Sau ngày 30-4-2008, nhà văn Nguyễn Bảo (Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội) nhận được một bức thư của bạn đọc Phạm Nguyên Nhung, số nhà 314, tổ 11, đường Phạm Văn Đồng, phường Xuân Hòa, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Thư có đoạn: “Chào mừng ngày thống nhất đất nước 1975-2008, báo văn nghệ phát hành số đặc biệt trên trang 12: Tác phẩm và dư luận có bài: “Nên đọc Thượng Đức trong dịp 30-4 của Văn Chinh”. Gia đình tôi rất xúc động khi đọc bài giới thiệu về cuốn sách này… Một nỗi khắc khoải băn khoăn: Liệu liệt sĩ Nga của gia đình chúng tôi có tham gia trận đánh cứ điểm Thượng Đức không? Và có phải liệt sĩ hy sinh ở đó không?… Với nguyện vọng tha thiết muốn tìm hiểu thêm về chiến trường Khu 5 ác liệt, về những gian khổ hy sinh của bộ đội ta… chúng tôi đã đến các thư viện, các hiệu sách ở Phúc Yên (nơi gia đình chúng tôi đang sinh sống) để tìm cuốn Thượng Đức mà không có. Tôi cũng điện thoại nhờ bạn bè quen biết ở Hà Nội tìm giúp nhưng cũng hơn 10 ngày rồi, anh em trả lời không tìm được… Mấy đêm trằn trọc thao thức, hôm nay tôi mạo muội viết lá thư chân thành này, xin được nhà văn giúp đỡ, vui lòng gửi cho gia đình chúng tôi một cuốn Thượng Đức”…

Nhận được lá thư trên, nhà văn Nguyễn Bảo đã gửi cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Thế Nga cuốn sách mà gia đình mong muốn.

Mấy ngày sau, nhà văn Nguyễn Bảo nhận được một lá thư khác dài 6 trang A4 của chính tác giả Nguyên Nhung. Được sự đồng ý của nhà văn Nguyễn Bảo, chúng tôi xin trích đăng bức thư này tới bạn đọc nhân ngày Thương binh, Liệt sĩ 27-7-2008.

Tượng đài chiến thắng Thượng Đức (ảnh internet)

“… 16 giờ ngày 10-5-2008, gia đình chúng tôi vui mừng nhận được cuốn tiểu thuyết Thượng Đức của đại tá gửi qua đường bưu điện. Lật trang đầu tiên tôi rưng rưng cảm động đọc dòng chữ: Tặng gia đình Liệt sĩ Nguyễn Thế Nga-người chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Khu 5!

Sự nhiệt thành của tác giả đối với độc giả thật đáng quý! Tình cảm và sự quan tâm của đại tá đối với nguyện vọng của gia đình liệt sĩ rất đáng trân trọng. Lẽ ra, tôi thay mặt gia đình viết thư cảm ơn gửi đến đại tá ngay song tôi cố nén lại để sau khi đọc xong Thượng Đức sẽ xin gửi đến đại tá tấm lòng biết ơn của gia đình chúng tôi, đồng thời muốn bày tỏ với tác giả những suy nghĩ, những cảm nhận của mình sau khi đã hào hứng và nghiêm túc đọc kỹ hơn 600 trang sách. Vốn ham đọc sách từ thuở học cấp 1, gia đình chúng tôi ngoài liệt sĩ Nguyễn Thế Nga là chú ruột, các em vợ tôi: Nguyễn Thế Tuyến, Nguyễn Thế Khanh, Nguyễn Thế Anh đều tham gia Quân đội nhân dân Việt Nam nên tôi đặc biệt quan tâm và yêu quý các tác phẩm văn học viết về lực lượng vũ trang trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Gia đình chúng tôi cũng là bạn đọc rất gắn bó thân thiết với Tạp chí Văn nghệ Quân đội từ những số đầu tiên mới phát hành.

Hơn một tuần lễ kể từ chiều 10-5-2008, tôi ngày đêm chăm chú, say mê và trân trọng đọc Thượng Đức. Lần thứ nhất đọc để hiểu được nội dung cuốn sách. Lần thứ hai đọc thật kỹ để cảm nhận sâu sắc, cụ thể từng chi tiết nhỏ của: bối cảnh, không gian, thời gian, địa điểm và diễn biến của các sự kiện diễn ra từ đầu đến cuối chiến dịch cùng số phận của các nhân vật.

