 |
Cựu chiến binh Trần Duy Tung thăm lại chiến trường xưa, thắp hương cho đồng đội trên nấm mồ-công sự nơi anh thoát chết trở về. Ảnh tư liệu |
Một ngày nọ, trên bàn biên tập của tôi bỗng xuất hiện bài thơ lục bát dài tới 40 câu từ một cộng tác viên phương xa gửi tới. Bài thơ chưa hay, ý tứ còn đơn giản, định gác qua một bên để xử lý sau chợt tôi giật mình khi đọc những dòng cuối: Tôi về thăm lại mộ tôi/Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu... Một người còn sống mà lại có mộ nghĩa là thế nào? Linh cảm phía sau những dòng thơ mộc mạc kia là một số phận đặc biệt, một câu chuyện ly kỳ, một quá khứ vinh quang... thôi thúc tôi đi tìm tác giả. Khổ nỗi, người gửi lại không đề địa chỉ cụ thể. Kiên trì hơn hai tháng, qua nhiều “kênh”, sau tôi mới “kết nối” được với người lính ấy...
Tiểu đội cảm tử tuổi hai mươi
Xin trích một đoạn trong “bài thơ lạ”: Tôi về thăm lại mộ tôi/ Nằm trên đỉnh núi cuối Dương Đá Bầu/ Bên hòn đá cũ sẩm màu/ Dưới hầm công sự mình đào năm xưa…
Dò hỏi mãi như tìm kim đáy bể, mới biết tác giả bài thơ là cựu chiến binh Trần Duy Tung, ở thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Anh hiện là Phó chủ tịch Hội Khuyến học thành phố Tam Kỳ, Hội viên Hội cựu chiến binh phường An Sơn. Bấm điện thoại trình bày, từ đầu dây, giọng người đàn ông nghèn nghẹn:
- Đó không chỉ là nấm mồ chôn tôi, mà còn chôn cả những người đồng đội của tôi nữa. Nhưng chỉ có tôi trở về… Thơ làm đã lâu nhưng không dám đọc về đêm. Vì cứ đọc về đêm là tôi khóc, không ngủ được, nhớ thương đồng đội vô ngần. Sợ vợ con biết mình khóc, cũng trằn trọc không ngủ được…
“Mỗi người lính, ai cũng có những kỷ niệm của một thời quân ngũ. Nhưng với tôi, kỷ niệm ấy “có một không hai”, vinh quang, bi tráng nhưng cũng tràn đầy máu lệ của tháng năm tuổi trẻ chốn sa trường…” - Một chiều thu Hà Nội, tôi may mắn được gặp Trần Duy Tung khi anh ra Thủ đô thăm một người bà con và trọn một ngày cùng anh sống lại một thời trai trẻ oanh liệt với câu chuyện đời ly kỳ như tiểu thuyết…
Nhìn dáng người nhỏ nhắn, thư sinh, có phần trẻ hơn so với tuổi tác, ít ai nghĩ người cựu chiến binh này đã sống cuộc đời trận mạc từ năm 14 tuổi. Năm 1964, với lòng căm thù giặc, cậu bé Trần Duy Tung ở thôn Ngọc Mỹ, xã Tam Phú, huyện Tam Kỳ nằng nặc xin vào du kích. Ba năm sau, ở tuổi 17, anh lại quyết chí xin vào bộ đội để “đánh được nhiều giặc hơn”. Chiến tranh, trai làng đều thế cả. Tung được biên chế vào đơn vị V12 huyện Bắc Tam Kỳ (cũ).
