Theo quy định của pháp luật, những công trình xây dựng không phép hoặc sai giấy phép sẽ bị áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình. Trường hợp tổ chức, cá nhân không chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế phá dỡ. Tuy nhiên, đây là điều mà cả cơ quan chức năng và cá nhân, tập thể vi phạm đều không mong muốn. Bởi quá trình thực hiện thường kéo theo nhiều vấn đề phức tạp, lãng phí cả về nhân lực và tiền bạc, tài sản. Cũng có những trường hợp thực hiện chưa đúng quy trình, khiến ngay cả những người thực thi pháp luật cũng vướng vào vòng lao lý. 

Thực tế cho thấy, nếu thực hiện tốt công tác vận động, tuyên truyền giúp người dân hiểu, tự tháo dỡ những công trình vi phạm sẽ khắc phục được những bất cập trên. Nhiều địa phương nhờ làm tốt công tác này đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân, bảo đảm TTXD. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Lợi, chủ sở hữu thửa đất số 31, tờ bản đồ 16, diện tích 3.025m2 (trong đó 200m2 là đất ở và 2.825m2 là đất trồng cây lâu năm) nằm trong khu dân cư thôn Khoang Mái, xã Đồng Trúc (Thạch Thất, Hà Nội). Giữa năm 2019, ông Lợi xây dựng nhà xưởng trên toàn bộ thửa đất này. Ngay khi ông Lợi vừa tiến hành xây dựng, UBND xã Đồng Trúc đã phát hiện, lập biên bản vi phạm và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 420/QĐ-XPVPHC ngày 18-7-2019. Theo đó, ông Lợi phải nộp phạt 2 triệu đồng; tự tháo dỡ, thu dọn phần diện tích vi phạm, trả lại hiện trạng ban đầu. Tuy nhiên, ông Lợi vẫn tiếp tục lén lút xây dựng. Trước tình hình đó, bên cạnh những biện pháp cứng rắn, kiên quyết xử lý nghiêm công trình vi phạm, chính quyền địa phương đã kiên trì vận động, tuyên truyền để ông Lợi hiểu rõ sai phạm của mình. “Mưa dầm thấm lâu”, ông Lợi đã đồng thuận và chấp hành nghiêm Quyết định số 420/QĐ-XPVPHC. Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Do không nắm vững các quy định của Luật Đất đai, tôi đã tiến hành xây dựng nhà xưởng phục vụ sản xuất khi chưa đủ yếu tố pháp lý. Sau một thời gian được cán bộ xã tuyên truyền, tôi đã hiểu và nhận thức rõ sai phạm của mình, đồng thời khắc phục các sai phạm đó, tiến hành hoàn thiện các thủ tục về đất đai để sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật”.

Tỉnh lộ 490C đoạn qua thị trấn Liễu Đề (Nghĩa Hưng, Nam Định) thông thoáng, không xảy ra tình trạng vi phạm trật tự xây dựng.

Ông Nguyễn Đình Nghi, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Trúc cho biết: “Xử lý vi phạm TTXD là vấn đề phức tạp. Bởi thế, đội ngũ cán bộ thực thi công vụ phải nắm chắc luật, thường xuyên bám địa bàn, kiên trì vận động, tuyên truyền để người dân hiểu và chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Mặt khác, thanh tra xây dựng và cán bộ cấp cơ sở phải thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, kịp thời những sai phạm. Việc phát hiện sớm và ngăn chặn kịp thời giúp giảm thiểu thiệt hại về vật chất cũng như hạn chế những vấn đề phức tạp khác. Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên từ đầu năm 2019 đến nay, ngoài trường hợp gia đình ông Lợi, trên địa bàn xã đã có 5 công trình vi phạm được người dân tự giác tháo dỡ”.

Về huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định, chúng tôi cũng được biết những kết quả tích cực từ việc tuyên truyền để người dân tự tháo dỡ công trình vi phạm TTXD. Đi trên tuyến Tỉnh lộ 490C với hai bên vỉa hè thông thoáng, sạch đẹp, ông Vũ Đức Long, Phó trưởng phòng Công Thương huyện Nghĩa Hưng hồ hởi giới thiệu: "Trước đây tình trạng vi phạm TTXD, lấn chiếm hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện diễn ra tương đối phức tạp. Năm 2017, có hơn 2.000 trường hợp vi phạm, trong đó có 4 nhà kiên cố, 93 trường hợp nhà mái tôn quây bằng tường xây, 122 trường hợp nhà mái tôn quây bằng rào sắt... Tuy nhiên, sau khi được chính quyền địa phương vận động, tuyên truyền, toàn bộ những vi phạm trên đã được người dân tự nguyện tháo dỡ. Có hơn 4.000 hộ dân ký cam kết sẽ không vi phạm hoặc tái vi phạm TTXD trên hành lang an toàn giao thông". 

Chia sẻ với chúng tôi về cách làm và kinh nghiệm của địa phương, đồng chí Sái Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng cho biết: "Với đặc thù là địa phương có nhiều đồng bào theo đạo, chúng tôi chủ động nhờ sự giúp đỡ của các cha đạo trong việc tuyên truyền để người dân chấp hành tốt pháp luật nói chung, tự giác tháo dỡ công trình vi phạm TTXD nói riêng. Đôi khi lực lượng tuyên truyền của chúng tôi lại chính là người dân. Người đã hiểu ra vi phạm, sau khi khắc phục lại đi tuyên truyền, vận động những người chưa hiểu. Quá trình tuyên truyền, vận động cũng cần tìm hiểu xem người dân có khó khăn gì để hỗ trợ trong khả năng cho phép. Những cá nhân chấp hành tốt sẽ được tuyên dương trong các buổi sinh hoạt thôn, xã. Đặc biệt, chúng tôi luôn chăm lo xây dựng để cán bộ phải là những người đi đầu gương mẫu, có như vậy thì người dân mới nghe và làm theo". 

Bàn về vấn đề này, bà Bùi Thị An, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng, trước tiên các địa phương cần công khai quy hoạch, giúp người dân hiểu và nắm rõ quy hoạch. Để việc tuyên truyền phát huy hiệu quả thì quá trình thực thi luật pháp phải nghiêm minh, công bằng. Với các vi phạm TTXD cần phân loại cụ thể để từ đó đưa ra hướng tuyên truyền, xử lý phù hợp. Tuy nhiên, đối với những trường hợp cố tình chây ỳ, không khắc phục thì vẫn phải tính đến giải pháp cuối cùng là cưỡng chế để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.

Bài và ảnh: ĐĂNG KHOA-ĐỨC HUY