Là một độc giả bình thường trong số đông người đọc hiện nay đã và đang đọc Thượng Đức, tôi chân thành bày tỏ với tác giả đôi điều tâm đắc: Trước hết, người đọc cảm động và trân trọng với lời tâm sự của tác giả: “Là những người tham gia chiến dịch Thượng Đức, chúng tôi cầu nguyện cuốn sách của mình trước hết được như nén tâm nhang viếng hương hồn cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, viếng hương hồn cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam-Đà Nẵng đã anh dũng chiến đấu hy sinh, mở ra một thời kỳ mới cho quê hương, cho đất nước”.

Với 21 chương, hơn 600 trang, Thượng Đức lấy tính trung thực làm đầu, lấy một chiến dịch cụ thể làm bối cảnh. Thượng Đức được viết với ngòi bút giàu cảm xúc, với cách nhìn đầy góc cạnh và sáng tạo, với thái độ khách quan, tôn trọng lịch sử nên có nhiều yếu tố hấp dẫn của tiểu thuyết sử thi và tư liệu.

Viết về một chiến dịch có ý nghĩa chiến lược, Thượng Đức có cơ sở lịch sử để tạo nên tính sử thi và tính hoành tráng của tác phẩm. Do trung thành với lịch sử, bám sát các sự kiện, biến cố và diễn tiến của một chiến dịch nên tác phẩm có tính tư liệu rất cao. Đó là kết quả của quá trình sưu tầm tư liệu công phu, là kết quả của những tháng năm dày công sáng tạo, hơn hết là sự đóng góp máu thịt của chính tác giả trên vùng đất ngoan cường và đau thương Đại Lộc để tạo nên sự thành công cho cuốn tiểu thuyết Thượng Đức: Một bức tranh chân thực bi tráng về cuộc chiến với nhiều nhân vật cả hai phía: Ta và địch.

Tác giả đã rất thành công khi xây dựng hai tuyến nhân vật rõ nét, phong phú, đa dạng và số phận, tính cách không theo cách nghĩ, cách hiểu thông thường.

Những nhân vật: Lê Trọng Tấn, Năm Công, Hai Mạnh, Nguyễn Chánh, Nguyễn Chơn, Lê Công Phê, Trần Bình, Hoàng Đan, Sáu Nam, Nguyễn Phước, Nguyễn Quỳ… là những con người thực với những công lao đóng góp, những sai lầm khuyết điểm, những thói quen, nết tốt, tật xấu khiến người đọc cảm thông, gần gũi và kính trọng phẩm chất họ.

Những nhân vật: Thủy, Cẩm Linh, Ngoãn, Toản, Tấn, Đồng, Khiết, Thế, Oánh, Nguyễn Thành, Nguyễn Hiếu là những nhân vật hư cấu nhưng tác giả đã kết hợp nhuần nhuyễn yếu tố hư và thực nên đạt được hiệu quả nghệ thuật cao. Người đọc luôn cảm thấy họ sống, chiến đấu và hy sinh trước mắt mình với mỗi người mỗi vẻ riêng biệt và sinh động, rất thực, rất thân quen gần gũi với chúng ta.

Phía địch với những nhân vật: Nguyễn Quốc Hùng, Hà Văn Lầu, Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Bá. Mỗi nhân vật đều được khắc họa bằng những nét riêng, độc đáo về tính cách và bản lĩnh khiến độc giả có cái nhìn thật về đối phương và qua đó, hiểu rõ hơn cái giá của chiến thắng ta giành được và cội nguồn sâu xa của nó.

Sự đánh giá chung của độc giả bình dân chúng tôi là: Thượng Đức là một cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử viết hay, trung thực, giàu cảm xúc, bố cục hợp lý, tiết tấu nhanh, văn phong sáng sủa, kết hợp nhuần nhuyễn nhiều yếu tố, tạo được hiệu quả nghệ thuật cao, hình tượng nghệ thuật sắc sảo, một cuốn tiểu thuyết đặc biệt xuất sắc trong những tác phẩm văn học viết về chiến tranh và người lính bằng cảm hứng phân tích, tổng hợp sự thật chiến tranh trên tinh thần trung thành với lịch sử.

Điều tôi muốn được thổ lộ riêng là: Linh cảm của tôi về chú Nga có liên quan đến chiến dịch Thượng Đức là có cơ sở:

Nhân vật Toản-Tiểu đội trưởng trinh sát Tiểu đoàn 9, sau vụ bắt tù binh thám báo bị điều lên Ban trinh sát trung đoàn rồi trở về lại đơn vị chiến đấu theo yêu cầu của Trung đoàn trưởng Nguyễn Quỳ sao mà giống tính cách của chú Nga đến thế?

