 |
Lao động của Tổng công ty xây dựng Trường Sơn trên công trình Đập tràn đang được gấp rút thi công. |
Những ngày đầu năm mới, công trình thủy điện Buôn Kuốp bước vào giai đoạn thi công nước rút. Nhiều hạng mục công trình đẩy nhanh tiến độ và một khối lượng khổng lồ nguyên, vật liệu đang được các đơn vị thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn chuẩn bị để phục vụ lễ chặn dòng.
Thuỷ điện Buôn Kuốp có công suất 280MW, là công trình thủy điện lớn thứ hai ở Tây Nguyên, sau thủy điện Ya Ly. Công trình nằm trên địa bàn xã Nam Đà, huyện Krông Nô (Đắc Nông), xã Ea Na, huyện Krông Ana và xã Hòa Phú, thành phố Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc). Công trình được khởi công ngày 21-12-2003, thời gian thi công là 5 năm. Theo dự kiến, ngày 8-2-2007 thủy điện Buôn Kuốp chặn dòng; ngày 1-3-2008 tích nước hồ chứa, 30-6-2008 phát điện tổ máy số 1, ngày 30-9-2008 phát điện tổ máy số 2 và ngày 31-12-2008 khánh thành bàn giao toàn bộ công trình. Thủy điện Buôn Kuốp có tổng vốn đầu tư hơn 4.600 tỷ đồng, trong đó riêng giá trị xây lắp khoảng 1.900 tỷ đồng. Khi đưa vào vận hành, mỗi năm thủy điện Buôn Kuốp sản xuất 1,4 tỷ kwh điện, đạt giá trị doanh thu 700-1.000 tỷ đồng. Tổng công ty xây dựng Trường Sơn (Bộ Quốc phòng) là một trong 4 thành viên của tổ hợp nhà thầu tham gia xây dựng thủy điện Buôn Kuốp. Đơn vị đảm nhận thi công đập tràn và đập chính với giá trị xây lắp 344 tỷ đồng. Ngoài ra, Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn còn thi công một số công trình phụ trợ khác như đường giao thông, cầu cống và rà phá bom mìn.
Đại tá Nguyễn Bá Mân, Giám đốc Ban điều hành Thủy điện Buôn Kuốp của Tổng công ty cho biết: Tính đến đầu tháng 1 này, hai hạng mục đơn vị đảm nhận thi công đã bảo đảm được tiến độ. Trong đó, đập tràn, do Công ty xây dựng 384 thi công và đến thời điểm này đã đào được 2 triệu m3 đất, đá hố móng, đổ bê tông cốt thép được 48 nghìn m3, sản xuất được 1.600 tấn cốt thép phục vụ thi công. Giá trị xây lắp đập tràn hiện đạt 179,7 tỷ đồng bằng 98% so với tổng giá trị toàn bộ hạng mục công trình. Đập chính do Công ty Xây dựng 470 thi công. Từ ngày khởi công đến nay, Công ty đã đào đắp được 600 nghìn m3 đất đá, khoan phụt bê tông hơn 8 nghìn mũi khoan, đạt giá trị sản lượng hơn 73 tỷ đồng, bằng 46% so tổng giá trị hạng mục công trình. Như vậy, giá trị sản lượng hai hạng mục công trình do các đơn vị thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn thi công đến đầu năm 2007 này đã đạt 253 tỷ đồng. Theo đánh giá của Ban quản lý Dự án Thủy điện 5 (Tổng công ty Điện lực Việt Nam) - đại diện chủ đầu tư, thì Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã bảo đảm được tiến độ công trình, nhiều tập thể và cá nhân được ban quản lý khen thưởng về thành tích trong phong trào thi đua lao động sản xuất.
Đặc biệt, những người lính trên công trường Thủy điện Buôn Kuốp còn phát huy nhiều sáng kiến, nâng cao năng suất lao động, khắc phục kịp thời những khó khăn phát sinh trong quá trình thi công. Thượng tá Lê Viết Lĩnh, Phó giám đốc Ban điều hành thủy điện Buôn Kuốp phân tích: Do địa chất khu vực thi công đập tràn và đập chính rất phức tạp, nền đá yếu nên dễ sạt lở mái tràn. Mặt khác, địa chất đá ba-zan có độ rỗng nên cần phải khoan phụt bê tông với khối lượng lớn. Để khắc phục sự cố sạt mái tràn, đơn vị áp dụng sáng kiến tổ chức khoan tạo mặt cắt phía trong, sau đó mới khoan nổ phá phía ngoài và tiến hành nổ phá nhỏ. Đối với khoan phụt bê tông, do nền đá rỗng, nên khi khoan phụt lượng bê tông thất thoát rất lớn, để tiết kiệm bê tông, đơn vị có sáng kiến sử dụng vữa có cát, tiến hành phụt không ép, cho chảy tự do để lấp đầy lỗ hổng, sau đó khoan phụt lại. Áp dụng sáng kiến này đã giảm tiêu hao vật liệu mà vẫn bảo đảm chống thấm cho công trình. Theo tính toán, đến thời điểm này Tổng công ty đã tổ chức khoan phụt 11.700 tấn xi măng với tổng cộng hơn 8 nghìn mũi khoan nhằm khắc phục tình trạng nền đá rỗng ở hạng mục đập chính.
