Đoàn đại biểu Quân giải phóng thăm tiểu đoàn 77, trung đoàn tên lửa 257-Đơn vị bắn rơi B52 trong 12 ngày đêm cuối tháng 12 năm 1972. Ảnh tư liệu

Ngồi khiêm tốn ở hàng ghế khuất trong hội trường, nhưng ai cũng dễ nhận ra Đại tá Nguyễn Đình Kiên, người sĩ quan điều khiển hai quả tên lửa vào sáng sớm ngày 21-12-1972, bắn rơi hai máy bay B52 của Mỹ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ trên địa bàn huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Để có chiến công này, anh Kiên bồi hồi kể: Cán bộ, chiến sĩ phân đội tên lửa 57, đơn vị H61, Đoàn phòng không Hà Nội đã phải vượt qua những ngày căng thẳng, bắn không rơi chiếc nào...

Còn nhớ tại hội nghị tập huấn cách đánh máy bay B52 tổ chức vào tháng 10-1972, đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân yêu cầu, khi máy bay B52 của không quân Mỹ đánh ra miền Bắc, bằng giá nào quân chủng cũng phải bắn được máy bay B52 rơi tại chỗ. Yêu cầu đó trở thành quyết tâm của Bộ đội Tên lửa phòng không. Đêm 18-12, không quân Mỹ bắt đầu mở cuộc tập kích đường không ồ ạt bằng B52, các trận địa tên lửa đều phóng đạn. Nhưng do máy bay địch gây nhiễu mạnh, lại chưa có kinh nghiệm chiến đấu với B52, cán bộ, chiến sĩ phân đội 57 đã phóng tới 12 quả đạn tên lửa mà đều trượt. Càng sốt ruột hơn khi đơn vị bạn-phân đội 59 đã bắn rơi tại chỗ máy bay B52 ngay trong đêm đầu tiên 18-12-1972.

Sau những trận đầu đánh kém hiệu quả, đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm, tìm các giải pháp kỹ thuật để phát hiện được mục tiêu là máy bay B52 trên nền nhiễu. Tôi là đại đội phó, kiêm sĩ quan điều khiển nên cố gắng học tập, rút kinh nghiệm, quyết tâm đã phóng đạn là tiêu diệt quân thù. Đến tối 20-12, số lượng đạn phân cho các phân đội rất hạn chế. Vào 4 giờ sáng 21-12, khi báo động chuyển cấp, phân đội 57 chỉ còn ba quả đạn trên bệ. Lúc 5 giờ 9 phút, ra-đa phát hiện nhiều tốp máy bay B52 bay vào Hà Nội. Ở trên đài điều khiển, tôi được tiểu đoàn trưởng thông báo có nhiều tốp máy bay bay vào và lệnh bắn vào mỗi tốp một quả đạn. Khi tốp máy bay B52 đầu tiên xuất hiện trên nền nhiễu, ở cự ly khoảng 30km, có hiện tượng các dải nhiễu bị tách ra, tôi quyết định bám sát hai bên một chiếc máy bay, phóng tên lửa. Tôi nhắc các trắc thủ bám phía dải nhiễu cao góc tà; dải bên trái góc phương vị. Các trắc thủ quay nhẹ nhàng vào mục tiêu đã định, đến cự ly 26km, tôi cho tên lửa nổ. Ngay lập tức trên màn hình ra-đa, dải nhiễu biến mất. Chiếc máy bay B52 bị bắn rơi tại chỗ, đầu của một tên lính lái văng ra rơi cách trận địa khoảng bảy cây số.

Đến 5 giờ 19 phút, kíp chiến đấu của tôi hoàn tất việc bám tốp máy bay B52 tiếp theo. Khi lệnh phóng quả đạn tiếp theo thì đạn bị hỏng. Chúng tôi chuyển tiếp phóng quả đạn ở bệ thứ ba và đánh trúng một chiếc máy bay B52 khác. Chiếc này rơi tại khu vực tỉnh Hòa Bình. Sau những trận đánh trượt, chúng tôi đã rút kinh nghiệm, tìm cách đánh phù hợp, với quyết tâm cao, vì thế trận đánh vào rạng sáng 21-12, phân đội 57 đã đánh địch đạt hiệu suất cao nhất, mỗi quả đạn diệt một máy bay B52.

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, ngày 19-1-1973, sĩ quan điều khiển Nguyễn Đình Kiên cùng phân đội 57 hành quân vào “săn” máy bay B52 tại Nghệ An trong đội hình phối thuộc của đơn vị H67 (Đoàn phòng không B65). Tại đây, anh đã điều khiển tên lửa, bắn rơi một máy bay F-4 của Mỹ. Kết thúc chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, tháng 8-1975, Nguyễn Đình Kiên được cử đi học Trường sĩ quan Phòng không. Tốt nghiệp, anh được giữ lại làm giáo viên khoa Tên lửa để đào tạo các lớp sĩ quan điều khiển tên lửa kế tiếp. Từ nhà trường anh lại được điều động đi thực tế làm cán bộ quản lý ở đơn vị cơ sở. Sau đó, anh tiếp tục đi đào tạo cao học, trở thành phó đoàn trưởng rồi Đoàn trưởng Đoàn phòng không Hà Nội. Năm 2002, anh được bổ nhiệm Phó cục trưởng Cục Tác chiến. Trên cương vị được giao, anh đã nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm, cùng với các cán bộ chiến lược của quân đội ta nghiên cứu cách đánh và đánh thắng địch trong điều kiện xảy ra chiến tranh công nghệ cao, hiện đại.

Đình Xuân