Thục Chi theo gia đình đi kháng chiến, năm 1955 khi trở về Hà Nội, Chi đã là học sinh lớp 9. Anh Nam Hà của Chi là bộ đội Sư đoàn 308. Mỗi lần về Hà Nội anh thường kể về những người bạn

Vợ chồng Thượng tướng Nguyễn Hữu An-Bùi Thục Chi thời trẻ.

cùng chiến đấu suốt chặng đường gian nan ở các trung đoàn, sư đoàn. Sống trong một gia đình bộ đội, đầy ắp những kỷ niệm tốt đẹp về người lính Cụ Hồ, có lúc Chi nghĩ rằng: “Sau này mình lấy chồng, thì chồng mình sẽ là một anh bộ đội”.

Một hôm anh Hà đưa một sĩ quan trẻ, gầy và cao về nhà chơi. Chi chào xã giao bạn của anh rồi rút vào nhà trong. Sau hôm ấy anh Hà hỏi Chi một câu rất lạ:

- Năm nay Chi bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?

Chi nghĩ: “Làm gì mà anh lại không biết tuổi của mình? Chắc là có ý nhắc nhở gì đây”. Tuy vậy Chi cũng thản nhiên trả lời:

- Hăm hai ạ.

Anh Hà bảo, vì là con út, nên em tự thấy còn có vẻ bé bỏng, chứ thật ra không còn bé nữa đâu.

Chi yên lặng chờ nghe giáo huấn. Nhưng bất ngờ anh Hà bảo:

- Anh giới thiệu với Chi bạn của anh, một sĩ quan rất tốt. Người mà em chào hôm vừa rồi đấy.

Thế rồi anh Hà kể một hồi về chiến công, về tư cách của người đó. Chi thấy việc này quá bất ngờ, nên lặng yên nghe những lời giới thiệu của anh một cách không chăm chú. Phản ứng của Chi lúc đó chỉ có mỗi một câu: “Em chưa nghĩ đến chuyện ấy đâu…”.

Dẫu phản ứng vậy, nhưng từ buổi ấy, Chi cảm thấy tâm trạng thật khác lạ. “Anh ấy” đã 29 tuổi. Mà Chi cũng không còn bé bỏng gì nữa. Nhưng còn học đại học, rồi đi làm? Thôi! “chả dại”, lúc ấy hãy hay. Với lại Chi đã biết yêu đương là thế nào đâu. Nhất định phải kéo cả nhà vào phản đối ý định của anh Hà. Lý do dễ thuyết phục nhất là: “Thục Chi còn tập trung cho học tập…”.

Ít hôm sau, anh Hà cho vé, mời Thục Chi đi xem phim Dôi-a (phim Liên Xô) ở rạp Đại Nam. Khi cả hai anh em tới cửa rạp, đã thấy “anh ấy” ở đó. Anh mặc quân phục, dây lưng chéo chỉnh tề, đầu đội mũ lưới, hông đeo khẩu súng côn ru-lô, bên cạnh là chiếc xe đạp Stéc-linh bóng loáng. Biết ngay là ông anh mình bố trí, nhưng Chi cũng “đành” lí nhí chào “anh ta” và tỏ ra ngoan ngoãn vào xem. Bị xếp ngồi giữa hai người, Chi như ngồi trên kiến lửa, mắt không dám nhìn thẳng vào ai. Bên cạnh Chi, anh sĩ quan nghiêm túc ấy cũng thật lúng túng. Anh cũng chưa biết bắt đầu câu chuyện như thế nào, mà phim thì sắp chiếu. Vừa lúc ấy Chi nhìn thấy một bạn gái ở hàng ghế gần đó. Hai người nhận ra nhau. Thế là Chi ngượng nghịu quay sang xin lỗi “hai ông anh” rồi “biến” ngay đến với bạn, làm cho “hai ông anh” chưng hửng.