Thông minh, tháo vát, quả cảm, quyết đoán, có lúc táo bạo đến liều lĩnh trong chiến đấu, lém lỉnh và hoạt khẩu đáng yêu khi tiếp xúc trong các quan hệ với đồng đội, với du kích cơ sở địa phương. Tôi cứ có cảm giác như chú Nga đã hóa thân vào nhân vật Toản!

Năm 1975, em trai của vợ tôi là Nguyễn Thế Tuyến, bộ đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng Sài Gòn, sau đó công tác tại Quân y viện Gò Vấp, về phép kể chuyện: Một đồng hương là cán bộ pháo binh điều trị tại quân y nói: Có gặp chú Nga khi qua sông ở An Điềm khi ông cùng đơn vị đưa pháo vào trận địa chuẩn bị đánh Thượng Đức năm 1974. Gia đình rất mừng và khắc khoải chờ tin của chú.

Đã 6 tháng trôi qua kể từ ngày 30-4-1975, Miền Nam hoàn toàn giải phóng! Làng tôi có gần 40 chiến sĩ đi chiến đấu ở chiến trường B nhưng đến lúc đó mới có được 3, 4 người viết thư và về phép, số đông vẫn bặt vô âm tín, trong đó có chú Nga!

Gia đình và họ tộc dự cảm đã có chuyện chẳng lành… Tháng 1-1976 đơn vị gửi giấy báo tử về: Liệt sĩ Nguyễn Thế Nga-B trưởng trinh sát. Đơn vị: thuộc K.N hy sinh ngày 7-9-1974 tại Mặt trận Quảng Đà. Mai táng tại: Nghĩa trang riêng của đơn vị gần mặt trận!

Đại tá cũng hiểu nỗi xót thương của gia đình chúng tôi giống như hàng ngàn vạn các gia đình khác có thân nhân hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Một nỗi đau riêng trong nỗi đau chung của dân tộc! Gạn lọc những thông tin ít ỏi có được về liệt sĩ, chúng tôi phỏng đoán: An Điềm là một địa danh thuộc Quảng Đà nhưng không biết cụ thể ở đâu?

Vào thời điểm năm 1976, không dễ tìm có được tấm bản đồ chi tiết của Quảng Nam-Đà Nẵng, hơn nữa, mạng lưới thông tin bưu điện chưa phát triển rộng rãi và phổ cập như ngày nay để có thể nhờ Tổng đài 1080 giúp đỡ. Đọc trang 9, 10 cùng bạn đọc-viết cho tái bản lần đầu-của đại tá. Tôi liên hệ với 1080 Quảng Nam xin số máy của Ủy ban nhân dân xã Đại Lãnh. Mấy phút sau đã nói chuyện được với đồng chí Chủ tịch xã.

Bởi vậy, mấy chục năm qua gia đình chúng tôi vẫn ấp ủ một hy vọng về một thông tin nào đó của đồng đội liệt sĩ.

Tôi sửng sốt bàng hoàng khi đọc đến trang 271 cuốn Thượng Đức (nguyên văn)… Chuông lại reo, đầu đằng kia là Trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo binh 8:

- Báo cáo tư lệnh. Khẩu pháo 85mm ở nam sông Côn kéo bằng tay đã được đưa vào trận địa, chỉ chờ lệnh.

- Còn hai khẩu ở hướng Bắc sông thế nào?

- Báo cáo, cũng chiếm lĩnh xong lâu rồi ạ. Chỉ còn một khẩu ở An Điềm, chúng tôi sẽ chuyển bằng thuyền, chắc chắn cũng sẽ tới vị trí đúng giờ quy định ạ!

An Điềm! Cái địa danh trong câu chuyện cậu em vợ kể năm 1975 về một cán bộ pháo binh đồng hương gặp chú Nga khi qua sông đưa pháo vào trận địa. Hơn 30 năm qua tưởng đã phôi pha trong trí nhớ bỗng lóe lên như một tia chớp. Tôi vội vã mở tấm bản đồ: An Điềm thuộc xã Đại Hưng, bên dòng sông Vu Gia, liền kề với xã Đại Lãnh (Thượng Đức). Tôi thầm cảm ơn tác giả!

Từ chi tiết đó suy ra:

- Chú Nga đã vào Khu 5 từ 1967, vậy chú không phải là quân của Sư đoàn 304 nên không trực tiếp đánh căn cứ Thượng Đức.

