thành công trong điều kiện dụng cụ, phương tiện vô cùng thiếu thốn đã khích lệ, động viên tinh thần to lớn đối với các y, bác sĩ của đội. Sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, cán bộ, y, bác sĩ Đội điều trị 3 tiếp tục bám sát các Chiến dịch Hoàng Hoa Thám, Quang Trung, Hòa Bình, Tây Bắc và Điện Biên Phủ. Qua 6 chiến dịch, đội đã cấp cứu, điều trị cho gần 4.000 thương, bệnh binh, trong đó hơn 2.000 thương binh, bệnh binh trong Chiến dịch Điện Biên Phủ…

- Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, Đội điều trị 3 đã tận dụng sợi ni-lon tuốt ra từ dù của quân Pháp để khâu vết thương cho thương binh - ông Nguyễn Dương Quang bồi hồi tìm về quá khứ. Một số y, bác sĩ của quân Pháp tại Điện Biên Phủ khi đó cũng biết chuyện này. Khoảng năm 1980, một bác sĩ của quân Pháp phụ trách cứu chữa thương binh Pháp ở Điện Biên Phủ ngày ấy đến thăm Bệnh viện Việt-Đức, khi đó tôi đang làm giám đốc. Biết tôi từng phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông ấy còn hỏi đùa tôi một câu: “Bây giờ các ông còn dùng chỉ ni-lon nữa không?”.

Câu chuyện đó giúp chúng tôi hiểu hơn về những khó khăn, thiếu thốn của Đội điều trị 3 năm nào. Song với ý chí, nghị lực và trách nhiệm của người chiến sĩ áo trắng, họ vẫn trụ vững nơi tuyến đầu, cứu chữa kịp thời thương, bệnh binh, góp phần vào thắng lợi cuối cùng…

Y tá thương binh chăm... thương binh mặt trận

“Là con gái, cả hai chân đều gẫy nát, thế là hết, đâu còn gì ở tương lai...”. Từ suy nghĩ ấy, chị đã định nhịn đói và phó mặc tính mạng của mình cho số phận. Nhưng rồi chị nghĩ lại, mình phải sống để góp phần cứu chữa, giúp đỡ nhiều thương, bệnh binh khác. Vậy là chị lại gắng gượng vươn lên. Nhiều người vẫn không thể quên trong suốt những năm từ 1972 đến đầu năm 1976, ở Bệnh viện 103, có một y tá thương binh luôn "thi đua" cùng các thương binh từ mặt trận trở về, vượt lên thương tật. Nữ y tá đầy nghị lực của Bệnh viện 103 ngày ấy là cô Phạm Thị Miền, nay đã ở tuổi 63.

Chúng tôi tìm gặp nữ y tá thương binh tại nhà riêng ở khu tập thể Học viện Quân y (quận Hà Đông, Hà Nội). Cô kể cho chúng tôi nghe nhiều kỷ niệm về những ngày chăm sóc thương, bệnh binh, nhất là khi mới vào nghề, tiếp đến là những ngày ác liệt khi đế quốc Mỹ dùng pháo đài bay B52 rải thảm Hà Nội 12 ngày đêm tháng Chạp năm 1972. Trong một trận bom, 4 y, bác sĩ của Bệnh viện 103 đã hy sinh, 3 y sĩ, công nhân viên bị thương tại nơi sơ tán của bệnh viện.

Cán bộ các thời kỳ của Bệnh viện 103 cùng cán bộ địa phương trồng cây lưu niệm tại nơi thành lập bệnh viện. Ảnh: Khánh Linh.

Tháng 12 -1967, sau khi học xong khóa y sĩ đa khoa tại Trường Trung cấp y sĩ Nam Định, nữ sinh Phạm Thị Miền học tiếp chuyên khoa sản. Khi có lệnh tổng động viên, tháng 3-1968 cô gia nhập quân đội và được điều về công tác tại Khoa Tâm thần kinh, Viện Quân y 103.

- 42 năm đã trôi qua, song trong tôi vẫn luôn hiển hiện hình ảnh một anh thương binh được chuyển về Khoa Tâm thần kinh năm 1969 – nhắc lại chuyện ấy, khóe mắt cô ngấn nước, giọng nhỏ nhẹ: Anh bộ đội khi ấy chừng 26 tuổi, còn tôi 21 tuổi. Ấy vậy mà mỗi lần nhìn thấy tôi, anh đều chạy theo, miệng gọi “mẹ ơi, mẹ ơi”, rồi đòi ăn bún nấu rau cần. Nhìn ánh mắt, nụ cười ấy, tôi lại ứa nước mắt vì thương. Hồi đó thương, bệnh binh từ mặt trận chuyển ra nhiều, công việc bận rộn, cộng thêm kinh tế khó khăn giữa đạn bom khốc liệt, đâu dễ có được bát bún rau cần. Tuy nhiên, bụng vẫn bảo dạ, tôi gắng làm cho anh ấy bát bún.

