Liệt sĩ Phạm Khắc Duyến

Tháng 6-1974, vừa học hết năm thứ nhất Trường đại học Bách khoa Hà Nội thì Phạm Khắc Duyến nhận được giấy gọi nhập ngũ, vào đoàn 304B.

Trong lá thư đầu tiên gửi về cho gia đình, anh động viên bố mẹ: “Ba mẹ hãy tin tưởng ở con, con không phụ lòng mong mỏi của gia đình đâu… Trong thời gian qua, con đã tiếp thu và trang bị cho mình nhiều điều bổ ích, đó là kết quả của sự rèn luyện trong một trường đại học tổng hợp lớn nhất - Trường đại học quân đội”.

Và đúng thế thật, sơ kết tháng huấn luyện thứ hai, Duyến viết thư về khoe: “Trung đội con bắn khá nhất đại đội và tiểu đội con bắn giỏi nhất tiểu đoàn. Có thể tới đây con sẽ được đi thi bắn toàn đoàn…”.

Đầu tháng 11-1974, Duyến viết thư cho bố: “Giờ đây chúng con đã viết quyết tâm thư đi chiến đấu và sẵn sàng nhận mọi nhiệm vụ mới. Ba hãy tin tưởng rằng con sẽ vượt qua được mọi thử thách để hoàn thành mọi nhiệm vụ của Tổ quốc giao cho. Mỗi bước đi của con đều được soi sáng bởi con đường của thành quả cách mạng mà ba đã phấn đấu và cống hiến. Hình ảnh người cha già luôn bên con và động viên con trong những lúc khó khăn, gian khổ nhất. Còn vinh dự nào hơn, hạnh phúc nào hơn được hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Đó là lý trí, là phẩm chất của thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh”.

Cuối tháng 11-1974, trước khi lên đường vào chiến trường miền Nam, Duyến viết thư cho người em trai kề cận đang là sinh viên Trường đại học Bách khoa: “Hãy đừng là một sinh viên xoàng, cũng như anh không thể là một người lính tồi được. Tổ quốc, nhân dân và ba mẹ cần sự nỗ lực của chúng ta vì chúng ta là thế hệ thanh niên thời đại Hồ Chí Minh… Anh mong em sẽ không ngừng phấn đấu, tu dưỡng theo gương những người cộng sản cho chủ nghĩa cộng sản. Đó là con đường mà ba đã đi, bao nhiêu thế hệ thanh niên đã phấn đấu, hy sinh và anh cũng đang phấn đấu, hy sinh cho sự nghiệp đó”.

Ngày đầu tiên năm 1975, Duyến viết về cho bố: “Hôm nay con đã đến Vĩnh Linh. Đơn vị dừng lại 5 ngày, con tranh thủ viết cho ba. Đây là trạm cuối cùng ở miền Bắc và là trạm đầu tiên của “Đường mòn Hồ Chí Minh”.

Ba có được khỏe không? Con hiểu rằng, ba suốt đời tận tụy vì sự nghiệp của Đảng, vì chúng con, vì sự nghiệp gang thép của Tổ quốc…

Thật hạnh phúc cho con trong cuộc hành quân này lại được thưởng thức thêm nhiều phong cảnh của đất nước và được đến những nơi đầy sự tích anh hùng của dân tộc. Con đã đi qua những hố bom, hai bên đường màu xanh bắt đầu mọc lên và những đơn vị thanh niên xung phong đang khẩn trương sửa đường cho xe chạy. Con đã được sống ở dải đất miền Trung quê hương và tưởng như ngày nào bóng dáng của ba đã in lên những nẻo đường. Con đã qua sông Lam, đã nhìn thấy dãy Hồng Lĩnh, đi qua Đèo Ngang và tắm biển miền Trung. Lên đến đỉnh Đèo Ngang nhìn xuống, phong cảnh như một bức tranh tuyệt vời ba ạ! Con đường uốn quanh co và đoàn xe quân sự soi đèn chạy như một thành phố di chuyển. Biển trải ra vô tận hòa liền với bầu trời. Sóng vỗ rì rầm tung bọt trắng xóa. Những dải mây vờn quanh núi như những dải lụa đang bay…”.

