Ký ức hào hùng
Thế hệ U70, U80..., đã "ghim" những kỷ niệm không thể nào quên về loa phường. Nhắc lại vẫn thấy tươi rói. Với tôi, tiếng loa phường vẫn văng vẳng trước mặt. Từ những năm 1964-1965, giống như đa số các tỉnh đồng bằng, Hải Dương quê tôi đã có loa truyền thanh ở các làng xã, khu phố.
Hồi ấy ở hầu hết các hộ gia đình nông thôn, máy thu thanh (radio) và đồng hồ báo thức còn hiếm lắm. Nhân dân phải dựa vào loa truyền thanh để biết tin tức và mốc thời gian. Đài nói, tức là 5 giờ. Thích nhất là bản nhạc báo hiệu 6 giờ, 18 giờ, 21 giờ-một bản nhạc với giai điệu, tiết tấu rất cuốn hút người nghe. Nếu được phát trọn vẹn, nó dài tới 3 phút. Ngay sau khi bản nhạc kết thúc là 6 tiếng “tút”, tiếng cuối cùng cao vút lên. Âm thanh ấy đi vào tiềm thức của tất cả mọi người ở nơi có loa truyền thanh công cộng. Hồi đó đài truyền thanh cấp tỉnh có lịch mở cố định thường ngày ứng với các chủ đề, nội dung. Song chỉ phát 3 ca: 5 đến 7 giờ, 11 đến 12 giờ 30, 17 giờ 30 đến 22 giờ là ngừng. Hồi đó cũng không nói “chương trình phát thanh” như bây giờ mà nói “buổi phát thanh”. Ví dụ: “Đây là buổi phát thanh Vì an ninh Tổ quốc”, “Mời các bạn nghe buổi phát thanh dành cho thiếu nhi”. Các buổi phát thanh: Thời sự, Quân đội nhân dân, dân ca và chèo, khắp nơi ca hát, kể chuyện cảnh giác, sân khấu truyền thanh, tiếng thơ, thợ xây kể chuyện… được truyền qua loa phóng thanh công cộng, thu hút mạnh mẽ người nghe.
 |
Người dân nghe thông tin về tình hình trận "Điện Biên Phủ trên không" từ loa truyền thanh ở đầu phố Bà Triệu, Hà Nội, năm 1972. Ảnh: Tư liệu. |
Đấy là chương trình nội dung cơ bản, gọi theo ngôn ngữ bây giờ là “phần cứng”. Ngoài ra, có một “phần mềm” rất đặc biệt, chỉ mang duy nhất một nội dung. Đó là báo động máy bay địch, còn gọi là báo động phòng không. Nội dung này do Đài truyền thanh các tỉnh, thành phố tiến hành trong khoảng thời gian đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh phá hoại bằng hải quân và không quân ra miền Bắc. Nó không có lịch cố định mà được thực hiện vào những lúc máy bay địch ở gần, chuẩn bị xâm phạm hoặc đang bay vào không phận của tỉnh, thành phố. Đoạn truyền thanh báo động, với âm thanh đặc thù của phát thanh viên chuyên mục này: Rõ ràng, âm sắc và tốc độ nói phù hợp với nội dung từng loại báo động, tồn tại trong 3-4 năm liền, đã tạo nên cảm giác quen thuộc đối với người nghe: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Máy bay địch sắp (đang) bay vào không phận tỉnh ta. Đồng bào nhanh chóng xuống hầm trú ẩn. Các lực lượng phòng không sẵn sàng chiến đấu, quyết tâm bắn rơi máy bay địch”.
Những thông báo về máy bay địch đang đến, thường được lặp lại 3 lần liên tiếp. Nghe đài báo động, tất cả mọi người thực hiện theo. Khi đài báo yên: “Máy bay địch đã cách xa không phận tỉnh ta (hoặc là cách địa phận tỉnh ta 50/60 cây số), các cơ quan, trường học và đồng bào trở lại sinh hoạt bình thường. Nhưng phải đề cao cảnh giác, đề phòng máy bay địch lợi dụng thời tiết xấu, dùng tốp nhỏ vào đánh bất ngờ”. Thông báo yên được lặp lại 2 lần.
