Vùng núi Giàng Ma Pho thuộc huyện Mường Nhé (Điện Biên) như “thiên định” chốt giữa đỉnh biên giới 3 nước Việt-Trung-Lào. Nơi đó, một con gà gáy thì dân các bản 3 nước đều nghe thấy. Lợi dụng nơi thâm u, hoang vắng đầy huyền bí đó, những năm cuối thập niên 1950, bọn người xấu tụ tập thành những ổ thổ phỉ quấy phá cuộc sống của bà con các dân tộc thiểu số anh em. Để giữ bình yên vùng đất biên cương xung yếu ấy, Đồn 5 Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu (nay là Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Điện Biên) cử “tổ xây dựng cơ sở” do Thượng sĩ Trần Văn Thọ làm tổ trưởng, về các bản Hà Nhì (tấm gương Trần Văn Thọ tôi đã viết trong bài “Trần Văn Thọ-trọn đời trung với Đảng, hiếu với dân”, đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 16-8-1965). Hằng ngày, anh Thọ đến từng nhà dân, vào trong núi vắng, gặp những người bị bọn xấu lừa phỉnh gọi họ về bản. Vùng núi này có rất nhiều chim “bắt cô trói cột”. Đồng bào vẫn thường thắc mắc, hỏi cán bộ, chiến sĩ biên phòng là tại sao loài chim ấy lại có tiếng hót 4 âm đặc biệt như vậy...
 |
Anh Trần Hữu Quân, con trai nhà văn Trần Hữu Tòng, dìu cha thăm lại Hang Dơi (Lạng Sơn), tháng 9-2020. Ảnh: HOÀNG LIÊN VIỆT |
Cán bộ, chiến sĩ biên phòng gọi loài chim ấy là “khó khăn khắc phục” để tuyên truyền trong đồng bào. Bà con thích thú, khi đi làm nương rẫy, trèo đèo cao, vượt lũng sâu, gặp loài chim ấy bèn gọi là chim “vô trèo ra trụt”. Ngày ở Căn cứ địa Việt Bắc, để kêu gọi nhân dân đánh đuổi kẻ thù, giành độc lập thì tiếng chim kêu được đọc thành “đánh Tây đuổi Nhật”. Những năm ta kháng chiến chống thực dân Pháp, những ngày Chiến dịch Trung-Hạ Lào, chiếc cầu treo trên Đường số 8 bị nước cuốn trôi, các anh bộ đội đứng ngâm mình dưới nước, vác tre trên vai làm cầu nối đường để dân công gánh gạo tiếp tế cho mặt trận. Nghe tiếng chim kêu trên đèo Keo Nưa, mọi người hồ hởi: “Chim “gạo vô chiến dịch” đang hót kìa!”. Năm bộ đội ta hành quân lên Tây Bắc, nghe tiếng con chim ấy kêu trên đỉnh đèo Pha Đin, bà con các dân tộc nói: “Quân mình ra trận”. Ngày ta chiến thắng trận Điện Biên Phủ, “nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”, nghe tiếng chim kêu, mọi người tung mũ, vẫy nón mừng vui: “Điện Biên thắng trận”. Những năm chống đế quốc Mỹ, ở các binh trạm trên đường Trường Sơn, các cô giao liên, nuôi quân nghe tiếng chim kêu như lời hẹn đoàn quân ra trận: “Nhớ về binh trạm”, “anh về binh trạm”. Vùng biên cương này, khi cán bộ, chiến sĩ biên phòng vận động người lầm lạc trong rừng trở về, tiếng con chim ấy kêu như gắn với lời gọi: “Ra mau bố đợi”, “con về mẹ đợi”.
... Lại kể chuyện Thượng sĩ Trần Văn Thọ. Nghe những lời nói phải tai của cán bộ Thọ (dân bản Hà Nhì quen gọi chung cán bộ, chiến sĩ biên phòng là “cán bộ”), một số người lầm lạc đã trở về với bố mẹ, vợ con làm nương rẫy, xây dựng cuộc sống mới với bản làng. Nhưng còn một số người nữa, trong đó có cả những tên cầm đầu thì chưa tin, vẫn lẩn trốn trong núi vì sợ bị biên phòng bắt tội. Những người đó nhắn ra rằng: Nếu cán bộ Thọ nói những lời tốt ấy thấu tai dân như nước chàm xanh thấm vải lanh mới dệt thì dân sẽ về, chứ lời nói tốt thương dân của cán bộ Thọ mà dân nghe chỉ như gió chuyền cành thì chưa tin, không về đâu, vì nghe qua lời vịt thì dễ mất trứng, nghe qua lời gà thì dễ mất vườn, dân sợ lắm. Cán bộ Thọ vào đây nói những lời tốt ấy cho dân nghe, dân sẽ theo cán bộ về. Cán bộ đừng lo.
Trung úy Hoàng Hải, Đồn trưởng Đồn 5, đưa việc này ra bàn. Đúng là phải trực tiếp gặp dân, nói cho dân hiểu thì dân mới tin... Nhưng để một mình anh Thọ vào ổ phỉ giữa rừng sâu có mạo hiểm không? Ai bảo vệ? Thượng sĩ Trần Văn Thọ thì báo cáo rằng, người ở trong ấy về đã cho biết rõ tình hình rồi. Có người ở đó sẽ bảo vệ anh. Anh tự tin và xin đồn trưởng cho vào gặp dân. Trùm thổ phỉ yêu cầu cán bộ Thọ vào chỉ cầm bó đuốc soi đường, không mang súng, không có người đi theo.
Ánh đuốc soi sáng rừng đêm, anh Trần Văn Thọ (được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 1967) theo đường mòn đi vào ổ phỉ trong hang đá giữa núi Giàng Ma Pho. Đống lửa được đốt lên, anh Thọ ngồi trên khúc gỗ giữa đám thổ phỉ. Anh nói chuyện với họ bằng tiếng Hà Nhì. Anh trả lời hết những điều họ còn lo sợ, băn khoăn khi về bản...
Tàn canh ba, gió lạnh trên đỉnh núi đổi chiều. Cả đám thổ phỉ đốt đuốc cùng đi theo anh Thọ xuống núi. Người dân bản Hà Nhì, Phú Bì, Sen Thượng... đứng nhìn ánh đuốc bập bùng, rực rỡ như con rồng lửa bay dài theo triền núi. Con chim “quen mà lạ” trên đỉnh Giàng Ma Pho ngỡ ngàng với ánh lửa sáng rừng, kêu gióng giả. Mọi người reo to, gửi lòng mình vào âm điệu tiếng chim: “Ra mau bố đợi”, “con về mẹ đợi”, “mày về bản đợi”, “anh về em đợi”...
Từ năm ấy, vùng ngã ba biên giới Leng Su Sìn có thêm sự tích tiếng chim gọi người về.
Nhà văn TRẦN HỮU TÒNG - Nguyên phóng viên Báo Quân đội nhân dân