Một năm sau, trước âm mưu giặc Mỹ có thể tiến công lấn chiếm các vùng giải phóng của ta ở Tam Kỳ, huyện đội Bắc Tam Kỳ thành lập một “tiểu đội đặc biệt” - một đội quân cảm tử được trang bị 21 khẩu súng, đủ loại cối 60, B40, B41, trung liên, AK, M79, Garâng và một ống nhòm có nhiệm vụ bảo vệ núi Dương Đá Bầu (thuộc xã Tam Vinh, huyện Phú Ninh ngày nay). Núi này có vị trí thuận lợi, có thể quan sát cả một vùng rộng lớn; là nơi hội tụ của các đầu mối giao thông: từ Cẩm Khê đi Tiên Phước, từ Tiên Phước đi Kỳ Thịnh (Tam Vinh), từ Tiên Phước đi Kỳ Phước (Tam Phước)... Chính vì vậy, địch quyết tâm đổ quân chiếm đóng trước khi lấn chiếm các vùng giải phóng của ta lân cận… Gọi là tiểu đội cảm tử vì nhiệm vụ nặng nề, mọi người đều xác định quyết tử vì Tổ quốc. Ôi Tổ quốc ta yêu như máu thịt/Như mẹ cha ta, như vợ, như chồng/Ôi Tổ quốc nếu cần ta sẽ chết/Cho mỗi căn nhà, ngọn núi, con sông! (Chế Lan Viên). Tâm trạng của chúng tôi khi ấy là thế! Lúc các anh ở trên thành lập tiểu đội cảm tử, chẳng mảy may đắn đo, rất nhiều cánh tay giơ lên xung phong vào tiểu đội, toàn những gương mặt trẻ măng, 17, 18, đôi mươi. Tiểu đội cảm tử gồm 9 người, trẻ nhất là Trần Duy Tung, năm ấy mới tròn 17 tuổi.
Chúng tôi đóng quân ở nhà mẹ Khải dưới chân núi. Trên núi, đạn dược, hầm hào, lương thực đã chuẩn bị sẵn. Đều đặn hằng ngày, lúc 4 giờ 20 phút sáng, tiểu đội lên đồi, 20 giờ mới về địa điểm tập kết để nghỉ ngơi. Mỗi ngày, 2 đồng chí ở lại cơ sở dưỡng sức... Biết đây là trận đánh một mất một còn, chúng tôi ra quân đúng với khí thế “lạnh lùng vung gươm ra sa trường”. Cả tiểu đội bảo nhau thực hiện “ba không”: không gửi thư về cho gia đình, không thăm đồng chí, đơn vị cũ, không được để nhân dân biết nhiệm vụ. Những ngày chờ đợi bước vào chiến đấu càng thấy thêm yêu mảnh đất quê hương. Ôi “đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm…”, mảnh đất khô cằn với những cánh đồng hanh heo dưới cái nắng cháy bỏng của miền Trung... Trời vẫn cao và xanh vời vợi như bao ước mơ, bao dự định của tuổi hai mươi. Có ngủ được đâu, nằm nghe súng nổ, có ngủ được đâu nằm nghe lá thở. Tuổi hai mươi đánh giặc lần đầu…
Trưa hè đẫm máu...
Ngày, cái ngày ấy cũng đã đến… Đó là một trưa hè đẫm máu… Ngày 8-6-1968, quân Mỹ dùng trực thăng đổ bộ xuống Dương U Bò, Dương Ba Đầu, thuộc địa phận huyện Tiên Phước, cách Dương Đá Bầu chừng 3km. Sáng 11-6-1968, một tiểu đoàn Mỹ chia làm 2 cánh tiến xuống các làng phía tây bắc Dương Đá Bầu. Gặp 2 đồng chí trong tiểu đội cảm tử ở nhà nghỉ dưỡng sức đang tắm giặt, chúng bắn xối xả. Một đồng chí hy sinh, một đồng chí chạy vào rừng... Địch lại nhằm Dương Đá Bầu thẳng tiến. 7 người cắm chốt nhanh chóng chia làm 3 tổ…
Liên tiếp các đợt tiến công, đạn bắn như mưa. Từ ban trưa đến gần nửa đêm, 7 chiến sĩ của ta tả xung hữu đột bẻ gẫy mọi đợt tiến công của quân địch đông gấp bội. Mãi đến 20 giờ 30 phút, chúng mới tạm rút ra xa củng cố lực lượng. Trần Duy Tung bị mảnh bom của địch găm vào đầu, máu ra xối xả, anh ngất lịm trên công sự.