Để có được bát bún cho người thương binh đó, cuối tuần, y sĩ Miền dậy từ 4 giờ sáng, đạp xe mấy cây số từ Hà Đông đến Ngã Tư Sở để đổi tem phiếu lấy bún, rồi lại kì cạch đạp xe ra chợ mua rau cần. Mà đã gọi là bún cần thì không thể thiếu mỡ, vậy là cô lại xuống nhà bếp xin các chị nuôi.

Nhận từ tay chị y tá bát bún rau cần thơm nức, mắt anh thương binh sáng lên. Anh ăn ngon lành bát bún chất chứa bao nỗi niềm...

Dừng một lát, cô Miền tiếp lời:

- Tôi chỉ nấu được cho anh ấy chừng 3 lần, bởi sau đó anh được chuyển về một đoàn điều dưỡng.

- Vậy còn chuyện trận bom giội xuống khu sơ tán của Bệnh viện tháng 12-1972?

- Đó là vào rạng sáng 22-12, không quân Mỹ giội hàng chục quả bom xuống đội hình khối nội của bệnh viện đang sơ tán ở thôn Mẫu Lương, xã Kiến Hưng, Hà Đông. Chùa trúng bom đổ sập, tôi bị gạch ngói đè nát hai cổ chân, gẫy xương đùi. Sau này tôi được biết, lúc bom đạn hiểm nguy, khói lửa mịt mù, cán bộ, nhân viên, học viên vẫn xông lên cứu người, cứu tài sản.

Tay chỉ vào hai cổ chân còn hằn vết sẹo, cô Miền cho biết, mỗi cổ chân cô bị giập nát, mất 10cm. Các bác sĩ của bệnh viện phải lấy xương mác của cô bó lại, thay thế cho hai đoạn xương cổ chân giập nát.

Những ngày đầu tiên sau khi bị thương, y sĩ Miền bi quan, chán nản vô cùng. Thấy vậy, các y, bác sĩ của Viện Quân y 103, nhất là Khoa Chấn thương đã động viên cô rất nhiều.

Cô tâm sự:

- Tôi không thể nào quên hình ảnh anh Bùi Tung, Chủ nhiệm Khoa Chấn thương cứ mỗi chiều rảnh rỗi lại đến động viên, an ủi tôi. Rồi đến giờ tắm giặt, chị em trong Khoa Chấn thương lại đẩy xe lăn đưa tôi đi cùng.

Gợi lại ký ức những ngày tháng phục vụ chiến đấu trong điều kiện bệnh viện còn nhiều thiếu thốn, cô bảo mãi nhớ và vẫn cảm nhận được cái mùi nồng nặc xông vào tận phòng cô nằm điều trị. "Cái mùi ấy cho tôi biết, thương binh ngoài mặt trận đang về bệnh viện nhiều. Đó là mùi ê-te đổ vào vết thương của thương binh. Các anh cần lắm bàn tay chăm sóc của các y, bác sĩ. Vậy nên mình phải vươn lên, phải sống để góp phần cứu chữa cho anh em. Đó là động lực đã thôi thúc tôi gắng vươn lên...".

Ngày ấy, Khoa Chấn thương vẫn “giao” việc cho y sĩ thương binh, bệnh nhân Phạm Thị Miền. Ngày ngày, chị đến các giường bệnh, phát thuốc và cặp nhiệt độ cho thương binh, bệnh binh. Và khi thấy một y tá thương binh đến tận giường bệnh chăm sóc, động viên, các thương binh chiến trường thấy mình phải gắng vượt lên. Nhìn những thương binh nặng, chị cũng tự nhủ mình phải gắng thi đua...

Bằng những suy nghĩ, nghị lực phấn đấu như vậy, y tá Phạm Thị Miền đã xuất viện, trở lại đảm nhiệm công việc của người y sĩ sau hơn 3 năm điều trị vết thương. Ngày ngày chị vẫn cần mẫn làm việc cho đến khi về hưu năm 2000…

Trong những tháng năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Viện Quân y 103 đã thu dung, điều trị hàng vạn thương binh, bệnh binh từ các chiến trường chuyển về. Viện thành lập nhiều đội điều trị, cử hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên đi phục vụ chiến đấu ở những nơi ác liệt trong chiến tranh phá hoại ở miền Bắc, chiến trường miền Nam và trên đất bạn Lào, Cam-pu-chia. Nhiều thầy thuốc đã ngã xuống hoặc để lại một phần thân thể trên chiến trường. Truyền thống đó tiếp tục được hun đúc, tỏa sáng trong thời kỳ mới…

---------------------

Ghi chép của Quân Thủy - Hoàng Hà

Kỳ 2: "Sinh ra" lần thứ 2...