Ông Quỳnh Phương dạo khúc nhạc với cây đàn Abell.

Căn bệnh đau thần kinh khiến ông nằm liệt giường hơn tháng nay, ở bản Ba Lách (xã Hương Lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế). Biết tôi muốn tìm hiểu những nhạc cụ của người dân tộc Cơ Tu, ông đã gắng gượng ngồi dậy, dồn hết sức lực để gửi “tiếng lòng” vào những nhạc cụ mà ông gìn giữ. Bây giờ, chỉ còn duy nhất mình ông biết làm ra và sử dụng những loại nhạc cụ đó giữa nơi núi rừng A Lưới...

Ông tên Quỳnh Phương, người dân tộc Cơ Tu, sinh năm 1935, từng là chiến sĩ Đại đội 12, bộ đội địa phương tỉnh Thừa Thiên-Huế, trực tiếp đánh giặc trên một vùng đất trải dài từ thung lũng Asho (A Lưới) đến Phú Lộc. Một chút năng khiếu cùng với quá trình truyền nghề, rèn giũa của người cha khiến ông “thuộc nằm lòng” cách chơi, cách làm các loại nhạc cụ của người Cơ Tu. Những điệu nhạc của Quỳnh Phương từng làm biết bao cô gái ngẩn ngơ, làm sống dậy cả núi rừng Trường Sơn vào mùa lễ hội... Đặc biệt, tiếng đàn, tiếng sáo của ông thổi hồn vào những ca khúc cách mạng nghe vừa quen, vừa lạ, khi bay vút tận trời cao, khi lại ầm ào như thác chảy... Đồng đội của ông ở Đại đội 12 thuở ấy, trước giờ xuất trận, bao giờ cũng tìm đến để nghe những điệu nhạc của Quỳnh Phương...

Nhạc cụ đầu tiên ông Quỳnh Phương giới thiệu với tôi là cây sáo A Hen. A Hen theo nghĩa của người Cơ Tu là gọi bạn. Cây sáo nhỏ xíu (chỉ nhỉnh hơn điếu thuốc lá chút ít) nhưng dưới những ngón tay chai sần, to bè và hơi thổi nặng nhọc của ông Quỳnh Phương, vẫn vang lên réo rắt, thiết tha. Tiếng sáo khiến người vợ của ông mỉm cười. Nụ cười méo mó vì tuổi tác nhưng vẫn vương vấn nét thẹn thùng, e ấp của một thời con gái. Tiếng sáo vừa dứt, giọng của ông Quỳnh Phương đã chìm trong hồi tưởng. Ngày trước trai tráng Cơ Tu ai cũng biết làm và biết thổi A Hen. Người con gái Cơ Tu dù đang làm gì, chỉ mới nghe khúc dạo đầu của tiếng sáo A Hen là nhận ngay ra đó là chàng trai đang ngỏ lời với mình. Rồi tiếng sáo ấy như một thứ bùa ngải, quyến luyến đôi chân cô gái bước thấp, bước cao rời khỏi nhà sàn đi vào tận rừng sâu theo người thổi sáo để nên vợ thành chồng... Còn bây giờ, con trai Cơ Tu đi tìm vợ thì sắm cái đài cát-sét thật to... Nhiều loại nhạc cứ bủa vây quanh nhà cô gái suốt đêm này qua đêm khác, khiến bản làng mất ngủ, mà cô gái vẫn chưa xiêu lòng.

Ông Quỳnh Phương lại với lấy cây đàn Tb’lưng. Dưới những ngón tay chai sần, to bè của ông, tiếng đàn như mời, như gọi, cuốn theo những bước chân người trong lễ hội đâm trâu. Có lúc, tiếng đàn lại tỉ tê điệu Neatợp (điệu khóc con trâu vừa bị đâm chết). Còn với cây đàn Abell - cây đàn chỉ dùng khi có việc buồn, dưới sự điều khiển bằng đầu lưỡi và những ngón tay của ông, nghe thật ai oán, não nề. Ông bảo: “Tiếng đàn này là tiếng khóc thực sự từ con tim của người đánh đàn”.

Nếu tiếng sáo A Hen, tiếng đàn Tb’lưng, tiếng đàn Abell của ông Quỳnh Phương khiến người nghe trôi miên man, dồn dập trong cảm xúc thì tiếng muông thú và cả tiếng gió, tiếng suối của rừng lại như tụ hội cả nơi cái tù và cùng hơi thổi của ông. Thời trai trẻ, ông thổi tù và sừng sơn dương cả ngày không biết chán. Tiếng tù và của ông làm con chim, con thú tưởng nhầm là tiếng của đồng loại, từ rừng sâu kéo về đứng lấp ló quanh nhà sàn...

Trong bộ nhạc cụ của ông Quỳnh Phương còn có thêm cây khèn 14 ống, bộ trống nhỏ, trống lớn... Trò chuyện cùng tôi, ông cho biết: “Giữ tiếng đàn, tiếng sáo truyền thống của người Cơ Tu ngoài năng khiếu chưa đủ mà cái cần nhất là phải tâm huyết với nó”. Ví như muốn làm một cây sáo A Hen có khi phải lặn lội trong rừng hàng chục ngày trời mới tìm được cây nứa ưng ý. Hay muốn chiếc tù và có tiếng giống như tiếng muông thú phải vào tận Quảng Nam lùng mua sừng sơn dương... Cũng vì sống chết với tiếng đàn, tiếng sáo mà ông nghèo vẫn hoàn nghèo. Cứ lúc nào cộng đồng người Cơ Tu, không chỉ ở A Lưới mà cả ở Quảng Nam, có việc vui, việc buồn là ông lại bỏ việc nhà mang tiếng đàn, tiếng sáo ấy đến với họ. Ông nghèo họ cũng nghèo. Biết vậy nên chẳng bao giờ ông đòi hỏi ở họ sự trả công mà điều ông vui nhất là tiếng đàn, tiếng sáo Cơ Tu vẫn sống, vẫn tồn tại.

Sống, chết với những nhạc cụ của người Cơ Tu, ông Quỳnh Phương đã không tiếc công sức để truyền nghề cho thế hệ sau. Nhưng cho đến bây giờ, mong mỏi của ông vẫn là vô vọng. Cũng có nhiều người tìm đến ông để học nghề. Họ say tiếng đàn, tiếng sáo cổ truyền đó nhưng chính nỗi lo miếng cơm, manh áo hằng ngày mà chẳng còn ai theo đuổi nó nữa. Ngay ở xã Hương Lâm nơi ông đang sống, thành lập hẳn một đội văn nghệ chuyên hát các làn điệu Cơ Tu và ông cũng đã cất công dạy nhạc cho họ cả tháng trời. Nhưng dần dần, họ cứ lần lượt bỏ cuộc.

Những phút giây thả hồn vào tiếng đàn, tiếng sáo để cất lên “tiếng lòng” mình làm ông Quỳnh Phương kiệt sức. Ông nặng nhọc nằm xuống rồi thiếp đi. Buổi tối A Lưới lành lạnh. Từng cơn gió rừng miên man cứ gợn lên trong tôi câu hỏi: Nếu như ông Quỳnh Phương có mệnh hệ gì thì tiếng đàn, tiếng sáo, tiếng khèn của người Cơ Tu nơi vùng đất A Lưới này có theo ông mà đi hẳn?

Bài và ảnh: HỒ LĨNH