- Chú cũng không phải quân Sư đoàn 2 của Sư đoàn trưởng Nguyễn Chơn vì cùng thời điểm này, Sư đoàn 2 đang chuẩn bị đánh Nông Sơn (Nông Sơn thuộc huyện Quế Sơn). Vậy chỉ có khả năng chú là trinh sát của một đơn vị nào đó của Quân khu 5, phối hợp với quân dân Đại Lộc chuẩn bị cho chiến dịch.

Tôi băn khoăn suy nghĩ mãi về ngày hy sinh của chú: 7-9-1974, đúng một tháng sau khi bộ đội ta đã giải phóng Thượng Đức. Hay là chú hy sinh khi cùng Sư đoàn 304, Sư đoàn 324 và quân dân Đại Lộc đánh quân dù từ Đà Nẵng vào, qua đường 14 phản kích, hòng chiếm lại Thượng Đức. Trang 619 chương cuối cùng… (Nguyên văn: Suốt một tháng ròng rã, cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 304 mới nhận ra một điều: Đánh Thượng Đức đã khó nhưng giữ được Thượng Đức còn khó hơn nhiều). Như vậy, giai đoạn giữ Thượng Đức có thể là từ ngày 7 tháng 8-1974 đến ngày 7 tháng 9-1974 chăng? Tất cả những thông tin về liệt sĩ vẫn còn chưa biết được. Tuy vậy, gia đình chúng tôi vẫn chờ đợi và hy vọng như đã từng chờ đợi và hy vọng từ ngày chú lên đường đi chiến đấu tại Khu 5.

Riêng tôi, vẫn tồn tại một linh cảm trong mơ hồ: Một ngày nào đó, một đồng đội của chú đọc, nghe được tin nhắn tìm đồng đội của gia đình chúng tôi trên các phương tiện thông tin, sẽ tìm đến! Cũng như thư trước gửi đại tá, tôi viết: Tôi linh cảm thấy giữa liệt sĩ Nga của gia đình chúng tôi có một sự liên hệ nào đó với Thượng Đức. Quả đúng như vậy! Thượng Đức đã có những trang sách, những chi tiết rất quý giá đối với gia đình chúng tôi: Đó chính là địa bàn chú Nga đã có mặt cùng đơn vị trinh sát của mình. Đọc Thượng Đức, chúng tôi được hiểu rõ về chiến trường Quảng Đà, những gian khổ hy sinh của quân dân Quảng Đà nói riêng và Khu 5 nói chung trong giai đoạn ấy.

Một ý nhỏ nữa: Nhân vật Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thành-nguyên sinh viên khoa Ngữ văn-Đại học Tổng hợp Hà Nội dường như là bạn đồng môn một thời của tác giả? Hay chính là đoạn đời thực của tác giả trước khi vào chiến đấu tại Khu 5, đã được dùng làm nguyên mẫu cho một nhân vật?

Đây chỉ là cảm nhận riêng của một người đọc.

Trên ban thờ liệt sĩ, dưới tấm bằng Tổ quốc ghi công và Huân chương giải phóng là di ảnh của chú Nguyễn Thế Nga-(tấm ảnh chụp trước khi đi B, chú để lại gia đình). Chúng tôi xin trân trọng đặt cuốn Thượng Đức dưới ảnh liệt sĩ như một kỷ vật quý chú để lại, kể về quãng đời và vùng đất Quảng Đà nơi chú đã chiến đấu và hy sinh.

Với gia đình chúng tôi, cuốn Thượng Đức là một lời phân ưu, một lời an ủi, một nén tâm nhang của đồng đội cùng chiến đấu trên mảnh đất Quảng Đà.

Có một sự thôi thúc mãnh liệt trong tôi bắt nguồn từ cuốn Thượng Đức, dường như ngọn lửa tinh thần thiêng liêng của Thượng Đức đang tỏa sáng và vẫy gọi. Tôi sẽ thu xếp một chuyến đi thăm Quảng Đà vào thời gian gần đây nhất. Hy vọng sẽ có dịp viết thư gửi đến đại tá sau chuyến đi rất có ý nghĩa này.

Thay mặt gia đình, tôi xin gửi đến Đại tá-Nhà văn Nguyễn Bảo lời cảm ơn chân thành. Kính chúc tác giả và gia đình nhiều sức khỏe, hạnh phúc…”.

Xuân Hòa ngày 19-5-2008

Thay mặt gia đình liệt sĩ Nguyễn Thế Nga

Nguyễn Thị Quế (cháu gái)

Phạm Nguyên Nhung (cháu rể)