Cụ Nguyễn Đức Lập ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ, Hải Dương) đã qua đời hơn chục năm, sinh thời từng đánh 52.000 “hồi kẻng thông tin” các loại trong thời kỳ chống Mỹ và thời bao cấp tại địa phương từng kể rằng, một lượng không nhỏ trong số hồi kẻng nói trên là dành cho báo động máy bay. Ngay sau khi loa truyền thanh báo động, cụ căn cứ nội dung thông báo mà đánh kẻng. Máy bay địch cách tỉnh ta 50 cây số thì đánh hai tiếng một, kiểu bắn điểm xạ. Máy bay địch đang bay vào không phận tỉnh thì đánh chum ba hối thúc: Keng keng keng – Keng keng keng – Keng keng keng. Máy bay địch đã bay xa không phận tỉnh ta thì tiếng kẻng rải đều, gây cảm giác an bình…
Ở Thủ đô Hà Nội, đồng bào cũng không quên một ký ức đẹp trong chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” cuối năm 1972. Đó phát tiếng thanh viên Nguyễn Thị Thìn thuộc Xí nghiệp Truyền thanh Hà Nội đọc hiệu lệnh báo động máy bay trên loa truyền thanh, phủ khắp các phố phường: “Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội… cây số. Các lực lượng vũ trang sẵn sàng chiến đấu. Đồng bào cần bình tĩnh vào hầm trú ẩn”…
Ưu thế của loa truyền thanh công cộng
Loa truyền thanh công cộng quen thuộc là loa nén hình phễu, mắc quay về hướng có nhiều người nghe. Thiết kế đơn giản, dễ lắp đặt, rất phù hợp ngoài trời và công khai. Loa được chế tạo bằng kim loại không rỉ, bên ngoài phủ sơn tĩnh điện. Vì vậy loa tự chống hao mòn và chịu được thời tiết khắc nghiệt. Loa đem đến âm thanh lớn, rõ và chi tiết, hợp với việc thông báo trong không gian rộng. Chi phí không tốn kém so với các phương tiện truyền thanh khác. Loa truyền thanh phường thường là ở các cỡ công suất 10W, 15W, 25W, 30W. Loa được treo trên các vị trí cao nhất trong làng mạc, như ngọn cột điện, bờ tường, nóc nhà. Vì vậy, người đang đi đường, ở trong lớp học, trên đồng ruộng, ở chợ… cũng đều nghe thấy nội dung truyền thanh qua từ loa và ứng xử kịp thời với các tình huống được thông báo trên loa.
Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, khả năng truyền đạt tin tức nhanh, chính xác của các thiết bị tân tiến, hiện đại trong những buổi đầu đã có lúc đe dọa số phận loa phường.
Cách đây ít năm, tôi chứng kiến cuộc họp với chủ đề “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” tại một tổ dân phố thuộc địa bàn quận Long Biên. Cuộc họp tập trung giải quyết vấn đề “nóng sốt” về cái loa truyền thanh phường, trước đó đã nhiều lần bàn bạc nhưng chưa ngã ngũ. Hôm ấy có ông trưởng ban văn hóa phường đến dự, nên không khí rất sôi động.
 |
Biên tập bản tin tại Đài Truyền thanh phường Việt Hưng, quận Long Biên, TP Hà Nội. |
Ông trưởng ban văn hóa gợi mở, rằng ông đã có bản tổng hợp ý kiến của tổ dân phố rồi. Song, ông muốn được nghe bà con nói trực tiếp một lần, để giúp ông thuận lợi trong thực hiện chức trách. “Được lời như cởi tấm lòng”. Hàng chục người phải nhường nhau nói trước.