Lính về Hà Nội đâu có nhiều thời gian. Không chịu thua cô em, khi về đến phố Tràng Thi, anh Hà nói với bạn rất nhanh: “Cậu đưa Chi về giúp mình nhé, mình có việc về sau…”. Thế là trên đường phố khuya Hà Nội, chỉ còn đôi trai gái lặng lẽ đạp xe. Sao trời cũng dường như bảo nhau im lặng để đôi trẻ tâm sự. Một chút se lạnh, đường vắng, nhưng Chi không thấy sợ. Bên cạnh cô là một sĩ quan, hiền như người anh, làm cô cảm thấy ấm lòng, hãnh diện. Hồi ấy con gái Hà Nội đi về khuya là sợ người ta dị nghị, nên một nửa Chi muốn đi bên anh, một nửa muốn đạp xe nhanh hơn để về… Đôi trẻ cũng đến lúc phải chia tay. Đêm ấy Chi trằn trọc khó ngủ. Bên tai còn ấm tiếng của anh, trầm và hiền. Anh không nói văn hoa: “Chắc anh Hà đã nói với Chi”, “Hay là Chi đã có người yêu, nếu quả vậy thì tôi tôn trọng…”. Lúc đó Chi nhớ mình đã nói “Điều này em chưa hề nghĩ tới”; Nhưng lại sợ anh thất vọng, nên Chi nói kéo lại: “Mà em chưa hề có ai đâu”. Khi chia tay, Chi thấy đôi mắt anh thật buồn. Anh bảo “Chi cứ suy nghĩ kỹ đi”, rồi anh chào ra về. Bóng anh nhòa trong ánh đèn đường đỏ đau đáu.

Dấu hiệu tình yêu giữa cô nữ sinh Hà Nội với một sĩ quan trẻ, sau này trở thành vị tướng chiến trường, Thượng tướng Nguyễn Hữu An bắt đầu giản dị như vậy. Một tấm lòng trung thực, một phong độ đàng hoàng, Chi thấy tin cậy anh như người anh trai của mình. Anh ấy mồ côi mẹ lúc mới 6 tuổi, thiếu tình cảm của người mẹ, người chị… Phải chăng chính lúc ấy thiên chức của người phụ nữ bùng phát, khiến Chi chợt nảy ra ý nghĩ: “Mình sẽ là người vợ bù đắp những gì thiếu thốn trong cuộc đời anh…”.

Thế rồi những lần về Thủ đô họp, bạn bè, các anh tới thăm nhà Chi, Nguyễn Hữu An đã được hưởng sự chăm chút từ những tình cảm ấm lành, đầy thương cảm đó của cả gia đình và Thục Chi. Anh Hà thì mừng ra mặt. Trước đó anh Hà nói với Chi “Thì cứ nói chuyện đi, không hợp thì thôi”…

Rồi Thục Chi kết thúc năm cuối cùng trung học một cách tốt đẹp. Không biết từ bao giờ cô đã mang trong lòng nỗi nhớ thầm dáng hình người ấy, ánh mắt hiền, khẽ buồn và hay nhìn xa xăm. Mỗi khi anh nhìn thẳng vào Chi, có cảm giác như anh dành tất cho Chi sự yêu thương, tin cậy của đời mình… Một cuộc đời nếm trải những nhọc nhằn gian khổ chiến tranh, suốt từ Đông Khê, Trung Du, Điện Biên, đọng trong đó một nỗi niềm thương yêu lớn lao. Họ thỏa thuận nhau khi Chi thi đậu vào đại học rồi mới cưới.

Năm 1956, họ cưới nhau được 4 ngày thì Nguyễn Hữu An đi nhận nhiệm vụ diệt phỉ ở Lào… Năm 1958, vừa học năm thứ 3 đại học sư phạm, Thục Chi sinh con đầu lòng đặt tên là Hương. Bên Lào, Nguyễn Hữu An cuống quýt mừng lo, nhờ đồng đội thu xếp cho vợ anh một căn phòng ngăn đôi bằng liếp ở Hà Nội, sau đó lại rút về một gác xép 12 mét vuông ở phố Lê Đại Hành.

Những đứa con đầu tiên của vợ chồng thượng tướng Nguyễn Hữu An
Từ chiến trường Lào xa xôi, rồi trở về Tây Bắc, thời gian xa nhau chất chồng bao nỗi nhớ. Thục Chi đối mặt với nhọc nhằn, bươn chải nuôi con, dạy học. Tới năm 1962, ba đứa con lần lượt ra đời. Căn gác nhỏ chật tiếng cười nói, mỗi khi chồng hiếm hoi tranh thủ qua nhà. Cơm cặp lồng, vòi nước chung, nghe đài công cộng… những đứa con của người lính lớn lên trong tình thương của mẹ và sự đùm bọc của bà con lối phố. Bao nhiêu vất vả nhọc nhằn, việc trường, việc nhà, Thục Chi thu xếp, dành thời gian nuôi dạy những đứa con, hằng mong chồng yên lòng chiến đấu.

Năm 1964, Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Vườn hoa ở Hà Nội bị rạch nát bởi giao thông hào. Đèn đường nội thành 110 von, tối mò, vậy mà luôn bị cắt. Nguyễn Hữu An lại nhận lệnh đi chiến trường.

