QĐND - Tháng 11-1873, giặc Pháp đưa quân gây hấn ở Hà Nội. Triều đình Huế cử quan đại thần Nguyễn Tri Phương, quê ở làng Chi Long, Phong Điền, Thừa Thiên) làm kinh lược sứ Bắc Kỳ, ông thông cáo cho Tổng chỉ huy Pháp: “Nơi đây nguyên là Kinh đô một thời của nước Đại Việt. Người Pháp xưng tự do văn minh, hòa bình bác ái thì phải biết lẽ tôn trọng chứ?”. Viên tướng Pháp chẳng những không hiểu đạo lý lại đưa yêu sách cực kỳ ngạo mạn đòi hỏi phải giao thành cho Pháp cai quản và dọa: “Nếu đúng hẹn không phúc đáp, quân Pháp sẽ công phá”.
Quan kinh lược biết giặc Pháp là những tên quỷ bạo liệt, không thể thương thuyết nổi với nó, chỉ có đánh, đánh mạnh mới bảo vệ được chủ quyền... Từ những kinh nghiệm bản thân, Nguyễn Tri Phương chủ trương gia cố thành lũy, phát lệnh toàn dân chống xâm lăng. Các đội quân giữ thành suốt ngày đêm trên chiến lũy. Các đợt dân binh ngoại thành liên tục chặn tàu, phục kích diệt giặc lùng sục cướp bóc… Quân Pháp tàn bạo tung lực lượng đốt phá xóm làng, ngày 20-11-1873 chúng tập trung đại bác bắn phá thành. Quan kinh lược Nguyễn Tri Phương chỉ huy chiến đấu quyết liệt, con trai và con rể ông hy sinh tại trận, ông bị thương nặng vào bụng… Giặc thừa thế phá cổng xông vào chiếm thành. Chúng bắt được ông, xúm vào dụ dỗ, băng bó vết thương. Ông nghiến răng giật hết mọi thứ, thà chết chứ không chịu hàm ơn giặc…
Nhân dân nghe tin quan kinh lược tử tiết rất cảm phục, thề quyết chiến trả thù, không chịu nghe triều đình phán chỉ giảng hòa với giặc. Nhiều đội dân binh các huyện ngoại thành Hà Nội tiếp tục săn lùng giặc, mở những trận phục kích, đột kích khắp địa bàn, đốt kho đạn, hạ đồn Gia Lâm. Diệt tướng Gác-ni-ê ngay tại Giảng Võ, đuổi bạt một trung đội địch khỏi Hoài Đức… Trước khí thế bất khuất, tinh thần chiến đấu dũng cảm, táo bạo của dân binh nghĩa quân, giặc Pháp phải tạm thời rút lui khỏi Bắc Hà.
Triều đình Huế sắc phong quan Phó bảng Hoàng Diệu làm Tổng đốc Hà Nội. Kế tục bài học người tiền nhiệm, Hoàng Diệu xúc tiến ngay chương trình huấn luyện quan binh, củng cố thành lũy, chỉnh đốn lực lượng.
Tháng 4-1882, tướng Hăng-ri kéo quân từ Sài Gòn ra Bắc Kỳ, đưa thông lệnh đòi Hà Nội phá bỏ thành quách, giải giáp binh sĩ, yêu cầu Tổng đốc Hoàng Diệu đến ngay Đồn Thủy (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 bây giờ) trình diện.
Trước cái lệnh vi hiến vi pháp xấc xược, Tổng đốc Hoàng Diệu trầm tĩnh hỏi các quan. Có người nói: “Mở cổng thành cho quân Pháp ra vào tự do sẽ bớt căng thẳng”… Có kẻ khuyên ông “rút quân để Pháp khỏi ngờ…”. Tổng đốc điềm đạm nói: “Vua giao giữ thành lại đem dâng cho giặc. Làm quan nhận lệnh chăm dắt, bảo vệ dân, nay giặc đến lại bỏ mà đi thì đáng tội gì? Ông ngoảnh nhìn các quan văn võ rồi nghiêm giọng: Dù có nát thịt tan xương, ta cũng không bao giờ làm theo các kế sách đó!”. Ông liền hạ lệnh huy động tăng cường củng cố thành lũy, canh phòng cẩn mật. Đồng thời ông dâng sớ cấp báo triều đình xin tăng viện, nhưng Vua Tự Đức còn lo xây dựng Vạn Niên cơ (khu lăng tẩm) nên không giải quyết (!)
Ngày 25-4-1882, viên tướng Hăng-ri gửi tối hậu thư đòi “quan trấn thủ Hà Nội phải nộp thành, bãi binh, giải giáp, đúng 8 giờ các quan tướng phải đến nộp mình tại Đồn Thủy”.
Hoàng Diệu họp các tướng sĩ tuyên bố: “Quyết giữ thành đến giọt máu cuối cùng”. Ông treo giải khuyến khích tướng sĩ giết giặc lập công. Kêu gọi nhân dân dốc lòng chiến đấu bảo vệ giang sơn. Khí thế hăm hở diệt “Lang-xa”, trừ “gian tặc” bừng dậy khắp nơi. Các đội nghĩa quân mọi vùng dấy lên như bão táp. Hăng-ri ranh ma cố tránh không đụng độ với quân ta nên ra lệnh tập trung pháo hỏa vào thành.
Hoàng Diệu thân chinh chỉ huy chống trả quyết liệt. Các loại súng trận, hỏa hổ giăng khắp bốn mặt thành, giặc Pháp sáp gần lại bật ra. Hăng-ri huy động thêm đại bác bắn như đổ lửa thép xuống đầu quân giữ thành. Tập trung mìn phá vỡ cổng thành xông vào. Chúng rùng mình trước bãi chiến trường ngổn ngang xác chết, Hoàng Diệu cùng hơn 100 binh sĩ quyết tử chiến đấu tới kiệt sức, rồi quay gươm tự sát.
Tin tổng đốc Hoàng Diệu tuẫn tiết lan khắp Bắc Hà, nhân dân tiếc thương ông, thề quyết trả thù. Các phường, xã đồng lòng: “Giặc đến đâu đốt nhà đến đấy nhằm ngăn chặn. Không để một chút lương thực, thực phẩm nào lọt vào tay giặc. Khắp nơi tự trang bị vũ khí nổi lên đánh quân xâm lược, diệt bầy phản quốc. Các đội nghĩa quân Sơn Tây đột nhập Hà Nội, bất thần đánh như vũ bão diệt hàng trăm tên giặc. Hăng-ri sôi máu điều 500 lính Pháp điên cuồng tìm diệt. Kẻ cuồng sát khát máu liền sa vào “cái bẫy” phục kích của nghĩa quân Sơn Tây. Tên tổng chỉ huy quân Pháp ở Bắc Kỳ chết ngay tại trận cùng đám quân xâm lược…
Hơn 130 năm trước, những chiến thắng oanh liệt của nghĩa quân-nhân dân làm bay vía giặc biểu hiện quyết sách đúng bảo vệ chủ quyền đất nước. Càng rực sáng lòng kiên trung bất khuất của hai vị anh hùng Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu chống Pháp bảo vệ Thăng Long thời Nguyễn!
Nguyễn Việt Phương