Tóm lại, có 3 lý do phải bỏ loa truyền thanh phường:
Thứ nhất: Do treo loa không đúng chỗ. Một ông nói: “Nếu cứ treo trên nóc cột điện ở cửa nhà tôi, thì tôi sẽ còn leo lên, chổng ngược nó lên trời. Loa cứ oang oang như sấm như sét, hỏi vào nhà các vị, các vị có chịu được không?” - Xem ra không có ai phản đối. Một bà tiếp: “Nhà tôi ở mãi trong hẻm phía đuôi cái loa. Hôm vận động ủng hộ bà con vùng lũ miền Trung, nói là có phát trên loa nhưng phía nhà tôi nào có ai biết. Sau đi chợ thấy mọi người nói, tôi mới hay”.
Thứ hai, về nội dung. Ông thợ mộc đầu ngõ phát biểu: “Truyền thanh gì mà cứ như ngẫu hứng. Hôm thì một cô đọc báo liền tù tì đến 20 phút, hay làm sao được bằng “tivi đọc”. Hôm thì nói mỗi cái việc thu tiền vệ sinh, xong rồi im tịt!”
Thứ ba là về phương tiện. Ông thầy chuyên dạy vi tính nói: “Thời đại @. Tivi 24/24h, Đài Tiếng nói Việt Nam, internet cập nhật liên tục, không đủ sức mà xem, cần gì phải loa truyền thanh cho mất đoàn kết, lại tốn kinh phí”.
Tưởng thế cũng đủ rồi. Bỏ loa truyền thanh đi là xong chuyện!
Về lý do phải duy trì loa truyền thanh, chỉ có 1 ý kiến. Đó là ý kiến của ông Hùng – cựu chiến binh, cán bộ quân đội nghỉ hưu: “Đài truyền thanh phường là tiếng nói của Đảng và Nhà nước ở địa phương. Cụ thể là của lãnh đạo - Ủy ban nhân dân phường, nhằm thông tin những vấn đề quan trọng và thiết thực mà các phương tiện truyền thông khác không đáp ứng được. Thí dụ như tình hình chuyển đổi cơ cấu sản xuất dịch vụ, chỉ đạo phòng chống dịch bệnh tại địa bàn phường, phù hợp với điều kiện sinh thái của ngay khu phố chúng ta. Rồi thì chuyện mở hội làng, chuyện ngừng cấp nước, sửa chữa điện. Ngay tuần trước, báo tin anh Khoa đánh rơi chìa khóa, giấy tờ xe ô tô... để ai nhặt được thì còn biết... Lại cả việc thông tin Bà mẹ Việt Nam Anh hùng 106 tuổi, đại thọ nhất phường…”.
Tất cả như ớ ra! Không truyền thanh nội bộ thì đúng là có gia đình như “ếch đáy giếng” thật đấy. Không khéo trở thành người lạc hậu ngay tại tổ, tại phường!
Được đồng chí trưởng ban văn hóa phường gợi ý, ông Tổ trưởng tổ dân phổ đĩnh đạc nói: “Tóm lại là cách làm. Cần truyền thanh thì đúng rồi. Nhưng nếu không biết cách làm thì bà con không ủng hộ cũng phải thôi! Bây giờ xin mọi người hiến kế cách làm”.
Thế là rôm rả như bàn việc làng. Cả những người ở bên “3 lý do” cũng hiến kế. Sẽ chuyển đổi chiếc loa 30W thành 3 loa loại 10W, đưa về treo ở ngọn cột điện trung tâm tổ dân phố, quay ra 3 phía, mở cường độ vừa đủ để mọi người nghe được. Kiến nghị với phường: Chương trình 20 phút hằng tuần phải nền nếp. Nội dung phải thiết thực, hấp dẫn. Ngoài ra, các vấn đề cần thông báo trên loa phải được làm kịp thời, vào lúc mọi gia đình có thể nghe được.