24 giờ, Tung mới tỉnh lại. Anh bàng hoàng thấy quanh mình tối đen như mực. Toàn thân bị đè nặng bởi đất cát và đau nhói bởi những vết thương. Trời ơi! Mình đã bị vùi kín trong công sự. Quẫy đạp, cào bới đến 5-7 lần Tung mới thoát lên khỏi hầm. Gió ùa vào mắt, miệng, tai còn đầy cát. Không gian khét lẹt khói bom. Thỉnh thoảng vài quả đạn dù của địch phía chân núi lóe lên soi rõ bãi sa trường ngổn ngang xác Mỹ. Không gian im ắng đến rợn người! Anh bàng hoàng tìm kiếm xung quanh. Không còn ai cả. Tiểu đội đã hy sinh? Hay đã rút lui hết? Dưới chân núi, chỉ hơn nửa cây số, đèn pha địch quét loe lóe. Mình phải rút khỏi nơi này càng sớm càng tốt. Bởi nếu chúng lợi dụng ban đêm, đột nhập trở lại trận địa thì rất nguy hiểm! Tung nhận định nhanh. Rồi gượng hết sức mình, anh lết về hướng nhà mẹ Khải. Chặng đường không dài nhưng sức đã kiệt, máu ra nhiều, năm lần bảy lượt anh ngất đi. Lết. Bò. Ngất. Lết đi. Lết đi! Phải đến 2 giờ sáng, Tung mới tìm được về nhà mẹ Khải, ngôi nhà còn le lói ánh đèn. Anh lết tới áp sát mình bên vách. Nghe thoảng đâu đây như tiếng đồng đội đang bàn bạc về trận đánh vừa qua. Anh kêu nhè nhẹ:
- Có phải V12 đó không? Mình là Tung đây?
- Tung nào? Người hay là… ma vậy?
Bốn đồng chí còn sống trong nhà chạy ùa ra. Trời ơi! Tung thiệt không? Cậu chết rồi cơ mà? Mấy người chạy lại sờ sờ nắn nắn khắp người anh. “Cậu còn sống thật rồi, phép màu nào vậy”. Bất ngờ. Vui sướng. Bàng hoàng. Chợt đồng chí tiểu đội trưởng bật khóc:
- Tung ơi! Tha lỗi cho bọn mình! Lúc ấy, thấy cậu cũng nằm bất động nên bọn mình tưởng đã hy sinh, 4 anh em còn sống đều bị thương tích, địch ở cách không xa nên đành chôn vùi đồng đội sơ sài rồi rút. May mà cậu còn sống! Hãy tha lỗi cho bọn mình.
Thì ra, trận chạm chán bất ngờ với sư đoàn không vận số 1, biệt danh “tia chớp nhiệt đới” ấy quả là một cuộc chiến không cân sức. “Tiểu đội cảm tử” quả đã anh dũng phi thường khi chỉ với 7 người, hơn hai chục khẩu súng mà bẻ gẫy hàng chục đợt tiến công của địch. Những anh lính trẻ măng chỉ độ 17 tới 21 tuổi mà tả xung hữu đột, mỗi người bắn 3-4 loại súng. Đánh từ trưa đến tận tối đêm, địch buộc phải rút quân. Về phía ta, hy sinh 2 đồng chí Truyền và Liên. Riêng Tung, lúc ấy bị 2 mảnh bom găm vào đầu và nhiều mảnh đạn trong người, nằm gục trên công sự, đồng đội tưởng anh đã hy sinh. Tiểu đội khi ấy chỉ còn 4 người, cả 4 cũng thương tích đầy mình, máu mũi, máu miệng chảy đầy vì sức ép của bom. Đúng lúc đó thì địch lại bắn phi pháo dồn dập trùm lên trận địa. Chẳng còn giải pháp nào khác, những người lính vội vàng chôn lấp 3 người đồng đội xấu số để kịp rút quân. Ai ngờ, Tung vẫn còn sống trở về!
Họ ôm lấy nhau. Những giọt nước mắt lăn trào trên gò má còn đen sạm khói súng, khói bom…
(Còn nữa)
NGUYỄN VĂN MINH