Nhưng Duyến không chỉ hòa tâm hồn mình vào phong cảnh hùng vĩ của đất nước mà anh còn thấy con người đang làm chủ đất nước, thấy được lòng dân, sức mạnh của nhân dân, sự chuyển mình của cả một dân tộc. Trong một lá thư gửi về cho gia đình, Phạm Khắc Duyến viết: “Con đã qua phà sông Gianh, Nhật Lệ đến thăm đơn vị dân quân lần bắn cháy tàu chiến địch. Giờ đây con đang ngồi trên một cồn cát, đằng sau là biển, rừng phi lao gió thổi vi vu nhìn ra con đường chiến lược. Ba ạ, những đoàn xe liên tiếp chạy như những con thoi chở không biết bao nhiêu người và vũ khí đạn dược, của cải cho miền Nam. Vào đây càng thấy rõ lực lượng ta lớn mạnh và cách mạng thuận lợi hơn bao giờ hết. Nhân dân tốt vô cùng và thật là kiên cường ba ạ. Dân ở đây nghèo hơn ngoài Bắc vì chiến tranh liên miên nhưng luôn dành mọi thuận lợi cho bộ đội. Có người dỡ cả nhà mình ra làm đường cho xe chạy và không mấy khi không có bộ đội ở nhờ. Dân quân được trang bị như bộ đội và trình độ chiến đấu rất cao, họ vừa mới bắt được một toán biệt kích đấy ba ạ. Con luôn luôn được sống trong tình thương yêu đùm bọc của nhân dân, ba không phải lo cho con gì cả”.

Liệt sĩ Phạm Khắc Duyến (người đứng thứ 6, hàng thứ nhất, từ trái sang) cùng các bạn sinh viên ở Trường đại học Bách khoa

Giữa tháng giêng năm 1975, Duyến và đơn vị dừng chân trên đất Lào, bên con đường chiến lược nối liền ba nước Đông Dương. Sắp đến Tết rồi, người chiến sĩ dẫu tinh thần kiên định, lòng hăng hái đến đâu thì vẫn nhớ nhà, nhớ tổ ấm gia đình. Duyến viết thư cho em trai: “Sắp Tết rồi, những ngày này anh lại nhớ em, nhớ nhà. Chưa năm nào anh em ta ăn Tết xa nhau. Anh như cảm thấy cùng em chuẩn bị cho ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Anh lại cùng em xay đỗ, rửa lá, chẻ củi, gói bánh, quét vôi trang trí nhà cửa… Anh sẽ hướng ra miền Bắc và đón giao thừa bằng những tràng súng AK và pháo to, pháo nhỏ tấn công vào hang ổ quân giặc. Em có nghe thấy không, bắt đầu vào mùa xuân của dân tộc ta rồi đấy, mùa của “Tin mừng thắng trận nở như hoa” ấy mà”.

Đó là bức thư cuối cùng chấm dứt mối liên lạc giữa Duyến với gia đình!

Đêm 16 rạng ngày 17-3-1975, Trung đoàn của Duyến tập kích vị trí Giá Ray, huyện Xuân Lộc - tỉnh Bình Tuy (tên gọi lúc đó) do chiến đoàn 52 ngụy chiếm giữ. Duyến cùng 6 anh em khác được chọn làm mũi thọc sâu, có nhiệm vụ tiêu diệt lô cốt cố thủ của địch ở trung tâm vị trí. Trung đội trưởng Thất - người chỉ huy trực tiếp của liệt sĩ Phạm Khắc Duyến xúc động kể: “Mở xong cửa mở thì tôi bị thương ở mắt, không tiến lên được nữa. Trung đội phó cũng bị thương gẫy một bên răng. Đồng chí Duyến đã xung phong cầm súng B40 xông lên tiếp tục chiến đấu. Anh Duyến đã bắn liên tiếp những phát đạn B40 chính xác, chặn đứng hỏa lực của địch, giúp cho các mũi tiến công khác tiếp cận và tiêu diệt những mục tiêu còn lại. Khi quân ta sắp giành được thắng lợi, thì một tràng trung liên của địch đã bắn thẳng vào Duyến, khi đó anh đang quỳ bắn quả đạn B40 cuối cùng. Anh hy sinh lúc một giờ sáng. Kết thúc trận đánh, anh em trong đơn vị đã đưa thi thể Duyến về vị trí tập kết ở trong rừng và chôn cất cùng ba đồng chí khác bên bờ sông Ray”.

Liệt sĩ Phạm Khắc Duyến đã chiến đấu dũng cảm và ngã xuống trên chiến trường, trong đáy ba lô của Duyến, vẫn còn một lá thư đang viết dở, chưa kịp gửi về cho gia đình: “… Còn vinh dự nào hơn, hạnh phúc nào hơn được hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp giải phóng Tổ quốc. Đó là lý trí, phẩm chất của thế hệ thanh niên Hồ Chí Minh”.

Bài và ảnh: NGỮ PHAN