Đến đây lại phát sinh! kinh phí bảo đảm ở đâu và nhất là làm thế nào để “nội dung phải thiết thực hấp dẫn”. Khó thật. Một chủ doanh nghiệp giơ tay: “Việc loa sẽ có cách giải. Chúng ta nên bàn về nội dung!”. Chờ ông trưởng ban văn hóa “rỉ tai” xong, ông Hùng lại phát biểu: “Tôi có cách này. Ta kiến nghị mỗi chương trình của phường, ngoài phần thời sự ra, phải có ít phút để lãnh đạo phường trả lời ý kiến của dân. Bên cạnh đó, nêu một gương người tốt việc tốt trong phường và một tiết mục văn nghệ”. Tiếng trầm trồ rộ lên. “Hầy! trúng rồi! trúng rồi...”.
Ông Hùng cựu chiến binh lại tiếp: “Phần cứng kinh phí vẫn phải là nhà nước. Chúng ta không thể vì tiếc một chút tiền mà bớt đi cái quyền cũng như phủ định trách nhiệm của quần chúng về nghe thông tin thời sự của Đảng và chính quyền. Bởi có nghe thì dân mới biết mình đang ở trong tình hình nào và phải làm gì. Có nghe thì dân mới biết để để bàn, để làm và kiểm tra…”.
Đúng lúc đó, ông Trưởng ban văn hóa xin phát biểu. Ông hoan nghênh bà con đã nêu cao trách nhiệm đối với công tác truyền thanh của phường, lại có sáng kiến “lãnh đạo phường trả lời ý kiến của dân” trên loa. Ông bảo, như thế là tạo điều kiện để lãnh đạo và người dân gần nhau. Lãnh đạo phải tăng cường bám dân, bám thực tiễn, có trình độ thì mới trả lời được.... Các vấn đề dân có bức xúc cũng giải tỏa kịp thời, tránh đơn thư mất thời gian mà đôi khi phản tác dụng. Người tốt, việc tốt được biểu dương đúng lúc, cũng là ngăn ngừa tiêu cực. Ông nêu ý kiến: “Tiết mục văn nghệ hằng tuần sẽ phân cho các tổ dân phố đảm nhiệm. Mà phải do chính người dân của tổ thực hiện. “Vì vậy, cùng với xây dựng nền nếp dân hỏi, chính quyền trả lời, tổ ta cũng chuẩn bị văn nghệ đi thôi. Đến lượt là lên”...
Trước khi dừng lời, ông hứa là sẽ trình UBND phường những sáng kiến của bà con. Ồng sẽ tham mưu để phường ủng hộ cách làm này.
Như thế là đã rõ. Ông tổ trưởng dân phố tóm tắt, kết luận để thư ký ghi lại, ông đắc chí: “Đúng là tất cả đều là ở dân”. Tôi nghe thấy một chị thổ lộ với mấy người xung quanh: “Bà cụ nhà em mù lòa. Chỉ còn đôi tai để cảm nhận xã hội. Được biết quyết định này thì cụ vui lắm đây…
Sau hôm đó chừng nửa tháng, 3 cái loa truyền thanh tạo hình khóm hoa loa kèn giữa không trung. Cứ mỗi khi nghe tiếng loa cất lên, lại thấy có những người mang ghế ra ngồi hẳn ngoài hè phố để nghe.