Mặt khác, do công trình vừa thiết kế vừa thi công nên để bảo đảm tiến độ, các đơn vị thuộc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn như: Công ty Xây dựng 470, Công ty Xây dựng 384 đã tăng cường lực lượng và máy móc. Các đơn vị tổ chức thi công trên diện rộng, tăng ca, tăng kíp theo địa hình, tạo mặt bằng thi công rộng, phát huy hiệu suất lao động và công suất của phương tiện, thiết bị. Vào thời điểm thi công cao điểm, Tổng công ty huy động tới 200 xe máy, hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư và công nhân, ngoài ra còn huy động thêm khoảng 500 lao động phổ thông ở địa bàn, tổ chức đào đắp mỗi ngày bình quân hơn 7 nghìn m3 đất đá. Nhờ tăng năng suất lao động, nên thu nhập của người lao động trên công trường Thủy điện Buôn Kuốp đạt bình quân 2 triệu đồng/người/tháng.
Có mặt trên công trường Thủy điện Buôn Kuốp vào những ngày đầu năm 2007 này, chúng tôi được hoà mình vào khí thế lao động hết sức khẩn trương. Ở vị trí thi công các hạng mục như đập tràn, đập chính, đường hầm, tháp điều áp và nhà máy, tinh thần làm việc của cán bộ, kỹ sư và công nhân thật hăng say. Cả công trường hiện đang huy động tới 5 nghìn lao động và hàng nghìn máy móc, phương tiện. Tiếng động cơ xe vận chuyển, máy đào, máy cẩu, máy khoan ầm ầm vang xa. Theo tính toán, đến thời điểm này giá trị xây lắp đạt hơn 850 tỷ đồng, một số hạng mục như đập tràn, đường hầm chuẩn bị về đích.
Chặn dòng Thủy điện Buôn Kuốp được xem là mốc quan trọng, đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam trên công trình thủy điện lớn. Theo Kỹ sư Nguyễn Bá Mân, chặn dòng Thủy điện Buôn Kuốp có mức độ khó khăn, phức tạp thứ ba, sau chặn dòng Thủy điện Hòa Bình và Thủy điện Trị An. Còn trên bậc thang thủy điện sông Sê-rê-pốc thì chặn dòng Thủy điện Buôn Kuốp được xem là khó khăn hơn các công trình thủy điện khác. Vì chặn dòng ở đây đòi hỏi phải tạo được cột nước cao tới 10 mét mới có nước chảy vào đập tràn. Mà để tạo được cột nước cao 10 mét thì cần khối lượng lớn đất đá và bê tông. Công việc lấn dòng phải thực hiện trong cả tháng, riêng việc ngăn sông cũng cần tới 8 giờ đồng hồ mới hoàn thành. Được biết, để bảo đảm cho việc chặn dòng Thủy điện Buôn Kuốp, những ngày này cán bộ, chiến sĩ, công nhân của Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã phải gấp rút đào đắp 35 nghìn m3 đất, chuẩn bị sẵn 154 nghìn m3 đất, 550 cục bê tông với khối lượng 1.000m3 và hơn 2.000m3 đá loại quá cỡ có đường kính hơn 1m. Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và 3 nhà thầu thành viên trong tổ hợp nhà thầu xây dựng đã sẵn sàng nhân lực và máy móc cho ngày chặn dòng.
Tây Nguyên đã vào mùa khô, dòng sông Sê-rê-pốc không còn ầm ào dâng lũ. Chẳng bao lâu nữa dòng sông này thêm một lần bị chinh phục bởi bàn tay, khối óc của con người, mang lại nguồn điện năng quý báu làm giàu cho đất nước.
Bài và ảnh:
KIỀU BÌNH ĐỊNH