Những năm tháng chỉ huy chiến đấu ác liệt ở Tây Nguyên, với tất cả tâm huyết của một chỉ huy, Nguyễn Hữu An dành tài trí, dụng mưu, điều quân cho các trận đánh, các chiến dịch thắng lợi. Tháng 10-1965 tại khu vực Ia Đrăng-Chư Pông, đơn vị của Nguyễn Hữu An giáp chiến với quân Mỹ. Đối phương là Thiếu tá Mo-rơ. Lực lượng của ông ta được sự yểm trợ tối đa của trực thăng phi pháo và máy bay cường kích. Trận đánh ác liệt là vậy, nhưng ngay sau trận thắng ông viết thư về hậu phương động viên Thục Chi và các con…

Năm 1968, từ B3 Nguyễn Hữu An trở về Hà Nội họp và nhận nhiệm vụ Sư đoàn trưởng Sư đoàn 308. Biết vợ được kết nạp vào Đảng, anh mừng lắm. Gần vợ con chẳng bao lâu, chiến trường Trị Thiên, đường 9-Nam Lào lại cuốn hút anh. Bận mấy thì bận, Nguyễn Hữu An vẫn tranh thủ viết thư về hậu phương. Khi thì viết trong hầm, khi thì đặt giấy trên đùi viết. Rất nhiều lần ngồi trên xe, anh vừa viết vừa sửa những nét nguệch ngoạc do các cú xóc ổ gà, đá hộc làm hỏng chữ.

Sau trận Thượng Đức (1974), cục diện chiến trường Khu 5 mở ra triển vọng. Sau Buôn Mê Thuột, đến Huế-Đà Nẵng giải phóng, Nguyễn Hữu An đã chỉ huy Binh đoàn Hương Giang, hành quân thọc sâu, táo bạo. Binh đoàn trở thành cánh cung duyên hải căng sức đột phá, vượt gần ngàn ki-lô-mét, qua bao nhiêu thành phố, thị xã, hành tiến đánh vượt điểm… tiến thẳng vào dinh tổng thống bù nhìn, phất cờ chiến thắng, giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Dân tộc thu non sông về một mối.

Gần hai mươi năm trời, tình yêu của vị tướng chiến trường thật sâu nặng, dồn nén theo nhịp sống trận mạc. Như bao đôi lứa thời chiến tranh, những lá thư từ chiến trường gửi về Hà Nội giấu đi vết thương bên chiến hào để yên lòng người hậu phương. Người hậu phương cũng nén lại nỗi nhọc nhằn để an lòng người chiến trận. Như cả dân tộc biết nén đau thương, nỗi nhớ, tự vượt lên chính mình để có ngày chiến thắng.

Nhớ buổi đầu gặp cô nữ sinh Hà Nội Bùi Thục Chi, anh Nam Hà có lần dặn Nguyễn Hữu An “Chi nó là con út, cả nhà chiều, cậu mà xây dựng với nó, cậu phải chiều nó”. Biết rõ người mình thương yêu, Nguyễn Hữu An thực hiện đúng lời người anh vợ dặn. Trở thành Tư lệnh Quân khu 2, Giám đốc Học viện Lục quân, rồi Giám đốc Học viện Quốc phòng, sau việc quân trường, Nguyễn Hữu An hết lòng chăm sóc vợ con, chu đáo. Dường như ông muốn bù lại những nhọc nhằn mà những năm tháng trận mạc ông đã không thể nào chăm sóc vợ và các con. Bà Thục Chi bây giờ đã nhiều tuổi. Bà thấu hiểu cuộc đời người lính chiến xa nhà. Cuộc đời ông là cuộc đời trận mạc nhưng tình yêu thương không bao giờ vơi cạn. Ông đã chăm sóc vợ con bằng tất cả tình yêu thương đến khi đột ngột ra đi.

Với những người đã một lần là lính của tướng Nguyễn Hữu An, không ai dễ gì quên một người chỉ huy đôn hậu, tài trí. Với đồng đội, đồng chí ông hết sức chân thành, ân nghĩa. Với kẻ thù, ông kiên quyết, quyết đoán sáng tạo.

Chiều chiều, bên gốc dừa, cạnh căn phòng cuối Xuân 1995, nơi ông đã dừng dòng quân lệnh cuối cùng của cuộc đời trận mạc, những học trò, cấp dưới của ông luôn nghĩ về tình yêu của ông với lòng mến phục. Gió lay đọt lá se sắt nhớ ông, một con người trung nghĩa.

TRẦN DANH BẢNG