 |
Loa phường vẫn rất cần thiết trong đời sống của người dân. Ảnh: Báo Tin tức. |
Loa phường với sự kiện đặc biệt
Khoảng 7 giờ sáng ngày 15-5, tôi đi qua phố Hoa Lâm, phường Việt Hưng (Long Biên, Hà Nội) đúng lúc loa truyền thanh vang vang trên nóc nhà cao, giọng nữ chuẩn: “Thông báo khẩn: Hà Nội yêu cầu người đã đến TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ ngày 1-5 đến 14-5 phải đến cơ sở y tế xét nghiệm gấp…”. Tiếp đó, toàn văn Văn bản khẩn số 146/SYT-NVY, ngày 14-5-2021 của Sở Y tế Hà Nội gửi Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã về việc rà soát, quản lý, xét nghiệm cho người từng đến TP Đà Nẵng trong khoảng thời gian đã nêu, được truyền đạt rõ, chi tiết. Mấy người đi đường dừng lại nghe hết văn bản rồi mới đi. Có người hối tốc, hình như để đến cơ sở y tế địa phương… Tiếp theo, tiếng loa truyền tin tức về bầu cử Quốc hội khóa 15 và Hội đồng nhân dân các cấp…
Tại trụ sở UBND phường Việt Hưng, tôi được đồng chí Giáp Thị Thanh Nhàn, Phó chủ tịch UBND phường cho biết, phường này đang duy trì 25 loa và cụm loa truyền thanh ngoài trời, phủ đều các địa bàn toàn phường. Lịch hoạt động thường xuyên có hai phiên: 6 giờ 30 và 17 giờ hằng ngày. Nội dung gồm: Tuyên truyền, phổ biến các văn bản chỉ đạo của các cấp trên và sự chỉ đạo, phân công thực hiện cụ thể của phường; đồng thời kêu gọi người dân tham gia. Những thời điểm có sự kiện đặc biệt, sự kiện quan trọng thì tăng cường độ hoạt động cả về số lần, cả về lưu lượng/lần với mọi lúc nhằm đáp ứng tối đa yêu cầu thông tin của các cấp cũng như nhu cầu biết tin tức của người dân. Hiện tại, loa truyền thanh phường đang phục vụ đắc lực, không kể ngày đêm cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và bầu cử Quốc hội khóa 15, bầu cử HĐND các cấp. Ban biên tập và kỹ thuật viên, phát thanh viên thường trực 24/24 giờ để cập nhật sự chỉ đạo và định hướng tuyên truyền của lãnh đạo phường…
Đồng chí Giáp Thị Thanh Nhàn Nhàn còn cho biết, sau khi ghi âm nội dung tuyên truyền, bộ phận đài của phường chuyển ngay file âm thanh ấy đến ban quản lý các tòa nhà chung cư - nơi chưa có đài phát thanh, để gửi tiếp theo mạng nội bộ của ban quản lý tòa nhà…
Buổi chiều, tôi sang làng Xuân Canh thuộc xã Xuân Canh, huyện Đông Anh, TP Hà Nội. Lúc 15 giờ, tôi gặp chị Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường Trung học cơ sở Xuân Canh đang tất tả đi về đầu làng. Tôi hỏi: “Cô giáo có việc gì mà bước vội thế?”. Chị Hằng dừng lại bày tỏ: “Dịch giã diễn biến phức tạp. Ngày bầu cử lại đang đến gần. Chúng tôi tham gia gác các chốt phòng, chống dịch của xã, bộ phận khác thì góp phần trang hoàng cho cuộc bầu cử nên tác phong lúc nào cũng khẩn trương…
Cũng đúng lúc ấy, loa truyền thanh của thôn Xuân Canh truyền đi giọng nam khỏe và vang đọc lý lịch người ứng cử, đề cử vào HĐND các cấp…, yêu cầu người dân phòng, chống dịch đồng thời với chuẩn bị sẵn sàng cho ngày bầu cử, cả hai đều phải thật tốt. Chị Hằng bảo: “Ông Lê Đức Nghĩa, phó trưởng thôn Xuân Canh đọc đấy ạ. Dịp này loa truyền thanh của làng hoạt động suốt ngày. Dạo trước, ở xã Xuân Canh có ca F1, nửa đêm loa còn đôn đốc việc “truy vết”, góp phần đắc lực vào thành công của xã trong công tác phòng, chống dịch”…
Trở về trên đường dọc theo đê Yên Phụ đến phía cầu Thăng Long, trời đã sâm sẩm tối, tôi vẫn thấy tiếng loa truyền thanh từ đâu đó phất phơ trong gió. Những cụm từ quen thuộc: “Bầu cử quốc hội”, “Thực hiện 5K”… văng vẳng, văng vẳng…
Đúng là, “Loa truyền thanh phường – một phần tất yếu của cuộc sống”.
Bài, ảnh: PHẠM XƯỞNG