Nguyễn Thanh Tú, tác giả cuốn tự truyện “Tôi mù?” nhận xét về bản thân như vậy. Sau khi sách được xuất bản với mức bán kỷ lục 2000 bản trong vòng một tháng, rất nhiều người đã biết và tìm đến chị. Riêng với Tú, chị vẫn sống giản dị, bình thường như trước khi nổi tiếng, như chính cách viết “không hề làm văn” của chị.
Tuổi thơ bất hạnh
Nếu không hỏi tuổi, không thể nghĩ chị đã ngoài ba mươi (chị sinh năm 1976), bởi ở chị luôn ẩn hiện sự ngây thơ, hồn nhiên của cô thiếu nữ tuổi mười lăm và cách nói chuyện của chị rất hồn nhiên, sôi nổi, nhiệt tình. Khi trò chuyện, chị không khép mình mà luôn muốn giãi bày tâm sự, khác hẳn một số người khiếm thị hay tự kỷ.
Hiếm người phụ nữ nào có hoàn cảnh đặc biệt như chị. Ngay từ khi chào đời, chị đã mắc bệnh thiên đầu thống. Mới bốn lăm ngày tuổi, chị phải vào viện mổ mắt. Mặc dù gia đình đã đưa chị đi khắp nơi, đổ hết cả gia sản để chạy chữa, nhưng qua hơn 10 lần phẫu thuật, đôi mắt của chị cũng chỉ “cải thiện” hơn chút ít – đó là một đôi mắt nhựa thay cho đôi mắt cũ đã hỏng. Chị buồn buồn kể, khi rời viện, các bác sĩ đã động viên: “Đôi mắt giả trông giống và đẹp lắm”.
Những ngày tiếp theo, cuộc sống mò mẫm trong bóng tối, dựa giẫm vào người khác khiến chị thấy bức bối, chán nản. Chị mệt mỏi khi thấy mọi người thương hại mình, mệt mỏi khi thấy mọi người đối xử với mình không như người bình thường. Trong bữa cơm, bưng một bát đầy thức ăn, chị không thể tránh khỏi việc làm rơi, làm vãi. Và mỗi lần như vậy, chị lại ngồi lặng nghe tiếng mẹ thở dài.
Năm 1989, cha chị qua đời trong một tai nạn giao thông. Một mình mẹ chị tần tảo nuôi ba chị em gái. Nỗi đau mất cha chưa nguôi thì gia đình lại phải đứng trước nguy cơ mất nhà vào tay một số người họ hàng. Những bất hạnh cứ đến từ từ khiến chị dần dần rơi vào tuyệt vọng…
Con đường ánh sáng
Nhưng số phận cũng đã mỉm cười với chị. Năm 1994, Tú gặp nhà văn Nguyên Bình trong chương trình thử nghiệm phương pháp dưỡng sinh phục hồi chức năng. Đây chính là mốc khởi đầu trong hành trình tìm lại ánh sáng của một người con gái luôn tin tưởng, hy vọng vào những điều kỳ diệu. Sau hơn 10 năm khổ luyện các bài tập dành cho người khiếm thị, điều kỳ diệu đã đến với chị. Chị bắt đầu “nhìn” thấy được thầy, được mẹ, được mọi vật xung quanh, mặc dù hình ảnh mà chị cảm nhận được không phải là thường xuyên.
Theo gợi ý của nhà văn Nguyên Bình, chị viết cuốn tự truyện “Tôi mù?” với một thông điệp: “Trên đời đang có một phương pháp tìm ánh sáng cho những người phải chịu sự khắc nghiệt của số phận”. Chị nói: “Tôi viết cuốn sách này không với ý định để mình trở thành nhà văn hay một người nổi tiếng. Chỉ đơn giản là tôi muốn qua cuốn sách, những người mù khác cũng có được may mắn “nhìn” lại được ánh sáng như tôi”.
Hiện chị đang cố gắng biến mong ước đó thành sự thật bằng việc hướng dẫn những người khiếm thị học tại nhà mình. Công việc này phù hợp với nguyện vọng của thầy Bình lúc sinh thời: Muốn Tú là người thay thế sau khi ông ra đi. Hiện lớp học của chị còn nhỏ hẹp, không có nhiều học sinh và chưa được nhiều tổ chức xã hội quan tâm nhưng trong tương lai gần, chị dự định sẽ mở rộng lớp học để có thể giúp đỡ nhiều hơn nữa những người đồng cảnh ngộ.
Tôi là người bình thường
Sau khi cuốn sách “Tôi mù?” xuất bản và trở thành cuốn sách có mức bán kỷ lục – 2000 bản một tháng – rất nhiều phóng viên tìm đến gặp Tú để quay phim, viết bài, chụp ảnh. Khi được hỏi cuộc sống sau khi nổi tiếng có gì khác, chị cười rồi bảo: “Tôi chỉ là một người bình thường, nấu nướng rất đoảng” – vừa nói chị vừa đưa tay cho chúng tôi xem vết bỏng khi chị đun lại nồi thịt gà – “Tôi nấu nướng vụng về lắm, chỉ biết làm các món luộc thôi, như rau luộc, đậu luộc và cả …gạo luộc nữa”.
Nghe câu chuyện về “cô gái mù” tìm thấy nguồn sáng cho mình và đang giúp cho những người cùng cảnh ngộ tìm thấy nguồn sáng, mọi người gọi chị là “cô gái có phép lạ”, người có nghị lực phi thường…Nhưng chị gạt đi. “Các báo đài ca ngợi tôi quá làm tôi nhiều khi phát ngượng. Tôi không phải là người có nghị lực phi thường gì đâu. Tất cả là vì hoàn cảnh của tôi nên tôi có độ chín chắn nhất định. Hoàn cảnh rẽ trái không được, rẽ phải không được, lùi lại cũng không thể được, thì chỉ còn cách tiến lên. Nếu nói triết lý hơn thì đó là bản năng sinh tồn”.
Trò chuyện với chị, chúng tôi hết sức ngạc nhiên khi nghe quan điểm của chị về những ngày lễ tết. Với chị, đấy chỉ là “ngày người ta tự đặt ra thôi”. "Tôi thấy những ngày này vô duyên lắm. Trong quan hệ vợ chồng, cứ giúp đỡ, yêu thương nhau 365 ngày còn hơn một ngày 8 – 3, mua một bó hoa đắt tiền về tặng vợ, để rồi ngày hôm sau lại mắng chửi nhau. Những ngày Tết, tôi chẳng cần hoa, không thích những lời chúc hoa mỹ nhưng sáo rỗng hay những món quà đắt tiền mà chỉ cần quanh năm luôn bên nhau với một tình cảm thật, chân thành xuất phát từ con tim…”.
Thanh Thủy – Ngọc Trâm